Với nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghiệp đất hiếm, công nghiệp bán dẫn, Việt Nam nắm trong tay nhiều cơ hội để không những trở thành "công xưởng" sản xuất thế giới, mà còn là một cường quốc về chip bán dẫn.

Những căng thẳng địa chính trị, suy thoái ở một số nền kinh tế hàng đầu thế giới khiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dần trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Việc các nền kinh tế phát triển có xu hướng phi toàn cầu hóa đang đặt ra bài toán cho những quốc gia cần nguồn vốn FDI nói chung phải có chiến lược phù hợp để thu hút "đại bàng".

GS-TSKH. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).

GS-TSKH. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Đối với Việt Nam nói riêng, trong nguy có cơ, chính ở hoàn cảnh khó khăn như vậy, chúng ta lại càng phải phát huy những thế mạnh vốn có để thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là từ các cường quốc lớn trên thế giới.

Trong giai đoạn tới đây, bài toán đặt ra cho Việt Nam là không chỉ duy trì chiến lược thu hút dòng vốn FDI để trở thành "công xưởng" của thế giới; với những nền tảng quan trọng đạt được về ngoại giao, những tiềm năng phát triển từ công nghiệp khai thác đất hiếm, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng để có thể vươn mình trở thành một cường quốc lớn về chip bán dẫn.

Để hiểu hơn về vấn đề này, Tạp chí Nhà đầu tư có cuộc trao đổi với GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Năm 2023 tiếp tục là một năm biến động khó lường trên toàn cầu, cả ở khía cạnh địa chính trị cũng như kinh tế. Điều này dẫn đến các quốc gia nói chung và tập đoàn đa quốc gia nói riêng phải cơ cấu lại nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Vấn đề này đã tác động thế nào đến định hướng thu hút FDI của Việt Nam?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Để hiểu định hướng thu hút FDI của Việt Nam, cần làm rõ về đặc điểm của đầu tư nước ngoài từ thời đại dịch COVID-19 đến nay.

Thứ nhất, nhiều quốc gia bắt buộc cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh chịu ảnh hưởng xung đột địa chính trị, tăng trưởng kinh tế chậm lại (trừ Mỹ), lạm phát cao, thất nghiệp nhiều…, các quốc gia phải ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách trong nước. Từ đó, dẫn đến các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đã đầu tư ra nước ngoài (nhất là vào Trung Quốc và một số quốc gia) thực hiện chuyển nhà máy về nước hoặc các nước lân cận cùng hệ giá trị.

Thứ hai, với những thay đổi về mặt đối ngoại của các quốc gia (chủ yếu là các nước phát triển), những tập đoàn chiếm 70-80% vốn đầu tư FDI toàn cầu cũng phải thay đổi theo chiến lược chung. Đáng chú ý, những quốc gia đang phát triển (nhất là tại Châu Á) lại nổi lên, đầu tư ra nước ngoài rất nhiều. Họ chọn các nước có môi trường đầu tư hấp dẫn như Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam…

Thứ ba, các quốc gia phải cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu vì giá năng lượng, nguyên liệu, khoáng sản, lương thực lên xuống bất thường. Các công ty đa quốc gia toàn cầu theo đó cũng phải cơ cấu lại để đảm bảo các lợi ích thỏa đáng. Bởi vậy, họ khuyến khích sản xuất các sản phẩm với nguyên liệu tại chỗ, hay thực hiện đầu tư ở các quốc gia không ảnh hưởng bởi chi phí logistics, đặc biệt là những khu vực có năng suất lao động cao song chi phí thấp.

Tổng quan những phân tích nêu trên cho thấy thách thức và cơ hội nhất định với Việt Nam. Chúng ta rõ ràng hưởng lợi thu hút FDI do có quan hệ ngoại giao tốt với Mỹ, Trung Quốc, cùng nhiều cường quốc lớn khác. Minh chứng điều này là Việt Nam trong năm 2023 đã ghi nhận 28 chuyến thăm của của lãnh đạo cấp cao các nước trong đó có những chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử như của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden; cùng với đó là 22 chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.

Tuy vậy, cần nhần mạnh với chiến lược hướng nội của các quốc gia, việc thu hút FDI của Việt nam chắc chắn cũng chịu ảnh hưởng. Do đó, Việt Nam cũng đưa ra chiến lược tái cơ cấu, thay đổi trong định hướng thu hút dòng vốn FDI.

Năm 2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 50 về đầu tư nước ngoài và sau đó Chính phủ đã ban hành một chiến lược thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới. Về cơ bản, chúng ta điều chỉnh định hướng chính sách thu hút FDI có chọn lọc hơn, hướng vào ngành công nghiệp mới/tương lai, các dịch vụ hiện đại như ngân hàng, bảo hiểm, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo và các đổi mới sáng tạo. Tất cả những điều này cho thấy sự thay đổi lớn.

Box0-Recovered

Thu hút FDI của Việt Nam cũng cần gắn với tăng trưởng xanh, bởi thế giới đang đứng trước áp lực thay đổi giảm phát thải khí nhà kính. Đã có nhiều cuộc hội nghị lớn toàn cầu trong những năm gần đây về vấn đề này, đó là Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021; rồi đến COP27 tổ chức tại TP. Sharm El-Sheikh (Ai Cập), tổ chức tháng 11/2022; và lần gần nhất là COP28 tại Dubai tổ chức vào tháng 12/2023.

Trong đó, Hội nghị COP28 được coi là đã đạt được thành quả mà các hội nghị trước chưa giải quyết được. Yếu tố tài chính cho khí hậu đã chiếm vị trí trung tâm tại Hội nghị. Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) đã nhận được sự thúc đẩy trong đợt bổ sung lần thứ hai với 6 quốc gia cam kết tài trợ mới tại COP28 với tổng số cam kết hiện ở mức kỷ lục 12,8 tỷ USD từ 31 quốc gia, và dự kiến ​​sẽ có thêm đóng góp.

Ngoài ra, đó còn là các cơ chế mới được ban hành như tín chỉ carbon, thay đổi phương tiện giao thông sang xe điện, hay loạt quốc gia sử dụng năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo, sắp tới là điện thủy triều…

Việt Nam đã có "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050" và được thế giới đánh giá rất cao. Chúng ta đề ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Không chỉ vậy, Việt Nam còn có chiến lược chuyển sang kinh tế số, chính phủ số, xã hội số và doanh nghiệp số. Chiến lược này gắn với lợi thế quan trọng của Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi, năng lực và trình độ của người Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của kinh tế số như AI, Bigdata…

Minh chứng là nhiều trường Đại học của Việt Nam nằm trong top 1000 thế giới. Năm 2023, Việt Nam cũng có 2 nhà khoa học là PGS.TS Lê Hoàng Sơn và GS-TSKH. Nguyễn Đình Đức nằm trong top 10.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong 5 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021, 2022, 2023).

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng tập trung phát triển lĩnh vực công nghệ như FPT, Viettel, hay Vingroup…

Trien lam doi moi sang tao 2023 09

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như FPT, Viettel, hay Vingroup cũng tập trung phát triển công nghệ.

Thưa giáo sư, căn cứ nào để Việt Nam gia nhập mạnh mẽ vào thị trường bán dẫn, trong khi chúng ta xếp sau nhiều đế chế chip bán dẫn?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Mỗi quốc gia trong quá trình phát triển của mình lại có những cơ may. Việt Nam cũng có cơ may của mình ở lĩnh vực chip bán dẫn khi hội tụ 3 yếu tố tích cực.

Như đã nhắc đến, chưa bao giờ có một số lượng lớn đoàn ngoại giao từ khắp các châu lục đến thăm Việt Nam nhiều đến vậy. Đặc biệt có 2 đoàn là Mỹ và Trung Quốc lần lượt đến Việt Nam vào tháng 9 và tháng 12/2023. Chưa bao giờ chỉ trong giai đoạn ngắn chúng ta đón cả Tổng thống Mỹ John Biden và Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Các sự kiện này khẳng định tầm vóc và vị thế mới của Việt Nam trên thế giới.

Đối với Mỹ, điều đặc biệt là chỉ sau 10 năm hợp tác toàn diện, 2 nước đã bỏ qua bước đối tác chiến lược và sau đó chuyển sang đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy, chúng ta đã có 5 đối tác hợp tác toàn diện là các quốc gia trong Hội Đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Mỹ cũng ký với chúng ta một tuyên bố chung, trong đó thừa nhận Mỹ và Việt khác nhau về cách tiếp cận ở một số vấn đề, và thống nhất trao đổi để đi đến một thỏa thuận.

Với những ai theo dõi quan hệ Việt - Mỹ, đây cũng là lần đầu tiên một loạt các quan chức cao cấp Mỹ qua thăm Việt Nam (trước Tổng thống John Biden là Bộ trưởng ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính…).

Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ John Biden là Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác, là con số kỷ lục trong lịch sử quan hệ ngoại giao hai quốc gia.

Kể từ chuyến thăm đó, chúng ta thấy có nhiều thay đổi, đặc biệt về thương mại và đầu tư. Những lô hàng xuất khẩu qua các cảng biên giới từ Móng Cái đến Lào Cai đều có thủ tục xử lý nhanh, chỉ từ 3-5 phút. Chưa kể, xuất khẩu bằng đường sắt cũng giúp giảm chi phí, nhân lực yêu cầu ít, qua đó giúp Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn, góp phần giảm nhập siêu từ Trung Quốc.

Bản thân Trung Quốc cũng có lợi khi đầu tư vào Việt Nam. Với căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung, xuất khẩu của nước này bị ảnh hưởng và họ phải chuyển hướng sang Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực ASEAN nói chung.

Việt Nam là quốc gia sử dụng nguyên liệu dệt may, da giày, nguyên liệu công nghiệp nhẹ từ Trung Quốc. Và với lợi thế từ lượng nguyên liệu dồi dào, chất lượng tốt, giá rẻ, chi phí logistics thấp, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chọn cách đầu tư vào Việt Nam, qua đó, tạo giá trị sản phẩm gia tăng và lợi ích cho họ. Đồng thời, Việt Nam cũng có những ưu đãi về thuế, và bản thân chúng ta được hưởng lợi khi gia tăng xuất khẩu sang Mỹ, EU, thông qua Hiệp định CPTPP và các FTA.

Riêng năm 2023, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp nước này tại Việt Nam đạt 4,47 tỷ USD, tăng vọt so với giai đoạn trước (năm 2020 là 2,46 tỷ USD; năm 2021 là 2,92 tỷ USD; năm 2022 là 2,5 tỷ USD). Con số này được dự báo sẽ còn lớn hơn nhiều trong năm 2024 và 2025.

Trước đây, khi nhắc về FDI Trung Quốc, người ta thường có thành kiến về máy móc, thiết bị lỗi thời, ô nhiễm môi trường. Nhưng giờ đã khác, nhiều công nghệ của Trung Quốc hiện đại, không thua kém thế giới. Ngành dệt may là một ví dụ điển hình với công nghệ thân thiện môi trường; ngoài ra họ còn có các dự án sản xuất pin mặt trời lớn ở Việt Nam. Trung Quốc cũng là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, họ có những công nghệ năng lượng đứng top đầu thế giới.

Tựu chung lại, với chuyến thăm của hai cường quốc hàng đầu trên thế giới, chúng ta rõ ràng đang ở vị thế rất khác, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: "Chưa bao giờ vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt với hai cường quốc lớn nhất trên thế giới, mà tốt như vậy".

Khi hai nguyên thủ quốc gia lớn đến Việt Nam với những bản tuyên bố chung và các hợp đồng ký kết như vậy, chúng ta rõ ràng đang có vị thế rất cao. Việt Nam do đó cần tranh thủ cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế trong nước. Không có kinh tế mạnh thì không có sức mạnh quốc gia.

Box1

Ngoài nền tảng chính trị ổn định và quan hệ ngoại giao rất tốt, ông đánh giá Việt Nam còn có lợi thế nào để phát triển công nghệ bán dẫn?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Việt Nam có 22 triệu tấn đất hiếm (công bố năm 2022 của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ). Điều này không chỉ có lợi cho Việt Nam, mà còn cả thế giới. Trung Quốc là nước có thị phần đất hiếm lớn nhất khi hiện có trữ lượng 44 triệu tấn đất hiếm, mỗi năm và họ khai thác khoảng 220.000 tấn đất hiếm (nghĩa là phải khai thác 200 năm mới hết lượng đất hiếm), chiếm khoảng 80% thị trường đất hiếm thế giới. Lúc Trung Quốc "cắt" đất hiếm như giai đoạn 2022-2023 thì thị trường ô tô, điện thoại… rơi vào tình trạng thiếu hụt do thiếu chip.

Việt Nam vừa có đất hiếm, vừa có vonfram… Dân tộc nào cũng có vận may của mình. Cũng như khi chúng ta lần đầu phát hiện dầu khí ở thềm lục địa ở khu vực phía Nam vào những năm 80 – 90, thời điểm mà Việt Nam rất nghèo. Các tập đoàn dầu khí lớn quốc tế sau đó đã vào Việt Nam, rồi ký hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí. Chúng ta không tốn chi phí và được chia tiền theo hợp đồng khai thác. Thời điểm đó, hoạt động khai thác dầu khí chiếm 20% tổng thu ngân sách nhà nước.

Quan trọng hơn, về mặt chính trị, với sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia kể trên còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta. Chũng chính họ đã áp lực với chính quyền Mỹ trong việc bỏ cấm vận với Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1994.

Việt Nam có hai "quân át chủ bài": Một là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài do yếu tố chính trị và các ưu đãi hấp dẫn; Hai là đất hiếm - quân bài quan trọng. Nếu khôn khéo, chúng ta cần có chiến lược toàn diện về tài nguyên này, có thể dùng nó để "mặc cả" với các quốc gia khác, vừa cung cấp cho họ để giảm thiểu ảnh hưởng từ Trung Quốc, vừa có thể chọn lọc nhà đầu tư để làm nhà máy bán dẫn.

Box2

Cuối năm ngoái, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ vào làm việc tại Việt Nam với hàng chục tập đoàn lớn đã ký kết nhiều thỏa thuận. Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư công bố hiện nay có 12-13 thỏa thuận, trong tương lai gần thì một số thỏa thuận sẽ được ký kết. Lúc đó, chúng ta vừa sản xuất đất hiếm, vừa làm công nghệ bán dẫn.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez, Việt Nam đã thu hút hàng chục công ty bán dẫn và có tiềm năng trở thành cường quốc về chip bán dẫn. Ông tuyên bố Mỹ dùng 50 tỷ USD cho ngành bán dẫn, trong đó sẽ chi 500 triệu USD để ổn định và mở rộng sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đồng thời phát triển và triển khai công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) an toàn và đáng tin cậy. Trong số này sẽ dùng cho một số đối tác lớn, và có cả Việt Nam để phát triển các điều kiện sản xuất bán dẫn.

Để chuẩn bị cho phát triển công nghiệp khai thác đất hiếm, chất bán dẫn, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị về mặt đào tạo nhân lực trình độ cao. Cụ thể, khi công bố Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), các nhà đầu tư lớn nước ngoài ký thỏa thuận hợp tác với Việt Nam đào tạo 500.000 công nhân cho ngành bán dẫn cho đến năm 2030.

Chưa dừng lại ở đó, chúng ta sẽ có 10.000 kỹ sư, 1.000 thạc sỹ, 100 tiến sỹ, phân cho 5 cơ sở đào tạo gồm: Đại học FPT, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP.HCM, và chắc chắn sẽ còn nhiều hơn nữa.

Nhìn rộng hơn, trong 6 năm (từ nay đến năm 2030), mỗi năm chúng ta sẽ đào tạo hàng chục vạn người, với chương trình đào tạo hiện đại, hiệu quả theo học trình, phương pháp của Mỹ.

Trien lam doi moi sang tao 2023 06

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez, Việt Nam đã thu hút hàng chục công ty bán dẫn và có tiềm năng trở thành cường quốc về chip bán dẫn.

Theo đánh giá của Mỹ, năng lực của doanh nghiệp trong nước hiện tại đã có thể làm những con chip, dù chưa hiện đại lắm. Tuy nhiên, tổng hòa những yếu tố kể trên, đây là tiền để quan trọng để chúng ta bước đầu là thu hút, và tiếp cận công nghệ hiện đại để sản xuất chip. Tôi nghĩ đất hiếm, bán dẫn có thể chiếm ít nhất 15% GDP Việt Nam. Đây là con số rất lớn!

Ngành chip là ngành công nghiệp đỉnh cao, với sự cạnh tranh, ganh đua bởi các cường quốc hàng đầu thế giới. Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển, nhưng trước mắt phải chăng chúng ta chỉ thu hút nhà đầu tư đến đặt nhà máy, còn chuyển giao công nghệ lại là vấn đề rất khác. Giáo sư đánh giá ra sao?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Rõ ràng, Việt Nam không thể chỉ dựa vào các doanh nghiệp FDI để trở thành cường quốc bán dẫn. Chúng ta phải tự mình làm điều đó với 3 hướng quan trọng.

Một là cần có đội ngũ nhân lực cấp cao về quản trị, công nghệ hàng đầu thế giới. Để thực thi được, chúng ta cần vừa đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài từ nước ngoài.

Nếu tính số lượng cán bộ cấp cao (kỹ sư hàng đầu, tiến sỹ) người Việt làm về AI trong nước và thế giới, thì Việt Nam không kém Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng, nếu tính riêng trong nước thì còn kém. Vậy nên, hướng chính sách làm thế nào để lôi kéo Việt Kiều về nước để phát triển ngành công nghiệp hiện đại là rất quan trọng.

Hướng khác là khuyến khích mạnh hơn nữa vào R&D (Nghiên cứu và Phát triển). Chỉ khi chúng ta tiếp cận nhiều hơn nữa vào R&D, mua bán giấy phép, chuyển giao công nghệ thế giới để trở thành công nghệ của Việt Nam, thì lúc đó mới có cơ sở để từng bước thành công trong lĩnh vực này.

Cuối cùng, Việt Nam phải coi trọng chính sách khuyến khích nhân tài, khuyến khích các doanh nghiệp chi tiền nghiên cứu phát triển công nghệ. Với điều kiện như vậy, chúng ta trong 10 năm tới mới tiệm cận các nước tiên tiến trên thế giới, rồi sau đó mới chen chân vào các nước phát triển.

Có thể lấy ví dụ ở ngành dầu khí, ở các hợp đồng PVN ký ngày trước, mỗi hợp đồng sẽ dành ít nhất 2 triệu USD để chuyên đào tạo cho cán bộ Việt Nam các cơ sở hàng đầu tại Anh, Mỹ, Úc. Vậy nên, ngành dầu khí Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và có những nhân lực tốt nhất. Kỹ sư Việt Nam giờ có thể tự khoan, tự khai thác dầu. Thậm chí, Việt Nam bây giờ đã thực hiện đầu tư ra nước ngoài, hợp tác đầu tư với nhiều quốc gia.

box3

Liên quan khoa học công nghệ, một rào cản lớn là nguồn lực đầu tư. So với các nước phát triển, nguồn lực tái đầu tư khoa học công nghệ của Việt Nam còn rất thấp. Đâu là lời giải cho bài toán này, thưa ông?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Đối với nguồn lực đầu tư khoa học công nghệ, không phải ngân sách nhà nước, mà quan trọng nhất phải là xã hội hoá. Nhóm doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí đến 60% tổng số trên. Có thể ví dụ ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup, đã làm loạt viện nghiên cứu dữ liệu lớn, nghiên cứu ô tô, công nghiệp hiện đại.

Hướng thứ hai là chuyển các tổ chức nghiên cứu, viện khoa học, các viện trường đại học thành các viện nghiên cứu độc lập. Và, từ thành quả nghiên cứu để trả lương cho những cá nhân có thành tích.

Việt Nam đã có cơ chế chuyển đổi như vậy, dù hơi chậm nhưng đang được thực hiện. Một số thành quả của Viện hàn lâm Khoa học Công nghệ là nhờ vào các viện độc lập. Mỗi năm, Nhà nước cấp cho một số kinh phí, còn lại là tự nghiên cứu. Có thể thấy, nhiều trường Đại học ở Việt Nam đã có những thay đổi rất nhiều nhờ nguồn thu tích lũy hàng năm và khả năng tự chủ tài chính tốt.

Một yếu tố quan trọng khác cần nhấn mạnh là môi trường làm việc ở các cơ sở nghiên cứu cần thực sự dân chủ, tự do, cạnh tranh. Lấy ví dụ, Microsoft trong công tác cán bộ lấy chọn lựa là chính. Vì thế, cơ quan quan trọng nhất của Microsoft là bộ phận tổ chức săn đầu người. Quá trình tuyển chọn nhân sự của tập đoàn này không phải thông qua thi cử. Họ sẽ có một hội động thẩm định ý tưởng của ứng viên muốn gia nhập công ty, từ đó đưa ra các đánh giá về ý tưởng, trình độ, sự hòa nhập của nhân sự này. Tất nhiên, tỷ lệ lựa chọn thường không cao.

Sau đó, ứng viên kể trên sẽ làm kế hoạch nghiên cứu (quá trình nghiên cứu, yêu cầu vòng thử nghiệm, vốn, nhân sự giúp việc…). Tiếp đến, từ 6 tháng - 1 năm, nhân sự này có có báo cáo. Sau 2 năm, hội đồng sẽ họp và đưa ra đánh giá. Nếu đạt những tiêu chí của Microsoft thì ứng viên sẽ được nhận và hưởng lương cao.

Tôi nghĩ, điều quan trọng trong môi trường làm việc là sự tự do, thoái mái. Không có điều đó thì không thể có nhân tài.

Ngoài ra, để phát triển khoa học công nghệ, chúng ta cũng cần có một hệ thống thị trường khoa học công nghệ cởi mở, từ nghiên cứu, ứng dụng, hợp tác nghiên cứu giữa người phát minh – người đưa nghiên cứu vào thực tế, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghiệp…

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

KHÁNH AN - THIẾT KẾ: TRỌNG HIẾU