Nhận nhiệm vụ mới trong bối cảnh TP.HCM đang trải qua đợt dịch COVID-19 chưa từng có, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đang gánh trên vai những trọng trách to lớn từ kiểm soát dịch bệnh, ổn định xã hội… đến việc tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Phan Văn Mãi, sinh năm 1973, từng trải qua nhiều vị trí lãnh đạo tại tỉnh Bến Tre. Ông cũng mới nhận chức Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM vào tháng 6/2021.
Gần 3 tháng, trải qua nhiều đợt giãn cách theo các cấp độ khác nhau, TP.HCM vẫn "căng mình" chống dịch COVID-19 chưa từng có từ trước nay bằng nhiều quyết sách nhằm sớm đưa người dân, doanh nghiệp... trở lại trạng thái bình thường mới.
Giữa lúc khó khăn, công tác nhân sự của thành phố có sự thay đổi. Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM được các đại biểu HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tín nhiệm bỏ phiếu bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP.HCM hôm 24/8 thay cho cựu lãnh đạo Nguyễn Thành Phong được Bộ Chính trị giao trọng trách mới tại Ban Kinh tế Trung ương.
Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, những gánh nặng trên vai Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi là vô cùng lớn. Và ngay trong buổi nhận chức, ông cũng cho biết, khoảng thời gian này là thời khắc rất khó khăn với thành phố và ngay cả chính bản thân.
Ông nói rằng, bản thân thấu hiểu người dân TP.HCM đang trải qua những ngày khó khăn nhất khi giãn cách xã hội, phải chịu đựng nhiều bất tiện, thiếu thốn và kể cả là mất mát người thân trong những ngày qua. Đây là việc không mong muốn và người dân phải trải qua những tình cảnh như thế, thực sự rất khó khăn.
Bên cạnh đó, ông đưa ra các mục tiêu đến ngày 15/9, TP.HCM phấn đấu kiểm soát dịch bệnh, giảm số ca tử vong, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và có những quyết sách, lộ trình từng bước để dần phục hồi nền kinh tế sôi động bậc nhất cả nước. Dẫu vậy, nhiệm vụ trọng tâm là thành phố kiểm soát dịch bệnh, ổn định xã hội, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp… cũng gặp không ít thách thức.
TP.HCM bắt đầu thực hiện siết chặt Chỉ thị 16, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” kể từ ngày 23/8. Người dân được yêu cầu ở yên tại chỗ, nhu yếu phẩm được các lực lượng quân đội, công an, cán bộ địa phương đưa đến tận nơi. Thành phố cũng tiến hành thực hiện lấy mẫu xét nghiệm toàn thành phố để bóc tách, khoanh vùng và đánh giá từng khu vực.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhận định rằng, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trước mắt là kiểm soát dịch bệnh, huy động được tất cả nguồn lực để chăm lo cho người dân, tập trung nguồn lực trong và ngoài nước để điều trị, giảm tử vong... Cùng với đó, thành phố sẽ chăm lo đời sống của người dân bằng an sinh xã hội, giải quyết nhu cầu hàng ngày về chăm sóc sức khỏe, để người dân yên tâm phòng chống, dịch bệnh. Đồng thời, thành phố phấn đấu ngày 15/9 kiểm soát được dịch bệnh.
Theo ông Mãi, cột mốc 15/9 không có nghĩa đến lúc đó là hết dịch, mà có thể số ca nhiễm, số ca tử vong giảm dần, số ca cần phải đưa vào điều trị sẽ bằng hoặc nhỏ hơn số giường bệnh hay những “vùng xanh” sẽ mở rộng hơn, “vùng đỏ”, “vùng cam” và “vùng vàng” giảm đi. Đây là các tiêu chí để đo lường cho việc kiểm soát được dịch bệnh của thành phố.
Có thể thấy, nhận định của ông Mãi là hoàn toàn có cơ sở, khi trong thời gian thực hiện tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, thành phố ghi nhận số lượng ca nhiễm COVID-19 (F0) trong cộng đồng tăng cao. Số liệu trên cổng thông tin COVID-19 TP.HCM cho thấy, ngày 29/8, số ca dương tính qua thông xét nghiệm là 4.931 ca. Lũy kế từ ngày 27/4 đến 16h ngày 29/8, thành phố có tổng 207.237 ca F0 và 104.844 ca khỏi bệnh.
Trước đó, ngày 28/8, thành phố xét nghiệm 258.580 mẫu, ghi nhận 5.456 F0, trong đó có đến 4.951 F0 trong cộng đồng. Tỷ lệ F0 trong tổng số mẫu xét nghiệm được lấy chiếm gần 2,1% nhưng tỷ lệ ca cộng đồng chiếm đến 90,7% tổng số ca mắc.
Lý giải về số ca F0 trong cộng đồng tăng cao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, thành phố đang nỗ lực thực hiện xét nghiệm để phát hiện sớm F0 và đưa vào quản lý, chăm sóc, điều trị phù hợp, nên số lượng sẽ tăng.
Về mục tiêu TP.HCM phấn đấu kiểm soát dịch bệnh đến ngày 15/9, chia sẻ với Nhadautu.vn, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu thành phố là vô cùng lớn. Ngay lúc này, vấn đề trọng tâm chính là dân sinh, việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là cần thiết nhưng cuộc sống của người dân đang đối diện với nhiều khó khăn. Đâu đó vẫn có nơi thiếu thốn lương thực, chưa kịp thời hoặc không đúng nhu cầu mặc dù thành phố đã nhận được sự hỗ trợ từ quân đội.
Theo TS Hiếu, đó mới chỉ là một trong số các vấn đề thành phố đang gặp phải. Tình hình xã hội có nhiều bất ổn kể từ khi dịch bệnh kéo dài, người dân không đi ra ngoài, mọi hoạt động buôn bán, giao thương bị ngưng trệ. Tiếp theo là vấn đề của doanh nghiệp khi hơn 80% số doanh nghiệp trên địa bàn phải đóng cửa hoặc có cầm cự được thì cũng giới hạn, chuỗi cung ứng đứt gãy.
Chủ tịch UBND TP.HCM là người có trách nhiệm lớn lao đưa những quyết sách, chiến lược và các giải pháp để kiểm soát được tình hình. Tuy vậy, ở góc nhìn của TS Nguyễn Trí Hiếu, mục tiêu đến ngày 15/9 kiểm soát dịch bệnh, giảm số ca tử vong tại TP.HCM là rất khó bởi số người lây nhiễm càng ngày càng tăng.
Theo ông, nhiều khả năng TP.HCM sẽ phải kéo dài thời gian giãn cách thêm một khoảng thời gian nữa, ít nhất là 1 tháng. Và với tình hình hiện nay, thành phố sẽ tăng trưởng âm, GRDP cả năm vào khoảng 1%.
Vậy đâu là giải pháp để thành phố dần trở lại trạng thái bình thường mới? TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, có 2 nguồn để thành phố dần trở lại với trạng thái bình thường mới đó là nguồn vaccine và ngân sách. Thành phố cần tập trung cho vấn đề tiêm chủng, đẩy nhanh tốc độ hơn nữa để đạt độ bao phủ, miễn dịch cộng đồng, khoảng 80-90%. Muốn làm được việc này thì cần Trung ương phân bổ, huy động từ các nguồn lực. Thêm nữa, những điểm tiêm cũng cần xem xét lại để không tập trung đông người, vì đây có thể là nguồn lây nhiễm cộng đồng do ý thức người dân còn chưa cao.
Để ổn định an sinh, theo ông Hiếu, TP.HCM cần có những hỗ trợ cụ thể, đến tận tay người dân, ít nhất là khoảng 1 triệu đồng/tháng, liên tục trong 3 tháng. Hiện nay, có nhiều ý kiến về việc người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ dù thành phố có triển khai chính sách này qua mấy đợt giãn cách.
“Làm sao thủ tục nhận hỗ trợ càng nhanh gọn càng tốt, vì hiện nay để nhận được tiền hỗ trợ phải trải qua nhiều bước, mất nhiều khâu rất tốn thời gian”, TS Hiếu chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất cả nước thì trách nhiệm, áp lực càng lớn cả trong quản lý, phát triển kinh tế, an sinh xã hội… Dưới góc độ doanh nghiệp, bà hi vọng rằng TP.HCM phát triển được kinh tế, kiểm soát được dịch bệnh và có chuyển biến mới sau cột mốc ngày 15/9. TP.HCM cần có những lộ trình, nới lỏng hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại.
“Đến nay, cũng gần 3 tháng thành phố giãn cách xã hội, lượng vaccine tiêm cũng được tương đối, các doanh nghiệp mong muốn thành phố có động thái mới sau ngày 15/9 để có thể hoạt động trở lại. Kinh tế của thành phố có đóng góp rất lớn cho cả nước, do đó, người đứng đầu cần tính đến lộ trình cụ thể cho các doanh nghiệp. Họ cũng xác định “sống chung” với dịch bệnh để duy trì hoạt động, chăm lo cho người lao động và đóng góp vào việc phát triển kinh tế của thành phố.”, Bà Hương nói và hi vọng thành phố sớm vượt qua đại dịch.
Ngoài ra, theo vị Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, năng lực cạnh tranh của thành phố trong những năm vừa qua đã sụt giảm so với các tỉnh, thành phố khác nguyên nhân là do vướng mắc trong cơ chế, chính sách thu hút đầu tư… Từ đó, trách nhiệm người đứng đầu thành phố cũng khó khăn hơn, phải có được những định hướng cụ thể để kéo “đầu tàu” kinh tế của cả nước đi lên.
Về vấn đề mở cửa lại nền kinh tế, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ thành lập bộ phận, xây dựng kế hoạch một cách cụ thể; tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước để bổ sung các biện pháp đến ngày 15/9 và có kế hoạch sau ngày 15/9.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tính toán, tùy theo tình hình dịch mà mở cửa nền kinh tế. Việc mở cửa nền kinh tế, mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên nguyên tắc phải đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch. Những ngành thiết yếu, quan trọng thành phố có biện pháp đảm bảo an toàn, duy trì và mở rộng.
Ở địa bàn vùng an toàn, thành phố sẽ tiến hành “nới” lỏng các hoạt động nhưng vẫn phải đảm bảo chống dịch. Trong khi đó, ở nơi mà doanh nghiệp hay người dân có thể có sáng kiến đảm bảo an toàn trong sản xuất, thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được mở ra.
Thế nhưng, ở góc nhìn cụ thể hơn, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, liên quan đến “hơi thở” của doanh nghiệp, TP.HCM cần lưu tâm đó là chính sách hỗ trợ tín dụng. Với sự hỗ trợ này, các doanh nghiệp có tiền chi trả mặt bằng, trả lương cho công nhân để giữ chân người lao động, có tiền thanh toán cho nhà cung cấp nguyên vật liệu…
Hiện nay, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn không phải do nội tại hay thị trường mà do dịch COVID-19 khiến mọi hoạt động bị ngưng trệ.
Còn bà Nguyễn Hương cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn không phải do nội tại, cũng không phải do thị trường mà do dịch bệnh gây ra, khiến mọi hoạt động bị ngưng trệ. Các doanh nghiệp nói chung đang vấp phải vấn đề lớn nhất là dòng tiền để duy trì, sản xuất kinh doanh. Gần 3 tháng giãn cách là khoảng thời gian vượt quá sức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo bà Hương, dịch bệnh là yếu tố bất khả kháng, việc giãn cách xã hội là điều cần thiết nhưng do kéo dài quá lâu, trong khi thành phố không có động thái rõ ràng nào khiến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp lâm nguy, không giữ chân, chăm lo được người lao động.
Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP.HCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung đang đối mặt với vô vàn khó khăn do dịch bệnh kéo dài. Những tác động từ dịch bệnh khiến các doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động; chi phí tăng cao do phát sinh xét nghiệm 3 ngày/lần, ăn ở cho người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ”… và vẫn phải trả chi phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội…
Các doanh nghiệm vẫn đang “gồng” mình thanh toán lương và bảo đảm cuộc sống cho người lao động trong khi chưa nhận được sự hỗ trợ cụ thể nào. Chưa kể đến, có nhiều doanh nghiệp có doanh thu cán mốc 0% trong thời gian tập trung chống dịch.
Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có kiến nghị với Chính phủ, chính quyền thành phố, tháo gỡ những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
Cụ thể, về chính sách liên quan đến người lao động, doanh nghiệp kiến nghị cho tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch; không áp dụng phạt đối với các doanh nghiệp không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội; Miễn giảm 100% phí bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian giãn cách xã hội; Có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội.
Về chính sách thuế và chi phí, doanh nghiệp kiến nghị miễn thuế VAT trong năm 2021; giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022-2023; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch; được chấp nhận tất cả các loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra.
Về tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009 từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng; cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán; khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3 % kể từ ngày 1/8/2021 đến 6 tháng.
Ngoài ra, để giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ, thành phố, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn, người đứng đầu xây dựng lộ trình từng bước để các doanh nghiệp hoạt động trở lại từng phần, trong bối cảnh người lao động đã bắt đầu được tiêm vaccine đầy đủ.