17e01aa97181bddfe490

 

ff9726d84df081aed8e1

 

9f7b386b53439f1dc652

 

Năm 2016, Công ty CP Địa ốc Him Lam Land mở bán dự án Him Lam Phú An tại TP. Thủ Đức, dự án với hơn 1.000 sản phẩm nhà chung cư và chỉ trong một thời gian ngắn dự án này đã được bán hết. Tới năm 2018, dự án được bàn giao cho khách hàng vào ở. Cứ ngỡ sau thành công của dự án này, Him Lam Land sẽ tiếp tục phát triển ngay các dự án khác, thế nhưng “đời không như là mơ”. Đến nay dù được nhận xét là doanh nghiệp có trong tay nhiều quỹ đất ở TP.HCM nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa thể ra hàng chào bán thêm một sản phẩm nào nữa.

Trong một lần PV Nhadautu.vn trò chuyện cùng bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó Tổng phụ trách kinh doanh của Him Lam Land, bà Ngọc cho biết ngay sau khi dự án Him Lam Phú An được mở bán, doanh nghiệp bà đã nộp hồ sơ pháp lý để phát triển dự án chung cư tại quận 7 và dự án tại đường Thi Sách quận 1. Thế nhưng tới nay cả hai dự án này đều chưa được cấp phép.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong vòng 3 năm qua, doanh nghiệp này đã bán đi khá nhiều quỹ đất mình có như dự án tại TP. Biên Hòa được bán cho Hưng Thịnh Corp, dự án hơn 100 ha tại phường An Bình TP. Thủ Đức cũng được bán.

Một doanh nghiệp khác cũng trong cảnh 6 năm không có một dự án mới bán đó là Tập đoàn Hà Đô. Còn nhớ năm 2015 khi bước chân vào TP.HCM phát triển dự án hơn 2.000 sản phẩm chung cư và nhà phố thành công tại quận 10, doanh nghiệp này ngay lập tức mua thêm 2 quỹ đất lớn tại quận 8 và TP. Thủ Đức và xin pháp lý phát triển dự án mới để bán. Thế nhưng tới nay, doanh nghiệp này vẫn chưa thể triển khai được 2 dự án trên vì pháp lý chưa được cấp phép.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh của doanh nghiệp này cho biết dự án quận 8 được mua từ năm 2016 và dự tính triển khai bán năm 2017 với hơn 1.000 căn hộ chung cư. Thế nhưng tới nay dự án này vẫn chưa thể triển khai dù đã làm xong nhà mẫu. Dự án nữa nằm ở đường Phạm Văn Đồng, TP. Thủ Đức cũng được mua từ năm 2017 nhưng vẫn phải đợi pháp lý.

Nhìn tổng thể các doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM có thể thấy có rất nhiều doanh nghiệp địa ốc chung cảnh ngộ với Him Lam Land và Hà Đô.

Đơn cử như tập đoàn Hưng Thịnh, từ năm 2018 tới nay doanh nghiệp này chưa có dự án mới được phát triển tại TP.HCM, Tập đoàn Novaland cũng thuộc nhóm phải “bỏ xứ” TP.HCM ra các tỉnh để phát triển dự án. Tập đoàn Trung Thủy, Đất Xanh, TTC Land, Thuduc House, DRH, Quốc Cường Gia Lai… cũng là những cái tên doanh nghiệp địa ốc lớn nhưng không có dự án mới được mở bán nhiều năm qua.

bb6569ef5cc1909fc9d0

 

Câu chuyện áp lực của doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM không chỉ là phải có dự án mới để bán mà ngay cả các dự án đã bán cho khách hàng từ lâu nhưng dự án vẫn chưa được cấp phép đang như cục đá đè nặng lên vai doanh nghiệp.

Cụ thể, Công ty CP Thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal) năm 2018 mở bán một dự án chung cư tại quận 4 TP.HCM mang tên Charmington Iris, dự án có 1.438 căn hộ và 14 căn shophouse.

Được biết, trước đó dự án đã được UBND TP.HCM cấp phép phát triển và xây dựng, sau khi xây dựng xong phần móng dự án và bán hết cho khách hàng cũng như ký hợp đồng mua bán thì UBND TP.HCM đã thu hồi giấy phép đã cấp cho dự án này với lý do đất cộng cần thanh tra lại việc cấp phép.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietcomreal cho biết, hiện chủ đầu tư đã hoàn thành hết các thủ tục pháp lý mà TP.HCM yêu cầu, ngoài ra cũng đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp bàn với đủ sở ngành về dự án này. Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn chưa được cấp phép trở lại, điều này làm cho doanh nghiệp gặp vô vàn áp lực, trong đó áp lực từ phía khách hàng rất lớn bởi họ mua nhà của mình từ lâu nhưng dự án không được triển khai dẫn tới họ đòi lại tiền đã đóng mua nhà.

Tương tự như Vietcomreal, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) cũng như ngồi trên đống lửa vì dự án tại đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú được bán cho khách hàng từ năm 2016 và đã từng được cấp phép xây dựng hầm.

Thế nhưng sau đó, dự án này bị dừng triển khai để bổ sung hồ sơ pháp lý. Cũng từng đó năm, dự án dừng triển khai. Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Corp cho biết, hiện nay dự án này đã được doanh nghiệp bà hoàn thành xong các giấy tờ pháp lý mà phía TP.HCM yêu cầu, tuy nhiên vẫn chưa thể được cấp phép trở lại.

11f967e30ccbc09599da

 

Cũng trong cảnh áp lực này là Tập đoàn Novaland, khi mà doanh nghiệp này có tới 2 dự án chung cư lớn đang xây dựng nhưng phải dừng lại như dự án tại đường Mai Chí Thọ TP. Thủ Đức dù đã xây dựng xong móng, thậm chí một dự án tại quận 11 đã xây tới tầng 6.

Trong đó, năm 2020 Chủ tịch Tập đoàn Novaland gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng cầu cứu dự án TP. Thủ Đức nếu không được cấp phép xây dựng tiếp thì doanh nghiếp sẽ trước bờ vực phá sản vì doanh nghiệp đã bỏ vào dự án này tới hơn 6.000 tỷ đồng… Nhưng tới nay dự án này vẫn chưa được cấp phép triển khai trở lại.

Không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam bị áp lực dự án không được cấp phép mà ngay cả các doanh nghiệp ngoại cũng chung cảnh ngộ này.

Đơn cử như Keppeland Việt Nam với dự án được cho là trọng điểm mà năm 2019 đích thân nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tới trao quyết định 1/500 và phát biểu đây là dự án trọng điểm của TP.HCM đó là dự án Sai Gon Sport City tại TP. Thủ Đức. Trong lễ công bố và trao quyết định 1/500, TP.HCM cho biết sẽ phát triển dự án vào năm 2020.

Đây là dự án nằm trong quần thể dự án khu thể dục thể thao Rạch Chiếc. Vậy nhưng tới nay dự án này vẫn chưa được cấp phép phát triển dù quỹ đất sạch và được đền bù giải phóng mặt bằng xong.

(Còn tiếp)

GIA HUY