Thật vô lý khi đề nghị địa phương 'không phản đối điện than'

Liên quan đến đề nghị một số địa phương phía Nam không được phản đối nhiệt điện than của Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam (VEA), một số ý kiến cho rằng đây là đề nghị vô lý, trái với những quy định đã có.
TRUNG CHÁNH
28, Tháng 12, 2019 | 21:20

Liên quan đến đề nghị một số địa phương phía Nam không được phản đối nhiệt điện than của Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam (VEA), một số ý kiến cho rằng đây là đề nghị vô lý, trái với những quy định đã có.

d14c1_20160925_090630_0_

Đề xuất địa phương không được phản đối nhiệt điện than là vô lý, trái quy định đã có. Trong ảnh là một dự án nhiệt điện than tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội nghị Tổng kết ngành Công Thương diễn ra vào hôm 27-12, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA đã có những đề xuất, kiến nghị xung quanh việc phát triển các dự án nguồn điện, theo tường thuật của báo Dân Trí.

Theo đó, để đảm bảo hệ thống điện, ông Ngãi cho biết, bên cạnh chủ đầu tư phải đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện lớn giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025, thì cũng cần tăng cường mua điện từ Trung Quốc và Lào.

Đặc biệt, Chủ tịch VEA đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình.

Trao đổi với TBKTSG Online liên quan đề xuất nêu trên, ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ và là một chuyên gia về môi trường nhấn mạnh, đây là đề xuất vô lý và trái với những quy định đã có.

Ông Tuấn cho biết, theo quy định, đối với các dự án nhiệt điện than khi triển khai làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đều có phần bắt buộc là phải tham vấn ý kiến cộng đồng, tức hỏi ý kiến của người dân sống trong khu vực dự án và ý kiến của địa phương.

“Tham vấn có nghĩa là đi hỏi ý kiến của địa phương, của người dân xem họ có đồng ý hay không mới triển khai, nhưng ở đây lại đề nghị các tỉnh không được từ chối, như vậy còn tham vấn làm gì nữa?”, ông nêu vấn đề và cho rằng ông Trần Viết Ngãi của VEA thấy có nhiều địa phương đã từ chối điện than nên mới đề xuất như vậy. “Nhưng đề xuất đó là vô lý, trái quy định”, ông Tuấn tái nhấn mạnh.

Trao đổi với TBKTSG Online cũng với đề xuất nêu trên, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng thuộc VEA tuy không trả lời thẳng vào câu hỏi, nhưng cho rằng việc lựa chọn nguồn điện để phát triển, thì có nhiều phương án khác nhau, bao gồm có nhiệt điện than, điện gió, điện mặt trời, thủy điện…

Tuy nhiên, theo ông Duệ, việc quyết định lựa chọn nguồn năng lượng nào để đầu tư, thì địa phương phải đặt trong bài toàn tổng thể khi xét về yếu tố kỹ thuật, kinh tế và môi trường. “Phương án nào có lợi thì chọn”, ông nhấn mạnh và giải thích có lợi tức là phải đảm bảo được kỹ thuật tốt; suất đầu tư và giá thành điện năng phải rẻ; không ảnh hưởng đến môi trường, tức không gây phát thải khí nhà kính, khói bụi..., ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Liên quan yếu tố kỹ thuật, ông Duệ tỏ ra băn khăn: thứ nhất, thông thường kỹ thuật tốt thì giá cao; thứ hai, nhiên liệu đầu vào liệu có đảm bảo được nguồn cung cấp lâu dài hay không vì một dự án như điện than có vòng đời 20-30 năm; thứ ba, do bài toán kinh tế nên các nhà đầu tư thường chọn công nghệ rẻ, nhưng việc này nó sẽ phát sinh vấn đề ô nhiễm.

“Do đó, quan điểm của tôi là chọn cái nào phải đảm bảo tiêu chí tốt về mặt kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế và phải đảm bảo môi trường”, ông cho biết.

Ông Tuấn của Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu cho biết, nếu tính toán các loại chi phí, bao gồm cả về chi phí xã hội và môi trường, thì suất đầu tư vào điện than không hề rẻ so với các loại năng lượng tái tạo như: điện mặt trời hay điện gió. “Do mình không tính vô cái phí môi trường và phí xã hội nên mình nói điện than rẻ”, ông nói.

Trước đó, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Tiền Giang, Bạc Liệu; thậm chí mới đây Thừa Thiên-Huế cũng tuyên bố từ chối đầu tư dự án nhiệt điện than do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường từ loại năng lượng hóa thạch này.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ