Kể từ đầu năm tới ngày 24/3, trái với chỉ số VN-Index đi ngang vùng 1.498,26, nhóm năng lượng tái tạo đi ngược xu hướng tăng trung bình khoảng 9,8%. Trong đó, đáng chú ý cổ phiếu Bamboo Capital (mã BCG) tăng 18,6% lên 28.350 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu Điện Gia Lai (mã GEG) tăng 15,4% lên 27.050 đồng/cổ phiếu… so với đầu năm.
Được biết, trên thị trường nhà đầu tư thường phân loại thành 3 nhóm cổ phiếu bao gồm nhóm dẫn sóng, nhóm thế vai và nhóm đội sổ. Trong đó, nhóm dẫn sóng thường có đặc điểm trong sóng tăng thường tạo đáy trước thị trường, khi thị trường điều chỉnh giảm, cổ phiếu dẫn sóng sẽ chỉnh nhẹ hơn so với chỉ số chung hoặc tiếp tục xu hướng tăng. Ngược lại, cổ phiếu đội sổ thường không tăng khi thị trường tăng.
Chính vì vậy, những giai đoạn rung lắc, biến động của thị trường là cơ hội cho nhà đầu tư có thể lựa chọn, đánh giá lại danh mục để có thể tìm kiếm cổ phiếu dẫn sóng. Nếu xét theo tiêu chí dẫn sóng, nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo đang đi ngược xu hướng so với thị trường, bật tăng mạnh khi thị trường điều chỉnh và dòng tiền có dấu hiệu tham gia mạnh vào nhóm năng lượng tái tạo.
Nói như vậy để thấy, xét về mặt kỹ thuật, nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo đang là nhóm dẫn sóng khi dòng tiền thông minh đang và kỳ vọng sẽ tiếp tục đổ vào nhóm cổ phiếu này trong thời gian tới.
Xét về dài hạn, theo Chứng khoán VNDirect, mảng năng lượng tái tạo còn nhiều tiềm năng trong xu hướng phát triển chung của ngành điện. Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu điện thiếu hụt nghiêm trọng hơn trong năm 2022-2023 khi nền kinh tế được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ nới lỏng, các yếu tố vĩ mô tích cực và nhu cầu xuất khẩu hồi phục sau dịch.
Ngoài ra, theo Quy hoạch điện 8 tiếp tục đề cao vai trò của năng lượng lượng tái tạo với 40% công suất nguồn năm 2030 và 43% năm 2045 khi các nguồn khác còn ít tiềm năng khai thác. Ngoài ra, Việt Nam sở hữu bờ biển dài từ Bắc tới Nam, lượng nắng ổn định ở mức cao… sẽ tiếp tục là thông tin hỗ trợ nhóm NLTT. Bên cạnh đó, thế giới cũng đang đẩy mạnh đầu tư vốn vào NLTT và thu hẹp khoản đầu tư vào năng lượng hóa thạch, đặc biệt là điện than để bảo vệ môi trường, chính vì vậy đây là cơ hội cho các doanh nghiệp NLTT có thể huy động vốn trong tương lai.
Ngoài ra, trong ngắn hạn với việc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra và chưa có dấu hiệu chấm dứt, giá các năng lượng hoá thạch như dầu khí, than đang liên tục phá đỉnh, có thời điểm giá dầu lên tới 140 USD/thùng, nhiều chuyên gia tại các ngân hàng đầu tư lớn dự báo giá dầu tiếp tục leo thang và giữ ở mặt bằng giá cao. Trong khi đó, giá than thế giới đang giao dịch vùng 334,5 USD/T, cao hơn 97,2% so với đầu năm và cao hơn 316% so với đầu năm 2021.
Với việc cả giá than, giá khí, hai thành phần chính cấu thành giá vốn của nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí đang tăng lên nhiều lần so với đầu năm, cũng như trước thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện, điều này tiếp tục gây áp lực nguồn năng lượng hoá thạch không những ô nhiễm mà còn không rẻ như kỳ vọng.
Trái lại, NLTT lại cho thấy sự ưu việt hơn khi là nguồn năng lượng thân thiện với môi trường và đặc biệt không chịu ảnh hưởng bởi áp lực chi phí đẩy ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, thực tế mức tăng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NLTT đang có sự phân hoá tương đối cao.
Cụ thể, kể từ đầu năm tới 24/3, cổ phiếu BCG tăng 18,6% (cao nhất ngành), cổ phiếu GEG tăng 15,4%, cổ phiếu TTA giảm 4,5% …
Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ năm 2018 tới 2021, BCG đang cho thấy sự vượt trội hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Không những tăng trưởng tốt về lợi nhuận, tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản tính tới cuối năm 2021 chỉ đạt 35,8% và thấp nhất ngành.
Như vậy, nếu xét riêng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, cũng như tỷ lệ đòn bẩy trong ngành NLTT, cổ phiếu BCG đang cho thấy vượt trội hơn so với các doanh nghiệp còn lại.
Ngoài ra, xét về công suất, tại GEG, theo Chứng khoán VCSC, tính tới cuối năm 2021, GEG ước tính sẽ vận hành 446 MW công suất điện tái tạo (thủy điện, điện gió và điện mặt trời).
Tại BCG, công ty cho biết tính tới cuối năm 2021 đang vận hành 520MW dự án NLTT đem về dòng tiền và doanh thu ổn định cho công ty, dự kiến tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu sẽ ngày một gia tăng. Ngoài ra, công ty đang có 550MW dự án điện gió đang được thực hiện, dự kiến đóng điện vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Tại Trường Thành Group, tính tới cuối năm 2021, công ty đang vận hành 6 dự án thủy điện, điện mặt. Trong đó, 3 dự án điện mặt trời với công suất 141,8 MWp, chủ yếu mới vận hành và công suất nhỏ hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành phát triển dự án sớm hơn như Bamboo Capital và Điện Gia Lai.
Như vậy, so với quy mô công suất, BCG đang cho thấy dấu hiệu vượt trội về công suất so với các doanh nghiệp cùng ngành. Được biết, các dự án NLTT phát triển sớm được ưu đãi giá bán điện cố định với giá cao, việc công ty đã vận hành 520MW dự án NLTT, điều này là một lợi thế không nhỏ so với các doanh nghiệp còn lại và đó có thể là lý do vì sao cổ phiếu thu hút được nhiều nhà đầu tư, bật tăng mạnh hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành.