"Với kinh nghiệm của một nhà phát triển trong thời gian làm việc 50 năm nay, trong đó có 20 năm tại Australia, tôi nhận thấy rằng khu vực Bắc Úc rất tiềm năng, còn nhiều dư địa để phát triển và đây cũng là thời điểm tốt để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hiện diện tại Bắc Úc".

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch VAFIE, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Úc.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch VAFIE, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Úc.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Úc về tiềm năng đầu tư sang Bắc Úc cũng như về Chiến lược Giao thương Hợp tác Kinh doanh và Đầu tư Việt Nam - Bắc Úc khi trao đổi với Nhadautu.vn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Bắc Úc sở hữu nhiều tiềm năng chưa được khai phá, một vùng đất giàu tài nguyên, nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp du lịch; đồng thời có nhu cầu cao đối với lao động cũng như vật tư, vật liệu xây dựng, phát triển hạ tầng.

Ngày 7/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Australia Anthony Albanese đã họp thông báo nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên mức cao nhất - quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đáng chú ý là 6 phương hướng lớn mà hai bên đã nhất trí. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư sang Australia nói chung và Bắc Úc nói riêng thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chuyến thăm chính thức Australia từ ngày 5-9 tháng 3 năm 2024 theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Điểm nổi bật nhất của chuyến thăm là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Thủ tướng Australia Anthony Albanese công bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

img2047-1709776474815588606550

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trao đổi tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hai Thủ tướng cũng đã nhất trí phối hợp chặt chẽ để thực hiện 6 phương hướng lớn, bao gồm: tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn, tận dụng các tiềm năng của của hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao; thúc đẩy hợp tác khoa-học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn; hợp tác văn hoá, giáo dục-đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn; giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn; và hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác an ninh - quốc phòng. Có thể nói đây là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác kinh doanh đầu tư với Australia nói chung và Bắc Úc nói riêng.

Như ông nói thì rõ ràng đây là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường sự hiện diện tại Australia nói chung và Bắc Úc nói riêng do triển vọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia đang ngày một phát triển?

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ: Đúng vậy, vì quan hệ song phương giữa Việt Nam và Australia đã trải qua quá trình phát triển vượt bậc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1973. Ngày 15/3/2018, Chính phủ hai nước đã ký kết tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Australia và nay là quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Mặc dù Việt Nam và Australia có mối quan hệ ngoại giao khăng khít và nền kinh tế hai bên có nhiều yếu tố khác biệt, bổ sung lẫn nhau, nhưng kim ngạch hai chiều chưa tương xứng với tiềm năng. Doanh nghiệp Australia hiện khám phá Việt Nam như là thị trường thay thế đa dạng hóa. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn khẳng định rằng, Việt Nam và Australia đang có chung khát vọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Thực tế cho thấy có rất ít cạnh tranh trực tiếp trong cơ cấu thương mại giữa Australia và Việt Nam mà thay vào đó là sự bổ sung mạnh mẽ, mang lại cơ hội hợp tác thương mại sâu sắc hơn. Việt Nam đã sản xuất đa dạng hoá các sản phẩm với số lượng ngày càng lớn hơn, khiến Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn và hấp dẫn hơn đối với khách hàng Australia.

Quote01

Khi nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển và mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu về năng lượng, nguyên liệu thô, thực phẩm và giáo dục cũng tăng lên. Cả hai nước đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế, với thế mạnh của mỗi quốc gia giúp đáp ứng nhu cầu của nhau. Trong dài hạn, tôi đánh giá rất cao cho sự phát triển bền vững giữa Việt Nam và Austrlia.

Hiện đang thực hiện Chiến lược Giao thương hợp tác kinh doanh và đầu tư Việt Nam - Bắc Úc, ông có thể nói cụ thể hơn về chiến lược này hướng tới những vấn đề gì?

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ: Khi nhắc tới Australia, chúng ta thường nghĩ đến Canbera, Sydney, Melbourne nhưng nếu nhắc đến vị trí địa lý chiến lược thì Thủ phủ Darwin của lãnh thổ Bắc Úc mới đóng vai trò độc nhất vô nhị, là cửa ngõ gần nhất kết nối giữa châu Á với phần còn lại của châu Úc. Ngoài ra, Bắc Úc rất giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, khoáng sản, di sản văn hóa Thổ dân, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hùng vĩ... GDP/đầu người cao nhất Australia, có diện tích gấp 4 lần Việt Nam nhưng dân số lại thấp hơn nhiều.

Phần lớn hợp tác giao thương giữa Việt Nam và Australia đều tập trung vào Sydney và Melbourne trong khi Vùng lãnh thổ phía Bắc (Bắc Úc) lại rất ít khi được nhắc tới. Hiện tại, nền kinh tế Australia nói chung và Bắc Úc trong những năm gần đây đang đấu tranh để dần thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam tăng cường sự hiện diện tại Bắc Úc nói riêng và Liên Bang Úc nói chung.

Theo tôi được biết, để tránh áp lực cạnh tranh quá lớn tại Sydney và Melbourne, đã có một số doanh nghiệp Việt Kiều bắt đầu chuyển hướng sang đầu tư vào Bắc Úc để hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi của Chính phủ bang.

Với kinh nghiệm của một nhà phát triển trong thời gian làm việc 50 năm nay, trong đó có 20 năm tại Australia, tôi nhận thấy rằng khu vực Bắc Úc rất tiềm năng, còn nhiều dư địa để phát triển. Và với những gì mà hai nước đang làm được, cũng như định hướng của Chính phủ đôi bên, tôi tự tin rằng Chiến lược Giao thương hợp tác kinh doanh và đầu tư Việt Nam - Bắc Úc sẽ có tính khả thi cao và sớm được hiện thực hóa.

Chiến lược thúc đẩy hợp tác giao thương kinh doanh và đầu tư vào Bắc Úc sẽ là một sự cân bằng về lợi ích giữa hai bên, căn cứ vào lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và của Bắc Úc để tiến hành hợp tác theo cơ chế đôi bên đều có lợi. Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý rằng, chiến lược muốn thực hiện thành công cần phải có sự thống nhất đồng bộ của các bên có liên quan, sự đóng góp của các chuyên gia kinh tế - xã hội, các nhà khoa học và nhất là sự năng động và dám nghĩ lớn của doanh nghiệp Việt Nam.

Vậy ông có thể cho biết những cơ hội khi doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào Bắc Úc?

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ: Hiện, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Australia và vì thế Bắc Úc sẽ là một vùng đất có nhiều tiềm năng và lợi thế để doanh nghiệp Việt Nam hướng tới.

Bắc Úc đang rất thiếu nhân lực và có nhu cầu rất lớn về vật tư và vật liệu xây dựng để phát triển hạ tầng kinh tế. Trong khi đây lại là lợi thế cạnh tranh rất lớn của Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Chúng ta có thể tận dụng lợi thế giá nhân công phổ thông khá thấp để sản xuất tại Việt Nam một số vật liệu xây dựng có nhu cầu cao tại thị trường xây dựng Bắc Úc.

Ngoài ra, có thể tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào về trâu, bò nuôi thả tự nhiên tại Bắc Úc đề đầu tư lò mổ và cấp đông trâu, bò nguyên con nhập khẩu về Việt Nam rồi gia công chế biến; hoặc pha lóc đơn giản tại chỗ rồi lấy phần thịt thích hợp để sấy khô, phần còn lại cấp đông nhập khẩu về Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể hợp tác trao đổi tour du lịch kết hợp khảo sát thị trường và kết hợp kinh doanh hoặc hợp tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động tay nghề cao tại Bắc Úc.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy Chiến lược Giao thương hợp tác kinh doanh và đầu tư Việt Nam - Bắc Úc theo ông cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ: Chính phủ hai nước đang ngày càng thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Từ năm 2021, Việt Nam và Australia đã công bố Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế nhằm mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp hai bên.Tôi cho rằng đây là tiền đề quan trọng trong thời gian tới đối với quan hệ hợp tác hai nước, nhất là khi Chiến lược Giao thương hợp tác kinh doanh và đầu tư Việt Nam - Bắc Úc được hiện thực hóa.

Do đó, tôi mong muốn rằng Chiến lược này sẽ nhận được sự quan tâm đúng mực từ góc độ đường lối, chính sách và chiến lược của Đảng và Chính phủ để đưa vào Chương trình nghị sự ngoại giao cấp cao giữa Việt Nam và Australia.

Cùng đó, tôi cũng kêu gọi các hiệp hội doanh nghiệp phổ biến chiến lược này đến từng hội viên của mình, nhằm tranh thủ cơ hội sớm tiếp cận một môi trường kinh doanh và đầu tư còn rất nhiều tiềm năng như Bắc Úc, làm bàn đạp hiện thực hóa ước mơ toàn cầu hóa và ra biển lớn của doanh nghiệp Việt Nam.

Với vai trò, vị trí của mình, ông sẽ làm gì để thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư kinh doanh với Australia nói chung và Bắc Úc nói riêng trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ: Tôi hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam Bắc Australia. Với cương vị này, tôi sẽ có cơ hội kết hợp doanh nghiệp không chỉ của Việt kiều mà cả của nước ngoài từ Bắc Australia nói riêng và Australia nói chung đầu tư về Việt Nam.

Đồng thời, đưa doanh nghiệp Việt Nam qua hợp tác, đâu tư tại Australia nói chung và khu vực Bắc Úc nói riêng. Tôi sẽ làm cầu nối, tạo cơ sở kho bãi, phân phối, kinh doanh…, tạo liên doanh hợp tác theo tỉ lệ 7-3, 4-6 hay 6-4, tùy thuộc vào vốn đầu tư và nguyện vọng của mỗi bên.

Gần đây, tôi đang đầu tư hơn 1.000 ha tại ngoại ô Thủ phủ Darwin của Bắc Úc để đầu ta xây dựng trang trại bò, cơ sở giết mổ gia súc, nhà xưởng, logistics, kho bãi vật liệu xây dựng, hạ tầng du lịch, trung tâm trưng bày sản phẩm…

Darwin near far productions

Thủ phủ Darwin của Bắc Úc. Ảnh: Nearfarproductions.com

Mục đích là xây dựng nền tảng để hỗ trợ kết nối hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam và Australia. Đây là mô hình thí điểm, giúp doanh nghiệp trong nước hợp tác với doanh nghiệp kiều bào ở nước sở tại, kiến tạo hệ thống phân phối, thâm nhập thị trường.

Mô hình này rất cần được các cơ quan đại diện ngoại giao và thương vụ Việt Nam ở các nước sở tại quan tâm ủng hộ, nghiên cứu và phát huy, nhân rộng nếu thành công.

Ngoài ra, trong vai trò là Phó Chủ tịch VAFIE, tôi muốn giúp các doanh nghiệp trong nước giao thương, hợp tác đầu tư tại nước ngoài thông qua hệ thống mạng lưới doanh nghiệp kiều bào, bắt đầu với mô hình thí điểm tại Thủ phủ Darwin của Bắc Úc.

Xin trân trọng cảm ơn Ông!

PHONG CẦM - THIẾT KẾ: TRỌNG HIẾU