'Cộng sinh' giữa doanh nghiệp ngoại và nội

Doanh nghiệp FDI là nhân tố quan trọng, đóng góp vào việc tạo thêm việc làm, tăng sản lượng công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
TS. VŨ TIẾN LỘC (Chủ tịch VCCI)
04, Tháng 03, 2018 | 07:00

Doanh nghiệp FDI là nhân tố quan trọng, đóng góp vào việc tạo thêm việc làm, tăng sản lượng công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

doanh nghiep FDI

 Khu vực FDI đã đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tác và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 

Hiện nay, khu vực FDI đã đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tác và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, FDI đã hiện diện trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, kể cả những ngành mà doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư. Đầu tư bài bản hơn, công nghệ cao hơn và đáng lưu ý FDI thậm chí đang nhận được những ưu đãi lớn hơn so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước như trong tiếp cận đất đai, ưu đãi về thuế… 

Với tiềm lực mạnh hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước về vốn, công nghệ, quản trị, kết nối thị trường, lại ít bị tác động hơn bởi những rào cản từ thể chế, các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng vượt lên nắm giữ tỷ trọng ngày càng cao trong những lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế như công nghiệp chế tác và xuất khẩu (50% công nghiệp chế tác, 70% kim ngạch xuất khẩu đến từ khu vực FDI).

Tuy nhiên, dường như Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI. Gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, một thực trạng phải thừa nhận là kết nối cộng sinh trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt, hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực được chào đón, được Chính phủ kỳ vọng về những tiến bộ của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Sự cộng sinh rất yếu, thể hiện qua những con số sau đây: Trong các dự án FDI có quá ít liên doanh (khoảng 80% FDI ở Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài). Tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI rất hạn chế. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp gần nhất, điều tra PCI 2016, chỉ có khoảng 14% doanh nghiệp tư nhân đang có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, con số này có dấu hiệu cải thiện theo thời gian, nhưng rất chậm chạp.

Từ phía các doanh nghiệp FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu (theo thống kê thì chỉ 26,6% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể lại là mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác). Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn, mà ít sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước.

Những hạn chế của doanh nghiệp trong nước liên quan tới marketing hay thông tin kết nối cung cầu yếu, chưa đáp ứng những tiêu chuẩn về quản lý sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là những nguyên nhân chính của hiện tượng trên. Các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mặc dù đề cập đến nhiều nhưng chưa đạt được các yêu cầu đề ra.

Những khác biệt này chủ yếu là do 3 yếu tố sau tạo nên: (i) chất lượng nguồn nhân lực, (ii) trình độ công nghệ của doanh nghiệp tư nhân trong nước và (iii) sự cách biệt về địa lý giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa. Để tăng mức độ kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân hơn nữa, Chúng tôi kiến nghị các giải pháp chính sau:

Một là, cần cải thiện hiệu quả các hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Lực lượng lao động của các doanh nghiệp trong nước cần được đào tạo tốt hơn để nắm bắt được công nghệ và quy trình quản trị mới. Để thực hiện điều này, cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong hàng loạt các vấn đề như: dành nhiều nguồn lực đầu tư để cải thiện chất lượng các trường đào tạo nghề, kết nối hoạt động đào tạo nghề và thực tiễn phát triển công nghệ, khuyến khích đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào hoạt động đào tạo nghề….

Hai là, cần có giải pháp đột phá và thực tế để cải thiện và thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI thông qua việc cung ứng dịch vụ tư vấn công nghệ, vận hành quỹ phát triển công nghệ, sử dụng các chính sách về thuế, tài chính để khuyến khích đầu tư công nghệ cao...

Ba là, tăng cường kết nối về mặt địa lý giữa FDI với doanh nghiệp trong nước. Việc hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất riêng biệt, chủ yếu tập trung các FDI, có thể giúp nâng cao hiệu quả ngắn hạn của hoạt động và xuất khẩu. Tuy nhiên, nó lại khiến cho những hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước trở nên bị hạn chế.

Một nghiên cứu của VCCI đã mô hình hoá vị trí địa lý đặt nhà máy của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước và chứng minh được rằng, khoảng cách địa lý ảnh hưởng lớn đến mức độ nối kết giữa hai khu vực này. Chính vì vậy khi Chính phủ, chính quyền các địa phương thiết kế các khu công nghiệp riêng dành cho đầu tư FDI cũng phải tính đến sự nối kết với các khu, cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa.

Trong các nhóm giải pháp trên, chúng tôi cho rằng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa quan trọng nhất thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, cần tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp tư nhân thông qua các hoạt động hỗ trợ nâng cao trình độ công nghệ và tăng cường kết nối, nhanh chóng hiện thực hoá các chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo chuỗi cung ứng cũng là các giải pháp quan trọng. Bằng cách này Việt Nam mới tránh được tình trạng “Một nền kinh tế với hai tốc độ”, hay “Hai nền kinh tế trong một quốc gia”.

ĐIỀU TRA PCI - FDI ĐÃ CHO THẤY NHIỀU TÍN HIỆU TỐT LÀNH

“Kết quả điều tra PCI Fdi năm 2016 cho thấy nhiều tín hiệu tốt lành. trong hai năm qua, những thay đổi pháp luật đã tạo ra một môi trường pháp lý thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những cải cách này đã gặt hái được thành quả, gia tăng sự lạc quan của giới đầu tư nước ngoài và triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh lớn hơn. mặc dù còn sớm để kết luận, song việc chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng vặt đã giảm bớt. trong những lĩnh vực này, dự báo của các nhà phân tích đã đúng. các nhà đầu tư muốn vào Việt Nam trong hai năm tới sẽ tiếp cận với môi trường thân thiện hơn nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để biến lợi thế, tiềm năng của mình thành hiện thực. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng môi trường chính sách còn nhiều ưu đãi đối với DNNN và việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. thêm vào đó, các quy định hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn còn phiền hà, đặc biệt là tình trạng một số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá mức. khảo sát các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam năm thứ 7. khảo sát thu thập ý kiến của 1.550 doanh nghiệp Fdi đến từ 46 quốc gia khác nhau đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ doanh nghiệp Fdi tập trung cao nhất.

tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp Fdi. Năm 2016, 11% doanh nghiệp Fdi cho biết đã tăng đầu tư hoạt động và 63% tuyển thêm lao động mới. số lượng việc làm theo điều tra PCI-Fdi được ghi nhận tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. các tín hiệu khởi sắc về triển vọng tương lai. theo nhiệt kế doanh nghiệp, tâm lý lạc quan về kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong hai năm tới đã tăng lên nhanh chóng. Năm vừa qua, hơn một nửa số doanh nghiệp trong mẫu điều tra PCI-Fdi cho biết có ý định tăng quy mô hoạt động, mức cao nhất kể từ năm 2010.

Đặc điểm các doanh nghiệp Fdi tại Việt Nam: tương tự như kết quả điều tra PCI-Fdi các năm trước, doanh nghiệp Fdi hoạt động tại Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hướng vào xuất khẩu và có mức lãi tương đối thấp. họ thường cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhà sản xuất lớn hơn hoặc tập đoàn đa quốc gia, do đó họ thường nằm ở những vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm. tương tự như nguồn vốn Fdi đăng ký, đa phần các nhà đầu tư đến từ châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan Trung Quốc, Singapore và Trung Quốc”.

(Nguồn: Báo cáo PCI năm 2017)
Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ