Với việc tạo ra "nguồn điện xanh" từ hệ thống pin năng lượng mặt trời trên những mái nhà Cụm trang trại chăn nuôi bò sữa khép kín quy mô lớn nhất thế giới và các nhà máy tại Nghệ An, Tập đoàn TH tiếp tục kiên định với tôn chỉ "trân quý Mẹ Thiên nhiên" để hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế xanh, bền vững, vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường…
Chúng tôi tới huyện Nghĩa Đàn - vùng cao nguyên đất đỏ Phủ Quỳ đúng vào những ngày thời tiết ở trên toàn tỉnh Nghệ An đang dần vào độ oi ả. Cảm giác nắng nóng của vùng "chảo lửa" miền Trung dễ khiến người ta khó chịu. Ấy thế mà, đến thăm Cụm trang trại bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới của Tập đoàn TH (do Liên minh Kỷ lục Thế giới World Records Union chứng nhận năm 2020), đứng dưới những mái nhà được phủ kín lớp pin năng lượng Mặt trời rộng lớn, cánh nhà báo chúng tôi vẫn phải mặc thêm chiếc áo khoác mỏng bởi sự dịu mát như tiết trời mùa xuân.
Nghệ An được biết đến là địa phương nóng nhất cả nước. Cũng bởi tác động từ nắng nóng có những thời điểm lên tới trên 42 độ C, nhiều năm qua, không ít khu vực của địa phương này thường xuyên bị quá tải điện lưới do nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Từ năm 2020, Tập đoàn TH đã đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời ngay trên những mái nhà của cụm trang trại, nhằm tạo ra nguồn điện "xanh" phục vụ cho nhu cầu sản xuất của Tập đoàn. Tới giai đoạn năm 2022, riêng tại Nghệ An, Tập đoàn TH có 9 dự án điện mặt trời áp mái, bao phủ trên khắp các mái nhà của Nhà máy sữa TH; Nhà máy gỗ của công ty Lâm nghiệp Tháng Năm (May Forestry); Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên, 5 trong số 9 trang trại bò sữa, với tổng quy mô công suất lắp đặt trên 9 MW.
Cho đến nay, toàn bộ hệ thống pin sản xuất điện mặt trời lắp đặt trên những mái trang trại, nhà máy của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã hòa lưới điện quốc gia. Nguồn điện xanh, sạch hoàn toàn từ thiên nhiên này đã đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu thụ điện của toàn trang trại TH.
Đặc biệt, hệ thống điện mặt trời trên các mái nhà của trang trại TH còn vận hành như một lớp cản nhiệt cho những mái trang trại, tạo môi trường sống mát mẻ, khỏe mạnh cho đàn bò sữa gần 70.000 con - cung cấp dòng sữa tươi chất lượng cao làm nên thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK…
Dẫn chúng tôi lên thăm hệ thống điện mặt trời được lắp đặt như "chiếc ô khổng lồ" ngay trên mái Nhà máy Nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên, lãnh đạo nhà máy chia sẻ: Đón đầu xu hướng của thế giới, dưới sự dẫn dắt của nữ doanh nhân Thái Hương, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Tập đoàn TH đã phát huy lợi thế để phát triển hệ thống năng lượng tái tạo. Lợi thế sẵn có đầu tiên của TH là mặt bằng các mái chuồng có diện tích lớn. Điều kiện môi trường ở đây cũng rất thuận lợi cho việc lắp đặt và khai thác điện mặt trời. Lợi thế thứ hai là TH luôn sẵn sàng áp dụng công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực này để tối ưu hóa chi phí và nguồn lực.
"Đầu tư các dự án điện xanh từ năng lượng mặt trời, Tập đoàn TH đã tạo ra nguồn điện sạch, góp phần giảm tác động tải đến khu vực, đặc biệt là cho người dân, bởi huyện Nghĩa Đàn trước đây là khu vực thường xuyên bị quá tải điện lưới do nắng nóng gay gắt kéo theo nhu cầu sử dụng điện cao. Từ khi có các dự án năng lượng điện mặt trời của TH, tình trạng quá tải điện lưới quốc gia trên địa bàn huyện này đã giảm xuống rõ rệt", đại diện TH chia sẻ.
Từ sự nhạy bén trong đầu tư phát triển "dòng điện xanh" bằng năng lượng mặt trời, kết hợp với ứng dụng công nghệ cao, đưa khoa học công nghệ và khoa học quản trị hiện đại hàng đầu thế giới vào chăn nuôi, sản xuất, cho thấy "tăng trưởng xanh" không còn là những mỹ từ trên giấy mà Tập đoàn TH đã hiện thực hóa - từ cách thức trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng và quản lý trang trại cho tới đầu tư sản xuất, tiêu thụ năng lượng… Một nền kinh tế xanh đang thực sự chuyển động giữa vùng đất đỏ của miền Tây xứ Nghệ!
Ấn tượng hơn, với việc tạo ra "dòng điện xanh" từ nguồn năng lượng mặt trời tự sản xuất được, Tập đoàn TH đã ghi thêm dấu ấn khi tiên phong tham gia hưởng ứng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 của Chính phủ, nhằm tiết kiệm sử dụng năng lượng hóa thạch, góp phần bảo vệ môi trường cho đất nước.
Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Vương quốc Anh hồi tháng 10/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: "Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển kể cả tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Thực tế, với sự khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26, những tuyên bố hết sức mạnh mẽ của Việt Nam là có cơ sở và đã được thế giới đánh giá rất cao. Bởi theo kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường (BAU) của Việt Nam, đến 2050, tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức 1.495,4 triệu tấn CO2tđ, trong đó năng lượng là 1.210 triệu tấn CO2tđ (chiếm 81%), LULUCF giảm chiếm 4%, nông nghiệp chiếm 10%. Do vậy, năng lượng sẽ là ngành quyết định về tổng lượng phát thải và mục tiêu phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam.
Theo PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, xu hướng dịch chuyển năng lượng đang diễn ra rất rõ ràng, đặc biệt trong ba lĩnh vực vận tải, dân dụng và sản xuất. Việt Nam cũng đã gửi Ban Thư ký của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu bản Báo cáo cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC cập nhật) vào tháng 9/2020, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Ngoài ra, Quy hoạch điện 8 đang ở trong giai đoạn xin ý kiến để hoàn thiện, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cũng đang trong giai đoạn xây dựng.
Cho đến nay, với việc các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn TH tham gia hưởng ứng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 của Chính phủ, có thể tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đa dạng hoá các nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với quốc tế.
Riêng với TH, xu hướng phát triển xanh như việc tự tạo ra nguồn điện sạch thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần bảo vệ môi trường đồng thời giúp đa dạng hoá các nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, càng khẳng định uy tín và tầm vóc của doanh nghiệp Việt trong hội nhập quốc tế.