Ngân hàng và những đồng vốn đột ngột “chết”

Tính đến cuối 2016, tổng dư nợ cho nền kinh tế đã lên tới 5,5 triệu tỷ đồng, trong khi đó tổng nguồn vốn tự có của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ có 639.661 tỷ đồng. Theo đó, phần lớn còn lại chủ yếu dựa vào nguồn lực tiền gửi.
MINH ĐỨC
24, Tháng 04, 2017 | 15:03

Tính đến cuối 2016, tổng dư nợ cho nền kinh tế đã lên tới 5,5 triệu tỷ đồng, trong khi đó tổng nguồn vốn tự có của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ có 639.661 tỷ đồng. Theo đó, phần lớn còn lại chủ yếu dựa vào nguồn lực tiền gửi.

nen-kinh-te-dang-no-cac-ngan-hang-466-trieu-ty-dong

 Ngân hàng và những đồng vốn đột ngột “chết”

Cuối tuần rồi, phóng viên VnEconomy có cuộc trao đổi với lãnh đạo một ngân hàng thương mại đang tái cơ cấu. Câu chuyện xoay quanh kết quả kinh doanh quý 1/2017.

“Mọi cái dường như ổn định, nhưng hãy nhìn lại quý vừa qua, hệ thống ngân hàng đón nhận rất nhiều thông tin bất lợi và nhạy cảm. Chúng ta cứ nói nhạy cảm chung chung rồi gật đầu. Còn với ngân hàng thì tái cả mặt, vì nhạy cảm đo được bằng tiền”, vị lãnh đạo trên nhìn lại.

Đó là nhiều vụ án chưa khép, nối tiếp thông tin mở ra những vụ án mới trong hệ thống ngân hàng; nợ xấu, tái cơ cấu, “ngân hàng 0 đồng”, phá sản ngân hàng là những chủ đề nóng; loạt đại dự án hàng chục nghìn tỷ đồng gắn với các tập đoàn, tổng công ty, rồi liên quan đến một số ngân hàng thương mại…

Tâm lý người gửi tiền đón nhận những thông tin đó.

Đại diện một nhà đầu tư lớn nói với VnEconomy rằng, họ đang tìm hiểu hoạt động một ngân hàng thương mại để xem xét xin tham gia tái cơ cấu. Đến một số chi nhánh trọng điểm, cán bộ ở đây cho biết: hễ có thông tin xấu xuất hiện trên thị trường, nhiều khách đến rút tiền ngay, nhưng có thông tin tích cực thì tiền gửi lại trở lại.

“Đồng tiền liền khúc ruột. Tâm lý người gửi tiền rất nhạy cảm và dễ bị tác động”, đại diện nhà đầu tư trên nhận xét.

Trở lại câu chuyện với vị lãnh đạo ngân hàng đang tái cơ cấu nói trên, sự nhạy cảm được đo đếm bằng tiền, mà ông gọi là “những đồng tiền chết”.

“Là nguyên tắc, mỗi khi xuất hiện thông tin xấu, hoặc có những mũi nhọn thông tin nào đó hướng về ngân hàng, chúng tôi buộc phải dồn ngay vốn phòng thủ để đảm bảo tối đa cho thanh khoản, đáp ứng nhu cầu rút tiền bất chợt. Bởi vì một khi không chuẩn bị, không đáp ứng được nhu cầu rút tiền trước hạn, tâm lý người gửi tiền càng loang rộng, rồi nếu vỡ thanh khoản thì không thể tự cứu nổi”, lãnh đạo ngân hàng trên cho biết.

Quý 1/2017, ngân hàng trên có lãi suất khá ổn định, tín dụng vẫn tăng đều, nhưng lợi nhuận bị ảnh hưởng rõ vì chi phí đội lên. Trong kỳ, trước những thông tin nhạy cảm xuất hiện, họ đã phải phanh các dòng vốn, dồn về che đỡ thanh khoản. Đó là “những đồng vốn chết”.

Hoạt động ngân hàng, dòng vốn luôn luân chuyển, vận động để tìm cách sinh lời. Khi bị dồn cục để phòng ngừa như trên, nhiệm vụ sinh lời của chúng bị cắt bỏ, phập phồng nằm im trước khả năng người gửi tiền có phản ứng tiêu cực.

Vốn nằm im, chi phí tăng lên, chưa nói có thể còn phải nâng lãi suất huy động để thuyết phục người gửi; tác động của tin xấu càng dài, chi phí càng lớn. Nói ngân hàng tái mặt trước những thông tin nhạy cảm là vậy.

Trong dự thảo đề án luật tái cơ cấu và xử lý nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai, đảm bảo tối đa an toàn tiền gửi, lợi ích của người gửi tiền là thông điệp được nhấn mạnh. Trong đó, yêu cầu đảm bảo đặt cả tình huống vay tiền để trả người gửi nếu cho phá sản ngân hàng…

Trong các sự cố tiêu cực hoặc thông tin nhạy cảm tại một ngân hàng thương mại nào đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thường nhanh chóng có thông điệp bảo đảm tiền gửi người dân.

Chung quy, những dẫn giải trên đều với thực tế tại Việt Nam: sức mạnh của tiền gửi và tâm lý người gửi tiền có ảnh hưởng quá lớn.

Trước hết, Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế nặng nợ. Lượng vốn tín dụng suốt những năm qua luôn duy trì ở mức cao, tới 110-120% GDP. Nâng đỡ cho đòn bẩy vốn nay chủ yếu là nguồn lực tiền gửi.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối 2016, tổng dư nợ cho nền kinh tế đã lên tới quy mô 5,5 triệu tỷ đồng, trong khi đó tổng nguồn vốn tự có của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ có 639.661 tỷ đồng. Theo đó, phần lớn còn lại chủ yếu dựa vào nguồn lực tiền gửi.

Như trên, trước các thông tin nhạy cảm, nguồn lực tiền gửi bị tác động. Trong tình huống có tác động mạnh, mất thanh khoản, hệ lụy đối với nền kinh tế nhanh chóng lan sang tín dụng, lãi suất, chi phí của nền kinh tế và xáo trộn xã hội…

Hay như ở ví dụ ngân hàng tái cơ cấu nói trên, chỉ riêng phản ứng phòng thủ thanh khoản trước những thông tin nhạy cảm xuất hiện, “những đồng vốn chết” đột ngột dồn lại phòng thủ cho thanh khoản cũng đã khiến chi phí đội lên, hiệu quả kinh doanh sụt xuống và vốn cho vay ra tắc nghẽn. Nếu phản ứng này mở rộng, không chỉ hệ thống ngân hàng, mà hệ quả sau đó thì cả nền kinh tế chịu.

(Theo VnEconomy)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ