Phó Thủ tướng: 'Cần tập trung vào khách nội địa để đảm bảo an toàn du lịch'

Nhàđầutư
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện tại, cần tập trung vào khách du lịch nội địa, vào du khách trung lưu và làm sao để người Việt được trải nghiệm du lịch cao cấp, cần mang đến sự an toàn trong du lịch”.
THÀNH VÂN
28, Tháng 11, 2020 | 14:04

Nhàđầutư
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện tại, cần tập trung vào khách du lịch nội địa, vào du khách trung lưu và làm sao để người Việt được trải nghiệm du lịch cao cấp, cần mang đến sự an toàn trong du lịch”.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa Thể Thao Du lịch, năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát tác động trực tiếp đến ngành du lịch thế giới nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng.

Dịch COVID-19 khiến ngành du lịch Việt Nam bị tổn thất nặng nề. Từ tháng 3, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến hết tháng 11 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019; khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530.000 tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD).

Từ những ảnh hưởng trên, ngành du lịch phải có biện pháp ứng phó kịp thời, phải đánh giá lại, tư duy lại về cách làm du lịch trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đồng thời xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới. 

toancanh-1

Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề "Liên kết, hành động và phát triển".

Tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề "Liên kết, hành động và phát triển", diễn ra vào ngày 28/11 tại Quảng Nam, đại diện các tỉnh thành, doanh nghiệp đã có những đề xuất giải pháp chiến lược nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau COVID-19. Trong đó, các đại biểu đề xuất tái định hình chính sách hỗ trợ và cơ cấu lại ngành du lịch sau đại dịch cũng gợi ý xu hướng chuyển đổi số để phát triển thời “bình thường mới” cũng như đưa ra những giải pháp để ngành hàng không và du lịch cất cánh trở lại hậu COVID-19.

Về phía chính quyền, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đưa ra 5 đề xuất để phát triển du lịch Hà Nội.

Theo đó, thực hiện phương châm chống dịch như chống giặc, không để dịch bùng phát bên trong, ngăn chặn dịch xâm nhập từ bên ngoài, phát triển du lịch nội địa. Tăng cường quảng bá du lịch trong nước, đẩy mạnh liên kết du lịch với các khu vực trong cả nước.

Cùng với đó, biến khó khăn thành cơ hội phát triển, các địa phương tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng, nâng cao cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn năng lực... để tạo tiền đề phát triển du lịch mạnh mẽ khi đại dịch được kiểm soát. Tăng việc áp dụng công nghệ thông tin vào ngành du lịch như quảng bá, truyền thông để thúc đẩy du lịch.

Cuối cùng là cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, trong đó có hai vấn đề chính là: giảm giá điện cho các doanh nghiệp lữ hành và giảm số tiền ký quỹ đối với các hãng lữ hành chuyên mảng du lịch quốc tế khi chuyển sang làm du lịch nội địa, giúp họ giảm bớt khó khăn. 

TruongThiHongHanh

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng.

Tương tự, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thay mặt địa phương đề xuất 8 giải pháp hỗ trợ ngành du lịch.

Theo đó, đề xuất chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong các nhu cầu thiết yếu như: giảm giá điện, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm VAT; ưu tiên nguồn lực đầu tư công như sân bay, cảng biển, bến tàu, hàng không... kích thích đầu tư các sản phẩm du lịch mới.

Đồng thời, thúc đẩy cơ chế chính sách phát triển, khuyến khích các loại hình kinh tế ban đêm, tạo điều kiện phát triển, góp phần khôi phục kinh tế du lịch. Quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số (ứng dụng công nghệ) trong dịch vụ du lịch; xem xét cho phép hoạt động một số đường bay thương mại đến Đà Nẵng song vẫn phải đảm bảo phương pháp phòng chống dịch.

Ngoài ra, Đà Nẵng đề xuất Bộ Công an thành lập văn phòng xuất nhập cảnh tại Đà Nẵng, cấp hộ chiếu cho công dân ở miền Trung, vì Đà Nẵng có 39 đường bay quốc tế trực tiếp, đón hơn 3 triệu lượt khách nước ngoài; nâng cấp cửa khẩu Đăc Tà Ốc thành cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy du lịch địa phương, mở cửa đón du khách từ các quốc gia lân cận như Lào, Thái Lan, Campuchia...

Cuối cùng là chú trọng công tác kiểm soát phòng chống dịch, đảm bảo điểm đến an toàn. Đề xuất yêu cầu bắt buộc với người nước ngoài, công dân nhập cảnh Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 trong 3 ngày trước khi nhập cảnh, kiểm soát các cửa khẩu.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban kế hoạch phát triển Vietnam Airlines đề xuất, Chính phủ chủ trì, ban hành các quy định liên quan đến an toàn với du khách, nâng cao công tác an toàn ở các điểm tham quan; xây dựng chương trình du lịch có trọng điểm, chi tiết nhằm hút du khách; các đơn vị kích cầu được duy trì dài hạn, phát huy hiệu quả trong mọi giai đoạn; đồng thời sớm hoàn thiện công tác an toàn, kiểm soát dịch bệnh để sẵn sàng mở cửa đón du khách quốc tế.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết, 5 yếu tố cốt lõi nhằm vực dậy du lịch Việt Nam là: Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch sau dịch COVID-19, nên triển khai theo từng nhóm cụ thể; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.  

Ông Dương Phú Nam, Tổng giám đốc Sun World Holding (Sun Group) cho biết, Chính phủ, Tổng Cục Du lịch và các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới, phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, du lịch thiền, phát triển những sản phẩm du lịch mới. Dịch COVID-19 đã tạo nên một sự dịch chuyển về xu hướng du lịch. Theo đó, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, du lịch sinh thái... hiện được ưa chuộng.

Bên cạnh đó, cần gia tăng trải nghiệm cho hành khách, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu bằng mô hình "kinh tế đêm". Cần phát huy sức mạnh tập thể, tạo thành sóng lớn trong phục hồi thị trường.  

z2200593646393_80b3230e825f4279bd6359efea5fa191

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. 

Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay, những vấn đề về visa, giao thông (đặc biệt là hàng không), sản phẩm du lịch của Việt Nam đã có bước tiến so với trước đây.

“Ấn tượng là 4 năm vừa rồi đã có sự tăng trưởng tốt về năng lực du lịch Việt Nam, số lượng phòng, khách sạn... tăng gấp đôi. Người dân đã được tạo điều kiện, tham gia vào làm du lịch cộng đồng. Và một trong những lý do nhiều người nước ngoài đến Việt Nam là vì sự thân thiện của người dân Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, còn một số thách thức đặt ra với ngành du lịch, chất lượng chưa sâu, dù tìm cách kéo dài thời gian lưu trú, kích thích chi tiêu nhiều hơn tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho biết, việc chuyển đổi số trong ngành du lịch rất cần thiết và phải chuyển đổi thật nhanh. Nếu Chính phủ không có các chương trình mạnh thì doanh nghiệp phải tự làm. Cho nên nhà nước và doanh nghiệp cần phải kết hợp tạo ra các nền tảng số chung cho ngành du lịch và toàn xã hội.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, cần tập trung khách du lịch nội địa, những du khách trung lưu và làm sao để người Việt được trải nghiệm du lịch cao cấp, cần mang đến sự an toàn trong du lịch. Vào tháng 6-7 ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng rất tốt. Nhưng đại dịch bùng phát cuối tháng 7, thị trường du lịch lại tiếp tục gặp khó khăn.

“Điều quan trọng là cần giữ an toàn như hiện tại, chưa vội mở các đường bay quốc tế đón khách nước ngoài, chú trọng phát triển du lịch nội địa. Bởi vì việc phát triển những cái sẵn có để phục vụ cho khách du lịch trong nước sẽ tốt hơn nhiều so với việc mở cửa với những rủi ro khó lường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, nếu như các doanh nghiệp phối hợp với nhau tốt hơn thì sẽ làm được những điều tưởng chừng không làm được. Chỉ cần tất cả đồng lòng làm thì mọi việc sẽ trở nên cởi mở hơn, có như thế mới đưa du lịch trở lại con đường trước đó. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24605.00 24925.00
EUR 26271.00 26377.00 27542.00
GBP 30600.00 30785.00 31733.00
HKD 3104.00 3116.00 3217.00
CHF 26884.00 26992.00 27832.00
JPY 159.53 160.17 167.59
AUD 15865.00 15929.00 16416.00
SGD 18063.00 18136.00 18675.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17891.00 17963.00 18494.00
NZD 0000000 14617.00 15106.00
KRW 0000000 17.67 19.28
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ