Nhà nước thoái vốn, ai sẽ là chủ mới Sơn Đại Bàng?

Nhàđầutư
Sau khi chấp thuận giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới mức phủ quyết, Vinachem sẽ không dễ bán toàn bộ 27% cổ phần HaSyPaintCo với mức giá mong muốn.
XUÂN TIÊN
13, Tháng 11, 2019 | 06:50

Nhàđầutư
Sau khi chấp thuận giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới mức phủ quyết, Vinachem sẽ không dễ bán toàn bộ 27% cổ phần HaSyPaintCo với mức giá mong muốn.

son-tong-hop-ha-noi

 

Tư nhân hoá 100%

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa đăng ký đấu giá 3.247.246 cổ phần, tương đương toàn bộ 27% vốn điều lệ đang sở hữu tại CTCP Sơn Tổng hợp Hà Nội (HaSyPaintCo).

Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào sáng ngày 5/12 tới đây trên Sở GDCK Hà Nội (HNX). Giá khởi điểm cho mỗi cổ phần là 24.296 đồng. Vinachem theo đó dự tính thu về ít nhất 78,9 tỷ đồng.

HaSyPaintCo nổi danh với thương hiệu Sơn Đại Bàng, là thế hệ doanh nghiệp ngành sơn thứ hai ở miền Bắc, có lịch sự thành lập từ năm 1970 với tên gọi Nhà máy Sơn mực in Hà Nội trực thuộc Tổng cục Hoá chất (Bộ Công Thương hiện nay). Từ năm 1993, Công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước, là đơn vị thành viên của Vinachem, trước khi cổ phần hoá năm 2006.

Từ đó đến nay, HaSyPaintCo đã thực hiện nhiều lần tăng vốn, từ 28,6 tỷ đồng lên 48,6 tỷ đồng qua chào bán chứng khoán ra công chúng năm 2007, hay phát hành riêng lẻ, tăng từ 80 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng năm 2016. Sau các đợt tăng vốn, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại HaSyPaintCo thông qua Vinachem giảm dần và hiện chỉ còn 27%, thấp hơn cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Quản lý đầu tư HAP Việt Nam (30,76%).

HAP Việt Nam là doanh nghiệp còn khá non trẻ, vừa được thành lập cuối tháng 5/2019, do một nữ doanh nhân sinh năm 1994 đứng tên sở hữu. Chỉ ít ngày sau khi bắt đầu hoạt động, HAP Việt Nam đã nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần HaSyPaintCo được nắm giữ trước đó bởi một pháp nhân - là nhà đầu tư chiến lược đã mua 30,76% cổ phần HaSyPaintCo năm 2016.

HAP, cũng trùng hợp với viết tắt của pháp nhân này. Bởi vậy, sẽ không bất ngờ nếu đây chỉ là nghiệp vụ tái cơ cấu đầu tư của nhóm HAP. 

Nhà đầu tư chiến lược của HaSyPaintCo được thành lập năm 2000, có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực buôn bán hoá chất ở Hà Nội gắn liền với tên tuổi nữ doanh nhân sinh năm 1953 Nguyễn Thị Bích Ngọc - cũng là chủ sở hữu 90% cổ phần. Cuối tháng 9/2019, bà Bích Ngọc rút lui, nhường toàn bộ cổ phần cũng như vai trò Tổng giám đốc cho ông Trần Việt Linh (SN 1990).

Như đã đề cập, Quản lý đầu tư HAP Việt Nam nhiều khả năng có liên hệ với Hà Anh Phát. Nếu giả thiết này đúng với thực tế, thì với việc tái cấu trúc sở hữu, chuyển cổ phần sang một doanh nghiệp "quản lý đầu tư", có ngành nghề chính theo đăng ký là "tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại", không loại trừ trường hợp nhóm HAP chỉ coi HaSyPaintCo là một khoản đầu tư ngắn hạn, và sẽ sớm tìm kiếm đối tác chuyển nhượng.

Kịch bản này không phải là không có căn cứ. Biết rằng từ năm 2016 đến nay, dù là cổ đông lớn nhất, song HAP lại không có/ không đề cử đại diện trong HĐQT, dù theo Điều lệ, tương ứng với số cổ phần sở hữu, họ có thể chiếm tới 3 ghế trong HĐQT HaSyPaintCo.

Nhóm nào mới nắm thực quyền tại HaSyPaintCo?

Cập nhật tới cuối tháng 6/2019, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Ái và người thân nắm 7,99% vốn HaSyPaintCo. Tuy nhiên, tỷ lệ này không phản ánh thực chất ảnh hưởng của doanh nhân kỳ cựu năm sinh năm 1945. Tháng 5/2018, con trai ông - ông Nguyễn Ngọc Anh (SN 1979) đã thay cha phụ trách vị trí Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật, bên cạnh chức vụ Uỷ viên HĐQT được bầu từ năm 2013.

Ông Nguyễn Thiện Ái đã có mặt trong HĐQT HaSyPaintCo ít nhất từ sau cổ phần hoá và đảm trách chức vụ Chủ tịch HĐQT từ năm 2011. Dưới sự chèo lái của doanh nhân năm nay bước sang tuổi 75, HaSyPaintCo, dù không có nguồn lực lớn, song nhiều năm nay vẫn là thương hiệu có tiếng trong lĩnh vực sơn, nhất là ở phía Bắc, được nhiều khách hàng lớn tin dùng như các hãng xe hơi, xe máy Honda, Yahamaha hay Ford Việt Nam...

Uy tín của ông Nguyễn Thiện Ái thể hiện qua việc ông được cán bộ công nhân viên trong công ty gần như tin tưởng tuyệt đối. Ở một ví dụ, trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, đã có 267 cổ đông nhỏ, cán bộ, nhân viên sở hữu 3,27 triệu cổ phiếu, tương đương 41% vốn khi đó của HaSyPaintCo uỷ quyền cho vị Chủ tịch lớn tuổi.

Vinachem có thoái vốn thành công?

Việc thoái vốn khỏi HaSyPaintCo được thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Vinachem số 16/QĐ-TTg ngày 5/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Vinachem hồi tháng 7/2019 đã đấu giá thành công cổ phần tại ba thành viên là CTCP Bột giặt Net, CTCP Công nghiệp Hoá chất Đà Nẵng và CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Mỏ, thu về tổng cộng 213 tỷ đồng.

Đà thoái vốn thuận lợi, cùng thị trường chứng khoán nhìn chung đang diễn biến tích cực có lẽ là nền tảng để Vinachem tự tin với giá khởi điểm 24.296 đồng trên mỗi cổ phần HaSyPaintCo, theo tư vấn của Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam.

Mức giá này đặt cạnh giá trị sổ sách của mỗi cổ phần HaSyPaintCo là 14.642 đồng tới cuối tháng 9/2019 hay EPS chỉ ở 277,5 đồng trong nửa đầu năm sẽ là các yếu tố khiến nhà đầu tư phải cân nhắc. Biết thêm rằng, trong đợt tăng vốn năm 2016, HaSyPaintCo đã phát hành cho Hà Anh Phát 3,7 triệu cổ phần với mức giá 13.800 đồng/CP.

Screen Shot 2019-11-12 at 3.55.10 PM

Hiệu quả kinh doanh của chủ sở hữu thương hiệu Sơn Đại Bàng lao dốc từ năm 2017 đến nay

Ngoài ra, như đã đề cập, với vị thế và ảnh hưởng của gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Ái, nếu không phải chính họ gia tăng sở hữu, thì rất khó để một nhà đầu tư nào khác mua lại cổ phần của Vinachem và mong muốn có chỗ đứng ở HaSyPaintCo. 

Dù sao thì nếu cuộc thoái vốn sắp tới của Vinachem thành công, các nhóm cổ đông cả mới lẫn cũ của HaSyPaintCo đều sẽ phải ngồi lại với nhau trước xu hướng giảm sút rõ rệt trong kết quả kinh doanh vài năm đổ lại. 9 tháng đầu năm 2019, HaSyPaintCo chỉ đạt doanh thu 125 tỷ đồng, lãi sau thuế vỏn vẹn 2,1 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (giảm 68% doanh thu, 61% lợi nhuận). So với kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua, HaSyPaintCo sau 3/4 năm tài chính mới hoàn thành 25% chỉ tiêu doanh thu và 15% chỉ tiêu lợi nhuận.

Kế hoạch kinh doanh cũng là khác biệt lớn giữa cổ đông nhà nước và tư nhân trong HaSyPaintCo. Trong các ĐHĐCĐ thường niên từ năm 2017-2019, các đại diện của Vinachem đều chất vấn, yêu cầu tăng kế hoạch doanh thu, lợi nhuận.

Dù vậy, theo Điều lệ của HaSyPaintCo, tỷ lệ phủ quyết phải là trên 35%. Năm 2016, việc phát hành cổ phần riêng lẻ đã khiến tỷ lệ sở hữu của Vinachem giảm mạnh từ 39% về còn 27%, đồng nghĩa với việc tập đoàn kinh tế Nhà nước này gần như không còn tiếng nói tại HaSyPaintCo. Ở chiều ngược lại, nhóm Hà Anh Phát và nhà Chủ tịch Nguyễn Thiện Ái luôn thống nhất một khối, giúp các tờ trình về kế hoạch kinh doanh dù bị Vinachem bỏ phiếu chống, vẫn được thông qua với tỷ lệ trên dưới 70%. 

Ngoài sản xuất - kinh doanh sơn, HaSyPaintCo còn nắm trong tay một số khu đất đáng chú ý: gần 22.506m2 đất tại Thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì Hà Nội, bao gồm 5.055,9m2 đất là trụ sở làm việc – là đất thuê 50 năm, trả tiền hàng năm, 12.547m2 đất làm nhà xưởng sản xuất, 4.688,6m2 đất làm nhà kho; 20.488m2 đất tại xã Minh Đức, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên, là trụ sở làm việc, nhà xưởng sản xuất; hay đáng chú ý hơn cả là khu đất 3.556m2 đất tại số 81 Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội là đất xây dựng văn phòng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24900.00 24980.00 25300.00
EUR 26270.00 26376.00 27549.00
GBP 30688.00 30873.00 31825.00
HKD 3146.00 3159.00 3261.00
CHF 27021.00 27130.00 27964.00
JPY 159.49 160.13 167.45
AUD 15993.00 16057.00 16546.00
SGD 18139.00 18212.00 18746.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 17952.00 18024.00 18549.00
NZD   14681.00 15172.00
KRW   17.42 18.97
DKK   3528.00 3656.00
SEK   2270.00 2357.00
NOK   2259.00 2348.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ