Cuối tháng 12/2021, Công ty CP Địa ốc Phú Đông hồ hởi khi vừa chốt mua được lô đất rộng hơn 1ha tại TP. Dĩ An, Bình Dương để thực hiện phát triển dự án chung cư với giá hơn 200 tỷ đồng. Thế nhưng, đầu tháng 1/2022, khi doanh nghiệp cùng chủ đất ra công chứng mua bán đất thì chủ đất không đồng ý bán nữa với lý do cuối tháng 12/2021 TP.HCM tổ chức bán đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá bán hơn 2,45 tỷ đồng/m2.
“Thời gian đi tìm kiếm quỹ đất, thương thảo mua quỹ đất và chuẩn bị dòng tiền đã mất của chúng tôi hơn 3 tháng. Thế nhưng, việc đấu giá đất không hợp lý đã làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp chúng tôi rất nhiều”, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc kinh doanh Công ty Phú Đông cho biết.
Cũng ảnh hưởng lớn từ việc đấu giá đất Thủ Thiêm, Công ty M.B tại quận 2 đang thương thảo để có thể là đại lý phân phối duy nhất một dự án tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương. Thế nhưng sau thời gian dài hai bên đạt được thoả thuận về mức giá bán hàng cũng như các chính sách và thời gian mở bán dự án thì chỉ sau 2 ngày diễn ra buổi đấu giá đất Thủ Thiêm, chủ đầu tư dự án đã thông báo tạm dừng mở bán dự án và tính toán lại mức giá bán.
Cũng sau buổi đấu giá đất Thủ Thiêm, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang thực hiện thủ tục đóng tiền sử dụng đất dự án cũng phải ngồi trên lửa. Cụ thể, ông Võ Văn Bé, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt (Công ty Thuận Việt), chủ đầu tư Dự án chung cư New City thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm lo lắng bởi doanh nghiệp ông và hàng chục doanh nghiệp khách tại TP.HCM đang đợi TP.HCM đưa ra mức giá thuế đất để đóng và hoàn tất thủ tục phát triển dự án.
Ông Bé cho biết, từ nhiều năm nay, chủ đầu tư đã hoàn thiện thủ tục xin đóng tiền sử dụng đất cho dự án án New City, nhưng vẫn không được vì chưa thể xác định chính xác giá đất là bao nhiêu. Nay đấu giá khu vực này lên tới mức kỷ lục 2,45 tỷ đồng/m2, không biết TP.HCM sẽ tính giá đất thế nào để áp cho dự án của công ty ông.
“Việc giá đất đấu giá quá cao có thể dẫn đến việc các cơ quan nhà nước xác định giá trị đất đai khi tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Năm 2012, Công ty ký hợp đồng với thành phố để xây dựng 3.550 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm, chia làm 2 khu, 2.220 căn và 1.330 căn. Giá bán được đưa ra chỉ hơn 20 triệu/m2, nhưng nếu giá đất Thủ Thiêm cao như hiện nay thì mức tiền sử dụng đất sẽ rất cao, doanh nghiệp sẽ lỗ nặng”, ông Bé nói.
Chung cảnh lo lắng với Công ty Thuần Việt, lãnh đạo Tập đoàn Novaland, Công ty HimLam Land, Hưng Thịnh Corp… cũng cho biết đang rất lo ngại về việc giá đất sẽ tăng theo giá đất đấu giá và như vậy doanh nghiệp địa ốc sẽ đứng trước vô vàn khó khăn trong việc tính tiền sử dụng đất để đóng cho nhà nước bởi hiện các doanh nghiệp đều phát triển dự án, bán nhà cho khách hàng nhưng chưa được tính giá sử dụng đất để cấp sổ cho khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP BĐS Asian Holding cho rằng, mức giá trúng đấu giá này có thể là tham chiếu quan trọng, để chủ đầu tư các dự án BĐS ở TP.HCM định vị lại giá bán mới. “Khi đấu giá thành công, cột giá tăng gấp 4-8 lần sẽ khiến chủ các dự án hiện hữu tiến hành đợt rà soát giá và nâng khung giá bán trong thời gian tới. Sau đó, tâm lý tăng giá tài sản có thể lan ra khắp TP. Thủ Đức. Đồng thời có thể tác động đến giá BĐS toàn TP.HCM do hiệu ứng ‘té nước theo mưa’", ông Hậu nói.
Trong khi đó, ở phân khu chức năng số 1 của khu đô thị này, dự án The Metropole Thủ Thiêm có giá bán khởi điểm qua các năm 2018, 2019 và 2020 ứng với 3 giai đoạn lần lượt là 95, 115, 160 triệu đồng/m2, đến nay có giá giao dịch các sản phẩm lần lượt là 145, 160 và 210 triệu đồng/m2.
Ở phân khu chức năng số 2B khu đô thị Thủ Thiêm, dự án Empire City giai đoạn một và hai đã bàn giao trong năm 2020-2021, vào thời điểm mở cách đây 4 năm có giá khởi điểm là 70-90 triệu đồng một m2, hiện đã vọt lên 115-130 triệu đồng/m2, tăng 44,4-64,2%. Giai đoạn ba và bốn của dự án này chào bán cách đây 3-4 năm với giá 120-140 triệu đồng/m2, hiện đã chạm ngưỡng 160-180 triệu đồng/m2 đang được xem là mức giá cao nhất tại Thủ Thiêm.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Đại Phúc Land thì, Khu đô thị mới Thủ Thiêm hơn nửa thập kỷ qua mới chỉ là giai đoạn ban đầu khi mà các dự án xuất hiện dần cùng với cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện. Trong 5 - 10 năm tới khi cơ sở hạ tầng đã hoàn thành đầy đủ, tốc độ phát triển của khu đô thị này chắc chắn sẽ nhanh hơn rất nhiều lần. “Cơn khát quỹ đất sạch tại TP.HCM là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bất chấp trả giá cao để sở hữu mặc dù chưa biết đấu giá xong thì lời lỗ như thế nào. Bởi hiện nay, nhà đầu tư đã quá mệt mỏi với chuyện chạy theo pháp lý dự án, nên doanh nghiệp chấp nhận mua giá cao nhưng có thể triển khai dự án được ngay, không phải chịu cảnh chôn vốn như nhiều dự án đang bị ách tắc pháp lý tại TP.HCM”, bà Hương cho biết.
Bà Hương còn cho rằng, với kết quả đấu giá của 4 lô đất, Thủ Thiêm đã xác lập mặt bằng giá mới và nguy cơ của một đợt sốt đất đang hiện diện trên toàn thị trường TP.HCM. Bên cạnh đó, trước đây việc tăng giá BĐS chỉ mang tính cục bộ ở từng dự án, vị trí. Nhưng khi đấu giá công khai thì đồng nghĩa với việc thông báo cho cả thị trường biết rằng, BĐS ở Thủ Thiêm đã chính thức lập mặt bằng giá mới, và lo ngại sẽ tạo ra một “cơn sốt” mới tại TP. Thủ Đức nói riêng và cả thị trường phía Nam nói chung.
Còn theo quan điểm của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), một trong những tác động tiêu cực của việc giá đất tăng cao sẽ khiến các kế hoạch bình ổn thị trường nhà ở tại TP.HCM đứng trước thách thức lớn, thậm chí bị đe dọa phá sản.
Theo ông Châu, các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đợt vừa qua có quyền thực hiện dự án trong vòng 24 tháng, trường hợp điều chỉnh dự án hoặc xin gia hạn có thể kéo dài 3-5 năm, thậm chí lâu hơn. Vì vậy, mức trần đấu giá đất vừa qua tại Thủ Thiêm được hiểu không phải là giá hiện tại, mà là giá kỳ vọng tương lai, dẫn đến có thể ảnh hưởng lâu dài đến việc lệch pha cung - cầu nhà ở trong nhiều năm tới.