Thị trường điện thoại cao cấp: Cuộc đọ sức gay cấn

Bên cạnh việc củng cố mức thị phần trong nước, các hãng điện thoại thông minh Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo còn nuôi tham vọng lật đổ hai “người khổng lồ” Samsung và Apple ở các thị trường quan trọng khác, trong đó có Ấn Độ và Đông Nam Á
CHÁNH TÀI
14, Tháng 09, 2018 | 07:20

Bên cạnh việc củng cố mức thị phần trong nước, các hãng điện thoại thông minh Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo còn nuôi tham vọng lật đổ hai “người khổng lồ” Samsung và Apple ở các thị trường quan trọng khác, trong đó có Ấn Độ và Đông Nam Á

0f98e_65848_anh_2

Điện thoại Poco F1 của Xiaomi gây sốt tại thị trường Ấn Độ.

Sean Lin, 33 tuổi, chuyên gia tiếp thị ở Quảng Châu, Trung Quốc, làm vỡ chiếc iPhone 6 Plus của mình nhưng đã không mua lại chiếc iPhone mới mà chọn chiếc Mate 9 của Huawei, hãng sản xuất điện thoại thông minh số một của Trung Quốc. Lý do, giá bán của Mate 9 chỉ bằng 2/3 chiếc iPhone 6 Plus nhưng được trang bị hệ thống camera kép do hãng Leica (Đức) sản xuất.

Sean Lin tâm sự, nếu trước đây mua điện thoại nội địa để dùng thì sẽ bị chê cười là “nghèo” hoặc là ham của rẻ, nhưng giờ đây suy nghĩ đó không còn nữa. “Trên thực tế ở Trung Quốc, điện thoại của Huawei đã trở thành một biểu tượng về địa vị xã hội cho người sở hữu”, anh Lin nói. Anh Lin cho biết, bạn bè của anh hiện dùng điện thoại Huawei và đánh giá chúng rất cao.

Còn Liu Anxue, một doanh nhân vùng nông thôn ở làng Yujin, phía tây bắc Trung Quốc, nói rằng: “Hầu hết mọi thị trấn ở huyện của tôi đều có cửa hàng của Oppo hay Vivo nhưng rất hiếm thấy đại lý của Samsung”. Liu Anxue đã mua ngay một chiếc Vivo thay vì Galaxy của Samsung vì không muốn đặt hàng và chờ đợi lâu.

Ở Trung Quốc, số người mua sử dụng điện thoại nội địa thay cho những mẫu máy ngoại từng dùng trước đây như Sean Lin hay Liu Anxue ngày càng tăng.

Hoàn toàn làm chủ sân nhà

Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, trong năm ngoái 2017 có gần 91 triệu người Trung Quốc – tương đương tổng dân số của các nước Pháp, Bồ Đào Nha và Hy Lạp gộp lại – mua sử dụng điện thoại Huawei. Điều lạ kỳ nhưng có thật là ở một đất nước, nơi mà món quà cưới được yêu thích nhất là điện thoại Galaxy của Samsung hay iPhone của Apple thì nay đã có thêm những chiếc điện thoại nội địa.

Còn theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint, cứ năm chiếc điện thoại thông minh được bán ra ở Trung Quốc trong quý 2 năm nay, thì chỉ có một chiếc là không thuộc Huawei, Xiaomi, Oppo hay Vivo. Các số liệu của Counterpoint cho thấy, Apple vẫn nắm giữ 9% thị trường điện thoại ở Trung Quốc, nhưng Samsung đã bị lạc mất ở thị trường này. Đến hết quý 2, Huawei đã vượt qua Apple, trở thành hãng điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới.

Một số nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đã củng cố thị phần của họ bằng cách tấn công vào những thị trường nằm ngoài tầm với của Samsung. Chẳng hạn như Oppo và Vivo – hai công ty con của tập đoàn điện tử BBK Electronics (Trung Quốc) – đã bán được hàng chục triệu chiếc điện thoại mỗi năm chủ yếu nhờ việc tiếp cận với những khách hàng ở các làng quê Trung Quốc, như anh Liu Anxue ở Yujin. Và một mạng lưới phân phối phủ khắp Trung Quốc không phải là lý do duy nhất giúp các hãng điện thoại nội địa vượt qua mặt Apple và Samsung ở thị trường trong nước. Những nỗ lực cải tiến về công nghệ của họ cũng đóng góp một vai trò trong đó.

Samsung gặp khó ở Trung Quốc

Các nhà phân tích cho rằng chất lượng được cải thiện, khả năng tiếp cận thị trường và kết nối với khách hàng tốt hơn đã giúp Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo cạnh tranh tốt với Samsung ở tất cả mọi phân khúc điện thoại thông minh, khiến thị phần của hãng này tại Trung Quốc bị thu hẹp dần, chỉ còn chưa đến 1% so với con số gần 15% cách đây bốn năm.

Các nhà phân tích cho rằng Samsung thất trận tại Trung Quốc một phần là do sự sai lầm của chính nhà sản xuất này. Năm 2016, dòng điện thoại Samsung Galaxy Note 7, được thiết kế với tham vọng vượt mặt iPhone, đã gặp phải sự cố an toàn khi pin của một số chiếc Galaxy Note 7 bị cháy nổ. Tuy nhiên, việc Samsung chậm khởi động đợt thu hồi mẫu Galaxy này ở Trung Quốc đã làm tổn thương doanh số của hãng tại thị trường điện thoại lớn nhất thế giới này. Theo một cuộc khảo sát của công ty Penguin Intelligence hồi năm 2016, sau sự cố pin Galaxy Note 7, có 50% số người sử dụng điện thoại Samsung ở Trung Quốc cho biết sẽ cân nhắc việc mua thiết bị của hãng.

Ông Koh Dong-Jin, Chủ tịch phụ trách mảng di động và công nghệ thông tin của Samsung, ghi nhận Samsung vẫn đang đối mặt với sự thách thức lớn ở thị trường Trung Quốc nhưng khẳng định sẽ không rời bỏ thị trường này. “Chúng tôi phải tìm cách phục hồi ở thị trường Trung Quốc và chúng tôi sẽ chứng minh rằng chúng tôi có khả năng đó”, ông Koh Dong-Jin nói.

Tuy nhiên, con đường phía trước này của Samsung, theo lời nhận định của Liang Yaguang, nhà phân tích ở hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, là sẽ rất gập ghềnh. “Sẽ rất khó để Samsung giành lại thị phần sớm. Thách thức lớn nhất mà hãng này đang đối mặt (tại Trung Quốc) là các đối thủ nội địa lớn có sự am hiểu tốt hơn về khách hàng”, Yaguang nói.

Sự phản ứng hờ hững của người tiêu dùng Trung Quốc với dòng điện thoại Galaxy Note 9 vừa được Samsung cho ra mắt ở thị trường Thượng Hải hôm 15-8 là một chỉ dấu cho thấy tình hình kinh doanh của Samsung ở nước này sẽ còn khó khăn hơn trong thời gian tới.

Và sự trở ngại không nhỏ ở Ấn Độ

Trong khi Samsung còn loay hoay vực dậy hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, Apple còn lo giải quyết các thách thức gặp phải tại thị trường Ấn Độ thì các đối thủ Trung Quốc của họ, như Huawei, Xiaomi… đã mở rộng cuộc chiến ra các thị trường nước ngoài từ Đông Nam Á cho đến Ấn Độvà châu Âu.

Tại Ấn Độ chẳng hạn, hãng điện thoại Xiaomi đã lật đổ Samsung để vươn lên vị thế dẫn đầu tại thị trường nước này vào quý 4-2017 và tiếp tục duy trì ngôi vị thống lĩnh này cho đến nay, theo IDC. Còn nếu xem xét theo phân khúc thị trường thiết bị cao cấp (giá bán từ 400 đô la, tương đương 9,2 triệu đồng, trở lên), ba thương hiệu OnePlus (Trung Quốc), Samsung và Apple vẫn đang thống lĩnh thị trường Ấn Độ. Cụ thể trong quý 2 vừa qua, OnePlus đạt mức thị phần 40%, Samsung và Apple giữ mức thị phần tương ứng là 34% và 14%, theo Counterpoint.

OnePlus 6 của OnePlus hiện là mẫu điện thoại cao cấp bán chạy nhất ở Ấn Độ với giá bán là 500 đô la (khoảng 11,5 triệu đồng), rẻ hơn nhiều so với các mẫu cao cấp của Samsung và Apple nhưng có hiệu năng không hề thua kém. Được vay mượn thiết kế từ iPhone X nhưng OnePlus 6 có tốc độ xử lý vượt cả iPhone X lẫn Galaxy S9. Trong khi đó, doanh số dòng điện thoại Galaxy S9 của Samsung trong quý 2 ở Ấn Độ vẫn kém so với Galaxy S8 vào cùng kỳ năm ngoái dù hãng này đã tung ra các hoạt động quảng bá và khuyến mãi rầm rộ.

OnePlus đang đặt cược lớn vào thị trường Ấn Độ, nơi đóng góp khoảng 30% doanh thu toàn cầu của hãng này. Hãng này đã thành công nhờ chiến lược kết hợp các hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến, như mở chiến dịch bán hàng trực tuyến đồng thời cho khách hàng trải nghiệm thiết bị mới tại các cửa hàng truyền thống.

Cũng như Samsung, Apple cũng vấp phải những thách thức ở thị trường Ấn Độ. Chẳng hạn như các dòng iPhone bị áp các mức thuế nhập khẩu cao khi vào thị trường Ấn Độ. Apple đang lắp ráp dòng iPhone 6S tại Ấn Độ thông qua một đối tác địa phương nhưng vẫn chưa lắp ráp các dòng iPhone 7, iPhone 8 và iPhone X tại đây.

Navkendar Singh, chuyên gia phân tích của IDC, nhận định: “Trước đây, phân khúc điện thoại 500 đô la trở lên ở Ấn Độ do Apple và Samsung chia nhau nắm giữ. Nhưng sự đột phá thành công của OnePlus vào phân khúc 500-700 đô la đã khiến những Oppo, Vivo, Xiaomi và Huawei nhận rõ những cơ hội của họ”.

Cuộc chiến còn ở phía trước

Mới đây, Xiaomi đã cho ra mắt dòng điện thoại cao cấp Poco với mẫu máy đầu tiên mang tên Poco F1. Chỉ sau năm phút được chào bán trên nền tảng trực tuyến của công ty thương mại điện tử Flipkart (Ấn Độ) hôm 22-8, Poco F1 đã giúp Xiaomi thu về 2 tỉ rupee doanh thu. Poco F1 có ba phiên bản xếp theo bộ nhớ trong là 64GB, 128GB và 256GB với mức giá bán tương ứng là  20.999, 23.999 và 28.999 rupee. Xiaomi không tiết lộ doanh số cụ thể của Poco F1 nhưng giả định, nếu mọi khách hàng của Flipkart đều mua phiên bản cao cấp nhất (256 GB), có khoảng 68.965 chiếc Poco F1 được tiêu thụ.

Sức hút của Poco F1 trước hết là nhờ có cấu hình cực cao nhưng giá bán chỉ 28.999 rupee (410 đô la) cho phiên bản RAM 8GB và bộ nhớ trong 256GB. Máy được trang bộ vi xử lý Snapdragon 845 và có dung lượng pin lên đến 4.000 mAh. Ngoài ra, Poco F1 còn gây ấn tượng với tính năng mở khóa bằng nhận diện khuôn mặt qua camera hồng ngoại.

Cũng ở Ấn Độ, giá bán Galaxy Note 9 tương ứng với các phiên bản RAM 6B+ bộ nhớ trong 128GB và RAM 8G + bộ nhớ trong 512 GB là 67.900 và 84.900 rupee (khoảng 960 - 1.200 đô la). Với mức giá bán cao ngất ngưởng như vậy, Galaxy Note 9 khó mà lấy lòng người tiêu dùng địa phương.

Cuộc chiến điện thoại cao cấp hứa hẹn sẽ còn gay cấn hơn khi Apple cho ra mắt các dòng iPhone mới vào ngày 12-9 tới đây. Các thông tin đồn đoán cho biết các mẫu iPhone mới sẽ gồm hai phiên bản nâng cấp của iPhone X có màu vàng và được trang bị màn hình OLED là iPhone XS 5,8 inch với giá bán 899 đô la và iPhone XS Plus 6,5 inch có giá bán 999 đô la. Ngoài ra, Apple sẽ giới thiệu mẫu iPhone màn hình LCD 6,1 inch với mức giá rẻ hơn và có nhiều màu sắc để lựa chọn.

Mặc dù không có mặt ở nhóm dẫn đầu về doanh số bán tại Trung Quốc nhưng nhờ giá bán cao của dòng iPhone X mà Apple đang dẫn đầu về doanh thu tại thị trường này với 25,2 tỉ đô trong nửa đầu năm nay. Giá bán khởi điểm iPhone X ở Trung Quốc vào khoảng 1.216 đô la, cao gấp hai, thậm chí gấp ba so với các dòng điện thoại cao cấp khác của các đối thủ Trung Quốc.

Trả lời báo chí trong chuyến thăm Ấn Độ để dự lễ ra mắt Galaxy Note 9, ông Koh Dong-jin thừa nhận Samsung đang đối mặt với sự cạnh tranh rất gay gắt từ các hãng Trung Quốc như Xiaomi, Vivo và Oppo tại thị trường Ấn Độ. Song, ông khẳng định Samsung sẽ không sa vào cuộc chiến giá bán với các đối thủ Trung Quốc mà sẽ tập trung vào sáng tạo và chiến lược dài hạn để giành niềm tin của khách hàng Ấn Độ. Ông nói thị trường Ấn Độ vẫn còn tiềm năng rất lớn vì có hơn 500 triệu người vẫn đang sử dụng các dòng điện thoại cơ bản. Ông nhấn mạnh Samsung sẽ không để lặp lại tình trạng thất trận như đã xảy ra ở thị trường Trung Quốc.

Dù chứng kiến sự trỗi dậy nhanh chóng của các hãng Trung Quốc, các nhà phân tích nhận định cuộc đua ngôi vị dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh vẫn còn gay cấn. “Trong kỷ nguyên 3G, Samsung giữ ngôi vương và ít người nghe thấy cái tên Huawei, chứ chưa nói đến Xiaomi hay Oppo. Trong kỷ nguyên 4G, các hãng Trung Quốc bắt đầu vươn ra toàn cầu. Không ai biết tương lại sẽ như thế nào khi thế giới tiến vào kỷ nguyên công nghệ 5G”, Flora Tang, nhà phân tích ở hãng Counterpoint, nói.

(Theo The Saigontimes)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ