Doanh nghiệp tại TP.HCM gặp khó khăn vì thiếu vốn

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng cho biết, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã điều chỉnh lại hoạt động phù hợp với các điều kiện hiện tại, nhưng áp lực lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là thiếu vốn, cùng với đó là giá nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao.
LÝ TUẤN
10, Tháng 06, 2021 | 13:50

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng cho biết, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã điều chỉnh lại hoạt động phù hợp với các điều kiện hiện tại, nhưng áp lực lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là thiếu vốn, cùng với đó là giá nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao.

Ngày 10/9, tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các chuyên gia, doanh nghiệp đã đưa ra các kiến nghị và giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang gặp phải do ảnh hưởng của dich COVID-19.

Doanh nghiệp gặp khó khăn vì thiếu vốn

Phát biểu tại hội nghị, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết, qua khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp của HUBA bằng hình thức online thì có đến 84% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn do ảnh hưởng trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 này, trong đó, 40% khó khăn đến từ việc thiếu vốn, thị trường bị ảnh hưởng và thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm 52%, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.

Theo ông Chu Tiến Dũng, mặc dù một số doanh nghiệp ở một số ngành công nghiệp trọng yếu đã nhanh chóng kết nối lại được nguồn nguyên liệu; điều chỉnh lại hoạt động phù hợp với các điều kiện hiện tại cùng với khả năng tiêu thụ sản phẩm nhưng đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm.

8G9A9398

Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với chủ đề "TP.HCM đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép" diễn ra vào sáng này (10/6). Ảnh: HMC

Bên cạnh đó, Chủ tịch HUBA cũng cho rằng, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiếp rất thấp. Một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất …đối với doanh nghiệp tuy đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Trước thực tế đó, đại diện HUBA đã đề nghị lãnh đạo TP.HCM triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo nghị định 52/2021/NĐ-CP; các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành cần khắc phục các rào cản mà lần hỗ trợ thứ nhất các doanh nghiệp gặp phải.

Đồng thời, TP.HCM cũng sớm ban hành gói hỗ trợ riêng của thành phố, quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các yếu tố chi phí sản xuất cho doanh nghiệp (tiền điện, chi phí vận chuyển, phí giao thông, cảng biển), chăm lo công tác an sinh xã hội cho công nhân mất việc, phải ngừng nghỉ chờ việc theo cách của TP.HCM.

“Đặc biệt, thành phố cần hỗ trợ các doanh nghiệp đang phải bố trí nhà ở, khu lưu trú tạm cho công nhân để duy trì sản xuất do chấp hành các quy định cách ly xã hội, cũng như hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất hay thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất… Mặt khác, TP.HCM cần ban hành gói hỗ trợ riêng đặc thù cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, phải ngừng sản xuất kinh doanh như ngành du lịch, dịch vụ”, Chủ tịch HUBA kiến nghị.

Về phía ngân hàng, ông Chu Tiến Dũng đề nghị tiếp tục xem xét, nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp cho doanh nghiệp sản xuất bớt khó khăn. Đồng thời, khuyến khích ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh; cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vaccine, cơ sở điều trị. Ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp hỗ trợ vốn mua nguyên vật liệu dự trữ cho sản xuất và xuất khẩu.

Ngoài ra, đại diện HUBA cũng đề nghị lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Chính phủ có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể về Chương trình tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho công nhân, người lao động. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp có điều kiện có thể chủ động sớm mua vaccine tiêm phòng cho công nhân của mình.

6 giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm

Tại hội nghị, thay mặt cho các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm đang bị ảnh hưởng cho dịch bệnh COVID-19, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, khó khăn nhất của ngành lương thực, thực phẩm hiện nay là thiếu nguyên liệu sản xuất, chưa kể giá thành một số nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng vài chục phần trăm.

Trong đó, các loại gia vị phụ gia nhập khẩu tăng 5 - 10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15 đến 70%, bao bì tăng từ 10-15%, găng tay cao-su tăng 300%... Các nguyên liệu nội địa như gạo, thủy sản, đường… do bị mất mùa và giảm sản lượng cũng tăng từ 5 đến 20%. Các nguyên liệu nhập khẩu làm thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu,… tăng từ 10-15%, thậm chí có thời điểm tăng đến 30%. 

Ngoài ra, giá xăng nhập khẩu lại tiếp tục tăng, đang đẩy giá xăng trong nước cũng đi lên và khiến các chi phí đi kèm tiếp tục nhích lên. 

"Tất cả các yếu tố này đã làm tăng cao chi phí sản xuất các sản phẩm đầu ra chủ lực của ngành chế biến thực phẩm từ trứng, thịt heo, thịt gà, thủy sản… Trong khi đó, ở thời điểm hiện nay khi sức mua từ thị trường yếu mà giá đầu vào tăng cao. Ngược lại hàng hóa bán ra lại phải kìm giá để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng. Chưa kể, doanh nghiệp trong ngành này cũng đang phải gánh chi phí cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cao gấp 2 - 3 lần so với điều kiện sản xuất bình thường", Phó Chủ tịch FFA cho hay.

Trước những khó khăn trên, đại diện FFA đã kiến nghị TP.HCM cần triển khai gấp rút 6 giải pháp mạnh.

Thứ nhất, TP.HCM cần chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và lực lượng kiểm tra các chốt tại chỗ tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu từ nơi sản xuất, kho hàng đến điểm bán hàng bình ổn thị trường, khu cách ly tập trung, khu dân cư bị cách ly, bệnh viện… trong mọi tình huống.

Thứ hai, tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” giữa các tỉnh thành, với doanh nghiệp TP.HCM trong thời gian gần đây diễn ra phức tạp, làm gián đoạn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, bất cập trong việc vận chuyển, phân phối hàng hóa giao thương qua lại.

Đây là vấn đề đi ngược với chủ trương thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ là vừa phòng chống dịch COVID-19 nhưng vẫn phải phát triển kinh tế. Do vậy, TP.HCM sớm có văn bản trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để đảm bảo cho hoạt động lưu thông hàng hóa không bị đình trệ, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Thứ ba, TP.HCM nghiên cứu, chủ động nguồn vaccine COVID-19 nhằm sớm triển khai tiêm diện rộng cho người lao động, nhất là tại các khu cụm công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất ngành trọng yếu của thành phố, những nơi có nguy cơ cao và là huyết mạch sống còn của nền kinh tế, an sinh xã hội. Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho các nhà máy sản xuất các mặt hàng thiết yếu, ngoài lực lượng của doanh nghiệp, rất cần Nhà nước hỗ trợ thêm về các vấn đề liên quan đến y tế, vệ sinh, phun khử khuẩn...

Thứ tư, cần có cơ chế tác động đến các đơn vị bán lẻ rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng nhằm tăng khả năng lưu động vốn của các doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thiết yếu.

Thứ năm, TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kho lạnh. Đây chính là vấn đề thiết thực đối với một quốc gia mà nông nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng cao, không chỉ phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm mà cả ngành thủy sản Việt Nam. Và để làm được điều này, TP.HCM đề xuất xin cơ chế từ Chính phủ, chỉ cần hỗ trợ về mặt chính sách, bao gồm hỗ trợ về vốn vay dài hạn, lãi suất ưu đãi, thuế… để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư phát triển các hệ thống kho này, góp phần làm tăng giá trị hàng hóa, tạo dựng chuỗi liên kết cho các hộ sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cuối cùng về phía ngân hàng nhà nước, sớm bổ sung các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu vào danh sách các đối tượng được hỗ trợ các chính sách về miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay...

Song song đó, cho phép áp dụng việc điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp từ 70% như hiện nay lên 85% đối với những doanh nghiệp đang làm ăn có uy tín, giúp doanh nghiệp tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn, tạo cơ sở để doanh nghiệp tăng dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm, góp phần bình ổn thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ