Động lực hồi phục của doanh nghiệp

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, sự nỗ lực hỗ trợ của Chính phủ, nhất là các giải pháp về thuế, phí… được kỳ vọng sẽ là động lực cho doanh nghiệp hồi phục, vực dậy tăng trưởng cuối năm.
THANH AN
04, Tháng 09, 2023 | 06:48

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, sự nỗ lực hỗ trợ của Chính phủ, nhất là các giải pháp về thuế, phí… được kỳ vọng sẽ là động lực cho doanh nghiệp hồi phục, vực dậy tăng trưởng cuối năm.

NDT - Dong luc hoi phuc DN

Kỳ vọng nhiều động lực giúp doanh nghiệp hồi phục. Ảnh: Internet.

Tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương nhận định, là một nền kinh tế có độ mở lớn, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới. Điều đáng quan ngại hiện nay là hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, cả nền kinh tế nói chung, đang phải "bơi trong dòng xoáy khó khăn".

Trong bối cảnh đó, “sức khỏe” của doanh nghiệp là mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt là sau đại dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng, lao động… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư khi thị trường không thuận lợi, kinh doanh đình trệ, không có lãi. Điều này phần nào được thể hiện qua tốc độ rút lui khỏi thị trường tăng nhanh hơn so với tốc độ thành lập mới.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2023, cả nước có 89,6 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 834,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 588,9 nghìn lao động, tăng 0,2% về số DN, giảm 17,1% về vốn đăng ký và giảm 5,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Hướng ngược lại, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 66,8 nghìn, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; 36 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,9%; 10,4 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%. Như vậy, bình quân một tháng có 16,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Không những thế, khó khăn đó còn thể hiện qua việc DN phải hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn do chưa thu xếp kịp nguồn vốn. Theo VNDirect đến ngày 26/7/2023, có khoảng 65 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. VNDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này vào khoảng 172,62 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 15,8% dư nợ trái phiếu DN riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các tỏ chức phát hành thuộc nhóm bất động sản.

Riêng đối với doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, VNDirect cho biết tổng lợi nhuận ròng quý II/2023 của nhóm này giảm gần 13% so với cùng kỳ, đà giảm tập trung tại các nhóm dầu khí, hóa chất, kim loại và bán lẻ.

Những nỗ lực của Chính phủ

Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ ban ngành và ngân hàng nhà nước đã có nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.

Với thị trường bất động sản, để tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)…; trình Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đồng thời ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã lập Tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương, tiếp nhận, xem xét, xử lý 112 văn bản liên quan đến 174 dự án bất động sản, với nhiều nội dung kiến nghị về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án

Mới đây, tại Nghị quyết số 124 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đến nay, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1-2% so với đầu năm.

Về đẩy mạnh vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. 

Đến ngày 23/3/2023, Thủ tướng tiếp tục ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Với những giải pháp quyết liệt và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, giải ngân tại ngày 30/6/2023 đạt gần 216 nghìn tỷ. Đây được đánh giá là một con số khá lớn về tỷ lệ, đạt khoảng 30,49% so với kế hoạch Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%). Đặc biệt số tiền tuyệt đối so với năm 2022 là hơn khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công.

Nhờ những nỗ lực và giải pháp quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng, bất chấp nền kinh tế trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán (vốn được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế) đã diễn biến rất tích cực khi tăng mạnh hơn 25% tính từ đầu năm đến nay.

Đáng chú ý, loạt tổ chức quốc tế cũng đưa ra những nhận định triển vọng về nền kinh tế Việt Nam.

Theo đó, World Bank (WB) lạc quan dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay và những năm tiếp theo. Cụ thể, tăng trưởng GDP cả năm 2023 sẽ đạt mức 4,7%, sau đó tăng lên 5,5% trong năm 2024 và khoảng 6% vào năm 2025. Tổ chức này cho rằng, các động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thời gian tới đến từ chính sách tài khóa chủ động hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, loại bỏ các hạn chế trong giải ngân đầu tư công và giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Tương tự, Ngân hàng HSBC thông báo tăng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ 6,6% lên 6,9%, có khả năng đứng đầu toàn khu vực ASEAN. Khối nghiên cứu của HSBC đánh giá mức tăng trưởng 7,7% của Việt Nam trong quý II so với cùng kỳ 2021 là ngoạn mục, vượt xa con số dự báo 5,9% của các tổ chức nghiên cứu đưa ra trước đó.

Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm, nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi. Con số này thấp hơn năm 2022, nhưng so với tăng trưởng toàn cầu thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ