Trong 6 tháng đầu năm 2022, các hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Đà Nẵng dần được khôi phục, sau khi có chủ trương mở cửa lại các hoạt động dịch vụ du lịch ngay từ giữa tháng 3/2022, du lịch đã có khởi sắc, phục hồi tích cực kể từ cuối quý I/2022. Trong đó, nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn, công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần đạt 70-75%.
6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ước đạt hơn 1,32 triệu lượt, tăng 33,6% so với cùng kỳ 2021.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, từ giữa tháng 3/2022, du lịch Đà Nẵng đã khởi sắc, phục hồi tích cực khi có chủ trương mở cửa trở lại. Các chỉ tiêu du lịch tăng trưởng rõ nét với số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 1,32 triệu lượt, tăng 33,6% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách nội địa ước đạt hơn 1,27 triệu lượt, tăng gần 39,5% so với cùng kỳ 2021 (bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019); khách quốc tế ước đạt 57,8 nghìn lượt.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 3.185 tỷ đồng, đẩy mức tăng doanh thu 6 tháng lên đến 54,3% (bằng 76% so với cùng kỳ năm 2019) do thành phố đã thu hút được phân khúc khách du lịch có khả năng chi trả cao là khách du lịch hội họp kết hợp nghỉ dưỡng, golf, khách gia đình lưu trú tại các khách sạn từ 3 đến 5 sao.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 3.185 tỷ đồng, tăng 54,3% trong 6 tháng đầu năm và bằng 76% so với cùng kỳ năm 2019
Nhiều khu, điểm du lịch đón lượng khách lớn, như: Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills với hơn 350 nghìn lượt khách, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2021; Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đón hơn 75 ngàn lượt khách, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2021, Công viên Châu Á đón hơn 136 ngàn lượt khách; Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón gần 135 ngàn lượt khách...
Từ khi "mở cửa lại bầu trời" tới cuối tháng 6/2022, Đà Nẵng đã đón 286 chuyến bay quốc tế với 35.000 lượt khách
Bên cạnh đó, thống kê từ khi "mở cửa lại bầu trời" tới cuối tháng 6/2022, Đà Nẵng đã đón 286 chuyến bay quốc tế với 35.000 lượt khách. Và ngày 24/6 vừa qua, Đà Nẵng đón 120 chuyến bay nội địa và quốc tế tới thành phố. Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam đăng cai Diễn đàn phát triển đường bay Châu Á 2022.
Với việc tổ chức thành công sự kiện tầm cỡ quốc tế duy nhất về hàng không và du lịch của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thành phố cũng như ngành du lịch kỳ vọng sẽ tạo ra một cơ hội mới để quảng bá điểm đến với các nước trên thế giới.
Ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Vietnam TravelMart cho biết, hiện nay, đang là thời điểm cao điểm tour nội địa nên lượng khách book tour qua công ty rất tốt, cụ thể thị trường nội địa ngang bằng với cùng kỳ năm 2019.
Rất mong khách du lịch đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ phục hồi nhanh, mạnh
Đối với thị trường khách quốc tế (Inbound) hiện cũng đang có tín hiệu rất tốt, công ty đã nhận được rất nhiều yêu cầu báo giá đoàn, series booking từ đối tác truyền thống đang đều đặng đón các đoàn khách quốc tế đến Đà Nẵng. "Thời gian đến vẫn mong thị trường Hàn Quốc phục hồi nhanh, mạnh, nhất là từ giữa tháng 7 này, sau đó thị trường Ấn Độ cũng là thị trường trọng điểm", ông Nam kỳ vọng.
Có thể nói, Đà Nẵng là một trong những điểm đến hấp dẫn được du khách chọn lựa cho những chuyến du lịch cùng gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Đà Nẵng sẽ bước vào mùa thấp điểm du lịch (mùa mưa bắt đầu từ 15/8) khiến cho nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng lo lắng, đặc biệt là lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng vẫn rất khiêm tốn.
Mùa thấp điểm sắp bắt đầu khiến cho nhiều doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng lo lắng
Thời điểm dịch COVID-19 chưa xuất hiện, theo thống kê, năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng đạt 8,69 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 3,52 triệu lượt. Số lượng khách tại một số thị trường đến Đà Nẵng tăng cao như: Thái Lan (213.549 lượt khách), Đài Loan (81.114 lượt khách), Nhật Bản (183.572), Mỹ (95.656)...
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2022, Đà Nẵng chỉ đón khách quốc tế ước đạt 57,8 nghìn lượt. Điều này lo lắng hơn khi 3 thị trường khách trọng điểm là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản thì chỉ có Hàn Quốc đã khởi sắc trở lại và kỳ vọng tăng trong thời gian tới, còn các thị trường khác vẫn chưa khả quan.
Giải pháp là tăng thị phần khách hội nghị, hội thảo, du lịch M.I.C.E…
Hiện các doanh nghiệp Đà Nẵng cũng bắt đầu tính cách để thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng trong mùa thấp điểm. Một trong những giải pháp mà các cơ sở lưu trú tập trung vào đó là thị phần khách hội nghị, hội thảo, du lịch M.I.C.E…
Bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc điều hành khách sạn Biển Vàng cho biết, trong những tháng đầu năm, du lịch Đà Nẵng phục hồi ấn tượng, tuy nhiên, vào những tháng cuối năm là thời điểm khó khăn của du lịch Đà Nẵng.
Vì vậy, để khắc phục nguy cơ lượng khách sụt giảm, khách sạn Biển Vàng đã chọn con đường riêng so với các khách sạn khách trên địa bàn thành phố là tập trung là thị phần khách hội nghị, hội thảo, du lịch M.I.C.E…
Những tháng cuối năm là thời điểm khó khăn của du lịch Đà Nẵng
"Hiện tại, khách sạn đã ký được 2 hợp đồng lớn vào tháng 9 (đây là thời gian thấp điểm du lịch của Đà Nẵng), so với các khách sạn khách, khách sạn chúng tôi có lợi thế hơn là chuyên về hội nghị, hội thảo", bà Trinh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Cương, Tổng Quản lý khách sạn Vanda cho hay, khách sạn không hẳn quá lo lắng về vấn đề sụt giảm khách trong những tháng thấp điểm. Bởi vì, trong 6 tháng cuối năm, thì tháng 7 và tháng 8 vẫn còn là tháng cao điểm của khách nội địa.
Có nhiều yếu tố cơ sở để hy vọng sự tăng trưởng nguồn khách quốc tế đến Đà Nẵng
"Quý 4 là thời điểm khách sạn hy vọng lượng khách quốc tế sẽ có sự tăng trưởng trở lại mạnh hơn giai đoạn đầu năm để duy trì lượng khách đến với khách sạn. Đồng thời, có nhiều yếu tố cơ sở để hy vọng sự tăng trưởng nguồn khách quốc tế này đến với Đà Nẵng giai đoạn nửa cuối năm", ông Cương nói.
Để bù đắp lượng khách nội địa giảm mạnh trong mùa thấp điểm, nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần xúc tiến, quảng bá để mở rộng thêm thị trường khách quốc tế.
Mở rộng thêm thị trường khách quốc tế là cách khắc phục tình trạng thiếu khách mùa du lịch thấp điểm
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Omega (Omega Tours) cho biết, vào mùa thấp điểm du lịch, không chỉ riêng Đà Nẵng mà hầu hết các tỉnh thành nước ta đều rơi vào tình trạng trầm lắng, thiếu khách du lịch nội địa. Do đó, để khắc phục tình trạng thiếu khách vào mùa thấp điểm, công ty thường tập trung vào các sản phẩm để phục vụ nguồn khách Inbound (đón khách quốc tế đến Đà Nẵng).
Theo ông Anh, để thu hút khách đến với Đà Nẵng trong mùa thấp điểm thì Đà Nẵng phải tập trung vào dòng khách Inbound. Do đó, thành phố cần làm sao để không phụ thuộc vào các thị trường trọng điểm cũ như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản mà phải tăng cường công xúc tiến các thị trường khác như Đông Nam Á, Ấn Độ…
Đà Nẵng cần tăng cường công tác quảng bá điểm đến, tăng khả cạnh tranh với các địa phương lận cận và quốc tế
"Việc này sẽ giúp cho chúng ta không còn phụ thuộc vào nguồn khách từ các thị trường cũ, đồng thời sẽ tăng nguồn khách quốc tế trở lại Đà Nẵng, bù đắp cho lượng khách nội địa giảm sâu vào mùa thấp điểm", ông Anh nói và đề xuất thêm, TP. Đà Nẵng cần tăng cường công tác quảng bá điểm đến. Điều này giúp cho chúng ta tăng khả cạnh tranh với các địa phương lận cận và quốc tế.
Tương tự, ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Vietnam TravelMart cho biết, thông thường lượng khách nội địa sẽ giảm sâu sau mốc 15/8 mức từ 50-60%. Tuy nhiên công ty cũng có các giải pháp khuyến khích khác để giảm quy luật này, bằng các gói kích cầu, và xoay chuyển mạnh vào nguồn khách du lịch M.I.C.E.
Thông thường lượng khách nội địa sẽ giảm sâu (từ 50-60%), sau mốc 15/8
Ngoài ra với thế mạnh là công ty hoạt động trên các mảng dịch vụ Inbound, Outbound (du lịch nước ngoài) và nội địa nên cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi quy luật thời vụ.
"Việc bây giờ của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cần sớm nhất triển khai công tác xúc tiến cho các thị trường quốc tế lớn. Ngay cuối tháng 7 này lãnh đạo thành phố, Sở Du lịch cùng các doanh nghiệp du lịch lớn sẽ đi xúc tiến tại các thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ. Và sẽ tiếp tục với các thị trường nếu mở cửa 2 chiều nhằm thu hút ngay dòng khách quốc tế bù lại sự sụt giảm của thị trường nội địa", ông Nam cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, để du lịch Đà Nẵng tiếp đà tăng trưởng, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, Đà Nẵng đã có kế hoạch khá chi tiết cho những tháng cuối năm.
Nhiều sản phẩm du lịch mới sẽ được tung ra từ nay đến cuối năm nằm thu hút thêm du khách
Cụ thể, Đà Nẵng tiếp tục khai thác mô hình thí điểm bãi biển đêm Mỹ An; khu vui chơi giải trí Dana beach; Khu phố du lịch An thượng; đầu tư, hình thành sản phẩm dịch vụ và khai thác hiệu quả tuyến đường thủy nội địa CT15 - hòn Sụp - Bãi Nam - Bãi Đa - CT15...
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đưa vào hoạt động sản phẩm dù lượn Sơn Trà và các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước tại khu vực bán đảo Sơn Trà và khu vực tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. Khai thác các tours ẩm thực đặc sắc của Đà Nẵng; Tổ chức các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí mới lại tại Sun World Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Công viên Châu Á...
"Ngành du lịch sẽ xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch, tổ chức sự kiện và truyền thông, quảng bá, xúc tiến điểm đến Đà Nẵng năm 2022. Ví dụ, tổ chức sự kiện Giải Golf phát triển Châu Á - Asian Development Tour (dự kiến từ 1-9/9/2022); lễ hội "Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022" (11/6 - 15/8/2022); Hội chợ du lịch VITM Đà Nẵng 2022 (tháng 12/2022); tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITE 2022 tại TP.HCM; tiếp tục triển khai các chính sách M.I.C.E năm 2022", ông Bình cho hay.
Thông điệp "Enjoy Danang" quảng bá hình ảnh điểm đến, các hoạt động sự kiện du lịch Đà Nẵng
Ngoài ra, TP. Đà Nẵng tập trung công tác quảng bá, xúc tiến thị trường quốc tế, triển khai công tác truyền thông trực tuyến đến các thị trường quốc tế (Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Ấn Độ...) với thông điệp "Enjoy Danang" để quảng bá về hình ảnh điểm đến, các hoạt động sự kiện du lịch Đà Nẵng.
Thàn phố cũng làm việc với các hãng hàng không, cảng hàng không để chuẩn bị khôi phục và mở thêm các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng.