Nhiệt điện than và vấn nạn môi trường: Hàng chục triệu tấn xỉ than, tro bay 'bay' về đâu?

Nhàđầutư
Theo Quy hoạch phát triển điện lưới Quốc gia đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7), để sản xuất được 156 tỷ kWh điện mỗi năm vào năm 2020 thì phải tiêu thụ hơn 67 triệu tấn than và đến năm 2030 khi tổng công suất nhiệt điện than tăng lên 75.000 MW thì phải cần đến 171 triệu tấn than.
NGUYỄN LONG - QUANG TUYẾN
26, Tháng 07, 2017 | 07:35

Nhàđầutư
Theo Quy hoạch phát triển điện lưới Quốc gia đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7), để sản xuất được 156 tỷ kWh điện mỗi năm vào năm 2020 thì phải tiêu thụ hơn 67 triệu tấn than và đến năm 2030 khi tổng công suất nhiệt điện than tăng lên 75.000 MW thì phải cần đến 171 triệu tấn than.

Điều đó đồng nghĩa với lượng xỉ than tro đáy lên đến 14 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020, và gần 35 triệu tấn tro đáy hàng năm vào năm 2030, cùng hàng chục triệu tấn tro bay được thải ra và cần được xử lý.

Xử lý và sử dụng tro xỉ là tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường

Trên thế giới, các quốc gia phát triển luôn khuyến khích sử dụng tro xỉ than từ nhà máy nhiệt điện trong xây dựng đường sá và đôi khi là điều kiện bắt buộc. Đơn cử như tại Pháp có đến 99% lượng tro xỉ than thải ra được tái sử dụng; tại Nhật Bản, con số này là 80%; tại Hàn Quốc là 85%.

Ở nhiều nước khác, tro bay chủ yếu được sử dụng để sản xuất gạch không nung. Sản xuất gạch từ nguyên liệu này tiết kiệm năng lượng đến hơn 85% so với việc sản xuất gạch nung truyền thống từ đất sét. Tại Mỹ, tro bay được sử dụng như một chất phụ gia sản xuất xi măng, hoặc dùng làm vật liệu san lấp mặt bằng hay gia cố nền đường sau khi đã xử lý.

Mới đây, công ty SEFA ở South Carolina đã quyết định xây dựng một nhà máy tái chế 400.000 tấn tro bay mỗi năm thành pozzolan làm nguyên liệu sản xuất bê-tông. Trong khi đó, ở Ấn Độ, hiện có đến hơn 16.000 nhà máy sản xuất gạch từ tro bay, giúp tái chế hơn 20 triệu tấn tro bay hàng năm và cung cấp hơn 1/6 nhu cầu về gạch của thị trường Ấn Độ.

Ở Việt Nam cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về xử lý tro bay làm phụ gia cho công nghệ bê tông đầm lăn, sản xuất gạch tuynel, xi măng, thạch cao, than tái chế và cũng đã được áp dụng vào sản xuất.

Điển hình như Dây chuyền sản xuất gạch không nung với công suất 3 triệu viên/năm của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn; hay ứng dụng công nghệ bê tông đầm lăn sử dụng phụ gia tro xỉ (RCC) trong xây dựng đập thuỷ điện, đã được áp dụng cho các công trình đập thuỷ điện, trước tiên là thuỷ điện Sơn La.

Công ty Sông Đà 12 cũng đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất phụ gia bê tông từ tro bay nhiệt điện Phả Lại bằng phương pháp tuyển tĩnh điện, trong khi Công ty cổ phần Hải Sơn đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất phụ gia bê tông bằng phương pháp đốt trong lò tuy nen. 

song da cao cuong

Xử lý tro xỉ theo công nghệ tuyển ướt sấy khô ở nhà máy của Công ty CP Sông Đà Cao Cường. 

Mặc dù đã có một số nhà máy tuyển tro xỉ than đi vào hoạt động nhưng tổng công suất  xử lý tro xỉ than còn rất thấp, không đáng kể so với lượng tro xỉ than đang thải ra từ các nhà máy nhiệt điện đốt than.

Do vậy, hiện nay hầu hết lượng tro xỉ  than phát sinh của các nhà máy nhiệt điện vẫn đang được lưu giữ tại các bãi  thải của các nhà máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Quyết tâm của Chính phủ trong việc xử lý và sử dụng tro xỉ

Vào năm 2008, Chính phủ đã ban hành quyết định số 121/2008/QĐ-TTg, phê duyệt tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến 2020, trong đó yêu cầu vật liệu không nung đến 2020 phải chiếm từ 30 - 40% tổng số vật liệu xây dựng trong cả nước, và đây là một tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển vật liệu không nung sử dụng tro bay từ các nhà máy nhiệt điện chạy than trong các năm tới.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra đánh giá nguồn tro xỉ và các giải pháp sử dụng, được xây dựng trên cơ sở của Quy hoạch điện 7, thì khối lượng tro xỉ thải quá lớn, nhu cầu diện tích bãi chứa tăng quá nhanh, đe dọa môi trường.

Trước thực trạng đó, vào cuối tháng 9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu (VLXD), đến năm 2020, chỉ cấp diện tích bãi thải cho các dự án nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón với dung lượng chứa tối đa cho 2 năm sản xuất tương đương với quy mô, công suất của dự án.

Bên cạnh đó, QĐ 1696 cũng đưa ra 7 giải pháp thực hiện quyết định này, trong đó quy định thiết kế cơ sở các dự án nhiệt điện, hóa chất phải hoàn chỉnh từ đến khâu xử lý tro, xỉ, thạch cao và phương án thu hồi, xử lý các chất thải này.

Đặc biệt, quyết định cũng nêu rõ, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phải có trách nhiệm trả chi phí xử lý tro, xỉ, thạch cao trong trường hợp không tự đầu tư dây chuyền thiết bị xử lý chất thải cho sản xuất VLXD.

Như vậy, Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc xử lý tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất. Và kỳ vọng chúng ta có thể sử dụng các loại phế phẩm này làm phụ gia cho sản xuất các loại VLXD để không phải đi nhập phế phẩm từ các nước khác trên thế giới và đặc biệt không phải khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, là có cơ sở.

Nhằm tăng cường cải thiện tình hình, ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 452/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng.

QD 452-TTG

 Quyết định 452/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện.

Mục tiêu của Đề án là đẩy mạnh sử dụng, tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao PG đế đến năm 2020, lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải trong 2 năm sản xuất;

Từ nay đến năm 2020, xử lý và tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng chiếm 52% tổng lượng tích lũy (Tổng lượng tích lũy đến năm 2020 khoảng 75 triệu tấn, bao gồm 56 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện, 2,5 triệu tấn thạch cao FGD, 16,5 triệu tấn thạch cao PG)…

Đáng mừng hơn nữa là mới đây, ngày 27/4/2017, Bộ KHCN đã có quyết định 936/QĐ- BKHCN công bố tiêu TCVN 11833:2017 thạch cao phospho (thạch cao nhân tạo) dùng để sản xuất xi măng. Để tiếp tục hoàn hiện các căn cứ pháp lý trong việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã và đang chỉ đạo xây dựng tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật. Dự kiến, trong năm 2017 – 2018, các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức sẽ được ban hành.

Những khó khăn khi triển khai các quyết định của Chính phủ

Theo Bộ Công Thương, hiện nay có 19 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa tìm được giải pháp đầu ra cho tro xỉ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng ngày 23/9/2014.

Các doanh nghiệp đưa ra nhiều khó khăn khi triển khai, cụ thể:  

1. Vướng mắc lớn nhất là nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung có khả năng sử dụng tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuât nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro xỉ theo quy định và thiếu các Quy chuẩn kỹ thuật đối với tro xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền.

2. Mỗi ngày Công ty Nhiệt Điện Vũng Áng 1 thải 3.000 tấn tro xỉ (tương đương 1 triệu tấn tro xỉ/năm). Mặc dù theo Quyết định 1696, Nhà máy đã hợp tác với một số doanh nghiệp như Xi măng Sông Gianh, Xi măng Hoàng Mai để đưa vào sử dụng làm nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng nhưng sau một thời gian, việc này đã bị ngừng lại. Nguyên nhân là do theo Nghị định 38, tất cả các đơn vị tiêu thụ và sử dụng tro xỉ phải có đánh giá tác động môi trường, cụ thể là vật liệu đưa vào sản xuất tại các nhà máy này phải ghi rõ là sử dụng tro bay của các nhà máy nhiệt điện. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp liên kết sớm xin phép Bộ TN&MT cấp phép sử dụng vật liệu tro xỉ. Tuy nhiên, việc xin cấp phép này đang gặp khó khăn vì khi xây dựng các nhà máy xi măng không nói rõ việc sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất.

3. Tiếp đến là nhiều chủ đầu tư vẫn chưa có hình thức thỏa đáng để thực hiện nghĩa vụ trong việc xử lý tro, xỉ, thạch cao. Các cơ quan quản lý chưa mạnh mẽ trong việc bắt buộc đối với các chủ đầu tư, chủ quản nhà máy nhiệt điện. 

4. Giá bán tro xỉ trong nước hiện nay ở mức cao so với nước ngoài và mặt bằng chung các loại phụ gia khác sử dụng trong sản xuất xi măng. Đây là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp xi măng không mấy mặn mà với việc tận dụng nguồn tro xỉ trong nước. Nếu như ở các nước, nguồn tro xỉ của nhà máy nhiệt điện được cho không hay chí ít cũng được hỗ trợ chi phí vận chuyển. Ở Việt Nam, chi phí để mua loại sản phẩm phế thải từ các nhà máy nhiệt điện là một trong những nguyên nhân đẩy giá các loại vật liệu xây dựng sản xuất từ nguyên liệu này lên cao.

5. Một số khó khăn khác như tìm nguồn quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà xưởng; tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Thời gian qua, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy xử lý tro, xỉ thải, công suất đã đạt yêu cầu đề ra trong chiến lược phát triển sản xuất vật liệu xây không nung, tuy nhiên chính sách vẫn chưa đủ mạnh và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.

6. Hiện nay, tuy đã xây dựng cơ chế chính sách, nhưng mới ở tầm vĩ mô, còn cụ thể, các nhà đầu tư chưa được hưởng lợi ích một cách thiết thực.

7. Cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện các bước như phổ biến kiến thức, cách sử dụng tro bay cho nhà sản xuất, tuyên truyền tới người dân về tác dụng ưu việt của sản phẩm xây không nung để từng bước thay đổi thói quen sử dụng gạch nung truyền thống.

8. Công nghệ xử lý tro xỉ phụ thuộc rất nhiều vào thành phần khoáng vật, thành phần hóa học của tro xỉ. Trong khi đó, thành phần của tro xỉ lại phụ thuộc vào thành phần khoáng vật và thành phần hóa học của than; nguồn than đốt trong nhà máy nhiệt điện; và công nghệ của lò đốt. Nhưng hiện nay chưa có một nghiên cứu đầy đủ về vấn đề này hay một giải pháp công nghệ thuyết phục.

9. Với quy định đến năm 2020 các bãi chứa của nhiệt điện chỉ thiết kế cho 2 năm sản xuất, các nhà máy không được cấp thêm đất để xây bể chứa tro xỉ. Đây không chỉ là sức ép lớn cho các nhà máy nhiệt điện mà còn với các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao.

10. Thời gian cho các bước thực hiện đề án còn rất ít. Cụ thể, (1) hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2018. (2) Đẩy mạnh việc nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, cơ bản hoàn thiện các công nghệ xử lý và ứng dụng trước tháng 6/2019.

(Còn nữa)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ