ee2af1462862ed3cb473

Ngày 1/8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

"Thế nhưng, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách; cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng", thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Và cũng tại Hội nghị, Thủ tướng đã kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia phát triển xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trên khắp cả nước bởi theo Thủ tướng thì việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đã đến lúc phải làm, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực.

Ngay sau lời kêu gọi này của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã thông báo bắt tay ngay vào việc phát triển các dự án nhà ở giá trung bình cho người lao động.

Cụ thể, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group) cho biết, hôm nay (20/8) công ty sẽ ra mắt nhà mẫu và giới thiệu dư án chung cư dành cho người lao động tại TP.HCM và Bình Dương với một dự án có mức giá bán chỉ từ 1 tới 2 tỷ đồng/căn hộ.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Phúc cho biết dự án này ông đã ấp ủ từ năm 2021 khi dịch COVID–19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam.

Khi đó, những khu nhà trọ của công nhân bị ảnh hưởng nặng nhất bởi môi trường sinh sống đã làm dịch bệnh lan nhanh, còn ở những khu dân cư, chung cư thì độ lây nhiễm bệnh tật của người dân rất thấp.

"Sau dịch, người lao động từ các trung tâm khu công nghiệp bỏ về quê sinh sống, họ quyết định không quay trở lại nơi mà trước đây họ coi sẽ là xuất phát giúp họ đổi đổi. Tôi có gặp nhiều công nhân lao động bỏ về quê không quay trở lại nhà máy làm việc và họ đều nói với tôi lý do là không thể an cư, có tích cóp mấy cũng không thể mua được nhà cho họ và con cái ổn định cuộc sống", ông Phúc nói.

Để rồi từ những cuộc trao đổi này, ông Phúc đã thay đổi mục đích phát triển dự án chung cư cao cấp tại Bình Dương như các sản phẩm trước đây ông làm mà chuyển sang làm nhà ở thương mại giá rẻ cho người lao động có thể mua được nhà ở.

Đặc biệt, ngay sau khi Thủ tướng chính phủ kêu gọi doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ cho người lao động, ông Phúc càng tự tin hơn với việc lựa chọn phát triển dòng sản phẩm này cho người lao động.

Cũng theo ông Phúc, dự án này mang tên Phú Đông Sky One, có vị trí tại mặt tiền đường ĐT-743A, phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

275222037625b37bea34

Dự án được xây dựng với tổng diện tích 5.615 m2, diện tích xây dựng 2666,1 m2, mật độ xây dựng là 50,2% gồm 2 tháp A và B. Dự án có 30 tầng + 01 tầng hầm gồm 780 căn. Trong đó, 60 căn hộ Penstudio, 528 căn hộ một phòng ngủ và 192 căn hộ 2 phòng ngủ. Dự án cũng được xây dựng nhà trẻ, hồ bơi, siêu thị, cafe, yoga, gym, khu sinh hoạt cộng đồng...

"Đối với doanh nghiệp địa ốc, phát triển dự án điều đầu tiên là phải có lợi nhuận. Nếu dự án này chúng tôi làm nhà ở thương mại cao cấp sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho công ty, nhưng cái đó không phải điều chúng tôi hướng tới. Điều hướng tới của chúng tôi ở dự án này đó là xây dựng cho người lao động một tổ ấm hạnh phúc, bởi chính tôi đã từng ở nhà trọ rộng chỉ 9m2 và tôi thấu hiểu nhu cầu nhà ở cũng như mong muốn có một căn nhà ở của người lao động thế nào. Nhất là hiện nay, giá nhà tăng quá cao, người lao động khó có thể mua được nhà nếu như doanh nghiệp không xây dựng những dự án nhà giá rẻ cho người lao động", ông Phúc nói.

Không chỉ có Phú Đông Group, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã bắt tay ngay vào việc phát triển nhà ở cho công nhân. Đơn cử như Tập đoàn địa ốc Thắng Lợi (Thắng Lợi Group) mới đây cũng phát đi thông báo cho biết đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ pháp lý để cho ra mắt khoảng 6.000 căn hộ chung cư giá rẻ tại huyện Đức Hòa tỉnh Long An.

Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group cho biết dự án được Thắng Lợi ấp ủ từ những năm 2021 khi thấy người dân lao động phải sống ở những khi nhà trọ với điều kiện sống không ổn định cùng nhu cầu sở hữu nhà của người dân lao động lớn.

"Dự án được chúng tôi xây dựng trên quỹ đất hơn 10ha, với mỗi căn hộ rộng hơn 40m2, giá bán chỉ từ 700 triệu/căn hộ. Biết làm dòng sản phẩm này sẽ không lợi nhuận nhiều nhưng đây sẽ là dấu ấn mà chúng tôi mang lại cho cộng đồng", ông Quyền nói.

Cụ thể, Tập đoàn Vingroup, cho biết sẽ phấn đấu đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội trong 5 năm tới.

Còn ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch Tập đoàn Novaland cho biết, đối với chương trình "Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp" theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính Phủ, Tập đoàn Novaland luôn xem đây là chương trình vô cùng thiết thực và nhân văn.

Do đó, với kinh nghiệm, nguồn lực sẵn có đã và đang đầu tư xây dựng rất nhiều dự án bất động sản ở tại TP.HCM, cùng các tỉnh, thành phố khác, Novaland tin rằng, nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ là một mục tiêu mà tập đoàn sẽ hoàn thành để góp phần vào nỗ lực của Chính phủ trong chương trình giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động…

Tập đoàn Hưng Thịnh, C.T Group… cũng cho biết sẽ phát triển hàng chục ngàn căn hộ giá rẻ cho công nhân trong thời gian tới.

89bab1a7818144df1d90

Trong khu nhà trọ cũ kỹ 12 căn, mỗi căn rộng 15m2 sàn và 10m2 gác lửng trên đường Đỗ Xuân Hợp, TP. Thủ Đức, TP.HCM thì tất cả đều là gia đình người lao động làm việc ở Khu công nghệ cao quận 9 sinh sống.

Anh Ngô Văn Tuấn, quê Nam Định, một trong số hộ dân thuê nhà trọ ở đây cho biết anh vào TP.HCM học tập những năm 2006, sau khi ra trường xin vào một nhà máy sản xuất điện tử tại Khu công nghệ cao quận 9 làm. Năm 2010 anh lấy vợ cũng làm công nhân cùng công ty anh. Tới nay, hai vợ chồng có 2 người con đều đang học cấp 2.

"Lương mỗi tháng hai vợ chồng khoảng 30 triệu, tiền thuê nhà trọ là 3,5 triệu, tiền ăn hàng tháng là 8 triệu, tiền học của hai con 5 triệu, tiền điện nước và phát sinh đám cưới, đám hỏi hàng tháng và chuyển về cho bố mẹ già là 5 triệu. Còn lại gửi ngân hàng tiết kiệm để mua nhà. Nhưng năm 2021 dịch bệnh bùng phát, gần 1 năm không làm được gì, tiền tích cóp được hơn 800 triệu đã lấy ra hơn 100 triệu để sống qua mùa dịch. Trong khi đó, đã nhiều lần đi kiếm nhà mua nhưng giá nhà quá cao nên không thể mua được nhà", anh Tuấn nói.

Cũng theo anh Tuấn, tháng 6 vừa qua, anh tìm hiểu thấy một dự án chung cư tại Quốc lộ 1K TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương bán nhà giá 1,7 tỷ/căn. Anh gom tiền gửi ngân hàng và mượn thêm bạn bè, người thân được 1 tỷ để tính mua nhà còn lại vay ngân hàng.

Nhưng khi làm thủ tục vay, phía ngân hàng nói zoom cho vay đã gần hết và không thể giải ngân khoản vay ở ngay thời điểm tôi phải đóng cho chủ đầu tư. "Vậy là vợ chồng tôi lại vụt mất cơ hội mua nhà, vì hiện trên thị trường giá đất và nhà không còn dự án nào dưới 2 tỷ để mua", anh Tuấn nói.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, hiện nay việc các ngân hàng bị siết room cho vay mua bất động sản đang làm khó cho doanh nghiệp bất động sản cũng như khách hàng mua nhà, nhất là khách hàng mua nhà ở thực.

Cũng theo ông Phúc, giờ đây, khách hàng muốn vay tiền mua nhà, phải đợi ngân hàng xếp zoom tiền mới có thể giải ngân cho vay, và zoom hiện nay rất thấp bởi 6 tháng đầu năm 2022, các ngân hàng đã giải ngân lượng lớn tiền cho doanh nghiệp và khách hàng vay, nên 6 tháng cuối năm việc vay vốn mua nhà của người lao động sẽ vô cùng khó và mất ít nhất 1 tới 3 tháng để ngân hàng xếp tiền giải ngân vay. Thậm chí, khoản vay 1 tỷ đồng thì ngân hàng sẽ giải ngân nhiều lần chứ không còn 1 lần như trước kia.

Chia sẻ về cách giải quyết của Phú Đông Group trước khó khăn vay mua nhà của người lao động, ông Phúc cho biết, việc khó vay tiền mua nhà đã được Phú Đông Group nhìn thấy và đã có lời giải. Cụ thể, dự án phát triển cho người lao động mà Phú Đông Group đang triển khai được ông Phúc chuẩn bị pháp lý hoàn thiện, sau đó làm việc với phía ngân hàng TPBank và ngân hàng chuẩn bị sẵn khoản tiền 800 tỷ đồng dành cho người mua nhà tại dự án của Phú Đông Group. Lượng tiền này chỉ dành cho khách hàng mua nhà tại dự án đó, chính vì vậy khách hàng là người lao động không phải chờ đợi ngân hàng chuẩn bị tiền hay room cho vay hết và mất nhiều tháng mới vay được tiền mua nhà.

"Cái quan trọng nhất, đó là làm nhà ở cho công nhân, phải hiểu tài chính của họ. Và muốn ngân hàng cho người mua nhà vay, chủ đầu tư phải hoàn thiện pháp lý dự án đầy đủ thì ngân hàng mới có thể cho vay theo như luật cho vay bất động sản hiện nay của Ngân hàng Nhà nước là chỉ cho dự án đủ pháp lý vay", ông Phúc nói.

Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) còn quan ngại rằng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay đều mong muốn tham gia việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân bởi ngoài trách nhiệm kinh doanh, đó còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.

Thế nhưng, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình này, Nhà nước cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn.

Bởi trên thực tế, khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà, giá bán. Tất cả đều do Nhà nước quyết định. Chính vì thế, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng. Khi có thể tham gia dự án sớm và thời gian thu hồi vốn nhanh, thì việc thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội là điều không khó.

ANH MINH - GIA YÊN