z5262306951676_b31b041da7cd1ba21364c17a3f841cb7 (1)

 

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam, tính đến hết ngày 31/1/2024, vốn đầu công năm 2023 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân hơn 7.986 tỷ đồng, đạt 79,7% so tổng vốn đầu tư công năm 2023 sau điều chỉnh. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân hơn 6.839 tỷ đồng, đạt 80%; kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân hơn 1.146 tỷ đồng, đạt 77,8%.

Năm 2023, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến hết ngày 31/1/2024, địa phương này sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023. Mặc dù chính quyền tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư không đẩy hoàn toàn trách nhiệm, phải có phương án hữu hiệu hỗ trợ cụ thể chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu khi không đạt tiến độ kế hoạch giải ngân… tuy nhiên con số giải ngân vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Nhìn rộng ra trong những năm gần đây, giải ngân đầu tư công của tỉnh Quảng Nam đang không đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2021 giải ngân đầu tư công của tỉnh đạt 86,9% kế hoạch; năm 2022 và năm 2023 chỉ đạt 79,7%, thấp hơn nhiều so với con số đề ra hồi đầu năm.

Đáng chú ý, kết thúc năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có đến 14 Sở, Ban, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 70%: Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam, Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam, Trường Cao Đẳng Quảng Nam, Trường Cao Đẳng Y tế Quảng Nam, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh…

Và 9/18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 70%, gồm: Điện Bàn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Đông Giang, Phước Sơn, Duy Xuyên, Tây Giang, Phú Ninh, Nông Sơn.

IMG_6771

Hết năm 2023, vốn đầu công của Quảng Nam (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân hơn 7.986 tỷ đồng. Ảnh: T.V.

Sang năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công của Quảng Nam hơn 6.906 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 2.194 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 4.711 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Nam phấn đấu giải ngân đạt 100% tổng vốn đầu tư công năm 2024. Cụ thể, đến hết ngày 30/6/2024 phấn đấu giải ngân đạt trên 40%; trong đó kế hoạch vốn năm 2023 được cấp thẩm quyền kéo dài giải ngân đạt trên 50%. Tỉnh Quảng Nam phấn đấu giải ngân đạt trên 60%; trong đó kế hoạch vốn năm 2023 được cấp thẩm quyền kéo dài giải ngân đạt trên 70% vào thời điểm ngày 30/9/2024.

Đến hết ngày 31/12/2024, Quảng Nam phấn đấu giải ngân đạt trên 90%; trong đó kế hoạch vốn năm 2023 được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài giải ngân đạt 100%. Hết ngày 31/1/2025, địa phương này sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024.

Với quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, song trước một số vốn lớn lại phải đối diện với nhiều khó khăn từ thực tế, khiến cho mục tiêu có thể giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư năm 2024 đặt dấu hỏi lớn. 

anh-1

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của Quảng Nam hơn 6.906 tỷ đồng. Ảnh: T.V.

Ông Huỳnh Xuân Sơn, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, trong năm 2024 đơn vị triển khai thực hiện 55 dự án, công trình; trong đó có 13 dự án triển khai công tác quyết toán, cùng 23 công trình chuyển tiếp công tác xây lắp sang năm 2024 và 19 dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2024.

Ông Huỳnh Xuân Sơn thừa nhận, việc triển khai các dự án đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đơn vị đã tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, tuy nhiên đến nay, đa số các công trình vướng GPMB vẫn chưa bàn giao được mặt bằng như chỉ đạo của UBND tỉnh. 

Còn tại Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, trong 2 năm (2022-2023) tính đến 31/1/2024, đơn vị này triển khai thực hiện 33 dự án, công trình; tỷ lệ giải ngân vốn bình quân trong 2 năm (2022-2023) là 85%. Trong đó, năm 2022 đạt 84,2% và năm 2023 đạt 86,04%.

Mặc dù vậy, giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm 2022-2023 tại đơn vị này vẫn chưa đạt theo kế hoạch được giao. Bước sang năm 2024, Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam đăng ký thực hiện 2.263 tỷ đồng, dự kiến giải ngân khoảng 2.017 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ban Quản lý cho rằng, việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm trong năm 2024 đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư và nguồn vật liệu phục vụ dự án, điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân, vỡ kế hoạch đề ra.

IMG_6711

Nhiều công trình trọng điểm khẩn trương hoàn thiện. Ảnh: T.V.

z5262306951676_b31b041da7cd1ba21364c17a3f841cb7 (2)

 

Dự án hoàn thiện đường ven biển 129 (Võ Chí Công) – Thành phần 1 có chiều dài 26,5km, đi qua huyện Núi Thành và TP. Tam Kỳ với tổng mức đầu tư 1.076 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, dự án chỉ có mặt bằng 8,1km đã giải phóng mặt bằng từ dự án cứu hộ, cứu nạn huyện Núi Thành trước đây từ năm 2012, còn lại chưa bàn giao mặt bằng thi công.

Hiện các đơn vị đang thi công bóc đất phong hoá nền đường đoạn có mặt bằng và chuẩn bị thi công cầu Tam Tiến và cầu Diêm Trà. Đồng thời, đang thi công các cầu Tam Hiệp, An Tân 2 và điện chiếu sáng. 

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Thạch Kim Cương, đại diện Liên danh Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng - CTCP Xây dựng công trình 510 - Công ty TNHH Ánh Dương (đơn vị thực hiện gói thầu 01 thuộc Dự án hoàn thiện đường ven biển 129 - Thành phần 1) cho biết, đơn vị đã được giao 8,1km mặt bằng sạch, còn lại hơn 3km chưa có mặt bằng để thi công.

"Khó khăn lớn nhất các đơn vị nhà thầu gặp phải là nguồn vật liệu đất đắp K95 và K98; dự kiến cần khoảng 230.000m3. Trong khi hiện Núi Thành không có mỏ nào, nếu có cũng không đủ để đáp ứng; còn nhập đất ở Quảng Ngãi về thì giá vượt quá giá dự thầu 1,5 - 2 lần", ông Cương nói.

IMG_1964

Liên danh Vinaconex 25 và Vinaconex đang tập trung thi công cầu Tam Hiệp. Ảnh: T.V.

Tương tự, ông Nguyễn Nhất Thống, Chỉ huy trưởng Liên danh Vinaconex 25 và Vinaconex (đơn vị thực hiện gói thầu 02 thuộc Dự án hoàn thiện đường ven biển 129 - Thành phần 1) cho biết, đơn vị đang tập trung thi công cầu Tam Hiệp, tuy nhiên việc triển khai thi công đang gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, nếu được giao mặt bằng thì cũng "nhảy cóc", không liên tục rất khó triển khai thi công. "Nếu chủ đầu tư bàn giao mặt bằng tới đâu, thì đơn vị sẽ triển khai thi công đến đó", ông Thống khẳng định.

Ông Thống cũng cho biết, bên cạnh vướng mắc về mặt bằng thì nguồn nguyên vật liệu cũng đang là nỗi lo đối với đơn vị thi công, dự kiến đất đắp cần khoảng khoảng 1 triệu m3. Hiện trên địa bàn huyện Núi Thành các điểm mỏ cũ hết hạn, trữ lượng ít; còn các điểm mỏ mới thì những năm gần đây chưa phê duyệt để đấu thầu phục vụ cho dự án trọng điểm.

"Gói thầu của đơn vị được giao 15km, nhưng chỉ làm 9km (còn lại đã xong), tuy nhiên đơn vị có tới 6 đoạn xử lý nền đất yếu (tổng cộng khoảng 1,2km). Xử lý nền đất yếu phải có thời gian chờ lún, dự kiến phải mất rất nhiều thời gian và khả năng trễ theo hợp đồng tiến độ được giao", ông Thống nói.

IMG_1938

Các nhà thầu thi công dự án hoàn thiện đường ven biển 129 – Thành phần 1 đều cho biết, đang gặp khó khăn về mặt bằng và nguồn vật liệu đất đắp. Ảnh: T.V.

Trong khi đó, dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam cũng đang gặp nhiều vướng mắc trong mặt bằng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 768 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA từ quỹ hợp tác phát triển kinh tế của Hàn Quốc và vốn ngân sách nhà nuớc; với tổng chiều dài khoảng 31,5km, đi qua 4 huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết, từ lúc khởi công đến nay, dự án đã đạt kế hoạch 26%. Dự kiến trong năm 2024, sản lượng xây lắp công trình đạt hơn 268 tỷ đồng. 

Theo ông Tâm, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư là 125,5 tỷ đồng. Tuy nhiên thực tế đã vượt giá trị này, giá trị khái toán cập nhật lại tại thời điểm cuối năm 2023 là hơn 323 tỷ đồng. Đến nay đã phê duyệt phương án bồi thường hơn 94 tỷ đồng.

"Mặc dù thời gian qua, các địa phương đã tích cực chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án. Tuy nhiên, kết quả thực hiện đến nay vẫn còn chậm chưa đáp ứng tiến độ thi công. Đến nay, Ban giao thông đã nhận bàn giao mặt bằng được 7,18/31,47km (đạt 22,8%), nhưng mặt bằng không liên tục", ông Tâm cho hay.

z5262306951676_b31b041da7cd1ba21364c17a3f841cb7 (3)

 

Là một trong những đơn vị được giao nhiều dự án đầu tư công, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, trong năm 2024, đơn vị sẽ tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công các dự án trọng điểm (hoàn thiện đường 129 (Võ Chí Công), liên kết vùng miền Trung, nạo vét sông Cổ Cò…).

Đồng thời, phấn đấu hoàn thành các dự án Nạo vét thoát lũ khẩn cấp chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, cải thiện môi trường đô thị Chu Lai Núi Thành…

"Năm 2024 là năm tăng tốc và về đích vào năm 2025 để hoàn thành kế hoạch trung hạn 2020-2025. Do đó, chúng tôi đề nghị Ban thường vụ, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương, các ngành quyết tâm, tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng", ông Tâm cho hay.

anh-4

Quảng Nam phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024. Ảnh: T.V.

Ngay từ đầu năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng đã có chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Để giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị liên quan phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu và xuyên suốt trong năm 2024; đẩy mạnh công tác giải ngân phải đi đôi với đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu tư, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về đầu tư xây dựng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ông Thanh cũng yêu cầu, các đơn vị nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, chủ động xử lý kịp thời những tồn tại, khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, các hồ sơ thủ tục về đầu tư công; thực hiện hiệu quả nguyên tắc phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư (thẩm định, phê duyệt) của dự án theo phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, tập trung tối đa, quyết liệt trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn. 

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam nhấn mạnh, năm 2024, tỉnh tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm, tập trung các giải pháp quyết liệt và làm rõ trách nhiệm từng tổ chức cá nhân trong thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công và giải phóng mặt bằng.

"Rà soát, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm, xác định rõ trách hiện thuộc về ai để tham mưa cho UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam chỉ đạo các cái tổ công tác đặc biệt trực tiếp tháo gỡ. Từng dự án, từng nhiệm vụ phải làm rõ trách nhiệm địa phương, trách nhiệm của các ban quản lý dự án và quy trách nhiệm đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và giải phóng mặt bằng", ông Triết nói.

THÀNH VÂN