Hệ sinh thái Wealthtech và hành trình vươn mình của Techcom Securities

Đã từng có thời điểm, nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính với mô hình truyền thống nhìn nhận công nghệ chỉ đóng vai trò yếu tố phụ trợ, cung cấp giá trị bổ sung cho việc bán các sản phẩm tài chính.

Đi ngược với tư duy đó, từ rất sớm, CTCP Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities- TCBS) đã tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, thậm chí Techcom Securities còn xác định đây là chìa khóa cơ hội để phát triển những sản phẩm chuyên biệt, từ đó mở rộng quy mô phục vụ khách hàng.

Ngược trở lại từ năm 2019, Techcom Securities tiên phong theo đuổi mô hình Wealthtech, tập trung xây dựng nền móng chắc chắn với 3 yếu tố quan trọng hỗ trợ là nhân sự xuất sắc, công nghệ xuất sắc và dữ liệu xuất sắc. Đây là tiền đề quan trọng giúp công ty bứt phá mạnh mẽ trong hành trình chuyển đổi số, ứng dụng AI và sắp tới là Blockchain.

Và, “trái ngọt” là kết quả kinh doanh năm 2024 rất tích cực với lãi trước thuế cả năm đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2023 và vượt 30% mục tiêu cả năm là 3.700 tỷ đồng. Thậm chí, Techcom Securities vượt kế hoạch lợi nhuận năm chỉ trong 9 tháng đầu năm ngoái.

Bước sang quý I/2025, Techcom Securities tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với lãi trước thuế ở mức 1.310 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với quý 4/2024 và 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tới cuối quý I/2025, tổng tài sản Techcom Securities đạt 56.330 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm ngoài. Đáng chú ý, quy mô cho vay đã lên tới gần 30.500 tỷ đồng. Đây là cột mốc mới trong lịch sử của Techcom Securities.

Trong cả năm 2025, Techcom Securities đặt mục tiêu doanh thu dự kiến 9.323 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 5.765 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt 22% và 20% so với kết quả thực hiện năm 2024. Kế hoạch tham vọng này cho thấy sự lạc quan của ban lãnh đạo TCBS về triển vọng thị trường và hoạt động kinh doanh của công ty trong năm nay.

Để hiểu rõ hơn về sự thành công, cũng như định hướng chiến lược sắp tới của Techcom Securities, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Tổng Giám đốc Techcom Securities.

Năm 2024, Techcom Securities báo lãi trước thuế vượt 30% kế hoạch cả năm. Bà có thể cho biết đâu là những động lực chính mang đến kết quả đột phá này, đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động khó lường?

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Năm 2024, Techcom Securities đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế vượt 30% kế hoạch đề ra. Thành công này là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp.

Thứ nhất là định hướng Wealthtech khác biệt mà Techcom Securities kiên định theo đuổi. “Wealth” là gia sản, quản lý gia sản, tích lũy gia sản. “Tech” là công nghệ, là việc Techcom Securities áp dụng công nghệ vào phục vụ khách hàng và hoạt động kinh doanh.

Chiến lược đa dạng hóa hoạt động kinh doanh cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công của Techcom Securities. Nếu như trước đây nguồn thu chính của Techcom Securities đến từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (chủ yếu là tư vấn phát hành trái phiếu), thì hiện tại công ty đã mở rộng sang quản lý gia sản và dịch vụ chứng khoán. Tỷ trọng doanh thu tư vấn phát hành trái phiếu đã giảm từ 90% xuống còn 40%, trong khi 60% còn lại đến từ các mảng kinh doanh khác.

Thứ hai, vị thế dẫn đầu thị trường của Techcom Securities là động lực quan trọng. Trong đó, Techcom Securities chiếm vị trí số 1 về tư vấn phát hành trái phiếu với khoảng 50% thị phần.

Thứ ba là nguồn vốn dồi dào. Tháng 3/2025, Techcom Securities đã hoàn tất nhận giải ngân theo hợp đồng vay hợp vốn tín chấp với hạn mức kỷ lục 230 triệu USD (khoảng 5.900 tỷ đồng) dành cho một công ty chứng khoán tại Việt Nam. Đứng đầu thu xếp và bảo lãnh phát hành khoản vay này là Ngân hàng Standard Chartered, Ngân hàng Cathay United và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

Trước đó, Techcom Securities trong năm 2024 đã phá kỷ lục huy động vốn quốc tế với hợp đồng trị giá 175 triệu USD. Cùng với thành công của thương vụ nêu trên, tổng giá trị lũy kế những khoản vay hợp vốn tín chấp nước ngoài mà Techcom Securities tiếp cận được từ cuối năm 2020 đến 2025 lên tới hơn 991 triệu USD (tương đương 25.378 tỷ đồng).

Cuối cùng, yếu tố bảo mật vượt trội cũng góp phần quan trọng trong việc thu hút khách hàng có tài sản ròng cao (high net worth). Nền tảng giao dịch của Techcom Securities tích hợp các công nghệ bảo mật tiên tiến như xác thực sinh trắc học, mã hóa dữ liệu đa lớp và hệ thống phát hiện giao dịch bất thường theo thời gian thực…

Bên cạnh đó, Techcom Securities trong năm 2024 đã nâng cấp và chuẩn bị hoàn thiện một khung hệ thống Blockchain toàn diện, sẵn sàng mở rộng sang tất cả các loại tài sản tài chính trên nền tảng số. Hệ thống này không chỉ tối ưu vận hành, nâng cao tính minh bạch mà còn đặt nền móng cho một hệ sinh thái tài chính số an toàn và bền vững tại Techcom Securities. Chiến lược này hoàn toàn phù hợp với Chiến lược Blockchain quốc gia, được Chính phủ chính thức ban hành vào cuối năm 2024 với tầm nhìn đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ Blockchain.

Techcom Securities là công ty chứng khoán hàng đầu cả nước xét về đầy đủ các tiêu chí, trong đó công nghệ là một trong những yếu tố rất quan trọng. Công ty đã ứng dụng cả công nghệ Blockchain và hiện nay là cả Generative AI. Bà có thể cho biết chiến lược đầu tư vào công nghệ của Techcom Securities là gì? Lợi thế cạnh tranh trong mảng công nghệ của Techcom Securities với các công ty chứng khoán lớn là gì?

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Trước hết, đó là tiết kiệm thời gian cho nhà đầu tư. Đây là mục đích mà chúng tôi đã xây dựng và phát triển ứng dụng TCInvest. TCInvest là một One-Stop-Shop với đầy đủ các kênh và sản phẩm đầu tư, cùng rất nhiều công cụ, tính năng và thông tin đầy đủ, để giúp nhà đầu tư dễ dàng ra quyết định một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất, nhằm tiết kiệm thời gian của họ.

Nhằm hiểu khách hàng hơn và giúp họ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, một trong những mũi nhọn đang rất hiệu quả mà chúng tôi tập trung đầu tư và phát triển chính là việc áp dụng Trí tuệ nhân tạo trong Wealthtech, trong đầu tư và quản lý gia sản.

Chúng tôi áp dụng Trí tuệ nhân tạo, với các nhánh là AI- Machine Learning truyền thống và Generative AI cho 2 mục tiêu chính: Thứ nhất là để hiểu thị trường và khách hàng nhiều hơn để phục vụ nhu cầu và tiết kiệm thời gian của họ tốt hơn. Thứ hai là để hiểu chính bản thân, qua đó công ty có thể hoạt động hiệu quả hơn, và đưa ra được các quyết định kinh doanh kịp thời và đúng đắn.

Người ta vẫn ví von dữ liệu như một mỏ vàng trong kỷ nguyên AI. Hãy tưởng tượng, mọi thành viên trong tổ chức đều có trong tay công cụ hiện đại và ưu việt để khai thác mỏ vàng ấy...

Trước đây, tại Techcom Securities, việc xây dựng các mô hình máy học và trí tuệ nhân tạo được thực hiện bởi nhóm chuyên gia khoa học dữ liệu mà tôi phụ trách. Nhưng kỳ vọng của chúng tôi là cao hơn, chúng tôi muốn đưa AI và máy học đến với tất cả mọi người.

Và giải pháp cho phép các nhân viên không cần kỹ năng lập trình vẫn có thể xây dựng các mô hình AI theo nhu cầu của mình. Đó chính là Automated Machine Learning (AutoML) - Trí tuệ nhân tạo cho mọi người. Từ việc tìm khách hàng tiềm năng, đề xuất sản phẩm phù hợp, dự phóng chỉ số kinh doanh hay phát hiện các giao dịch bất thường..., tất cả đều có thể thực hiện dễ dàng chỉ bằng những cú click kéo – thả thông qua hệ thống này.

Theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số một cách lành mạnh, hiệu quả ngay trong tháng 3/2025. Trong bối cảnh các cơ quan quản lý đang hoàn thiện hồ sơ Nghị quyết thí điểm phát hành, giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa, Techcom Securities đã đón đầu xu hướng với tính năng Mập Thông Thái trên TCInvest sử dụng công nghệ GenAI để giải đáp các câu hỏi về Tài sản mã hóa, nhằm trang bị kiến thức cho nhà đầu tư sẵn sàng cho sân chơi mới này.

Khi tài sản mã hóa được công nhận với hành lang pháp lý rõ ràng, Techcom Securities sẽ tích hợp vào danh mục sản phẩm dịch vụ để cung cấp cho khách hàng. Việc bổ sung thêm một kênh đầu tư sẽ giúp đa dạng hóa danh mục và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Tài sản mã hóa có lợi thế hơn là có thể chia nhỏ so với chứng khoán truyền thống, được giao dịch minh bạch, không thể sửa đổi và thanh toán tức thì thông qua công nghệ Blockchain. Dù vậy, tài sản mã hóa vẫn rất mới, tồn tại nhiều rủi ro, thách thức, bởi vậy, các công ty tài chính nói chung cũng cần lựa chọn kỹ những loại tài sản mã hóa cung cấp cho khách hàng.

Trong giới chứng khoán, Techcom Securities được đánh giá cao khi có đội ngũ nhân sự với chuyên môn rất cao. Bí quyết nào để Techcom Securities không ngừng quy tụ người tài và duy trì chất lượng nguồn nhân lực ở mức cao?

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Yếu tố cốt lõi tạo nên sự khác biệt của Techcom Securities chính là văn hóa doanh nghiệp “khó sao chép”. Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp Wealthtech, Techcom Securities theo đuổi triết lý “Những gì máy móc có thể làm, hãy để chúng làm, con người sẽ tập trung vào việc sáng tạo và nghiên cứu phát triển những công nghệ mới nhất”.

Nhân sự trong lĩnh vực Wealthtech không chỉ là những chuyên gia am hiểu chuyên môn về tài chính mà còn là những người linh hoạt, có khát khao tìm hiểu những cái mới, và thích nghi nhanh chóng với sự đổi mới công nghệ trong thời đại số. Bởi vậy, Techcom Securities sở hữu những nhân sự thành thạo các kỹ năng, kiến thức kép giữa công nghệ và tài chính.

Từ cuối năm 2018, Techcom Securities học hỏi mô hình làm việc Agile (tạm hiểu là mô hình theo vòng lặp: doanh nghiệp sẽ chia một dự án lớn thành các nhiệm vụ nhỏ được thực hiện trong khoảng thời gian cố định – PV) của các công ty Fintech, Wealthtech thành công trên thế giới, từ đó, tạo ra một văn hóa mạnh, môi trường “phẳng” để trao đổi, học hỏi lẫn nhau.

Văn phòng làm việc của Techcom Securities không có khoảng cách “cấp bậc” giữa nhân viên và lãnh đạo, không có phòng riêng hay không gian làm việc tách biệt để thuận tiện trao đổi ý tưởng và công việc. Với hơn 50% số lượng nhân sự có chuyên môn IT, Techcom Securities tạo ra nhiều đội Scrum, thường được xem là các “start-up” nhỏ trong công ty, có đầy đủ các thành viên từ nhiều phòng ban khác nhau, kết hợp giữa công nghệ và nghiệp vụ để ngồi cùng nhau làm việc và trao đổi hàng ngày.

Văn hóa tổ chức mạnh không chỉ giúp cán bộ nhân viên gắn bó lâu dài với Techcom Securities, mà còn khuyến khích thúc đẩy họ nâng cao năng lực chuyên môn, phấn đấu làm việc hiệu quả hơn mỗi ngày. Nhân viên Techcom Securities thường xuyên được tạo điều kiện tham gia các chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ mới như Generative AI, ChatGPT, Microsoft Github Copilot...

Độ tuổi trung bình của nhân viên Techcom Securities khá trẻ, tầm 31 tuổi với kiến thức sâu rộng trong ít nhất hai lĩnh vực: tài chính và công nghệ. Chính việc áp dụng công nghệ và khoa học dữ liệu từ sớm đã giúp nhân sự tại công ty đạt được hiệu quả vận hành vượt trội so với các công ty khác. Năm 2024, lợi nhuận trước thuế/nhân viên Techcom Securities đạt 9.8 tỷ đồng, cao hơn 4 lần so với trung bình top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ngành, tăng trưởng 56% so với năm trước.

TTCK Việt Nam được kỳ vọng nâng hạng vào cuối năm nay, qua đó có thể đón nhận dòng vốn tỷ USD từ các quỹ ngoại. Bà đánh giá thế nào về tiềm năng của TTCK Việt Nam và bản thân Techcom Securities?

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Chúng ta đang đứng trước một cơ hội đặc biệt. Nhiều dự báo cho rằng vào tháng 9 năm 2025, FTSE Russell sẽ chính thức nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market). Đây là một bước ngoặt quan trọng, bởi FTSE Russell thường đưa ra quyết định này vào tháng 9 hàng năm, và năm 2025 có thể sẽ là thời điểm Việt Nam được "gọi tên".

Nếu điều này xảy ra, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón nhận một dòng vốn lớn từ các quỹ ETF theo chỉ số FTSE Russell, ước tính lên đến 1,5 tỷ USD. Và nếu MSCI cũng đưa ra quyết định nâng hạng Việt Nam, dòng vốn này có thể còn lớn hơn nữa, lên tới 2 tỷ USD. Những sự thay đổi này sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mạnh mẽ, với khối ngoại có xu hướng mua ròng từ 2-4 tháng trước khi quyết định chính thức được công bố, thậm chí sớm hơn đối với MSCI.

Sự gia tăng dòng vốn ngoại không chỉ giúp tăng cường thanh khoản cho thị trường, mà còn nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào tiềm năng phát triển của Việt Nam. Đồng thời, nó sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế cho các doanh nghiệp niêm yết và thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng việc nâng hạng chỉ là một yếu tố hỗ trợ. Sự tăng trưởng bền vững của thị trường vẫn sẽ phụ thuộc vào những yếu tố nội tại của nền kinh tế, như ổn định chính trị, chính sách vĩ mô, và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

Đối với Techcom Securities, tôi tin rằng công ty đang ở một vị thế rất thuận lợi để tận dụng tối đa cơ hội từ việc nâng hạng thị trường. Một số yếu tố giúp Techcom Securities tiềm năng lớn sau khi thị trường được nâng hạng bao gồm: Nền tảng công nghệ vững chắc và khả năng làm chủ dữ liệu, khả năng huy động vốn quốc tế, vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực môi giới và tư vấn đầu tư, và hệ thống bảo mật tiên tiến.

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chứng khoán, bà đánh giá thế nào về trình độ, năng lực của nhà đầu tư cá nhân trong nước?

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có đặc điểm nổi bật là tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế, lên tới khoảng 89% tổng số nhà đầu tư trên thị trường. So với các thị trường phát triển, nơi nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò chủ đạo, cấu trúc này tạo ra sự mất cân đối nhất định.

Về số lượng, thị trường đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với gần 8 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân được mở. Tuy nhiên, số lượng lớn chưa đồng nghĩa với chất lượng cao, và đây là một thách thức cần được quan tâm.

Thực tế, trình độ và năng lực của nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện. Phần lớn nhà đầu tư chưa được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên sâu về phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật cũng như quản trị rủi ro. Tâm lý đầu cơ ngắn hạn, chạy theo đám đông vẫn khá phổ biến, thể hiện qua câu nói vui nhưng đầy ẩn ý “xin 3 chữ cái” mà chúng ta thường nghe trên thị trường.

Để khắc phục những hạn chế này, cần có các giải pháp đồng bộ và lâu dài. Trong đó, việc đẩy mạnh giáo dục tài chính cho nhà đầu tư cá nhân là hết sức cần thiết. Song song đó, thị trường cũng cần phát triển thêm các nhà đầu tư tổ chức để tạo sự cân bằng trong dòng vốn và hành vi đầu tư. Ngoài ra, việc nâng cao tính minh bạch trong công bố thông tin sẽ giúp nhà đầu tư cá nhân tiếp cận dữ liệu chuẩn xác hơn, từ đó ra quyết định đầu tư hiệu quả và bài bản hơn.

Tóm lại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ về quy mô, nhưng để nâng cao chất lượng đầu tư, đặc biệt từ khối nhà đầu tư cá nhân, cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý, công ty chứng khoán và chính các nhà đầu tư. Đây là nền tảng quan trọng để hướng tới một thị trường chứng khoán bền vững và chuyên nghiệp hơn trong tương lai.

Đất nước đang chứng kiến giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới kỷ nguyên mới. Techcom Securities có kỳ vọng gì về nền kinh tế, cá nhân bà có những lời nhắn nhủ gì với cộng đồng nhà đầu tư cá nhân?

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, đòi hỏi dòng vốn tín dụng cần được đẩy mạnh để hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, chúng tôi tin rằng việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ ngày càng được chú trọng, với sự đồng hành tích cực từ các doanh nghiệp hàng đầu.

Thị trường bất động sản cũng được kỳ vọng sẽ từng bước phục hồi, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, chúng tôi mong đợi các cơ quan quản lý sẽ sớm triển khai thêm các sản phẩm đầu tư mới, đặc biệt là các sản phẩm cấu trúc, giúp nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn và tiệm cận các xu hướng tài chính toàn cầu. Đồng thời, việc sớm ban hành khung pháp lý cho tài sản số cũng là một động lực quan trọng, mở ra cơ hội mới để Việt Nam thu hút dòng vốn quốc tế trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

Với cộng đồng nhà đầu tư cá nhân, tôi khuyến nghị nhà đầu tư cần đa dạng hóa danh mục đầu tư, cổ phiếu và trái phiếu được dự báo sẽ hấp dẫn hơn trong thời gian tới, trong khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng và tài sản thay thế có triển vọng nhưng cần thận trọng.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên cân nhắc các cơ hội đầu tư dài hạn, đặc biệt là vào các doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững; chú ý đến các chính sách vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt là các chính sách liên quan đến tăng trưởng tín dụng và thị trường bất động sản, vì đây là những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ hướng tới kỷ nguyên mới, Techcom Securities kỳ vọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế và khuyến khích nhà đầu tư cá nhân nắm bắt cơ hội, đồng thời duy trì chiến lược đầu tư thông minh và dài hạn.

Xin trân trọng cảm ơn Bà!

Thực hiện: Huy NgọcThiết kế: Hoàng Yến