Nửa đầu năm 2024, BYD bán hơn 1,6 triệu xe năng lượng mới ra toàn cầu. Trong năm ngoái, lượng xe hãng này bán ra là 3,02 triệu chiếc, giữ vị trí số 1 thế giới.

Sau những thành công trên thị trường quốc tế, xe điện BYD chính thức "lăn bánh" tại Việt Nam từ ngày 18/7, với tham vọng tạo dựng một hệ sinh thái toàn diện về xe điện tại thị trường mà hãng này đánh giá là trọng điểm.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Võ Minh Lực, Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam cho biết, thị trường xe điện Việt Nam sẽ bứt tốc rất nhanh và vượt các quốc gia khác, nếu có sự chung tay của các hãng, cũng như độ mở về đầu tư.

Thành lập từ năm 1995, với xuất phát điểm là công ty sản xuất pin cho các thiết bị điện tử, phương tiện, như điện thoại Nokia, Motorola... đâu là lý do khiến BYD rẽ ngang sang làm ô tô và đến 2022 chỉ còn sản xuất ô tô điện?

Ông Võ Minh Lực: Tiền thân của BYD là công ty sản xuất và cung ứng khoảng 50% sản lượng pin cho 2 hãng điện thoại hàng đầu thế giới thập niên 2000 là Nokia và Motorola. Với kinh nghiệm lâu năm, BYD thấy được tiềm năng xe năng lượng mới, có thể tận dụng tối đa thế mạnh sản xuất pin vốn có. Bước ngoặt đến vào năm 2004, cách đây vừa đúng 20 năm. Tại một triển lãm xe hàng đầu Trung Quốc khi đó, BYD trình làng công nghệ mô-tơ điều khiển 4 bánh xe.

Thời bấy giờ, đây là một ý tưởng điên rồ. Sau đó 4 năm, năm 2008, BYD ra mắt chiếc xe hybrid (xăng lai điện) đầu tiên. Điều này nói lên tầm nhìn chiến lược lâu dài và kiên định của hãng từ cách đây 20 năm, khi chúng tôi nhận thấy nhiên liệu hoá thạch không phải là vĩnh cửu, sức tàn phá lên môi trường là vô cùng kinh khủng, trong khi năng lượng tự nhiên có thể tái tạo.

Đến 2024, BYD đã hoàn thành được giấc mơ của mình, làm được chiếc xe điện với công nghệ điều khiển 4 bánh xe riêng biệt, có thể xoay tại chỗ 360 độ đầu tiên trên thế giới. Hai mươi năm cho một giấc mơ. Sau nhiều năm vươn ra toàn cầu, BYD đã dẫn đầu cả về doanh số lẫn công nghệ xe năng lượng mới, luôn luôn cải tiến để môi trường xanh hơn.

Hành trình 20 năm, trong đó, có hơn 10 năm nghiên cứu thị trường Việt Nam, như hãng chia sẻ. Vậy, đâu là lý do khiến thị trường trăm triệu dân trở thành thị trường cuối cùng của khu vực Đông Nam Á mà BYD đặt chân đến và hãng nhận định như thế nào về tiềm năng của thị trường này?

Ông Võ Minh Lực: Hơn 10 năm là câu chuyện thật, khi ông Liu (Tổng Giám đốc BYD khu vực châu Á - Thái Bình Dương - PV) đã qua Hà Nội và TP.HCM từ giai đoạn đó để khảo sát. Khi ấy, hãng nhận thấy thị trường vẫn chưa phù hợp, quy mô xe còn ít, người dân vẫn e dè về thương hiệu Trung Quốc hay chưa phổ biến về xe điện… Và một lý do nữa, thời điểm đó BYD vẫn chưa thực sự phát triển nhiều trên thị trường quốc tế. Đến hiện tại, khi chúng tôi đã có mặt tại 88 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như đạt những thành tựu đáng kể tại ASEAN, chúng tôi nhận thấy đây là "thời cơ vàng" để phát triển tại thị trường Việt Nam, sau khi đã thử và thành công ở nhiều thị trường khác. BYD xem Việt Nam là thị trường trọng điểm, rất tiềm năng, và là thị trường cuối cùng của ASEAN mà chúng tôi có mặt. Chúng tôi muốn kiến tạo nhiều giá trị mới tại đây.

Ông có thể phân tích rõ hơn sự khác biệt giữa Việt Nam và Thái Lan, một thị trường trọng điểm khác của BYD tại ASEAN, khi những sản phẩm BYD giới thiệu tại thị trường Việt Nam có sự chênh lệch lên đến vài ba trăm triệu so với thị trường Thái Lan?

Ông Võ Minh Lực: Không chỉ có các bạn đặt câu hỏi này đâu, chúng tôi còn nhận được thắc mắc tương tự từ chính các đại lý của chúng tôi. Thực sự mà nói, Thái Lan và Việt Nam tuy có nhiều điểm tương đồng, nhưng khác biệt là rất lớn. Rõ nhất, là thuế phí. Thuế nhập khẩu xe BYD của Thái Lan là 0%. Còn VAT là 7%. Nhưng mức thuế nhập về Việt Nam là 50%, VAT 10%. Để cho dễ hiểu, mức giá xe sản xuất tại Trung Quốc là 10.000 USD chẳng hạn, nhập về Thái Lan vẫn giữ nguyên, cộng thêm VAT 7%, tổng mức giá "lăn bánh" sẽ khoảng 10.700 USD. Trong khi đó, nếu vào Việt Nam, giá xe nhập với 50% thuế là 15.000 USD, cộng thêm khoảng 10% VAT, mức giá lăn bánh sẽ khoảng 16.500 USD. Đây là lý do chính cho việc xe BYD "lăn bánh" tại Việt Nam chênh so với Thái Lan và một số thị trường khác.

Tuy nhiên, có một điều tôi muốn minh định, giá chúng tôi đưa ra là giá tối ưu nhất cho mọi thời điểm. Tại một hội nghị với các đại lý của chúng tôi diễn ra ở Tây An (Trung Quốc), ông Liu có nói rằng tại sao BYD đã có mọi thứ, cả về công nghệ, linh kiện, lắp ráp, phân phối… nhưng lại không tiết kiệm được chi phí và không hạ được giá thành so với những hãng phải đi tìm mua chuỗi cung ứng ở ngoài. Bằng mọi giá, phải làm sao tiết kiệm được chi phí cho khách hàng.

Vậy, BYD có tính đến chuyện sẽ xây nhà máy sản xuất ô tô điện tại Việt Nam để giảm thiểu chi phí nhập khẩu không? Theo ông Việt Nam đang thiếu gì và cần làm gì để trở thành hub sản xuất và cung ứng xe điện nói riêng và phát triển bền vững nói chung?

Ông Võ Minh Lực: So với các quốc gia khác, ưu đãi đầu tư, nhất là trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam chưa hấp dẫn. Phải hiểu một điều, không phải công ty nào nhập khẩu vào Thái Lan cũng được ưu đãi thuế 0%. Tuy nhiên, Thái Lan muốn phát triển ngành công nghiệp xe điện, vì vậy, chính phủ nước này đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi. Hay như Malaysia, một thị trường khác trong khu vực, thuế nhập khẩu lúc đầu ngang bằng Việt Nam, nhưng giờ họ cũng đã ưu đãi về 0%. Tôi dám chắc, nếu chính sách thuế ở Việt Nam có được những ưu đãi như vậy, thị trường còn đi nhanh hơn nữa.

Riêng với BYD, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu triển khai và trao đổi với một số địa phương để tìm ra những phương án đầu tư tối ưu. Chúng tôi sẽ triển khai rất nhanh các bước tiếp theo cho nhà máy lắp ráp xe tại Việt Nam.

Một trong những thách thức của BYD là tâm lý e dè của thị trường Việt khi có rất nhiều "ông lớn" Trung Quốc lừng lẫy ở các quốc gia khác, nhưng vẫn phát triển khá khiêm tốn hay thậm chí, rút khỏi thị trường Việt Nam chỉ sau thời gian ngắn. Ông nhận định như thế nào về điều này?

Ông Võ Minh Lực: Bản thân tôi là người đã được nếm trải. Khi biết tôi làm với BYD, kể cả bạn bè người thân tôi cũng e ngại. Nhưng BYD vượt qua những rào cản này bằng cách cho mọi người lái thử. Tại các buổi lái thử do BYD tổ chức, khách hàng đều rất hài lòng về chất lượng trải nghiệm. Chúng tôi muốn khách hàng phải được trải nghiệm lái thử trước khi quyết định "xuống tiền".

Ở thời điểm hiện tại, BYD là thương hiệu toàn cầu, có mặt tại rất nhiều quốc gia và đều được đón nhận. Khi vào Việt Nam, hãng cũng đã tính toán, chọn lựa rất kỹ, bởi hiểu đây là thị trường đặc thù. Khi lựa chọn đại lý, chúng tôi yêu cầu phải có kinh nghiệm và đam mê về xe điện và mang lại những giá trị mới cho thị trường xe điện.

Vào Việt Nam khoảng 2 tháng, chúng tôi đã có rất nhiều đơn đặt hàng, đó là giá trị do chính khách hàng công nhận. Chúng tôi sẽ còn thực hiện nhiều hoạt động để khách hàng hiểu hơn về thương hiệu.

BYD từng cho biết không cạnh tranh mà sẽ chung tay cùng VinFast, thương hiệu nội địa lớn của Việt Nam, để làm xe điện. Đây liệu có phải là một lời nói xã giao? Đến hiện tại đã có cuộc thảo luận nào giữa hai bên?

Ông Võ Minh Lực: Chưa bao giờ BYD nghĩ bất kỳ thương hiệu nào là đối thủ cạnh tranh. Khách quan, thị trường Việt Nam khá đặc thù. Khi BYD đến các quốc gia khác, họ hầu như không có sẵn các thương hiệu xe điện nội địa. Trong khi đó, thị trường Việt Nam đã có "đàn anh" vĩ đại VinFast, thương hiệu định hình nên ngành công nghiệp xe điện, làm cho người dân hiểu rõ về thị trường. Rõ ràng, khi đặt chân đến Việt Nam, chúng tôi phải cảm ơn VinFast về điều này.

Dĩ nhiên, ở một chừng mực nào đó, chúng tôi cũng sẽ phải giải quyết bài toán cạnh tranh khi là cái tên mới gia nhập, "sân chơi" đã có VinFast và nhiều thương hiệu khác. Chúng tôi sẽ làm đúng với những gì cam kết, với sứ mệnh và giá trị cốt lõi công ty đã đặt ra. Và sự hiện diện của chúng tôi sẽ giúp khách hàng có thêm lựa chọn, điều đó cũng tốt cho thị trường thôi.

Nói thật, đến thời điểm hiện tại chưa có cái "bắt tay" chính thức nào giữa VinFast và chúng tôi. Không chỉ riêng VinFast, chúng tôi rất sẵn lòng hợp tác với bất kỳ nhà đầu tư, thương hiệu nào khác trong tương lai gần.

Vậy "khẩu vị" kêu gọi đầu tư của BYD là gì và hãng cũng từng đề cập sẽ không trực tiếp làm trạm sạc mà sẽ mời các nhà đầu tư khác tham gia. Điều này liệu có ảnh hưởng đến tiến độ phát triển của hãng tại Việt Nam không?

Ông Võ Minh Lực: Tại thị trường Trung Quốc thời gian đầu chúng tôi có đầu tư trạm sạc. Nhưng đến lúc BYD và thị trường xe điện đã phát triển mạnh, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư khác cùng tham gia làm trạm sạc và hệ sinh thái đi kèm. Riêng BYD thực sự chỉ muốn tập trung vào giá trị cốt lõi về sản phẩm, pin, công nghệ. Chỉ có vậy chúng tôi mới có thể làm tốt nhất những gì mình mong muốn và không bị phân bổ nguồn lực cho những việc khác.

Không chỉ ở Việt Nam, các thị trường khác cũng vậy thôi. Đầu tư trạm sạc rẻ hơn làm xe. Nếu tất cả các thương hiệu cùng nhau phát triển thị trường xe điện, chắc chắn hạ tầng đi theo rất nhanh. Thái Lan là một minh chứng, dù thị trường này đã có lúc phải đuổi theo Việt Nam.

Nên việc phát triển trạm sạc không ảnh hưởng đến tiến độ phát triển của BYD tại Việt Nam. Song, chúng tôi vẫn có những giải pháp của riêng mình. Chúng tôi bán xe tặng kèm bộ sạc treo tường 7 kW và miễn phí lắp đặt cũng như bộ sạc di động, cho phép khách hàng có thể sạc tại nhà hay bất cứ đâu có ổ điện. Tùy theo dòng xe, một lần sạc đầy pin mất chưa đến 300.000 đồng và có thể di chuyển thoải mái cả tuần.

Thêm nữa, hệ thống đại lý của BYD buộc phải có hệ thống trạm sạc nhanh và tiêu chuẩn, tuỳ quy mô đầu tư và diện tích của đại lý. Tính đến hiện tại, chúng tôi có 36 đại lý khắp Việt Nam. Trong năm 2024, dự kiến con số này là 50. Chúng tôi cho các xe điện thuộc thương hiệu khác có thể sạc tại đại lý của BYD. Đây là cách giúp BYD tiếp cận được với nhiều người dùng Việt Nam hơn cũng như mang đến lợi ích kinh tế cho đại lý của chúng tôi.

Ngoài ra, có khoảng 10 doanh nghiệp, nhà đầu tư khác đang nhìn thấy sự phát triển thần tốc của thị trường xe điện, nên họ đã có kế hoạch đầu tư cùng BYD.

Đại diện BYD từng cho biết muốn xây dựng một hệ sinh thái xe điện tại Việt Nam. Cần bao lâu để hoàn thiện hệ sinh thái này và định hướng 10 năm tới của BYD tại Việt Nam là như thế nào?

Ông Võ Minh Lực: Thị trường xe điện Việt Nam đang phát triển thần tốc, với rất nhiều thương hiệu. Ngoài cái tên sừng sỏ là VinFast, sắp tới, bên cạnh BYD, khách hàng sẽ còn được đón nhận những thương hiệu khác như MG, Chery…

Khách hàng Việt Nam đang có sự chuyển dịch về nhận thức nhanh hơn các thị trường khác. Đơn cử, nhận thức về giá cả, công nghệ, hậu mãi, môi trường… Điều này sẽ tạo nên sự phát triển nhanh hơn nữa.

Riêng với BYD, mục tiêu của chúng tôi là 50 đại lý trong 2024. Đến 2026, con số này sẽ là 100 đại lý. Chung quy của hệ sinh thái sẽ là xe điện, trạm sạc. Tôi không thể nhận định là bao nhiêu năm, nhưng chính sự chung tay của các nhà đầu tư và cả cộng động, bức tranh thị trường xe điện tại Việt Nam sẽ khác. Rất nhanh thôi, Việt Nam sẽ là cái tên dẫn đầu về thị trường xe điện.

Chúng tôi muốn gắn kết lâu dài. Tham vọng của chúng tôi rất lớn. Nếu không tham vọng, chúng tôi sẽ không thể đạt vị thế số một như hiện nay. BYD hiện thực hoá tham vọng tại Việt Nam rất nhanh, chỉ trong vài tháng, chúng tôi đã gần như hoàn thiện những gì cần thiết để xây dựng nền tảng phát triển, từ hệ thống, nhân lực, cách vận hành, trụ sở… Chúng tôi nói thật và làm thật. Hiện tại, BYD đã làm được xe hybrid với công nghệ tối ưu di chuyển được hơn 2.000 km.

Trong ngắn hạn, chúng tôi tập trung phát triển đại lý. Tới tháng 10, chúng tôi có kế hoạch ra mắt 3 mẫu xe mới của hãng tại Việt Nam. Và trong tương lai gần, hãng có kế hoạch đưa toàn bộ mẫu xe vào Việt Nam. Tôi thường nói đùa với các đại lý là nếu quy mô showroom khoảng 3000m2 thì chắc chỉ tới năm sau là hết chỗ rồi, vì hãng sẽ liên tục đưa xe mới về.

Cùng với Tesla, BYD là một trong những cái tên tiên phong ở "đại dương xanh" xe điện. Nhưng đến hiện tại, xe điện đã là dương đỏ". Vậy, BYD có những giải pháp, cải tiến gì để luôn giữ vị thế dẫn đầu trong "đại dương đỏ"?

Ông Võ Minh Lực: Nhà sáng lập, kiêm chủ tịch của BYD xuất thân là kỹ sư. Một người làm chuyên môn rất đam mê về đổi mới công nghệ. Giá trị cốt lõi mà BYD luôn hướng tới là chất lượng sản phẩm, công nghệ tối ưu. Đây chính là điều tạo nên tên tuổi và sự phát triển bền vững. Chúng tôi sở hữu đội ngũ kỹ sư đông đảo nhất so với các hãng khác, với con số gần nhất tôi nhớ là 102.800 kỹ sư chuyên môn. Con số này hơn các thương hiệu khác chừng vài chục ngàn. Vì vậy, chúng tôi có khả năng đổi mới công nghệ liên tục. Ví dụ, xe gặp trục trặc 1 bánh, vẫn có thể chạy với 3 bánh còn lại. Rất khó để hãng nào có thể đuổi kịp BYD về công nghệ.

Điều này cũng làm dấy lên những lo ngại về việc đôn giá tiền sửa chữa xe của BYD, khi gặp trục trặc, vì BYD liên tục đổi mới và độc quyền về công nghệ?

Ông Võ Minh Lực: Nếu so sánh xe của BYD với các xe khác cùng phân khúc, bạn sẽ thấy giá chúng tôi đưa ra là hợp lý. Khách hàng khi đặt mua BYD SEAL, BYD DOLPHIN và BYD ATTO 3 sẽ nhận ngay bộ quà tặng chính hãng của BYD, bao gồm 1 bộ sạc di động, 1 bộ sạc treo tường 7 kW và hỗ trợ miễn phí lắp đặt, 1 thiết bị chuyển đổi nguồn điện V2L.

BYD áp dụng chính sách bảo hành kéo dài 6 năm hoặc 150.000 km cho toàn bộ xe. Đặc biệt, BYD áp dụng chính sách bảo hành cho pin kéo dài 8 năm hoặc 160.000 km. Đây là một trong những chương trình hậu mãi hấp dẫn nhất từ một hãng xe, đưa chi phí vận hành xe về thấp nhất có thể.

Ở giai đoạn đầu tiên, nhằm giải quyết bài toán tài chính giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm, chúng tôi đã liên kết với 3 ngân hàng lớn (BIDV, VPBank, VietinBank) triển khai các chương trình ưu đãi hấp dẫn khi mua xe. Khách hàng sẽ được hỗ trợ khoản vay lên đến 85% giá trị xe với mức lãi suất ưu đãi đầy hấp dẫn…

Xe của chúng tôi sẽ luôn giữ giá. Hiện BYD chưa có chính sách thu cũ đổi mới hoặc mua lại xe. Nhưng nếu đại lý muốn mua lại xe cũ của khách hàng vẫn được. Tuy nhiên, mua xong phải kiểm tra, bảo hành, bảo dưỡng rồi mới bán lại. Chúng tôi yêu cầu khắt khe nhất để đại lý chuẩn mực nhất.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

LIÊN THƯỢNG - ĐỖ LAN - THIẾT KẾ: MINH THÔNG