Nghẽn mạch lưới điện đang là thách thức

Điện từ năng lượng tái tạo dự kiến sẽ ngày càng lớn trong khi khả năng hòa nguồn điện này vào lưới điện còn nhiều hạn chế, gây áp lực nghẽn mạch lưới điện.
THÙY DUNG
09, Tháng 09, 2018 | 10:41

Điện từ năng lượng tái tạo dự kiến sẽ ngày càng lớn trong khi khả năng hòa nguồn điện này vào lưới điện còn nhiều hạn chế, gây áp lực nghẽn mạch lưới điện.

5ea2e_dien_gio_bac_lieu1

Một dự án điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: Lekima Hùng

Tổng sơ đồ Điện VIII đang được Bộ Công Thương hoàn thiện trong bối cảnh Việt Nam chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo để duy trì sản xuất điện mà không làm tăng chi phí sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, tại hội thảo: Tích hợp năng lượng tái tạo: Thách thức và công nghệ, ngày 7-9, cho biết, tổng quy mô các nhà máy điện đã vượt mục tiêu đề ra, gây thách thức lớn lên hệ thống truyền tải.

“Trước khi ban hành quy hoạch điện giai đoạn tới, Bộ Công Thương cần những đánh giá từ các tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia có kinh nghiệm về tích hợp điện từ năng lượng tái tạo, cũng như cân bằng hệ thống”, ông Thành nói.

Hội thảo do Bộ Công thương và ABB tổ chức nhằm mục đích giới thiệu và trao đổi về xu hướng phát triển công nghệ năng lượng tái tạo trên thế giới, những thách thức đối với việc tích hợp nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống.

Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện, trong đó đưa công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể lên khoảng 850 MW năm 2020, khoảng 4.000 MW năm 2025.

Cũng tại Quy hoạch này, mục tiêu phát triển nguồn điện gió và điện mặt trời đến năm 2030 có tham vọng lớn hơn nhiều so với năm 2020 khi đặt mục tiêu công suất 6.000 MW điện gió và 12.000 MW điện mặt trời.

Đặt ra mục tiêu này, Bộ Công Thương đã không tính hết sự bùng nổ đầu tư vào điện mặt trời, đã xảy ra ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017, quy định giá mua điện là 9,35 cents/kWh.

Sự “bùng nổ” này, nhiều khả năng sẽ lặp lại với điện gió, nếu Chính phủ chấp thuận đề nghị của Bộ Công Thương về biểu giá mua điện gió mới, 8,77 cent/kWh cho dự án đầu tư trên bờ và 9,95 cent/kWh cho các dự án đầu tư trên biển, thay cho giá mua điện hiện nay là 7,8 cent/kwh.

Việt Nam chưa có kinh nghiệm về vận hành tích hợp các nguồn điện gió và điện mặt trời. Trong khi đó, các dự án điện gió, điện mặt trời thường tập trung tại các khu vực xa phụ tải nên việc truyền tải về trung tâm phụ tải khó khăn, tốn kém.

Ông Nguyễn Minh Quang, Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia, Bộ Công Thương, cho biết, “nghẽn mạch lưới điện đang là thách thức lớn nhất” cho hệ thống truyền tải điện. Bên cạnh đó, các thách thức khác về chất lượng điện năng, nhu cầu dự phòng, độ tin cậy cung cấp điện cho hệ thống.

Tính đến nay, số lượng công suất điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bởi hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đều ở mức cao. Nếu Ninh Thuận đã phê duyệt 2.036 MW, thì con số này tại Bình Thuận là 1.462 MW.

Theo đánh giá của Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia, tỷ lệ hấp thụ được và không gây nghẽn mạch lưới điện ở hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận ở mức thấp, chỉ khoảng 20-30%.

Dẫn số liệu dự báo từ Tổng sơ đồ VII điều chỉnh, ông Quang phân tích Việt Nam tiếp tục có mức tăng trưởng cao so với các nước đang phát triển, giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 8,5-8,7% và đến 2026-2030 tăng trưởng ở mức 8,3%. Điều này, theo ông Quang, sẽ đẩy nhu cầu phụ tải lên mức cao hơn.

Do đó, năng lượng tái tạo được xem là nguồn quan trọng để đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải của quốc gia trong tương lai, trong bối cảnh nguồn điện khí khai thác không bao nhiêu, các nguồn thủy điện, hóa thạch đã gần như tới hạn.

Số lượng nguồn năng lượng tái tạo chủ yếu tập trung ở khu vực Nam Trung bộ, trong khi lưới điện khu vực Nam trung bộ chưa được phát triển kịp thời để hấp thụ được nguồn điện này.

Thời gian trung bình xây dựng một công trình lưới điện là 3 năm, nhưng thời gian triển khai một dự án điện mặt trời chỉ trên dưới 1 năm. Ông Quang cho đó là nguyên nhân khiến tốc độ phát triển lưới điện đã không đáp ứng được nhu cầu phát triển của các nguồn điện từ gió và mặt trời.

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), từ nay đến năm 2020, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 9,9% tổng công suất nguồn điện, tăng 4,3% so với Quy hoạch điện VII.

(Theo The Saigontimes)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24810.00 24830.00 25150.00
EUR 26278.00 26384.00 27554.00
GBP 30717.00 30902.00 31854.00
HKD 3125.00 3138.00 3240.00
CHF 26952.00 27060.00 27895.00
JPY 159.41 160.05 167.39
AUD 16033.00 16097.00 16586.00
SGD 18119.00 18192.00 18729.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17923.00 17995.00 18523.00
NZD   14756.00 15248.00
KRW   17.51 19.08
DKK   3529.00 3658.00
SEK   2286.00 2374.00
NOK   2265.00 2354.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ