Nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Nam không ‘bất động’ vì COVID

Đang là tâm điểm dịch COVID-19 trong những ngày qua, thậm chí đa phần phải thực hiện Chỉ thị 16 trong giãn cách xã hội, nhưng nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Nam vẫn bình tĩnh ứng biến linh hoạt với hàng loạt các giải pháp như bán hàng trực tiếp, mua nhà 0 đồng, áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh...

Đang là tâm điểm dịch COVID-19 trong những ngày qua, thậm chí đa phần phải thực hiện Chỉ thị 16 trong giãn cách xã hội, nhưng nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Nam vẫn bình tĩnh ứng biến linh hoạt với hàng loạt các giải pháp như bán hàng trực tiếp, mua nhà 0 đồng, áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh...

Trải qua ba đợt dịch COVID-19 trước đó, các doanh nghiệp bất động sản từng bước chuyển đổi số doanh nghiệp, áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh và nâng cao tinh thần chủ động. Vì thế bước vào đợt dịch thứ 4, với sự chuẩn bị tốt, nhiều doanh nghiệp vẫn bình tĩnh ứng phó linh hoạt.

Ngày 12/7, dù TP.HCM đang áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, thế nhưng Công ty Cổ phần đầu tư Nam Group vẫn triển khai công tác quảng bá và thực hiện bán sản phẩm nhà phố, nhà phố thương mại tại dự án Thanh Long Bay tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Dự án rộng 92ha, với tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí được doanh nghiệp này triển khai từ năm 2020 tới nay.

Theo đại diện Nam Group, việc triển khai quảng bá dự án và đưa ra các sản phẩm hiện đang được triển khai bán hàng nhằm mục tiêu tiếp cận tới khách hàng, giúp doanh nghiệp có thể bán được hàng qua hình thức giao dịch và quảng bá sản phẩm trực tuyến. Đảm bảo việc không phải tiếp xúc trực tiếp khách hàng, nhưng vẫn có thể tiêu thụ được sản phẩm cũng như tạo ra việc làm cho nhân viên của mình. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp không “nằm im” chờ qua dịch.

Công ty CP Tập đoàn bất động sản Thắng Lợi cũng đang cho thấy mình là doanh nghiệp địa ốc không “bất động” trước tâm dịch. Cách làm của Thắng Lợi đó là thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp, thực hiện những buổi tọa đàm trực tuyến do chính Tổng giám đốc và các chuyên gia bất động sản, kinh tế nói về dự án của mình tại tỉnh Long An, những lợi thế mà dự án mình đang có. Tọa đàm này được truyền trực tiếp trên các trang mạng xã hội và thông qua nhân viên môi giới để đến với khách hàng.

Tập đoàn Novaland cũng là đơn vị đang phát triển mạnh mẽ trong việc bán sản phẩm BĐS tại các tỉnh phía Nam đang là tâm dịch của Việt Nam. Cách làm của Novaland đó là chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, không để nhân viên môi giới tới công ty làm việc, tuy nhiên lại thực hiện xây dựng bộ công nghệ bán hàng online cho nhân viên môi giới của mình. Từ đó, nhân viên môi giới có thể ở nhà và liên hệ với khách hàng rồi cho họ trải nghiệm tìm hiểu dự án qua phần công nghệ này. Khi khách hàng đồng ý mua sản phẩm thì sẽ thực hiện làm thủ tục bán hàng sau khi dịch được kiểm soát.

Đây cũng là cách bán hàng đang được Tập đoàn Hưng Thịnh, Trần Anh Group, An Gia… lựa chọn để thực hiện. Trong đó, riêng Tập đoàn Hưng Thịnh với 3 dự án đang được triển khai bán hàng, đội ngũ nhân viên môi giới lên tới hơn 3.000 người, việc thực hiện bán hàng qua phần mềm công nghệ được doanh nghiệp này triển khai bài bản do phòng công nghệ thông tin của tập đoàn, chuyên nghiên cứu và phát triển các phần mềm trực tuyến về bán hàng cũng như xây dựng công nghệ trong nhà ở BĐS…

Hay như Tập đoàn Vạn Phúc, năm 2020 khi mà dịch bệnh COVID – 19 bùng phát, doanh nghiệp này đã thực hiện bắt tay với một doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Singapore để mua phần mềm bán hàng trực tuyến trong đó có công nghệ 3D thăm quan nhà mẫu và dự án trên nền tảng số. Vì thế, khi dịch bệnh bùng phát thì doanh nghiệp này vẫn tiếp tục cho nhân viên môi giới giới thiệu khách hàng mua nhà mà vẫn thực hiện nghiêm chỉ thị 16 của lãnh đạo TP.HCM.

Không chỉ các doanh nghiệp nói trên không “đầu hàng” trước đại dịch mà nhiều doanh nghiệp như DKRA Vietnam, DKRH vẫn triển khai bán dự án hơn 4.000 sản phẩm chung cư tại Bình Dương của Tập đoàn Phát Đạt. Công ty CP Bất động sản AsianHolding thì cho biết từ đầu tháng 7 tới nay đã giao dịch hơn 30 sản phẩm tại dự án ở Bình Phước bằng việc bán hàng trực tuyến.

Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi cho rằng các doanh nghiệp địa ốc đang thích ứng khá tốt với dịch bệnh hiện nay, dù việc thích ứng này là điều không mong muốn. Cụ thể, ông Quyền cho biết năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát đầu tiên tại Việt Nam và các tỉnh phía Nam phải “thấm đòn” vì COVID gây ra. Khi đó, xác định việc phải sống chung với dịch bệnh trong thời gian dài là mục tiêu đầu tiên của doanh nghiệp, từ đây lãnh đạo doanh nghiệp quyết định đối đầu với dịch bệnh bằng việc chuyển đổi số và thực hiện xây dựng các kịch bản bán hàng trong thời gian dịch bùng phát.

“Chính sự chuẩn bị và chấp nhận thích ứng với dịch bệnh đã giúp chúng tôi có sự phát triển doanh thu tốt dù dịch đang bùng phát mạnh”, ông Quyền nói.

Câu chuyện thích ứng để tồn tại cũng được ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group đưa ra qua trao đổi với PV Nhadautu.vn. Cụ thể, ông Vinh cho biết đợt dịch đầu năm 2020, doanh nghiệp đã tiến hàng ngay các buổi tập huấn bán hàng trực tuyến cho toàn bộ hệ thống sàn giao dịch của mình. Tiếp đó là bắt tay vào việc xây dựng các sản phẩm 3D đa chiều của các dự án và nhà mẫu cũng như bộ sản phẩm công cụ bán hàng trực tuyến cho nhân viên môi giới của mình sử dụng bán hàng khi dịch bùng phát. Vậy là từ đầu dịch đợt 4 bùng phát vào giữa tháng 4/2021 tới nay, doanh nghiệp vẫn đạt doanh thu tốt trong sản phẩm bán hàng.

Đánh giá về thị trường bất động sản phía Nam hiện nay, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản DKRA Việt Nam cho biết 6 tháng năm 2021 các phân khúc tại phía Nam đều tăng so với năm 2020. Cụ thể, ở phân khúc đất nền, trong quý 2, thị trường TP.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận nguồn cung dồi dào hơn với quý 1, mức tăng khoảng 125%, tỷ lệ tiêu thụ tăng 59%.

So với cùng kỳ năm 2020, nguồn cung và lượng tiêu thụ quý 2 tăng nhẹ. Thị trường đất nền vùng ven tiếp tục giữ vị thế chủ lực trong khi TP.HCM trải qua 4 quý liên tục thiếu vắng nguồn cung mới.

Trong khi đó thị trường căn hộ toàn TP.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm nhẹ so với quý 1/2021, trong đó, nguồn cung giảm 28% và lượng tiêu thụ giảm 26%.

Riêng thị trường TP.HCM ghi nhận diễn biến sôi động hơn với nguồn cung chủ yếu thuộc phân khúc căn hộ hạng A và B, căn hộ hạng C tiếp tục vắng bóng. Nguồn cung và lượng tiêu thụ ở khu Nam TP.HCM tăng mạnh trong quý khi chiếm 44% tổng nguồn cung mới và 52% lượng tiêu thụ toàn thị trường.

Với số liệu này, có thể thấy các doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu thích nghi tốt với thị trường trong thời kỳ “không bình thường”.

Nhận định về thị trường bất động sản những tháng còn lại của năm 2021, ông Nguyễn Hoàng cho rằng đa phần các phân khúc sẽ duy trì nguồn cung mới ở mức tương đương 6 tháng đầu năm 2021, riêng nguồn cung căn hộ có thể tăng nhẹ. Trong đó, nguồn cung mới đất nền tập trung chủ yếu ở thị trường các tỉnh giáp ranh. Sức cầu chung có thể phục hồi vào những tháng cuối năm khi dịch bệnh được kiểm soát.

Còn bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Đại Phúc Group thì cho rằng thị trường bất động sản vào 6 tháng cuối năm có khả năng sẽ xuất hiện 2 kịch bản. Kịch bản tích cực là thị trường sẽ phục hồi một phần ở giữa quý 3 và khởi sắc trở lại trong quý 4. Với giả thiết này thì tối thiểu 50% người dân được triển khai tiêm vaccine và các công ty hoàn thành tiêm 100% cho nhân viên.

Với kịch bản xấu hơn, vaccine không đủ, thị trường 6 tháng cuối năm khả năng tăng trưởng không cao do các doanh nghiệp sẽ dần bị đuối sức. Việc duy trì bộ máy hoạt động đã là một gánh nặng cho nhiều công ty khi các kế hoạch sản xuất kinh doanh bị phá vỡ và như vậy doanh thu sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Toàn thị trường nhìn chung sẽ khó đạt tăng trưởng trên mức 20% so với 6 tháng đầu năm nếu không nhận được các trợ lực cần thiết và kịp thời.

Tuy nhiên trong cả 2 kịch bản sẽ vẫn có những yếu tố ngoại lực tác động đó là trợ lực từ cơ chế chính sách của nhà nước, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, các gói kích cầu tiêu dùng, tiến độ giải ngân các gói đầu tư công, tiến độ tháo gỡ nút thắt pháp lý…

6 tháng cuối năm sẽ là cơ hội để minh chứng giá trị sản phẩm và tiềm lực của những nhà phát triển uy tín trên thị trường. Các nhà đầu tư, các nhà phát triển BĐS sẽ cạnh tranh hơn về sản phẩm giới thiệu ra thị trường, nhờ đó người mua được tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao hơn.

GIA HUY