Ông Trịnh Văn Quyết: 'VN-Index sẽ chạm ngưỡng 2.000 điểm năm 2018'

Lạc quan về diễn biến thị trường chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC dự đoán VN-Index sẽ chạm ngưỡng 2.000 điểm trong năm nay.

Ông Trịnh Văn Quyết: 'VN-Index sẽ chạm ngưỡng 2.000 điểm năm 2018'

Lạc quan về diễn biến thị trường chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC dự đoán VN-Index sẽ chạm ngưỡng 2.000 điểm trong năm nay.

Tiếp đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam vào những tháng cuối năm 2017, chỉ số VN-Index tiếp tục đi lên và đã vượt mốc 1.000 điểm trong những phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2018.

Đây là mức cao nhất của VN-Index trong vòng 10 năm trở lại đây kể từ sau thời kỳ bong bóng thị trường chứng khoán năm 2006-2007.

Lạc quan về diễn biến thị trường, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC dự đoán VN-Index sẽ chạm ngưỡng 2.000 điểm trong năm nay.

  Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

"Đầu năm 2017, tôi cũng đã nhận định về chỉ số VN-Index sẽ vượt ngưỡng 1.000 điểm trong năm 2017 và khuyên nhà đầu tư nên đầu tư chứng khoán năm 2017. Niềm tin của nhà đầu tư cuối năm 2017 đã tăng lên rất nhiều. Dự báo về các chỉ số kinh tế năm 2018 đều được các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước đánh giá lạc quan. Cùng xu thế các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng đang mang lại niềm tin cho nhà đầu tư, tôi cho rằng VN-Index sẽ chạm ngưỡng 2.000 điểm trong năm nay", Chủ tịch FLC nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội thảo "Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018" do Tạp chí Nhà đầu tư/BizLive và VTV 24 tổ chức. Ông đồng thời cho biết đánh giá lạc quan về cổ phiếu bất động sản xây dựng và ngân hàng. 

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán SSI lại cho rằng: "Những tín hiệu tích cực của thị trường là có nhưng không thể lạc quan quá mức". "Chỉ số VN-Index vẫn chưa vượt mốc 1.300 điểm nên cũng chưa có gì đáng mừng", ông Linh nói.

Theo ông Linh, thị trường những năm trước cũng gặp nhiều khủng hoảng, như cuộc  khủng hoảng kép trong và ngoài nước năm 2008. Năm 2009 khủng hoảng trong nước nhưng có hỗ trợ lãi suất nên không còn khủng hoảng nữa. Đến năm 2010 khủng hoảng liên quan đến tài khóa. Giai đoạn 2010-2015 tăng trưởng thấp, thị trường chứng khoán èo uột. Đến 2017, thị trường lấy lại đà hồi phục và có thể thấy đây là kết quả của một quá trình tích luỹ.

"Về nợ xấu, chúng ta không thể xử lý nợ xấu như cách của người Mỹ là cho phá sản mà chỉ dùng cách câu giờ, tức là mua nợ xấu và trích lập dự phòng 5 năm, sau 5 năm nợ xấu có thể giải quyết. Năm 2017, chúng ta đã phải chờ rất lâu để giải quyết những tồn đọng từ năm 2010. Như vậy những tín hiệu tích cực của thị trường là có, nhưng không thể lạc quan quá mức", Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI nhận định.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI. Ảnh: BizLIVE

Theo ông Linh, con số 1.000 điểm đến từ hai nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế kéo theo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết với tỷ lệ hơn 23%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. "Giá cổ phiếu tăng là đương nhiên", ông Linh nói và đưa ra quan sát: "Tuy nhiên, các cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index như Vinamilk, đóng góp hơn 50 điểm thì lợi nhuận lại chỉ tăng 14%".

Nguyên nhân thứ hai là tăng trưởng cổ phiếu lớn hơn rất nhiều so với tăng trưởng lợi nhuận. Điều này dẫn đến việc định giá thị trường tăng. Theo ông Linh, chỉ số PE tăng lên 19,2 thì Việt Nam không còn là thị trường rẻ so với khu vực. "Năm 2017 chúng ta dựa vào rất nhiều dòng tiền nước ngoài nhưng do chứng khoán của chúng ta không còn rẻ so với khu vực thì liệu chúng ta còn hấp dẫn không?", ông Linh đặt câu hỏi.

Cũng nhận định về thị trường chứng khoán, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, theo chiến lược phát triển đến 2020, giá trị vốn hóa cổ phiếu đạt 70% GDP, nhưng ông không nghĩ là năm 2017 lại vượt 74% - con số đạt được trong những ngày cuối năm. Năm 2017, tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán là gần 250.000 tỷ đồng. 

 Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, mục tiêu của cơ quan quản lý là dù thị trường phát triển "nóng, lạnh" như thế nào thì cũng phải đảm bảo minh bạch. Năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tập trung tăng cường nâng cao kỷ luật thị trường.

"Tất cả những trường hợp liên quan đến vấn đề tăng vốn ảo, đội lái, thao túng giá, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm", ông Phạm Hồng Sơn khẳng định và cho rằng sống trong môi trường kinh doanh công bằng thì mới phát triển được và các doanh nghiệp cũng phải tự nhận thức để nâng cao quản trị rủi ro. 

Cùng chuyên mục