Vietnam Airlines dự lỗ 9.300 tỷ, xin cơ chế bán Jestar Pacific

Đại diện Vietnam Airlines cho biết đã tìm được một vài nhà đầu tư tiềm năng tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines, nhưng cơ chế rất phức tạp vì Pacific Airlines là doanh nghiệp đặc biệt và đang lỗ lớn.
TẢ PHÙ
29, Tháng 06, 2022 | 10:44

Đại diện Vietnam Airlines cho biết đã tìm được một vài nhà đầu tư tiềm năng tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines, nhưng cơ chế rất phức tạp vì Pacific Airlines là doanh nghiệp đặc biệt và đang lỗ lớn.

dai-hoi-vna-16563977677201982294188

Vietnam Airlines đã xây dựng đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 và đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn để thoát âm vốn chủ sở hữu, thoát lỗ do đại dịch COVID-19 - Ảnh: VNA.

Ngày 28/6 vừa qua, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HoSE: HVN) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.

Theo đó, các cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên đã thông qua kế hoạch doanh thu công ty mẹ 45.252 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Dù doanh thu tăng, công ty vẫn dự kiến sẽ lỗ ròng 9.335 tỷ đồng trong năm nay, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước. Ngoài ra, Vietnam Airlines đặt kế hoạch vận chuyển 17 triệu khách cùng 271.200 tấn hàng hóa. 

Tại ĐHĐCĐ, lãnh đạo HVN cho biết, thị trường hàng không nội địa đang phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. 5 tháng đầu năm 2022 ghi nhận tổng thị trường khách nội địa tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với HVN, khách nội địa vượt 7,7% so 2019.

Thị trường quốc tế cũng đang từng bước phục hồi. Theo dự báo gần nhất (tháng 6/2022), IATA dự báo thị trường quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương sẽ hồi phục vào 2024. Thị trường quốc tế của HVN dự kiến cũng không nằm ngoài khả năng này.

Lý giải về việc đặt kế hoạch doanh thu tăng mạnh nhưng vẫn lỗ, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết năm 2022 có yếu tố tích cực là thị trường phục hồi nhanh hơn dự báo nhưng yếu tố tiêu cực rất nhiều, lớn nhất là giá nhiên liệu bay Jet A1 tăng liên tục.

Cụ thể, năm 2021 giá Jet A1 bình quân cả năm là 72 USD/thùng. Năm 2022 hãng xây dựng kịch bản bình quân 6 tháng đầu năm là 116 USD/thùng, bình quân năm 2022 là 138 - 140 USD/thùng, gấp 2 lần so với năm 2021. Tuy nhiên, ngày 28/6 giá nhiên liệu đã lên trên 162 USD/thùng. Hiện, nhiều hãng hàng không ở châu Phi đã dừng bay vì giá nhiên liệu cao, Qantas - một hãng rất lớn của Úc - đã giảm hàng loạt chuyến bay nội địa cho tới năm 2023 do giá nhiên liệu tăng cao.

Tính đến hết quý I/2022, HVN ghi nhận âm vốn chủ sở hữu 2.160 tỷ đồng. Tuy vậy, Tổng Công ty vẫn chưa có kế hoạch tăng vốn, nhiều cổ đông đặt dấu hỏi về nguồn tiền của HVN để duy trì hoạt động trong năm 2022. 

Giải đáp thắc mắc của cổ đông, ông Trần Thanh Hiền nhìn nhận 2 năm COVID-19 đã để lại hậu quả nặng nề với HVN. Lỗ lũy kế năm 2021 xấp xỉ 1 tỷ USD. 

Với sự hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có việc được phép phát hành cổ phiếu giúp vốn chủ sở hữu không âm trong năm 2021, dù vậy doanh nghiệp cho đến hết quý I, vẫn âm vốn chủ sở hữu.

"Vietnam Airlines nhận thức được đầy đủ nguy cơ và xây dựng đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025, xây dựng đề án tổng thể về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hãng sau đại dịch theo yêu cầu của Chính phủ", ông Hiền nói. 

Về đề án tái cơ cấu, công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn và xin thêm hỗ trợ từ Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu. Thứ hai sẽ là bán các tài sản. Vietnam Airlines sẽ đổi mới nhanh hơn đội tàu bay để giảm chi phí, tăng chất lượng dịch vụ. Công ty đã lên kế hoạch bán 29 tàu bay để hỗ trợ khắc phục hậu quả của COVID-19.

Ông Hiền cho biết các giải pháp này có thể giúp HVN tăng thu nhập, tăng vốn để thoát tình trạng âm vốn chủ sở hữu trong năm 2022 và có thể thoát lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp, đây là mục tiêu năm 2022 đặt ra.

Về nguồn tiền duy trì hoạt động, dòng tiền của Vietnam Airlines đang cải thiện rất nhanh. Hiện, bình quân 1 ngày thu về 80% số tiền so với trước dịch mặc dù thị trường quốc tế mới phục hồi khoảng 20%. Tổng Công ty tận dụng mọi khả năng khai thác thị trường và đã có phương án xây dựng dòng tiền để duy trì khả năng thanh toán. Đồng thời, hãng hàng không này cũng đã đạt được những thỏa thuận với các chủ nợ để dãn thời gian thanh toán với các khoản nợ. Vì vậy, dòng tiền vẫn được đảm bảo và duy trì hoạt động một cách bình thường. 

Một vấn đề khác được nhiều cổ đông quan tâm là những vướng mắc trong việc tái cơ cấu Pacific Airlines. Đây là một trong các mục tiêu của HVN trong năm 2022. 

Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT HVN cho biết, tình hình tài chính Pacific Airlines cho đến tháng 6/2022 là rất nghiêm trọng. Dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe doạ mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động.

Bên cạnh đó, quy trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước. Vietnam Airlines đang tiếp tục báo cáo các cấp chính quyền để xử lý. 

Tại ĐHĐCĐ, ông Trần Thanh Hiền cho biết hiện đã tìm được một vài nhà đầu tư tiềm năng nhưng cơ chế rất phức tạp vì Pacific Airlines là doanh nghiệp đặc biệt khi đang lỗ lớn. Công ty đang xin cơ chế Nhà nước để lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở công khai, minh bạch. Đây là vướng mắc trong việc vận dụng cơ chế chính sách.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ