Năm 2021 là một năm đầy biến động của nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã thay đổi hầu hết các kịch bản kinh tế cũng như đảo lộn các dự báo triển vọng ngành sản xuất trong nước, trong đó có ngành gỗ.
Ngay từ những tháng đầu năm, Lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các doanh nghiệp ngành gỗ đã ngồi lại tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn do tình hình dịch bệnh và những rào cản thương mại và gần như bế tắc trước diễn biến khó lường của dịch bệnh. Thế nhưng chỉ trong vài tháng các doanh nghiệp ngành gỗ đã hồi phục thần tốc và đạt mức tăng trưởng ngoài mong đợi, hay còn có thể gọi là kỳ tích.
Theo công bố chính thức của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 15,6 tỉ USD, tăng 18% so với năm 2020, gồm: Gỗ các loại đạt 3,6 tỉ USD, tăng 28%; sản phẩm gỗ đạt 10,87 tỉ USD, tăng 14%, lâm sản ngoài gỗ đạt 1,1 tỉ USD, tăng 29,5%. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt khoảng 2,93 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Xuất siêu ước cả năm đạt 12,94 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ.
Đến hết tháng 12/2021, giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông lâm thủy sản cả nước; đạt 4,7% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Hiện nay, gỗ Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn, như châu Âu, châu Mỹ… Cụ thể về thị trường, gỗ và lâm sản được xuất sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 13,98 tỷ USD, chiếm 89,5 % giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kết quả xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vượt xa mục tiêu đặt ra, một trong những nguyên nhân đáng chú ý là sự chuyển biến mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm 2021 khi Chính phủ chuyển từ chiến lược “Zero COVID-19” sang “sống chung” với dịch.
Các “điểm sáng” còn lại đó chính là nỗ lực của từng doanh nghiệp trong duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Là những nỗ lực không ngừng nghỉ, thể hiện “sức rươn”, “sức vướn” mạnh mẽ của ngành hàng gỗ và lâm sản trong thời gian qua, không chịu đầu hàng trước khó khăn, không nản lòng, để có thể xoay chuyển tình thế, đạt được kết quả xuất khẩu “ngoạn mục” trong năm 2021.
Ông Nguyễn Thế Tài – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Nguyễn Hoàng, một doanh nghiệp trong ngành gỗ chia sẻ về giai đoạn đầy khó khăn năm 2021: “Thực hiện chiến lược chủ động sống chung với dịch, Nguyễn Hoàng cũng như các doanh nghiệp trong ngành đã tích cực xây dựng năng lực và chuyên môn, ngoài ra thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, bố trí chỗ ở an toàn cho công nhân vừa đảm bảo mục tiêu ngăn ngừa dịch, vừa tạo tâm lý yên tâm sản xuất cho người lao động.”
Nói về triển vọng xuất khẩu gỗ năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá đây là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị xuất khẩu và sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Dự báo xuất khẩu lâm sản có thể vượt qua mốc 18 tỷ USD trong năm 2022; trong đó, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sẽ đạt 16 -16,8 tỷ USD.
Lạc quan hơn, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá trị xuất khẩu gỗ hoàn toàn có thể đạt mức 17,5 - 18 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, 5 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực là ghế ngồi, đồ gỗ, đồ nội thất, dăm gỗ, viên nén, gỗ dán.
Tổng cục Lâm nghiệp cũng dự báo, năm 2022 Việt Nam đã phê chuẩn và đang triển khai theo lộ trình các FTA song phương và đa phương như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… Điều này giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia FTA được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp gỗ Việt vươn ra thị trường thế giới.
Đặc biệt, với việc mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế từ ngày 15/2/2022, việc giao thương với các nước sẽ thuận lợi hơn, điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho nhiều ngành, trong đó có ngành chế biến gỗ.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đến sản xuất tiêu dùng sẽ tiếp tục là những thách thức tác động tới ngành công nghiệp chế biến gỗ trong thời gian tới. Để phát triển bền vững, ngành gỗ đừng "ngủ quên trên vòng nguyệt quế" mà cần giải quyết tốt bài toán về nguồn nguyên liệu, năng lực sản xuất, thích nghi...
Trao đổi với phóng viên Nhadautu, ông Nguyễn Thế Tài – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Nguyễn Hoàng – thành viên Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG) cho biết thời điểm này, các DN gỗ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh dịch Covid-19 kéo dài gây thiếu hụt lao động thì xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra đẩy giá xăng dầu lên cao, tác động đến chi phí sản xuất tăng. Đặc biệt, giá nguyên liệu gỗ đã, đang và sẽ còn tiếp tục tăng cao đang khiến các DN chế biến gỗ xuất khẩu hết sức đau đầu.
Tuy nhiên, ông Tài cho biết thêm, hiện, các doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Để không bị thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu, các doanh nghiệp như Nguyễn Hoàng đang phải nỗ lực tìm kiếm từ nhiều thị trường khác.
Ngoài ra, nói thêm về hướng đi linh hoạt để thích ứng của doanh nghiệp mình trong năm 2022, ông Tài chia sẻ, chúng tôi đã để Nguyễn Hoàng thoái hết vốn khỏi các ngành nghề không nằm trong định hướng kinh doanh dài hạn để tập trung cho hoạt động sản xuất đồ gỗ. Trong quý 3/2021, Nguyễn Hoàng thực hiện tăng vốn từ 320 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng để nâng cao năng lực tài chính, cải thiện vốn lưu động.
Sắp tới, ngoài việc giao dịch trên sàn Upcom và hướng tới mục tiêu niêm yết chính thức trên HNX hoặc HoSE thì BCG xác định sẽ phát triển Nguyễn Hoàng theo mô hình tổng công ty sản xuất có quy mô lớn.
Bên cạnh công ty con là Thành Phúc sản xuất ván lót sàn, Nguyễn Hoàng còn một công ty con là Tapiotek chuyên sản xuất tinh bột sắn biến tính. Trước đây, Tapiotek có vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng, chúng tôi đã tăng vốn Tapiotek lên 160 tỷ để giải quyết triệt để điểm yếu về vốn lưu động, giúp công ty cải thiện năng lực tài chính để đầu tư máy móc, cải thiện năng lực sản xuất.
Gần như toàn bộ sản phẩm của của Nguyễn Hoàng là dành cho thị trường xuất khẩu, do tính thời vụ khi bán hàng yêu cầu của đối tác về thời gian giao nhận rất khắt khe. Hiện tại, Nguyễn Hoàng đang trong giai đoạn thương thảo, tìm hiểu thủ tục mua 1 kho lưu hàng hóa có diện tích tới 20ha ở Đức với mức giá hợp lý. Sau khi hoàn tất thỏa thuận này, sẽ giảm đáng kể chi phí lưu kho và giảm rủi ro bị đối tác phạt cho giao hàng chậm trễ.
Như vậy, với các chiến lược trên, Nguyễn Hoàng có thể tự tin tiếp nhận toàn bộ các đơn hàng mà đối tác chào và mở rộng hoạt động của mình trên thị trường.