Doanh nghiệp TP.HCM sống giữa mùa COVID-19 - Bài cuối: Cây táo rồi sẽ nở hoa

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, để có thể thực hiện “mục tiêu kép”, các hiệp hội, tới lãnh đạo TP.HCM đang từng bước thực hiện những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua mùa COVID-19.
hinh x

 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, ngay từ đầu năm, thành phố đã chủ động đẩy nhanh các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2021: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, với mục tiêu tổng quan là tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép”. Đó là vừa phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe toàn dân – vừa phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, với tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thành phố nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo số liệu theo dõi của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố có:

hinh y

 

Chính vì vậy, việc làm thế nào để doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chịu ảnh hưởng ít đi, khôi phục lại sản xuất được lãnh đạo thành phố ưu tiên rất lớn. Cụ thể, TP.HCM sẽ tập trung 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành, Trung ương như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, chăm lo cho đời sống người lao động như hỗ trợ giảm giá điện, nước sinh hoạt cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh - dịch vụ - thương mại, người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Về nhóm chính sách hỗ trợ của TP.HCM, thành phố sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ, lãi vay theo chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, đổi mới trang thiết bị, công nghệ, mở rộng thị trường, hỗ trợ về nguồn nhiên liệu, sản phẩm chủ lực, tiềm năng của thành phố, chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chương trình mở rộng thị trường.

hinh c

 

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh như: điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trong nước, xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động,…

Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM Chu Tiến Dũng cho rằng, tình hình sức khỏe doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hiện rất yếu, đặc biệt hiện nay các doanh nghiệp đang khó khăn về nguồn vốn. Đây là một trong những loại vaccine cho doanh nghiệp hồi phục, chính vì vậy lãnh đạo TP.HCM cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ LĐ-TB&XH ban hành cần khắc phục các rào cản mà lần hỗ trợ thứ nhất các doanh nghiệp gặp phải. Ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp cho doanh nghiệp sản xuất bớt khó khăn.

Khuyến khích ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh. Khuyến khích cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vắc-xin, cơ sở điều trị. Ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp hỗ trợ vốn mua nguyên vật liệu dự trữ cho sản xuất và xuất khẩu. Ban hành gói hỗ trợ riêng đặc thù cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, phải ngừng sản xuất kinh doanh như ngành du lịch, dịch vụ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, qua thống kê, TP.HCM có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao hoặc tương đương tạm ngưng hoạt động, cơ sở lưu trú hạng 4 và 5 sao/tương đương hoạt động cầm chừng. Doanh thu của khách sạn 5 sao giảm hơn 80%, dịch vụ ăn uống giảm hơn 60%, số lượng lao dộng giảm hơn 40%; khách sạn 4 sao giảm hơn 70%, doanh thu dịch vụ ăn uống, hội nghị giảm hơn 75%, số lượng lao động giảm hơn 50%; khách sạn 3 sao giảm hơn 80%, nhiều đơn vị tạm ngưng nhận khách để giảm chi phí tối đa.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp ngành du lịch, người đứng đầu Sở Du lịch TP.HCM cho biết hiện Sở đã phối hợp, tham mưu, kiến nghị Trung ương chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% cuống 5%, kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất, gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ, giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp.

hinh v

 

Cũng theo bà Hoa thì hiện, Sở Du lịch cũng kiến nghị UBND TP.HCM 4 nhóm nội dung gồm: đề xuất chủ trương sử dụng vốn ngân sách ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội thành phố thực hiện hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch (không phân biệt doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ) để trả lương cho người lao động. Ngoài ra, đề xuất xem xét chính sách hỗ trợ cho các điểm tham quan du lịch và nhóm bảo tàng, khu du tích là đơn vị sự nghiệp công lập nhằm hỗ trợ kích cầu du lịch năm 2021 sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát; Đề xuất triển khai ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho lực lượng lao động trong ngành du lịch.

“Hy vọng những chính sách này khi thực hiện sẽ giúp doanh nghiệp ngành du lịch bớt đi khó khăn đế từ ngân hàng cũng như gánh nặng tài chính, để doanh nghiệp ngành du lịch sớm khôi phục được sản xuất”, bà Hoa nói.

Riêng với ngành bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, để doanh nghiệp ngành bất động sản vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mà chỉ xin hỗ trợ cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục đầu tư xây dựng để tăng sức chống chịu và vượt qua đại dịch COVID-19.

Ông Châu cũng đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc sớm trình UBND TP.HCM ban hành "quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỉ lệ khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để tách thành dự án độc lập" theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình tại Văn bản số 126/TB-VP ngày 11/3/2021.

Đặc biệt, đại diện cộng đồng doanh nghiệp bất độn sản TP.HCM, ông Châu cũng cho biết đã kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ "ách tắc" về việc nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại đã có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp, hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, nhưng không được công nhận là chủ đầu tư. Đây là vấn đề mà đa phần các doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đang gặp phải, nếu tháo gỡ được vướng mắc này, các doanh nghiệp sẽ hồi sinh để phát triển dự án nhà ở dù ảnh hưởng dịch bệnh tới đâu cũng không e ngại.

GIA HUY