Siết nhân sự cấp cao ngân hàng

Nếu đề xuất về việc siết nhân sự cấp cao ở các ngân hàng không tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được chấp thuận, thì đại diện nhóm cổ đông lớn cũng chưa chắc được phê duyệt vào vị trí HĐQT, tổng giám đốc ngân hàng.
THÙY VINH
15, Tháng 06, 2018 | 11:41

Nếu đề xuất về việc siết nhân sự cấp cao ở các ngân hàng không tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được chấp thuận, thì đại diện nhóm cổ đông lớn cũng chưa chắc được phê duyệt vào vị trí HĐQT, tổng giám đốc ngân hàng.

Ngan hang nha nuoc

 

Chặt “vòi bạch tuộc” sở hữu chéo

NHNN đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2015/TT-NHNN quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55, Luật Các tổ chức tín dụng. 

Theo đó, trước ngày 30/6/2019, tổ chức tín dụng (TCTD) khác phối hợp với cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập kế hoạch khắc phục đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung). Sau thời hạn chuyển tiếp đối với các trường hợp chưa tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), NHNN áp dụng các biện pháp đối với TCTD có cổ đông lớn và TCTD khác có cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn. 

Cụ thể, NHNN sẽ không chấp thuận nhân sự dự kiến bầu làm thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát, bổ nhiệm làm tổng giám đốc của TCTD. Cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn không được tăng số lượng cổ phần nắm giữ tại TCTD, chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định, các biện pháp xử lý khác.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng từng cho biết, tình trạng sở hữu chéo, các nhóm chi phối đã được nhận diện và xử lý, kiểm soát đáng kể, nhóm chi phối ngân hàng đã giảm mạnh. Tuy nhiên, xử lý sở hữu chéo vẫn gặp khó vì có trường hợp cố tình nhờ đứng tên hộ. 

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 được đánh giá sẽ sớm chặt “vòi bạch tuộc”, xóa tình trạng sở hữu chéo trong ngành. Trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ TCTD trở lên phải được NHNN chấp thuận. Bên mua và bên nhận chuyển nhượng phải kê khai cụ thể các nguồn vốn sử dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần và có văn bản cam kết không sử dụng nguồn vốn do TCTD cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng… 

Sếp ngân hàng buộc phải lựa chọn ghế “nóng”

Để khắc phục sở hữu chéo, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định kỹ về cổ đông lớn và người liên quan để xác định cổ đông thực, quy định chặt chẽ về chức danh chủ tịch HĐQT, HĐTV và ban điều hành. Các quy định về giới hạn sở hữu để đại chúng hóa hoạt động của ngân hàng, các quy định về góp vốn cũng rõ ràng hơn...

Với các quy định trên, nhiều “sếp” ngân hàng kiêm nhiệm nhiều vị trí khác trong các doanh nghiệp buộc phải lựa chọn “ghế nóng”. Cụ thể, bà Thái Hương, Tổng giám đốc BacABank rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk sau 10 năm gắn bó. Trước đó, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank từ chức Chủ tịch Công ty Him Lam để tập trung vào việc tái cơ cấu Sacombank. 

Ông Đỗ Minh Phú cũng quyết định rời vị trí lãnh đạo tại doanh nghiệp, tiếp tục đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại TPBank. Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm, ông Võ Quốc Thắng rời ghế Chủ tịch HĐQT Kienlongbank. Ông Hồ Hùng Anh “từ giã” vị trí Chủ tịch Tập đoàn Masan để giữ ghế Chủ tịch HĐQT Techcombank. Bà Nguyễn Thị Nga rời ghế Chủ tịch HĐQT SEABank để điều hành tại các doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” BRG Group…

Một chuyên gia tài chính - kinh tế nhận định, những quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được đánh giá sẽ tạo dựng niềm tin về một hệ thống ngân hàng minh bạch, giảm thiểu lợi ích nhóm. Đặc biệt, những ngân hàng không có hiện tượng sở hữu chéo sẽ có thêm dư địa để bứt phá trong thời gian tới. Luật sửa đổi tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.

(Theo Đầu tư)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ