Thấy gì từ loạt phi vụ lừa đảo tài chính nghìn tỷ bị phanh phui?

Dữ liệu từ báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia công bố gần đây cho thấy, trong 220 người dùng điện thoại thông minh, sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, chiếm tỉ lệ 0,45%. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.

Số nạn nhân có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Khi bị mắc bẫy lừa đảo, mặc dù 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo, trao đổi với người thân bạn bè nhưng chỉ có 45,69% người được hỏi trả lời có báo cáo với cơ quan chức năng.

18.900 tỷ đồng không chỉ là con số. Nó nói lên mức độ nghiêm trọng của những vụ lừa đảo đầu tư công nghệ. Nên biết, dư luận đã từng choáng váng về khối tang vật kếch xù hơn 5.200 tỷ đồng của Mr.Pips, một trong những "thần tượng đầu tư" trên TikTok, Telegram… rất nhiều nền tảng mạng xã hội, trước khi "xộ khám".

Ngày 20/12/2024, Công an TP. Hà Nội cho biết đã phối hợp với tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ra quyết định truy nã quốc tế bị can Lê Khắc Ngọ (34 tuổi, địa chỉ Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm).

Ngọ là đồng phạm của Phó Đức Nam, tức TikToker Mr.Pips, trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, không tố giác tội phạm". Nam, Ngọ cùng 29 người khác đã bị khởi tố để điều tra về các tội danh trên, tuy nhiên, Ngọ đã bỏ trốn. Cơ quan công an đã kêu gọi đối tượng này ra đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng.

Đến chiều 26/12, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, sau khi triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam cầm đầu, cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp thu hồi triệt để tài sản.

Từ lúc điều tra đến thời điểm thông tin, Công an TP. Hà Nội tạm giữ thêm một ô tô hiệu Mercedes G63, 12 tỷ đồng trong tài khoản, 18 chung cư, bất động sản trị giá khoảng 100 tỷ đồng.

Theo Phó giám đốc Công an Hà Nội, sau khi triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản này, cơ quan CSĐT đã thực hiện các biện pháp thu hồi triệt để tài sản. Quá trình điều tra vụ án đến ngày 10/12, cảnh sát đã thu giữ, tạm dùng giao dịch số tài sản trị giá 5.200 tỷ đồng.

5.200 tỷ đồng, gồm 316 tỷ tiền trong tài khoản, trái phiếu trị giá 9 tỷ đồng, sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đồng; 69 tỷ đồng tiền mặt, 2,3 triệu pUSD; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe, 7 xe mô tô hạng sang, đắt tiền; 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 84 trang sức các loại bằng vàng, khảm kim cương...

Một con số gây sốc khác là hơn 3.700 tỷ đồng dư nợ gốc mà Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI nợ, mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng.

Kết quả điều tra bước đầu xác định, Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI được thành lập ngày 17/5/2018 với số vốn điều lệ 80 tỷ đồng, địa chỉ trụ sở chính tại số 92, đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Quang Hoàng là Giám đốc, đồng thời là người đại diện pháp luật và là Chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty.

Từ khi thành lập, Nguyễn Quang Hoàng xây dựng mô hình kinh doanh của Công ty theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết "Hợp đồng vay tài sản".

Từ tháng 11/2023, do việc đầu tư kinh doanh thua lỗ, mất khả năng tài chính nên để duy trì hoạt động của công ty, Nguyễn Quang Hoàng đã tổ chức, chỉ đạo cho nhân viên "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng vay tiền, sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước.

Đến đầu tháng 11/2024, công ty mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.

Dù hình thức rất đa dạng và tinh vi, song, điểm chung của những vụ lừa đảo tài chính trong năm qua là các đối tượng nắm bắt rất rõ tâm lý muốn làm giàu nhanh của những người dùng mạng xã hội, cùng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư cá nhân để "giăng bẫy".

Nhiều đối tượng xây dựng hình tượng lộng lẫy, lung linh, xa hoa để "phông bạt", tạo vỏ bọc chuyên gia thành công trong lĩnh vực tài chính để dụ dỗ "con mồi". Đồng thời, tận dụng nền tảng công nghệ để thực hiện hành vi.

Một khảo sát từ Hiệp hội An ninh mạng chỉ ra, 3 hình thức phổ biến nhất gồm dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.

Theo kết quả khảo sát, 70,72% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro, lợi nhuận cao.

Đây không phải là điều bất ngờ, nếu nhìn vào những diễn biến vụ việc gần đây, mà mới nhất là Triệu Nụ Cười, công ty "núp bóng" đầu tư do Hồ Quốc Thân làm giám đốc vừa bị Công an TP. Hà Nội khám xét.

Điều kiện tham gia vào hoạt động của "hệ sinh thái" Triệu Nụ Cười là các cá nhân, doanh nghiệp phải bỏ tiền "trợ duyên" để sở hữu đồng tiền lượng tử QFS TNCVN với mức giá từ 4-5 triệu đồng/1 QFS cho cá nhân và 39 triệu đồng/1 QFS cho doanh nghiệp.

Theo quảng cáo, đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam.

Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Nếu vì bất kỳ lý do nào, cá nhân, doanh nghiệp không muốn tiếp tục tham gia cùng công ty thì Thân sẽ trả lại tiền.

Khi cơ quan công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Thân đã xây dựng hình ảnh về một tập đoàn an sinh, vì lợi ích của người dân nhằm tạo niềm tin cho khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp "trợ duyên" mua đồng QFS.

Bên cạnh đó, Thân đã mở chuỗi cửa hàng dân sinh Triệu Nụ Cười và đã đưa 36 cơ sở đi vào hoạt động tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố trên cả nước. Các cửa hàng này kinh doanh là các sản phẩm tiêu dùng như thực phẩm, hàng tạp hóa...

Đồng thời, Thân chỉ đạo phát hành "thẻ an sinh" với số tiền trả trước 2,6 triệu đồng. Trong thời gian 1 năm khách hàng có thể đến mua hàng ưu đãi, miễn phí với số tiền 500.000 đồng/tuần (vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần).

Thẻ không giới hạn về địa lý và có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ khi mua thẻ. Đến nay, công ty đã phát hành được khoảng hơn 2.000 thẻ an sinh.

Để có thể bán được nhiều "thẻ an sinh" cho người dân, Thân cũng tổ chức rất nhiều buổi livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube và có lịch họp online trên nền tảng Zoom với sự góp mặt của nhiều người đến từ các tỉnh, thành phố khác nhau.

Thân sử dụng lời giảng của Phật pháp để giới thiệu, đề cập đến câu chuyện an sinh và một lòng hướng thiện của bản thân để lan tỏa thông tin về hoạt động của công ty tới nhiều người trong cộng đồng.

Hồ Quốc Thân không nghề nghiệp, nhưng để đánh bóng tên tuổi, Thân đã thuê nhà, thuê địa điểm đặt trụ sở công ty ở những nơi sang trọng, sử dụng xe sang nhằm chiếm đoạt lòng tin của nhà đầu tư.

Trước Hồ Quốc Thân, có một hình thức thậm chí còn quy mô hơn, tinh vi hơn và dĩ nhiên, dẫn đến nhiều thiệt hại hơn cho các nhà đầu tư là hình thức của Mr.Pips và Mr.Hunter.

Sinh năm 1994, đến hiện tại, Phó Đức Nam mới 30 tuổi. Nam được biết đến với nickname Mr.Pips là một tiktoker không hề xa lạ với những ai yêu thích chủ đề tài chính - đầu tư. Mặc dù còn khá trẻ nhưng kênh tiktok của Phó Đức Nam đã sở hữu nhiều clip triệu view với chủ đề tài chính cực khó.

Đồng thời, hình ảnh của Mr.Pips gắn liền với sự hào nhoáng, xa hoa, xuất hiện ở những nơi sang trọng, với những chiếc siêu xe, tiền không đếm xuể.

Dưới cái mác chuyên gia, "ông trùm trader", Mr.Pips thường chia sẻ các "bí kíp" đầu tư, hứa hẹn lợi nhuận cao với những chiến lược được cho là "chắc thắng". Không ít người đã đặt niềm tin vào lời quảng bá, tham gia các nhóm đầu tư do Nam tổ chức hoặc thông qua các sản phẩm tài chính mà Nam giới thiệu.

Mr.Pips cũng được biết đến là người sáng lập và điều hành group cộng đồng khoảng 20.000 thành viên trên nền tảng Telegram, là nơi kết nối và chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà đầu tư ở mọi trình độ. Bên cạnh đó, Nam còn sáng lập một kênh YouTube và nhiều khóa học online để chia sẻ kiến thức về giao dịch forex, đồng thời hướng dẫn cách phân tích kỹ thuật và tâm lý thị trường.

Kết quả điều tra bước đầu xác định, tháng 6/2019, Phó Đức Nam cấu kết với Lê Khắc Ngọ lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán. Phó Đức Nam cùng đồng phạm sử dụng nhiều tài khoản công ty "ma", ví điện tử nhận tiền của khách hàng, dụ dỗ khách hàng vào những nhóm chat riêng, hướng dẫn các bị hại nạp tiền, rút tiền thành thạo để tạo niềm tin, sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, kích thích nạp thêm tiền, sử dụng đòn bẩy tiền vay để bị hại nhanh chóng cháy tài khoản (thua hết tiền).

Khi các bị hại đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ tiếp tục mời bị hại tham gia một sàn mới với những lời mời chào, giới thiệu hấp dẫn hơn, cam kết sẽ thắng lại số tiền đã mất, nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Để thực hiện hành vi phạm tội, Phó Đức Nam cùng Lê Khắc Ngọ đã tạo trang web "artexvina.co" tuyển dụng nhân viên, xây dựng hình ảnh công ty hoạt động bài bản, chuyên nghiệp về lĩnh vực tư vấn đầu tư chứng khoán trên sàn quốc tế với hàng loạt chi nhánh trên toàn quốc, chủ yếu tập trung ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Campuchia.

Các đối tượng cũng tổ chức, thành lập nhiều bộ phận khác nhau (bộ phận IT, bộ phận Support, bộ phận hành chính, bộ phận an ninh…) và đào tạo bài bản trong hệ thống rồi sử dụng đội ngũ nhân viên để tiếp cận, tư vấn, chào mời khách hàng tham gia đầu tư.

Với việc núp bóng dưới danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động về lĩnh vực Tele Maketing, Telesale (tư vấn, bán hàng qua điện thoại), tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán (đầu tư vào các mã chứng khoán của các thương hiệu, các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động trên sàn chứng khoán quốc tế, với những mã cổ phiếu như: Facebook, Apple, Pepsi, Microsoft, Adidas), các đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo các khách hàng tham gia rồi lừa đảo nạn nhân.

Tài liệu điều tra xác định các đối tượng đã quản lý, điều hành 21 trang web, sử dụng 7 tài khoản ngân hàng vào mục đích phạm tội.

Trả lời Nhadautu.vn, ông Võ Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc NamABank cho rằng, thiếu sót lớn nhất của người dân khi bắt đầu tham gia đầu tư chính là thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro.

"Làm giàu chính đáng là điều ai cũng muốn. Các đối tượng đã lợi dụng tâm lý muốn làm giàu nhanh nhưng lại thiếu kiến thức của nạn nhân.

Điều này đặt ra điều kiện cần thiết nhằm giảm thiểu, tránh các trường hợp lừa đảo là phải tăng cường giáo dục tài chính thông qua việc tích hợp các nội dung này vào chương trình giáo dục phổ thông và tổ chức các khóa học, đào tạo đầu tư tài chính, hoặc quản lý tài chính từ ghế nhà trường", ông Hải nói.

Bên cạnh đó, vai trò các cơ quan chức năng là nên thường xuyên phối hợp thực hiện các chiến dịch truyền thông nhằm phổ biến kiến thức đầu tư và cảnh báo rủi ro cho người dân, nhằm tạo điều kiện cho những nhà đầu tư có thể trang bị kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định, những vụ lừa đảo như Mr. Pips, Triệu Nụ Cười hay GFDI thường đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư.

"Để tránh các bẫy tinh vi này, nhà đầu tư cần cảnh giác với những lời mời gọi lợi nhuận cao bất thường, vì đây thường là dấu hiệu của các hoạt động lừa đảo. Trước khi đầu tư, cần tìm hiểu kỹ thông tin về tổ chức và dự án qua các kênh chính thống, đồng thời chỉ đầu tư vào các kênh đã được cơ quan chức năng cấp phép.

Người dân nên tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc các công ty tài chính hợp pháp; tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng trên các trang web hoặc ứng dụng không đáng tin cậy.

Một trong những điều tối quan trọng đối với các nhà đầu tư chính là tuân thủ kỷ luật đầu tư: Chỉ tin tưởng vào dữ liệu của thị trường và thông báo chính thống để xác định tỷ lệ chốt lời hoặc cắt lỗ, tránh rơi vào "bẫy" tâm lý FOMO. Bên cạnh đó, việc nâng cao kiến thức tài chính và quản lý rủi ro cá nhân là yếu tố quan trọng để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ tiềm ẩn", luật sư Trần Tuấn Anh phân tích với Nhadautu.vn.

Thực tế cho thấy, Nhà nước rất quan tâm đến các vấn đề bảo vệ các nhà đầu tư. Tiêu biểu là rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, Nghị định 98/2020/NĐ-CP xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Bộ luật Hình sự hay Luật Đầu tư... là những cơ sở để người dân tham khảo nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.

Về chế tài xử lý, các hành vi dụ dỗ lừa đảo đầu tư tài chính lôi kéo nhiều người tham gia sẽ bị xử phạt hành chính. Căn cứ khoản 3, khoản 11 Điều 73 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đối với các cá nhân có hành vi lừa đảo đầu tư tài chính sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 20.000.000 đồng, đối với chủ thể bị xử phạt là tổ chức, số tiền phạt sẽ gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân, đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, cá nhân hay tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự với mức xử phạt tùy vào tính chất, mức độ vi phạm. Và hình phạt cao nhất là tù chung nhân khi chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để phạm tội. Vì vậy, người dân cần tìm hiểu các quy định này để nhận biết các rủi ro và bảo vệ quyền lợi của mình.

"Tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025. Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng. Không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng. Cần xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền. Sử dụng ứng dụng phòng chống lừa đảo nTrust để lọc và ngăn chặn các số điện thoại lừa đảo, website độc hại".

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia

NỘI DUNG: LIÊN THƯỢNG - THIẾT KẾ: MINH THÔNG