Cán bộ quản lý dự án trong ‘mùa dịch’: Khó chồng khó, nhưng…

Triển khai các dự án lưới điện trong điều khiện bình thường đã khó, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gian nan lại nhân lên gấp bội.
THANH HUYỀN
28, Tháng 08, 2021 | 19:24

Triển khai các dự án lưới điện trong điều khiện bình thường đã khó, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gian nan lại nhân lên gấp bội.

“Lòng như lửa đốt” là tâm trạng của CBNV các ban quản lý dự án thuộc các tổng công ty điện lực, khi khó khăn đang chồng chất, nhiều dự án “dậm chân tại chỗ”. Họ đã gỡ khó như thế nào?

Nhiều trở ngại…

Ông Đào Hòa Bình - Giám đốc Ban QLDA Điện lực miền Nam (Tổng công ty Điện lực miền Nam - EVNSPC) chia sẻ, hơn 3 tháng nay, dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng, nhiều tỉnh/thành phố ở khu vực miền Nam thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16, 16+, đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, điều hành, thi công các công trình lưới điện.

Cả hệ thống chính trị của các địa phương đều đang tập trung chống dịch, nên công việc vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng để thi công gần như không thực hiện được. Rất khó điều động lực lượng lao động có tay nghề cao trong việc lắp dựng cột thép, kéo dây, lắp đặt thiết bị nhất thứ, nhị thứ, thí nghiệm hiệu chỉnh,… do các địa phương không cho người lao động ra/vào địa bàn. Chưa kể, nhiều nhân công cũng có tâm lý lo lắng, không muốn đi làm trong thời gian giãn cách..., ông Bình cho hay.

Ban quan ly du an

Lãnh đạo Ban QLDA lưới điện EVNNPC động viên các đơn vị thi công tại công trường

Tại miền Bắc, ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng Quản lý công trình 1 -Ban QLDA lưới điện Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) chia sẻ, khi Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ, mặc dù lãnh đạo tổng công ty, lãnh đạo ban đã có các văn bản gửi UBND các tỉnh, huyện, xã phối hợp tạo điều kiện trên cơ sở tuân thủ các quy định của Chính phủ, của địa phương về phòng chống dịch, nhưng việc di chuyển, điều động nhân lực vẫn không đơn giản.

Cũng theo ông Giang, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhiều địa phương không cho phép xe ngoại tỉnh, đặc biệt là xe đến từ các vùng dịch dừng/đỗ trên địa bàn. Chính vì vậy, từ Hà Nội lên tới công trình đường dây 110kV Mường Lay - Điện Biên (đang thi công) hơn 14 tiếng, thông thường chỉ có bánh mì lót dạ chuẩn bị sẵn từ nhà. Dù vậy, không phải lúc nào anh em cũng có thể thuận lợi đặt chân đến công trình.

“Đầu tháng 8 vừa qua, 7h sáng chúng tôi xuất phát từ Hà Nội và 10h tối lên tới Điện Biên. Tuy nhiên, trong ngày hôm đó, tỉnh Điện Biên có chỉ đạo mới về công tác chống dịch. Nên dù đã được tiêm 2 mũi vacxine, có xét nghiệm PCR, nhưng chúng tôi vẫn phải quay đầu xe về Hà Nội ngay trong đêm. Cả đi cả về 24 tiếng. Thực sự là vừa đói, vừa mệt”, ông Giang chia sẻ.

BanQLDA199212 - Copy

Để thi công các vị trí móng cột trên đồi cao, các đơn vị đã phải “cắm chốt” tại chỗ 5-7 ngày

Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhiều CBCNV ban quản lý dự án của EVNNPC, EVNSPC đã “cắm chốt” tại công trường 1-2 tháng chưa về nhà. Tại dự án trọng điểm đường dây 110kV Năm Căn – Khai Long (tỉnh Cà Mau), anh Nguyễn Anh Tuấn – Ban QLDA Điện lực miền Nam chia sẻ, đã hơn 1 tháng qua anh chưa về nhà. Vợ, con đều đang ở giữa tâm dịch TP.HCM với hàng nghìn ca bệnh mỗi ngày khiến anh vô cùng lo lắng. Nhưng vì nhiệm vụ, anh chỉ có thể động viên vợ con qua những cuộc điện thoại hằng ngày, cả gia đình cùng cố gắng vượt qua thời điểm khó khăn.

Cũng “cấm trại” tại công trường hơn 1 tháng nay, anh Dương Công Đức - Ban QLDA lưới điện EVNNPC cho hay: “Bình thường vợ quán xuyến tốt, nên tôi cũng rất yên tâm. Nhưng tháng vừa rồi, vợ cũng phải đi cách ly 21 ngày do đi công tác về từ vùng dịch, vậy là các con phải nhờ ông bà chăm sóc…”.

Công tác nghiệm thu, bàn giao vật tư thiết bị của các dự án điện trên cả nước cũng gặp rất nhiều khó khăn, khi các đơn vị vận tải không nhận chuyển hàng hóa đi các tỉnh do không phải là hàng hóa thiết yếu; các đại lý vật liệu xây dựng tại địa phương đóng cửa... Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng và sắt thép, kim loại màu vẫn đang tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh trong khi các bộ, ngành chưa có hướng dẫn về việc bù giá vật liệu do biến động giá lớn...

Những gian nan “muôn thủa”

Bên cạnh những khó khăn phát sinh do dịch COVID-19, việc triển khai các dự án điện vẫn phải đối mặt với những khó khăn muôn thủa. Ông Nguyễn Trường Giang cho hay, có dự án đi qua 3 huyện, 22 xã với rất nhiều thôn, bản. Ngoài việc tổ chức các buổi họp ở UBND xã, cán bộ dự án còn phải đến từng nhà trưởng thôn, trưởng bản vận động, tuyên truyền, để bà con hiểu được các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Có gia đình, buổi tối đồng ý giao đất, sáng mai khi phương tiện, nhân lực đến thi công, lại thay đổi ý định,…

SPC5

Việc thi công đường dây 110kV Năm Căn – Khai Long gặp nhiều khó khăn do COVID-19 và địa hình nhiều sông ngòi, đầm lầy

Với những dự án ở các tỉnh miền núi như Điện Biên, Lai Châu, vào mùa mưa lũ, để lên được các vị trí thi công, các anh phải vượt suối, vượt lũ không phải là chuyện hiếm gặp. Đó là chưa kể, có khi gặp một trận mưa lớn, giao thông bị chia cắt, gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.

Hay có những vị trí móng cột nằm trên đồi, độ dốc lên đến 40-50%, anh em giám sát của ban và đơn vị thi công phải “cắm chốt” 5-7 ngày trên đồi, bởi nếu đi xuống, mất gần 1 ngày đi đường, hiệu quả công việc sẽ rất thấp. Cũng có những vị trí phải kéo đường dây qua thung lũng rừng cao su, từ đồi này sang đồi kia, rất vất vả.

Còn tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, địa hình sông nước, đầm lầy, rừng ngập mặn… cũng là những thách thức lớn cho các dự án điện. Anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, dự án đường dây 110kV Năm Căn – Khai Long là dự án trọng điểm, cấp điện cho huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau (huyện cực Nam của Tổ quốc) và hòa lưới cho 02 nhà máy điện gió. Tuyến đường dây chủ yếu đi qua khu vực rừng đước, cách đường giao thông từ 200-250m, nên công tác vận chuyển vật liệu cho toàn tuyến gần như phải thực hiện thủ công. Không chỉ có vậy, Cà Mau là tỉnh ven biển, thường xuyên có áp thấp nhiệt đới, nên mưa gió nhiều, gây khó khăn trong công tác thi công đặc biệt là công tác lắp dựng trụ.

Linh hoạt các giải pháp

Thời gian qua, để đảm bảo công việc không bị gián đoạn, các ban QLDA đã ứng dụng tối đa công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành như: xử lý công văn, công việc từ xa trên phần mềm; quản lý tiến độ dự án trên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng (IMIS); tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến về tiến độ qua công cụ Google Meet; nghiệm thu vật tư thiết bị qua công cụ Zoom,...

Đồng thời, bám sát, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để khắc phục khó khăn do dịch bệnh; hỗ trợ các nhà thầu làm việc với các ban, ngành ở các địa phương có dự án, đăng ký danh sách các lực lượng tham gia thi công của nhà thầu đi cách ly tập trung, trước khi triển khai thi công dự án; tổ chức xét nghiệm và bố trí cho những người có liên quan tham gia thực hiện công trình theo mô hình “3  tại chỗ” và cách ly với môi trường xung quanh… Lãnh đạo các ban QLDA cũng thường xuyên sâu sát, động viên, khích lệ nỗ lực của CBCNV trong mùa dịch, đặc biệt là những cán bộ, nhân viên làm công tác trực tiếp tại hiện trường.

Khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, nhưng cán bộ, nhân viên các ban quản lý dự án đã và đang gác lại mọi nỗi niềm riêng tư, vượt qua cả những hiểm nguy, không ngại khó, ngại khổ để tập trung sức lực và trí tuệ hoàn thành nhiệm vụ, nỗ lực tối đa không để mỗi công trình bám sát tiến độ, ngay cả trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch bệnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ