Để triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) Yên Viên - Ngọc Hồi, trong thời gian tới, ga Hà Nội và ga Giáp Bát sẽ được di dời về ga Thường Tín, bàn giao mặt bằng cho dự án.
Dự án đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi giai đoạn 1) được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2008, thời gian thực hiện từ năm 2007-2017; đến năm 2017 được phê duyệt điều chỉnh với dự kiến thực hiện từ năm 2017-2024. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Tổng mức đầu tư của dự án đến nay ở mức hơn 80.000 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các hạng mục thuộc đường sắt quốc gia trong tổ hợp ga Ngọc Hồi, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan của dự án đường sắt đô thị Hà Nội Yên Viên - Ngọc Hồi để UBND TP. Hà Nội chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư khu Depot và dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi theo thẩm quyền.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan di dời cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như ga Hà Nội, ga Giáp Bát để bàn giao mặt bằng cho UBND TP. Hà Nội triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi.
Làm rõ hơn thông tin về việc di dời hạ tầng ga Hà Nội và ga Giáp Bát để nhường đất cho đường sắt đô thị, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đường sắt quốc gia qua Hà Nội đi theo các tuyến vành đai phía Đông, kết nối Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi và vành đai phía Tây kết nối Ngọc Hồi - Thạch Lỗi (không đi vào trung tâm TP. Hà Nội).
Các đoạn đường sắt quốc gia hiện hữu Ngọc Hồi - Yên Viên và Gia Lâm - Lạc Đạo sẽ chuyển thành đường sắt đô thị sau khi tuyến vành đai phía Đông đưa vào khai thác. Như vậy, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt, đường sắt quốc gia sẽ dừng lại tại tổ hợp ga Ngọc Hồi. Vì vậy, hạ tầng các ga Hà Nội, Giáp Bát sẽ được bàn giao để sử dụng cho ga đường sắt đô thị.
Khu tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 151,8 ha trên tổng diện tích 171 ha quy hoạch với mục tiêu trước mắt đảm bảo hoàn trả chức năng của ga Hà Nội và ga Giáp Bát. Trong đó, phần đất để xây dựng các khu chức năng trong tổ hợp là 95,2 ha với các hạng mục chủ yếu như: xây dựng các khu chức năng đơn vị quản lý tàu đô thị, đơn vị quản lý đầu máy, đơn vị quản lý toa xe hàng, một phần ga hàng, đơn vị bảo dưỡng cơ sở hạ tầng đường sắt đô thị...
Trong thời gian thực hiện dự án tổ hợp ga Ngọc Hồi, toàn bộ cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như các ga Hà Nội, Giáp Bát sẽ được di dời tạm thời về ga Thường Tín. Nhà ga này cách ga Hà Nội khoảng 20 km, nằm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Ga Hà Nội trước năm 1975 gọi là ga Hàng Cỏ, xây dựng vào năm 1902, cùng với cầu Long Biên là hai hạng mục của đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đây là nơi tập kết, xuất phát của những chuyến tàu "Nam tiến" nổi tiếng trong lịch sử đất nước, đưa hàng triệu bộ đội từ Bắc vào giải phóng Miền Nam.
Năm 1972, bom Mỹ đã đánh sập nhà đại sảnh ga Hàng Cỏ, các chuyến tàu phải chuyển sang khởi hành vào ban đêm. Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ga được đổi tên thành ga Hà Nội. Nhà đại sảnh được xây mới lại, các tuyến đường sắt nối Hà Nội với cả nước trở thành mạch máu vận tải vô cùng quan trọng.
Nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của hàng không, đường bộ, đường thuỷ, vai trò của đường sắt đã giảm đi đáng kể. Đồng thời, vị trí đầu mối vận tải đường sắt liên tỉnh nằm sâu trong trung tâm đô thị của ga Hà Nội cũng đã cho thấy nhiều bất cập. Nhưng ga Hà Nội lại tiếp tục được lựa chọn làm đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô với hai tuyến đường sắt đô thị đi qua.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới thì ga Giáp Bát và ga Hà Nội vẫn giữ nguyên, không phá bỏ mà chỉ chuyển đổi công năng, từ ga đường sắt quốc gia thành ga đường sắt đô thị, trong đó ga Hà Nội sẽ được nâng lên thành ga trên cao nhiều tầng, đóng vai trò là ga trung chuyển.
Ông Lê Trung Hiếu - Phó trưởng Ban Quản lý đướng sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội, cho hay, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đang triển khai công tác tiếp nhận ga Hà Nội và Giáp Bát để đưa vào mạng lưới ĐSĐT của TP. Cụ thể, các nhà ga Hà Nội, Giáp Bát nằm trong tiến trình bàn giao dự án tuyến ĐSĐT số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, hiện đang tiến hành các bước thủ tục. Vị lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cũng khẳng định: "Việc chuyển đổi hẳn ga Hà Nội thành ga ĐSĐT là chuyện của nhiều năm nữa. Nhưng chắc chắn khi thực hiện, mục tiêu bảo tồn, giữ gìn dáng vẻ nhà ga sẽ được đặt lên hàng đầu".
Theo quy hoạch mạng lưới ĐSĐT Thủ đô, ga Hà Nội sẽ có cả phần ngầm, phần nổi và trên cao. Khi trở thành ga ĐSĐT, ga Hà Nội sẽ được đặt trong một tổng thể kiến trúc đô thị đặc trưng. Việc cải tạo nhà ga cho tương thích với tổ hợp kết cấu đó cần phải được hoạch định, nghiên cứu, đánh giá tỉ mỉ để đảm bảo vừa chuyển đổi công năng thành công vừa giữ lại nét kiến trúc lịch sử của một ga Hàng Cỏ đã cùng Thủ đô đi qua hàng trăm năm thăng trầm.