Sự phát triển của thị trường tài chính trong nước và các công ty công nghệ tài chính (Fintech) đã tạo cú huých lớn thu hút nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến chứng chỉ quỹ. Điểm mạnh của loại hình đầu tư này là tính minh bạch, ổn định và hiệu suất trung bình năm cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.
Nhận thấy tiềm năng này, trên thị trường thời gian qua bắt đầu xuất hiện các đơn vị phân phối trung gian với chiến lược tập trung vào nhóm sản phẩm chứng chỉ quỹ. Trong số đó, nổi bật là CTCP InvestingPro, đơn vị mới thành lập hơn một năm trở lại đây song đã có những bước phát triển vượt bậc.
Để hiểu rõ hơn triển vọng của thị trường chứng chỉ quỹ, cũng như chiến lược phát triển trong thời gian tới của công ty, Tạp chí Nhà Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Lý Anh Tuấn, Giám đốc Điều hành CTCP InvestingPro.
Là cái tên còn khá mới mẻ trên thị trường, ông có thể giới thiệu về InvestingPro. Được biết InvestingPro tập trung vào thị trường phân phối chứng chỉ quỹ, ông có thể cho biết lý do vì sao công ty lại chọn đầu tư mạnh vào ngành này?
CEO Lý Anh Tuấn: Là cái tên còn mới trên thị trường, InvestingPro hình thành với mục tiêu cung cấp các giải pháp đầu tư hiệu quả và dễ tiếp cận cho nhà đầu tư cá nhân. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường quỹ, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn, minh bạch và có tính chuyên nghiệp cao.
InvestingPro chọn đầu tư mạnh vào lĩnh vực phân phối chứng chỉ quỹ xuất phát từ ba yếu tố chính:
- Xu hướng dịch chuyển dòng vốn: Thị trường tài chính đang phát triển nhanh chóng, nhà đầu tư ngày càng có nhu cầu đa dạng hóa danh mục và hạn chế rủi ro. Chứng chỉ quỹ, với ưu điểm mang lại lợi nhuận ổn định và quản lý bởi các chuyên gia, là một lựa chọn phù hợp. Hiện nay trên thị trường chứng chỉ quỹ có lợi nhuận đầu tư bình quân 7-10%/năm và không ít quỹ có hiệu suất cao với thành tích nhiều năm tới trên 20%, thậm chí 35%.
- Tiềm năng chưa khai thác hết: Các quỹ đang quản lý tổng giá trị tài sản ròng (NAV) gần 68.000 tỷ đồng. Con số trên tương đương hơn 0,66% GDP năm 2023 và thấp hơn hàng chục lần so với các nước trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan (lần lượt đạt khoảng 11% và 28% GDP). InvestingPro nhìn thấy cơ hội lớn trong việc kết nối nhà đầu tư cá nhân với các sản phẩm quỹ, qua đó tạo điều kiện cho dòng tiền cá nhân được quản lý bài bản và hiệu quả hơn.
- Ứng dụng công nghệ vào đầu tư: InvestingPro phát triển các nền tảng, ứng dụng công nghệ hỗ trợ đầu tư chứng chỉ quỹ trực tuyến. Chúng tôi tin rằng việc kết hợp công nghệ cùng các sản phẩm đầu tư chất lượng sẽ thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.Với mục tiêu dài hạn, InvestingPro không chỉ mong muốn trở thành cầu nối tin cậy giữa nhà đầu tư và các quỹ đầu tư uy tín mà còn góp phần vào sự tăng trưởng chung của thị trường tài chính Việt Nam.
Thị trường quỹ Việt Nam được nhìn nhận còn non trẻ, song dư địa phát triển rất lớn. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường quỹ Việt Nam? Ưu thế của loại hình quỹ đầu tư so với các loại hình đầu tư khác là gì?
CEO Lý Anh Tuấn: Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng ổn định và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, nhu cầu đầu tư, tích lũy tài sản của người dân đang bùng nổ. Tuy nhiên, phần lớn nhà đầu tư cá nhân vẫn còn thiếu kiến thức chuyên sâu và thời gian để tự mình quản lý danh mục đầu tư hiệu quả. Đây chính là mảnh đất tiềm năng để thị trường quỹ đầu tư phát triển mạnh mẽ.
Tiềm năng của thị trường quỹ Việt Nam có thể nhìn nhận từ các khía cạnh sau:
- Tỷ lệ tham gia còn khiêm tốn so với khu vực và quốc tế. Cụ thể, tính tới năm 2023 chỉ có 0,26% dân số Việt Nam đầu tư chứng chỉ quỹ, trong khi tại Mỹ hơn 52,3% tổng số hộ gia đình đang đầu tư quỹ mở. Khi nhận thức tài chính được cải thiện và các kênh phân phối quỹ ngày càng thuận tiện, tôi tin rằng sẽ có một làn sóng mạnh mẽ hơn tham gia vào thị trường này.
- Môi trường lãi suất tiền gửi thấp và nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư hiệu quả gia tăng, các quỹ đầu tư trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn, giúp dòng tiền nhàn rỗi được tối ưu hóa lợi nhuận.
- Hệ sinh thái quỹ ngày càng đa dạng như quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu và quỹ cân bằng, phù hợp với khẩu vị rủi ro khác nhau của nhà đầu tư.
Ưu thế của loại hình quỹ đầu tư so với các kênh đầu tư khác có thể kể đến:
- Quản lý chuyên nghiệp khi nhà đầu tư không cần tốn quá nhiều thời gian theo dõi thị trường mà vẫn có thể yên tâm khi danh mục được quản lý bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm.
- Quỹ đầu tư thường phân bổ danh mục vào nhiều tài sản khác nhau, giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro so với việc tự đầu tư vào từng cổ phiếu hay kênh rủi ro cao khác.
- Minh bạch và dễ tham gia. Với sự phát triển của công nghệ và các nền tảng phân phối hiện đại, việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ ngày càng trở nên thuận tiện, minh bạch và phù hợp với nhiều đối tượng nhà đầu tư, từ cá nhân nhỏ lẻ đến nhà đầu tư lớn.
Số liệu năm 2023 cho thấy tỷ lệ nhà đầu tư quỹ mở/quỹ ETF so với dân số chỉ là 0,26%, rất thấp so với tỷ lệ tài khoản chứng khoán là 9%. Theo ông, vì sao thị trường quỹ trong nước vẫn chưa thu hút nhà đầu tư? Phải chăng hành lang pháp lý cho thị trường này còn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển?
CEO Lý Anh Tuấn: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này:
Thứ nhất, thiếu nhận thức và thói quen đầu tư.
Phần lớn nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vẫn có thói quen đầu tư ngắn hạn, thích tự mình giao dịch cổ phiếu hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng, thay vì tìm đến các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều người còn thiếu thông tin và hiểu biết về lợi ích của việc đầu tư vào quỹ mở, dẫn đến tâm lý e ngại hoặc chưa sẵn sàng tham gia.
Thứ hai, vấn đề về niềm tin và minh bạch.
Niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường tài chính vẫn đang trong quá trình xây dựng. Một số nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về tính minh bạch trong hoạt động của các quỹ đầu tư và hiệu quả thực tế của các quỹ so với kỳ vọng. Điều này đòi hỏi các quỹ cần gia tăng tính minh bạch, cải thiện hiệu quả hoạt động và xây dựng uy tín lâu dài trên thị trường.
Thứ ba, hành lang pháp lý chưa hoàn toàn đồng bộ.
Dù hành lang pháp lý cho thị trường quỹ đã có những bước tiến đáng kể, song vẫn còn một số điểm cần cải thiện để tương xứng với tiềm năng phát triển như cơ chế thu hút nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa đủ hấp dẫn, các chính sách ưu đãi thuế cho nhà đầu tư quỹ còn hạn chế…
Thứ tư, kênh phân phối còn hạn chế.
Hiện tại, các quỹ đầu tư chưa thực sự tiếp cận gần hơn với nhà đầu tư đại chúng. Kênh phân phối còn khá truyền thống, chưa tận dụng triệt để công nghệ và các nền tảng kỹ thuật số để mở rộng tệp khách hàng. Nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần những giải pháp đầu tư tiện lợi, minh bạch và có trải nghiệm tốt hơn.
Để thị trường quỹ phát triển tương xứng với tiềm năng, tôi cho rằng cần tập trung vào ba giải pháp trọng tâm:
- Nâng cao nhận thức và giáo dục tài chính cho nhà đầu tư, giúp họ hiểu rõ lợi ích của quỹ mở như một kênh đầu tư dài hạn, an toàn và hiệu quả.
- Cải thiện chính sách và hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các quỹ đầu tư, đồng thời có thêm các cơ chế nhằm hỗ trợ cho thị trường quỹ.
- Đẩy mạnh công nghệ và đa dạng hóa kênh phân phối, giúp việc tiếp cận và đầu tư vào quỹ trở nên dễ dàng hơn với mọi đối tượng nhà đầu tư.
Tại Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ đã yêu cầu phát triển nhà đầu tư tổ chức, trong đó chú trọng phát triển các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán. Từng hoạt động lâu năm trong lĩnh vực quỹ đầu tư, ông nhìn nhận cần có những giải pháp nào để phát triển thị trường quỹ?
CEO Lý Anh Tuấn: Quyết định 1726/QĐ-TTg là một bước đi quan trọng, thể hiện rõ định hướng của Chính phủ trong việc phát triển nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán. Để thị trường quỹ phát triển mạnh mẽ và tương xứng với tiềm năng, theo tôi, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau đây:
Hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ:
- Nâng cao tính minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư: Cần xây dựng các quy định cụ thể, đồng bộ hơn trong việc công khai thông tin về hoạt động, hiệu quả và chi phí của các quỹ đầu tư, đảm bảo tính minh bạch và dễ tiếp cận cho nhà đầu tư.
- Chính sách ưu đãi thuế và phí: Chính phủ có thể xem xét các chính sách ưu đãi thuế cho nhà đầu tư tham gia quỹ mở, khuyến khích đầu tư dài hạn vào các sản phẩm quỹ đầu tư chứng khoán. Điều này sẽ tạo động lực rõ ràng để thu hút cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Đa dạng hóa sản phẩm quỹ đầu tư:
- Tạo điều kiện phát triển cho các loại hình như quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, quỹ đầu tư bất động sản hay các quỹ chuyên biệt khác để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.
- Thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư ESG (môi trường, xã hội và quản trị) theo xu hướng toàn cầu, nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư có mục tiêu phát triển bền vững.
Phát triển hệ thống phân phối và ứng dụng công nghệ:
Đa dạng hóa kênh phân phối: Tăng cường hợp tác với các công ty fintech và các nền tảng đầu tư số để mở rộng mạng lưới phân phối chứng chỉ quỹ, giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận sản phẩm quỹ hơn.
Nâng cao nhận thức nhà đầu tư:
Tổ chức các chương trình giáo dục tài chính, hội thảo và truyền thông rộng rãi để nâng cao nhận thức của nhà đầu tư về lợi ích của việc đầu tư vào quỹ. Việc hiểu rõ cách thức hoạt động và lợi ích của các quỹ đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn tích cực và yên tâm hơn khi tham gia.
Phát triển nhà đầu tư tổ chức:
Khuyến khích các tổ chức lớn như bảo hiểm, quỹ hưu trí, ngân hàng và các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường quỹ đầu tư, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa và gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư cá nhân.
Người dân, nhà đầu tư Việt Nam trước nay thích tự đầu tư hơn là thông qua các hình thức đầu tư có tổ chức, chuyên nghiệp. Hệ quả là cơ cấu nhà đầu tư thiếu bền vững trên thị trường chứng khoán, dẫn tới nhiều vụ án như cổ phiếu FLC, trái phiếu Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, hay nhiều vụ lừa đảo liên quan tiền ảo, forex bị phát giác gần đây như Mr. Pips. Quyết định 1726 đã yêu cầu nâng cao nhận thức, năng lực nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Là một thành viên thị trường, ông đánh giá vấn đề này thế nào. Investing Pro đã có những cách tiếp cận, nâng cao chất lượng nhà đầu tư thế nào?
CEO Lý Anh Tuấn: Quyết định 1726 của Chính phủ là một bước đi đúng đắn và kịp thời khi nhấn mạnh vào nâng cao nhận thức và năng lực của nhà đầu tư. Theo tôi, đây là giải pháp cốt lõi để phát triển một thị trường tài chính lành mạnh, minh bạch và bền vững. Thực tế cho thấy, khi nhà đầu tư có đủ kiến thức, kỹ năng và được tiếp cận với các kênh đầu tư chuyên nghiệp, họ sẽ đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả và hạn chế được rủi ro từ các kênh đầu tư không chính thống.
Là một đơn vị mong muốn đồng hành và phát triển cùng thị trường quỹ, chúng tôi đã và đang triển khai các giải pháp cụ thể như sau:
Tập trung vào giáo dục và nâng cao nhận thức tài chính:
InvestingPro đã và đang triển khai các tuyến nội dung về giáo dục tài chính dưới nhiều hình thức như bài viết, video trực tuyến về kiến thức đầu tư từ cơ bản tới nâng cao. Chúng tôi giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về lợi ích của đầu tư dài hạn, rủi ro của đầu tư lướt sóng và nguy cơ từ các kênh đầu tư không chính thống.
Phát triển nền tảng đầu tư minh bạch và dễ tiếp cận:
InvestingPro xây dựng một nền tảng công nghệ hiện đại và minh bạch, nơi nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm hiểu các quỹ đầu tư uy tín trên thị trường, theo dõi hiệu quả hoạt động và chi phí của các quỹ một cách rõ ràng.
Khuyến khích đầu tư chuyên nghiệp thông qua quỹ đầu tư:
Chúng tôi sẽ tập trung vào các hoạt động thông tin cộng đồng để nhà đầu tư hiểu rằng đầu tư qua quỹ là một lựa chọn an toàn và bền vững, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư thiếu thời gian hoặc kinh nghiệm.
Đất nước đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình. Ông có gợi ý gì cho nhà đầu tư trong bối cảnh đó?
CEO Lý Anh Tuấn: Đất nước ta đang bước vào một kỷ nguyên mới với những cơ hội vươn mình mạnh mẽ nhờ nền kinh tế tăng trưởng ổn định, quá trình hội nhập sâu rộng và sự phát triển của công nghệ. Đây là thời điểm rất thuận lợi để các nhà đầu tư nhìn nhận lại chiến lược và tận dụng tốt cơ hội, nhưng đồng thời cũng cần cẩn trọng trước những rủi ro tiềm ẩn.
Dưới góc nhìn của tôi, trong bối cảnh này, nhà đầu tư nên cân nhắc một số gợi ý sau:
Tập trung vào đầu tư dài hạn và bền vững:
Kỷ nguyên mới đòi hỏi nhà đầu tư phải có tầm nhìn dài hạn thay vì chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, dễ gặp rủi ro. Việc lựa chọn các kênh đầu tư bền vững như quỹ mở hoặc các danh mục đầu tư đa dạng hóa sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận trong dài hạn. Đặc biệt, nhà đầu tư nên chú trọng các lĩnh vực hưởng lợi từ xu hướng phát triển kinh tế như công nghệ, năng lượng sạch, tiêu dùng, hạ tầng và các ngành gắn liền với phát triển bền vững.
Nâng cao kiến thức và tư duy đầu tư chuyên nghiệp:
Trong thời đại mới, kiến thức và khả năng phân tích là chìa khóa thành công. Nhà đầu tư cần trau dồi kiến thức tài chính, tìm hiểu về các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp và có tổ chức. Thay vì tự mình tìm kiếm cơ hội nhanh chóng và có thể đối mặt với rủi ro, nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn các quỹ đầu tư uy tín, nơi có các chuyên gia giàu kinh nghiệm, giúp quản lý và tối ưu hóa danh mục đầu tư.
Quản lý rủi ro và tránh bẫy đầu tư:
Trong bất kỳ giai đoạn nào, rủi ro luôn tồn tại song song với cơ hội. Nhà đầu tư cần cảnh giác trước các kênh đầu tư thiếu minh bạch, các hình thức lừa đảo mới và cẩn trọng với các lời mời gọi "lợi nhuận cao, rủi ro thấp". Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư và cân nhắc khả năng chịu rủi ro cá nhân là điều cần thiết để bảo vệ tài sản.
Xin trân trọng cảm ơn ông!