Nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang đàm phán đặt dự án tỷ USD tại Việt Nam

Tổ công tác đặc biệt về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang đàm phán với nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới về các dự án có quy mô vốn rất lớn từ 500 triệu đến giá trị cả tỷ USD tại Việt Nam.
HIẾU MINH
05, Tháng 09, 2020 | 09:03

Tổ công tác đặc biệt về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang đàm phán với nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới về các dự án có quy mô vốn rất lớn từ 500 triệu đến giá trị cả tỷ USD tại Việt Nam.

1568195759065-7144

 

Thông tin trên được đại diện Cục Đầu tư nước ngoài chia sẻ tại buổi tọa đàm: “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (4/9).

Tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Tổ công tác đặc biệt đã làm việc nhiều tập đoàn công nghệ, các dự án lớn. Qua quá trình làm việc, đã có nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đàm phán đặt dự án quy mô lớn với giá trị có thể lên tới tỷ USD.

Để chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện thuận lợi đón đầu dòng vốn chất lượng cao đi cùng với các dự án lớn có quy mô, giá trị lớn, cùng với việc thành lập tổ công tác đặc biệt, nhiều chính sách đã và đang được hoàn thiện theo hướng thuận lợi nhất để đón các nhà đầu tư.

Chúng ta cần nhìn nhận một cách thực tế, mình muốn gì và đạt được gì. Mình phải nhìn vào thực tiễn, cho tới nay FDI vào Việt Nam thì phần lớn từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, trong khi rất ít nhà đầu tư từ Mỹ và EU.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, theo đánh giá của nhiều tổ chức định chế lớn trên thế giới, đầu tư của thế giới vẫn đang trong xu thế giảm sâu, thậm chí âm. Việt Nam cũng không tránh khỏi xu hướng này khi vốn đầu tư mới, tăng thêm và giải ngân đều giảm, tuy nhiên, số dự án đăng ký mới tăng 6,6%; dự án tăng thêm 22%.

Ngoài ra, các số liệu về xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ giảm 5-6%, điều đó chứng tỏ doanh nghiệp FDI bị tác động nhưng rất ít.

“Xuất nhập khẩu vẫn bình thường, có bị tác động nhưng tần suất quan tâm của các nhà đầu tư tới Việt Nam đều tăng lên, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Hoàng nhận định.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, với nhiều lợi thế lớn, Việt Nam hiện đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Cụ thể như quy mô thị trường rộng lớn, nguồn lao động dồi dào, đặc biệt tiến trình cải cách môi trường kinh doanh và các thủ tục hành chính đang ngày càng mạnh mẽ giúp hoàn thiện môi trường thế chế, tăng năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh. Đồng thời, việc gia nhập nhiều FTA với nhiều cơ chế ưu đãi là những yếu tố càng gia tăng sức hấp dẫn trong thu hút dòng vốn FDI.

a8bcf96777249e7ac735-9186

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam mới chỉ bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 19,54 tỷ USD. Tín hiệu tích cực thể hiện ở sự tăng mạnh trở lại của dòng vốn FDI trong các tháng gần đây sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng, làn sóng dịch chuyển FDI trên thế giới không phải giờ mới xuất hiện, nhưng trong bối cảnh COVID-19 thì nó là một điểm nhấn, xúc tiến đẩy nhanh quá trình dịch chuyển.

“Nếu ta xác định là một làn sóng thì phải có sự so sánh, nhưng dòng vốn dịch chuyển so với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài sẽ tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, sóng đó có tới Việt Nam không thì mới là vấn đề”, ông Toàn lưu ý.

Theo ông Toàn, Việt Nam có cơ hội lớn, cải cách thể chế, tham gia nhiều FTA. Tuy nhiên, Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh lớn với các nước khác.

Ông Toàn cho rằng, cái mà gọi là sự cạnh tranh bao hàm 2 vấn đề: FDI mới và FDI dịch chuyển.

Trong ngắn và trung hạn, khi luồng vốn FDI có làn sóng dịch chuyển, nếu luồng vốn giảm thì các quốc gia vốn thu hút mạnh FDI từ xưa đến nay như Trung Quốc, Ấn Độ lại phải có những chính sách mới để thu hút FDI trở lại. Hơn nữa, trong bối cảnh dòng vốn dịch chuyển, cần xem xét một thực tế là có thể dòng vốn này ra khỏi Trung Quốc, nhưng sau một quá trình lại quay về.

Với những dòng vốn chuyển dịch sang các nước thứ 3 thì cũng tạo ra một cuộc cạnh tranh hết sức mạnh mẽ để đón dòng vốn này. Các quốc gia lớn như Ấn Độ, Indonesia và các nước trong khu vực Đông Nam Á đều có những chính sách hấp dẫn khiến cuộc đua cạnh tranh về đầu tư FDI ngày càng quyết liệt.

“Chúng ta có đường lối đúng, có quyết tâm và chúng ta cần phải hành động. Hiện chúng ta không có nhiều doanh nghiệp tiếp nhận đơn hàng lớn, lái đầu tư nước ngoài, dịch chuyển trực tiếp. Chúng ta cần phải phân tích và có chính sách hấp dẫn riêng để hấp thu được nguồn vốn FDI này”, ông Toàn phân tích.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lại hết sức băn khoăn về chất lượng dòng vốn.

Theo ông Cung: "Chúng ta cần nhìn nhận một cách thực tế, mình muốn gì và đạt được gì. Mình phải nhìn vào thực tiễn, cho tới nay FDI vào Việt Nam thì phần lớn từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, trong khi rất ít nhà đầu tư từ Mỹ và EU".

“Ta rất kỳ vọng đầu tư từ EU, Hoa Kỳ bởi đây là những nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, phù hợp với chúng ta trong chuyển đổi tái cơ cấu. Do đó cần có các chính sách đáp ứng đúng các nhu cầu của họ. Đầu tiên họ muốn là chính sách ổn định, rõ ràng và minh bạch. Không có tiền gầm bàn, không có chi phí phi chính thức. Họ là những người luôn luôn tuân thủ luật pháp, họ luôn trách rủi ro pháp lý.

Bên cạnh đó, hạ tầng phải quy mô lớn, mình xây một cao tốc trong khi đường làng, đường tỉnh đầy chông gai vẫn không thể đồng bộ, do đó phải thay đổi”, ông Cung phân tích

Nguyên Viện trưởng Ciem cũng lưu ý không phải tất cả các tỉnh đều có năng lực thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, đầu tư công nghệ mới hiện đại. Các nhà đầu tư cũng sẽ xem xét, nhìn nhận khả năng của từng địa phương chứ không thể đầu tư đại trà theo quy mô lớn.

“Cần nhận thức rõ là từng nhà đầu tư phải khác nhau cần phải có chế độ và chính sách khác nhau. Phải thiết kế được những gói chính sách "may đo" chứ không "may sẵn" theo kiểu chung chung đại trà để phù hợp với từng nhà đầu tư thì mới có thể thu hút được những dòng vốn chất lượng cao và các nhà đầu tư này”, ông Cung khuyến nghị.

Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp trong nước cũng phải chủ động hơn nữa trong việc nâng cao năng lực của mình để kết nối thu hút đầu tư và có thể tham gia chuỗi cung ứng đa quốc gia.

Có như vậy, Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

(Theo Tinnhanhchungkhoan)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ