Xuất khẩu khó

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sáu tháng đầu năm được 225 tỉ đô la Mỹ, bằng 52% tổng xuất nhập khẩu cả năm 2017, tăng 11% so với sáu tháng đầu năm 2017. Trong đó, phần xuất khẩu trội hơn, tăng 16%, chứng tỏ xuất khẩu có sức rướn mới.
17, Tháng 07, 2018 | 07:59

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sáu tháng đầu năm được 225 tỉ đô la Mỹ, bằng 52% tổng xuất nhập khẩu cả năm 2017, tăng 11% so với sáu tháng đầu năm 2017. Trong đó, phần xuất khẩu trội hơn, tăng 16%, chứng tỏ xuất khẩu có sức rướn mới.

d1456_xk_1

 Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2018 so với 6 tháng đầu năm 2017. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Sức rướn mới nhưng chưa thể thẳng tiến

Sáu tháng đầu năm 2017 nhập siêu tới 2,8 tỉ đô la Mỹ thì sáu tháng đầu năm nay đảo chiều: xuất siêu cũng gần mức đó (2,7 tỉ đô la Mỹ). Ở các thị trường Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA), xuất khẩu tăng trưởng vượt trội trong năm 2017, xu thế này tiếp diễn trong sáu tháng đầu năm nay. Xuất khẩu gạo tăng cao nhất trong nhóm hàng nông nghiệp (tăng 44,3%) nhờ giá gạo xuất khẩu hơn hẳn giá của Thái Lan, Ấn Độ. 

Tuy nhiên, mức tăng của xuất khẩu từ đầu năm 2018 đến nay giảm dần đều, từ tháng 1 đến tháng 6, lần lượt  là 40,4%; 25,4%; 24,4%; 19,1%; 17,3% và 16%. Tương ứng, kim ngạch cũng trồi sụt, từ mức 22,1 tỉ đô la Mỹ tháng 3 lần lượt còn 18,2 tỉ đô la Mỹ; 19,9 tỉ đô la Mỹ; 19,6 tỉ đô la Mỹ  trong tháng 4, 5 và 6-2018.

Vẫn trông cậy vào “sức khỏe” của khu vực FDI

Con tôm là mặt hàng chủ đạo của xuất khẩu thủy sản trong nhiều năm qua và ít nhất cũng sẽ như vậy trong 10 năm tới.

Tình hình trên có nguyên nhân từ việc tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục trông cậy vào “sức khỏe” của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lâu nay tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn cao hơn tăng trưởng xuất khẩu chung, song lần đầu tiên, trong sáu tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng thấp hơn mức tăng chung, chỉ tăng 14,5% so với 16%. Hai át chủ bài của khối doanh nghiệp FDI là điện thoại và máy vi tính, trong sáu tháng đầu năm 2018 chỉ tăng 15,7% và 15,4%, trong khi cùng kỳ năm 2017, hai mặt hàng này tăng  tới 36,% và 31,4%. Hợp lực tác động của khối doanh nghiệp FDI và hai mặt hàng đầu vị của khối này khiến mức tăng chung của xuất khẩu trong sáu tháng 2018 chỉ đạt 16% trong khi cùng kỳ năm 2017 là 21,1%.

Tổng thể ta xuất siêu 2,7 tỉ đô la Mỹ nhưng vẫn tréo ngoe. Khối doanh nghiệp FDI dù xáo động song tiếp tục xuất siêu (15,7 tỉ đô la Mỹ) còn khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục... nhập siêu (13 tỉ đô la Mỹ).

Bất lợi từ các thị trường lớn

Các thị trường xuất khẩu lớn của ta đang cụ thể hóa chủ trương tái lập chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch bằng cách dựng hàng rào mà xuất khẩu Việt Nam không dễ gì vượt qua. Bên cạnh việc áp dụng các quy định truy xuất nguồn gốc, Trung Quốc thay đổi cơ quan quản lý về đánh giá mở cửa thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm, khiến việc đàm phán xuất khẩu trái cây, thịt các loại, sữa và sản phẩm từ sữa, thủy sản của Việt Nam vào thị trường này có thể kéo dài. Từng phải ra tay giải cứu khi xuất khẩu hàng nông nghiệp vào thị trường Trung Quốc đóng băng, nay họ lại có hàng rào mới, chưa biết ta sẽ xoay xở ra sao. Mỹ thì áp dụng chương trình thanh tra cá da trơn và áp thuế chống bán phá giá đối với cá da trơn, tôm vào thị trường nước này, trong khi Ủy ban châu Âu (EC) lùi tới tháng 1-2019 mới xem xét lại vấn đề rút “thẻ vàng” đối với hàng thủy sản Việt Nam. Ngoài ra, các quyết định mới về kiểm soát nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào Ảrập Saudi, Úc, Hàn Quốc sớm muộn cũng sẽ gây trở ngại cho xuất khẩu thủy sản của ta.

Nhờ  FTA giữa hai nước mở đường, Hàn Quốc mở lòng nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam, song họ chỉ chấp nhận sản phẩm bảo quản bằng xử lý nhiệt chứ không chiếu xạ như một số thị trường khác. Việc chiếu xạ khiến quả vải, quả xoài giá đã rẻ rề bị cõng thêm nhiều chi phí, không biết các chủ hàng sẽ tính toán thích ứng ra sao. 

Khó khăn nội tại

Con tôm là mặt hàng chủ đạo của xuất khẩu thủy sản trong nhiều năm qua và ít nhất cũng sẽ như vậy trong 10 năm tới. Dù thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để chiều lòng khách, song có hai điểm vẫn tắc nghẽn là “lây nhiễm kháng sinh” và “tạp chất”. 

Sáu tháng đầu năm 2018, chỉ số CPI bình quân tăng 3,29%, trong khi chỉ tiêu cả năm là không quá 4%. Giá xăng tăng đã góp phần đẩy tốc độ tăng CPI. Nếu sắp tới, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít được thông qua, giá thành hàng xuất khẩu hẳn chịu trận.

Trong khi đó, hiệu quả của cải cách hành chính chưa được đo lường cụ thể, ghi nhận chung vẫn là “trên nóng, dưới lạnh”. Từ nay đến cuối năm còn phải lường trước nhiều nguy cơ như thiên tai, dịch bệnh mà trận  lũ đầu mùa ở Tây Bắc đã cảnh báo. Rồi các cuộc húc nhau về buôn bán giữa các “ông lớn”, như Mỹ, Trung Quốc, EU, các nước nhỏ ắt bị vạ lây.

Theo TBKTSG

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ