Blue Photo Heavy Tsunami Crisis Hub Poster-3

Tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi số trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; có 5.000 bộ dữ liệu mở, công khai cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp sử dụng, phục vụ tạo ra sản phẩm mới; có 5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, với ít nhất 10 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Để hiện thực hoá mục tiêu này, Đà Nẵng nỗ lực hoàn thiện hạ tầng cũng như tăng cường xúc tiến đầu tư. Cụ thể, thành phố đã và đang phát triển 5 khu công viên phần mềm và 2 Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung. Trong đó, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đang được Trungnam Group khẩn trương đầu tư xây dựng khu nhà xưởng chuyên dụng ICT tại phân khu A2 (phân khu sản xuất kinh doanh sản phẩm dịch vụ CNTT) trên diện tích 9,3ha với 5 nhà máy có diện tích từ 4.000 – 6.000m2/sàn cùng 1 nhà trưng bày 3 tầng và hạ tầng kỹ thuật nội khu.

Đồng thời, chủ đầu tư đang tiếp tục triển khai Dự án Khu chuyên gia và công viên sinh thái dịch vụ trên tổng diện tích 26ha gồm: 4 block chung cư cao từ 10 - 21 tầng, 64 căn biệt thự, 33 biệt thự sườn đồi, khu thể thao, Club House, khu công viên trung tâm…. với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.100 tỷ đồng và hoàn thành trong năm 2021 này.

Ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc Công ty CP phát triển Khu CNTT tập trung Đà Nẵng cho biết, tính tới thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thành cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 của Khu CNTT tập trung. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục lên kế hoạch triển khai đầu tư 23 Nhà máy còn tại tại phân khu sản xuất của giai đoạn 1 để đáp ứng các đơn hàng ngày càng nhiều từ các đối tác, chuẩn bị và triển khai đầu tư Khu R&D 20ha; tìm kiếm đối tác hợp tác phát triển Khu văn phòng, triển lãm kết hợp Data Center...

“Ngoài việc cùng góp phần chung tay giải quyết một phần thực trạng thiếu hụt về hạ tầng xã hội phục vụ người lao động, chúng tôi cũng sẽ đầu tư lập các trung tâm nghiên cứu, mời các chuyên gia có năng lực từ nước ngoài về đào tạo cho nguồn nhân lực đồng thời có các chính sách hỗ trợ để thu hút, kêu gọi các kỹ sư, chuyên gia nước ngoài quay trở lại Việt Nam làm việc”, ông Huy thông tin.

Silver White Special Happy Father's Day Dad Mini Photobook Printable-16

Ngoài ra, Khu Công viên phần mềm số 2 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đang được Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa dự án vào hoạt động. Đây là một trong những công trình trọng điểm động lực của thành phố và được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút vốn và công nghệ, hình thành trung tâm CNTT cho Đà Nẵng.

Với cơ sở hạ tầng hiện đại, giao thông thuận tiện, cùng với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ chế chính sách phát triển CNTT hấp dẫn... thời gian qua nhiều nhà đầu tư lớn, uy tín về CNTT trong nước và quốc tế đã tìm tới Đà Nẵng như: LG, Hitachi, Foster, Mabuchi, FPT Software, Logigear, Global Cybersoft, Axon Active… Các doanh nghiệp này đã mang đến Đà Nẵng những ngành dịch vụ ưu thế như: gia công xuất khẩu phần mềm, gia công dữ liệu số, dịch vụ tư vấn và xây dựng giải pháp CNTT, lắp ráp và sản xuất sản phẩm điện tử…

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là “chìa khóa chính” để chủ động tiếp cận Cuộc cách mạng lần thứ tư theo chủ trương của Bộ Chính trị; bước chuyển tất yếu, mang tính bắt buộc, nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền… Hạt nhân của cách mạng số chính là lĩnh vực công nghiệp CNTT, vai trò các doanh nghiệp này là đem các ứng dụng công nghệ số vào trong đời sống xã hội.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp CNTT đầu tư vào Đà Nẵng được hưởng một số chính sách ưu đãi. Theo đó, tại các khu CNTT tập trung, các doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất tùy dự án, quy mô đầu tư với thời gian ưu đãi 5-10 năm; hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi đối với sản phẩm và dịch vụ CNTT; giảm 100% trong 2 năm đầu tiên và 50% trong 3 năm tiếp theo đối với chi phí sử dụng hạ tầng cho hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, vườn ươm doanh nghiệp CNTT… Đối với các doanh nghiệp CNTT ngoài khu CNTT tập trung cũng được hưởng một số ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, Đà Nẵng còn ưu tiên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp và phát triển. Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng cho biết, chúng tôi rất sẵn sàng hỗ trợ các chương trình phát triển nghiên cứu, chuyển giao các công nghệ lõi của cuộc cách mạng 4.0, đồng hành hỗ trợ các trường đại học, các đơn vị thuộc thành phố thành lập các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm như chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, 5G, y sinh học…

“Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) trong lĩnh vực blockchain và fintech”, bà Hậu cho hay.

Blue Photo Heavy Tsunami Crisis Hub Poster-3-2

Silver White Special Happy Father's Day Dad Mini Photobook Printable-13

Theo ý kiến từ các doanh nghiệp, nút thắt lớn nhất mà các doanh nghiệp lo ngại khi quyết định đầu tư vào Đà Nẵng chính là chất lượng nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc Công ty CP phát triển khu CNTT tập trung Đà Nẵng đánh giá, về nhân lực CNTT thì chúng ta có lợi thế về nguồn lực lao động dồi dào, tuy nhiên, do chưa có nhiều cơ hội được cọ sát thực tế nên về chất lượng lao động vẫn còn chưa bắt kịp được với 2 đầu đất nước.

Những năm gần đây, Đà Nẵng nỗ lực tăng cường đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại các trường đại học để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) cho biết, nguồn nhân lực CNTT trên cả nước nói chung và tại Đà Nẵng nói riêng vẫn còn ít, chưa đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Cùng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làn sóng gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong các lĩnh vực mới liên quan như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa quy trình robot, blockchain, Internet vạn vật (IoT)… cũng kéo theo sự khát nhân lực CNTT.

Blue Photo Heavy Tsunami Crisis Hub Poster-6-2-2

Theo Hiệu trưởng VKU, đơn vị đã và đang liên tục đầu tư để sinh viên được học trong môi trường chuẩn quốc tế, tăng cường ngoại ngữ, từ giáo trình đến thiết bị học, phòng học, giảng viên… Song song với việc mời các doanh nghiệp vào tham gia giảng dạy, nhà trường cũng đã thực hiện việc kết nối và xây dựng được một mạng lưới phối hợp rộng và chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn và uy tín trong nước và quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Đại học Đà Nẵng đã có nhiều ký kết, thỏa thuận hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năm học 2020-2021, Trường Đại học Bách khoa tiên phong mở mới ngành Kỹ thuật máy tính thuộc Khoa Điện tử - Viễn thông; chuyên ngành Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo thuộc Khoa Công nghệ thông tin. Đây là những chuyên ngành hiện đại, cung cấp những tri thức nền tảng cho cách mạng công nghiệp 4.0 như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (Big Data)...

“Hiện nay, các trường Đại học Kinh tế, Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn, Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Sư phạm Kỹ thuật… đã có những ngành đào tạo mũi nhọn, đáp ứng được nhu cầu tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ thông tin.

Silver White Special Happy Father's Day Dad Mini Photobook Printable-12

Theo UBND TP. Đà Nẵng, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, cần có sự quan tâm đầu tư thích hợp, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng tâm phát triển như công nghệ thông tin, công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động, Đà Nẵng đã thực hiện các biện pháp đẩy mạnh phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Cùng với đó, phối hợp với Đại học Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ, thủ tục đầu tư, xây dựng khu đô thị Đại học Đà Nẵng theo quy hoạch đã được phê duyệt; xúc tiến việc thành lập Trường Đại học Quốc tế thộc Đại học Đà Nẵng và đề xuất thành lập Đại học Quốc gia Đà Nẵng.

Ngoài ra, Đà Nẵng luôn quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở vật chất, đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các khâu trong quy trình đào tạo; tập trung thống kê, dự báo thông tin thị trường lao động nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn.

THÀNH VÂN