Năm 2024, kinh tế Việt Nam chứng kiến nhiều bứt phá, tăng trưởng GDP ước vượt mục tiêu kỳ vọng 7%, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Chính phủ yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.
Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ, không còn chỉ nói đến chuyện cải cách bó hẹp trong phạm vi lĩnh vực kinh tế mà làm rộng hơn về thể chế, môi trường kinh doanh, thể hiện qua việc sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy Nhà nước đang được triển khai rất quyết liệt. Kết hợp với đó là loạt chương trình lớn như đầu tư điện hạt nhân, thu hút đại bàng trong lĩnh vực công nghệ, làm đường sắt cao tốc Bắc Nam…
Thị trường chứng khoán (TTCK) – hàn thử biểu của nền kinh tế cũng đứng trước thời khắc quan trọng. Chính phủ và cơ quan bộ ngành liên quan đã và đang tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm sớm nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025.
Tất cả đều đang chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo Tổng bí thư Tô Lâm, đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Ở một kỷ nguyên mới, sân chơi mới, việc nâng cao dân trí là mục tiêu quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nhận thức về đầu tư, quản lý tài chính của người dân còn thấp.
Nhìn lại, vào những tháng cuối năm 2024, cơ quan chức năng triệt phá một loạt đường dây lừa đảo đầu tư, lừa đảo tài chính quy mô lớn với tổng số tiền thu giữ, thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng. Nổi bật nhất là vụ Công an Hà Nội tháng 11/2024 triệt phá đường dây lừa đảo Mr. Pips Phó Đức Nam - vụ án có quy mô lớn nhất Việt Nam về ngoại hối, chứng khoán khi tài sản phong tỏa lên hơn 5.200 tỷ đồng cùng hơn 2.600 bị hại. Cũng trong tháng 11, Công an Đà Nẵng khởi tố vụ án lừa đảo huy động 3.700 tỷ đồng của hơn 7.500 người tại Công ty GFDI.
Mở rộng ra, không chỉ ở các lĩnh vực chưa có hành lang pháp lý, không được pháp luật bảo vệ như tiền số, forex, chứng khoán nước ngoài, mà ở chính các lĩnh vực như cổ phiếu, trái phiếu, cũng không thiếu các đại án tác động lớn tới kinh tế - xã hội như vụ làm giá cổ phiếu FLC Group, Louis Holdings, hay trái phiếu Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.
Ở khía cạnh khác, tại khu đông dân cư, khu công nghiệp, các loại hình hụi, tín dụng đen hoành hành, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự và sức khỏe tài chính của người dân, dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực.
Tất cả điều đó cho thấy mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục tuyên truyền, giáo dục, song vẫn còn một bộ phận người dân bị đối tượng xấu đánh vào lòng tham, bị thu hút bằng các lời mời chào đầu tư không rủi ro, lãi suất hàng chục % mỗi tháng.
Do vậy, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, giúp họ tránh khỏi những cái bẫy lừa đảo tài chính tinh vi.
Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt mục tiêu nâng cao hiểu biết tài chính, đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trong lựa chọn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Ở góc độ TTCK, tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, Chính phủ yêu cầu nâng cao chất lượng nhà đầu tư cá nhân gắn với đào tạo, phổ cập kiến thức và thông tin tuyên truyền.
Bên cạnh đó, việc phát triển các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư vào thị trường tiền tệ (money market funds), chứng chỉ quỹ ETF phức hợp (leverage/inverse ETF), quỹ của quỹ (fund of funds)... cần được chú trọng để cân bằng cơ cấu giữa nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, giữa trong nước và nước ngoài. Gắn liền với đa dạng hóa kênh phân phối chứng chỉ quỹ, khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư vào TTCK thông qua các loại hình quỹ đầu tư.
Để thẩm thấu và hạn chế được các vụ việc lừa đảo, chương trình đào tạo, phổ cập cần được kéo dài, xuyên suốt và lan tỏa rộng rãi. Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển TTCK, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tạp chí Nhà đầu tư triển khai dự án "Nâng cao kiến thức nhà đầu tư".
Dự án bao gồm các hội thảo/ tọa đàm được Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức dưới sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, tập trung làm rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao năng lực tài chính cho người dân, cải thiện chất lượng và cơ cấu nhà đầu tư trong nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Cùng với đó là chuyên mục Đầu tư thông minh trên ấn phẩm điện tử Nhadautu.vn, nhằm đăng tải các bài viết của chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước, các thành viên thị trường phổ cập kiến thức đầu tư, nâng cao chất lượng, đa dạng cơ sở nhà đầu tư trên TTCK; xây dựng các bài viết nhà đầu tư hỏi, chuyên gia trả lời nhằm gia tăng tương tác cộng đồng.