Dù dự án ít nhưng nhu cầu mua nhà giá rẻ của người dân ở TP.HCM rất lớn. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng trục lợi mua nhà ở giá rẻ của người lao động nghèo từ những người “có tiền”. Thậm chí, có những dự án được doanh nghiệp chào bán với mác nhà ở xã hội giá rẻ nhưng giá bán lại thuộc dạng trên “mây”. Đặc biệt, hàng chục ngàn căn hộ chung cư được TP.HCM xây dựng rồi bỏ hoang nhiều năm không có người ở.
Năm 2019, Công ty Cổ phần Bất động sản E Xim (Eximland) giới thiệu và cho nhận đặt cọc giữ chỗ bán dự án căn hộ chung cư mang tên River Park Tower tại đường Bưng Ông Thoàn, phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức với giá từ 1,6 tỷ đồng/căn tới hơn 2 tỷ đồng/căn.
Theo quảng cáo từ Công ty Eximland, đây là dự án căn hộ thuộc dạng nhà ở xã hội giá rẻ, được xây dựng trên diện tích 16.971m2, mật độ xây dựng 40%, thiết kế 3 Block chung cư cao 19 tầng (2 tầng thương mại + 17 tầng căn hộ) với 1.379 căn, trong đó có 1.116 căn nhà ở xã hội giá rẻ và 213 căn hộ thương mại.
Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn chưa được xây dựng triển khai, tất cả chỉ là bãi đất trống được quây tôn, dù vậy doanh nghiệp đã thu tiền đặt cọc giữ chỗ của khách hàng từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Một điểm khá lạ là dự án này thuộc nhà ở xã hội, nhưng người mua nhà lại hầu như là đối tượng người đầu tư và được chào bán như dự án nhà ở thương mại. Trong khi đó, theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014, các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội bao gồm 10 đối tượng gồm: Người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại Khoản 5 Điều 81 của Luật này; học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Việc trục lợi từ những dự án nhà ở xã hội giá rẻ cũng được xuất hiện nhiều ở các dự án đã bán và bàn giao cho khách hàng. Tìm kiếm trên mạng xã hội hiện nay, không khó để bắt gặp các thông tin rao bán nhà ở xã hội, đơn cử như dự án nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ ngành công an tại đường Trần Não, Quận 2, TP.HCM. Khi xây dựng và bàn giao cách đây nhiều năm thì giá bán mỗi căn chỉ vài trăm triệu, thế nhưng hiện nay thông tin chào bán từ khách hàng đã mua dự án này là gần 3 tỷ đồng/căn. Liên hệ một người bán lại căn hộ chung cư tại đây, chủ nhà tên Loan cho biết dự án nhà ở xã hội này nếu khách hàng muốn mua sẽ viết giấy bán tay, còn sang nhượng sổ thì phải vài năm nữa mới được thực hiện vì theo luật phải nhiều năm sau mới được sang nhượng căn hộ.
Hay như dự án Chương Dương Home (phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức), dự án Felix Home (phường 6, quận Gò Vấp), dự án First Home Thạnh Lộc (phường Thạnh Lộc, quận 12) và dự án HQC Plaza (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh). Chị T - người đăng tin rao bán căn hộ HQC Plaza có diện tích 54m2 với giá 1,2 tỷ đồng cho biết: “Tôi mua căn hộ này từ người thuộc diện được duyệt mua nhà ở xã hội tại dự án này nhưng không có nhu cầu ở nên bán lại”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, chị T mua lại căn hộ này với giá chênh lệch gần 200 triệu đồng, nay chị bán lại chênh lệch thêm khoảng 250 triệu đồng.
Tương tự, tại dự án nhà ở xã hội Chương Dương Home cũng được rao bán trên website: www.muabannhadat.com với giá 1,12 tỷ đồng, diện tích 56 m2 (tương đương khoảng 20 triệu đồng/m2). Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, đơn giá nhà nước phê duyệt cho đối tượng mua nhà ở xã hội ở dự án này chỉ khoảng 14,5 triệu đồng/m2.
Tại dự án nhà ở xã hội Lý Thường Kiệt Phú Thọ DMC (đường Lý Thường Kiệt, phường 14, Quận 10) còn xuất hiện thông tin bán suất nhà ở xã hội qua các mối quan hệ. Bà M (khách hàng được giới thiệu mua suất nhà ở xã hội tại dự án nhà ở xã hội Lý Thường Kiệt Phú Thọ DMC) cho biết, năm 2018, thông qua các mối quan hệ bà M biết ông Linh. Tháng 9/2020, ông Linh nói với bà M có người anh làm trong cơ quan nhà nước, có suất mua căn hộ nhà ở xã hội tại đây có diện tích gần 80m2, giá gần 2,3 tỷ đồng. Ông Linh nói bà M muốn mua căn hộ trên phải ứng tiền cho ông Linh. Tin tưởng, bà M đồng ý. Từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2021, bà M đã chuyển vào tài khoản do ông Linh cung cấp hơn 1 tỷ đồng để đặt cọc.
Theo Kiểm toán Nhà nước, tại TP.HCM gần đây xuất hiện nhiều tình trạng người được mua, cho thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích. Qua kiểm toán chi tiết 5 dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM, Kiểm toán Nhà nước phát hiện 85 trường hợp người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội có dấu hiệu đã có nhà ở tại thời điểm được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; 64 trường hợp người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội có giao dịch ủy quyền về nhà ở xã hội. Bên cạnh đó còn nhiều trường hợp sở hữu đất đai nhưng chưa có hồ sơ chứng minh có nhà trên đất nên đoàn chưa đánh giá được.
Từ đó có thể thấy, trong khi nhiều người thu nhập thấp phải xếp hàng chờ mua nhà ở xã hội thì không ít người sau khi mua được nhà ở xã hội lại cho thuê hoặc bán lại, thu tiền chênh lệch.
Theo số liệu mới được công bố của UBND TP.HCM, hiện nay nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư trên địa bàn hiện có 11.370 nhà, đất, chưa sử dụng tại 161 dự án.
Cụ thể, có 9.173 căn hộ và 2.197 nền đất tái định cư chưa sử dụng tại 161 dự án trên địa bàn thành phố. Nghịch lý ở chỗ, thành phố đang rất cần nguồn cung nhà ở giá rẻ cho người lao động và người có thu nhập thấp. Kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho thấy, đang có gần 100.000 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, hàng chục nghìn căn nhà tái định cư bỏ hoang.
Đơn cử như Khu tái định cư Bình Khánh thuộc Quận 2, TP.HCM nằm giữa trung tâm bán đảo Thủ Thiêm là một ví dụ. Với diện tích đất rộng 38,4 ha và hàng chục khối nhà đồ sộ; khu tái định cư lớn nhất TP.HCM có tới 12.500 căn hộ và được xây dựng hoàn thành từ năm 2015. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, nhiều khối nhà vẫn cửa đóng then cài và đang xuống cấp trầm trọng.
Còn nhớ cuối năm 2019, một thông tin mà nhiều người lao động tại TP.HCM chú ý đó là việc TP.HCM lại muốn đấu giá hơn 3.790 căn hộ tái định cư tại quận 2. Đây là số nhà tái định cư đã được TP.HCM xây dựng từ những năm 2010 với số lượng lên tới hơn 12.500 căn, thế nhưng xây xong mà người dân trong diện đền bù giải tỏa khu đô thị mới Thủ Thiêm không về ở, thế là những căn nhà chung cư kia ế ẩm, năm 2018 lần đầu tiên TP.HCM quyết định bán đấu giá lượng hàng này để có ngân sách phân bổ công tác khác cho thành phố.
Lần đầu đấu giá, TP.HCM muốn bán sỉ số lượng căn hộ trên cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chia nhỏ bán cho người dân, nhưng kết quả không doanh nghiệp nào tham gia đấu giá. Lần thứ 2 tổ chức đầu năm 2019 cũng ế ẩm chỉ vì mức giá đưa ra bán quá cao so với giá trị sản phẩm. Và cuối cùng lần này TP.HCM quyết định bán lẻ cho người dân, ấy vậy mà người dân cũng không tham gia đấu giá dù họ rất cần nhà, lý do cũng không có gì mới, đó là nhà ở tái định cư, nhưng thành phố đưa ra mức giá trên 40 triệu đồng/m2. Với mức giá này, cao hơn so với mức giá nhà ở thương mại trong khu vực, đăng này đây lại là nhà tái định cư, chất lượng thấp. Một lần nữa hàng chục ngàn căn hộ xây xong bỏ hoang phí, trong khi hàng ngàn lao động có nhu cầu lại không với tới.
Là một trong số rất ít gia đình dọn về sinh sống sau khi TP.HCM thu hồi đất để xây khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Hoàng Mạnh Hà ở khu tái định cư Bình Khánh cho biết, tuy nằm ngay trục đường lớn Mai Chí Thọ rất đắc địa, nhưng vì giá bán nhà tái định cư ở đây khá đắt, nhiều người không đủ tiền mua, nên cuối cùng họ đành phải rao bán lại suất nhà của mình cho người khác. “Nếu so sánh nơi ở cũ thì nơi đây sống thoải mái hơn về giao thông cũng như an ninh. Ngặt nỗi người dân tái định cư khi ở đây đều không tính được kế sinh nhai, bởi hạ tầng không phù hợp cho người dân làm ăn, buôn bán. Hơn nữa, người dân trước đã quen nếp sinh hoạt cũ, chưa quen với lối sống ở chung cư”, ông Hà cho biết.
Không riêng gì khu tái định cư Bình Khánh ở Quận 2, tại huyện Bình Chánh cũng đang có khu tái định cư Vĩnh Lộc B nằm phơi mưa nắng. Với nguồn vốn đầu tư hơn 10 năm trước tới 1.000 tỷ đồng, năm 2011, khu nhà ở này đã đưa vào hoạt động. Trên 529 nền đất và 45 block chung cư gồm 1.939 căn hộ, khu tái định cư Vĩnh Lộc B được xây dựng đồng bộ bằng nhiều công trình phụ trợ như siêu thị, khu thể thao, trường học… Nhưng hầu hết các hộ gia đình được phân về đây thuộc diện tái định cư ở đường Bùi Viện, kênh Tham Lương và một số chương trình chỉnh trang nội đô… đều không muốn về vì cho rằng cách quá xa trung tâm thành phố.
Báo cáo kiểm toán “hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016-2020 của TP.HCM” vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố đã chỉ ra, TP.HCM đang lãng phí hàng nghìn tỷ đồng với hơn một nửa số quỹ nhà đất tái định cư dôi dư. Một số dự án có thời gian đầu tư kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm, chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.
Giải pháp được UBND TP.HCM đưa ra, đó là có 3 hướng giải quyết đối với số lượng nhà, đất này. Thứ nhất, phân bổ cho quận, huyện để phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích là 3.426 căn hộ và nền đất.
Thứ hai, bán đấu giá 5.063 căn hộ và nền đất.
Thứ ba, dự phòng 2.881 căn hộ và nền đất để phục vụ di dời các trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng như cháy nổ, sạt lở bờ sông, kênh rạch, di dời người dân sống trong các chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng cần thiết theo quy định.
(Còn tiếp)