Muốn phát triển cây mắc ca ở Việt Nam cần phải có công nghiệp chế biến

Nhàđầutư
So sánh với ngành trồng cà phê - lĩnh vực xuất khẩu chiếm vị trí thứ hai thế giới của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, mắc ca “đi sau, về trước”, phát triển bước đầu ở Việt Nam đã thành công.
PHƯƠNG LINH
29, Tháng 09, 2020 | 17:27

Nhàđầutư
So sánh với ngành trồng cà phê - lĩnh vực xuất khẩu chiếm vị trí thứ hai thế giới của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, mắc ca “đi sau, về trước”, phát triển bước đầu ở Việt Nam đã thành công.

Sáng 29/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức hội nghị "Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới".

Các ý kiến tại Hội nghị đều khẳng định hiệu quả kinh tế và xã hội của cây mắc ca, là cây giúp xóa đói giảm nghèo. Có 2 vùng có thể phát triển ổn định cây mắc ca, loại cây có yêu cầu khắt khe về điều kiện khí hậu, độ ẩm, là vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, còn các vùng khác chưa cho kết quả tối ưu “ra hoa đậu quả” hoặc không đủ diện tích phát triển hàng hóa lớn.

Đối với vùng Tây Nguyên, có thể đưa cây mắc ca vào trồng xen vì đã có diện tích trồng cà phê và các loại cây khác, còn vùng Tây Bắc có thể trồng tập trung. Đây là cây thâm canh nên cần chú ý làm đồng bộ ngay từ đầu mới cho hiệu quả.

NQH05755

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm (2016-2020) phát triển ngành hàng mắc ca tại Việt Nam. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo ý kiến một số doanh nghiệp, khâu chế biến có ý nghĩa quan trọng, quyết định đầu ra của nông sản. Hiện nay chính sách thuế đối với chế biến nông sản còn bất cập, có nhiều mức thuế suất, từ 0%, 5% 10% nhưng chưa quy định rõ ràng việc áp mức nào, khiến doanh nghiệp lúng túng. Doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ về tiếp cận thị trường.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu cần một chiến lược phát triển mới cho cây mắc ca. Đó là những vấn đề về quy hoạch, giống, thị trường, vốn đầu tư.  

Thủ tướng cho rằng, rất hiếm có loại cây nào mà tăng trưởng đến 24%/năm, giúp người dân vùng sâu, vùng xa xóa đói, giảm nghèo, góp phần làm giàu và bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia tốt như mắc ca. Đấy chính là tiền đề để chúng ta có trách nhiệm làm thế nào để những cây trồng có giá trị được quan tâm, đầu tư phát triển.

Muốn vậy, điều kiện cần đặt ra là phải hình thành chuỗi liên kết sản xuất mà doanh nghiệp là nòng cốt. Hiệp hội chủ lực và người dân là quan trọng. Từ đó có cái nhìn tổng thể để có tầm nhìn trong quy hoạch, dự báo, đầu tư, chế biến, xuất khẩu...

Đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khẳng định, sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con, không để tình trạng “được mùa, mất giá”. Hiệp hội cho rằng, cần có sự điều phối, hợp tác để tránh việc “tranh mua, tranh bán”, các doanh nghiệp tranh mua sản phẩm trong nước và hạ giá để tranh bán ra nước ngoài.

Về phản ánh của một nông dân tại cuộc đối thoại với Thủ tướng vào hôm qua, 28/9 rằng trồng mắc ca 7-8 năm mà không ra quả, đại diện Hiệp hội cho rằng, đây là trường hợp “giống giả, giống rởm” và khẳng định sẽ hỗ trợ hộ nông dân này bằng cách cho ghép tại chỗ trên cây thực sinh, sau 2 năm có thể ra quả.

Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng khẳng định, cây mắc ca không chỉ xóa đói giảm nghèo mà có thể làm giàu. Cây mắc ca có thể “vào được” các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Chúng ta còn nhiều đồi trống, đồi trọc, nếu đưa cây mắc ca vào thì không chỉ đưa miền núi tiến kịp mà có thể vượt miền xuôi, ông Nguyễn Lân Hùng tin tưởng. Việc sớm đưa cây mắc ca trở thành cây chủ lực trong 5-10 năm nữa là hoàn toàn khả thi.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, kết quả bước đầu phát triển cây mắc ca trong 3 năm qua sản lượng mắc ca đã tăng 25 lần, đạt 7.000 tấn hạt mắc ca, xuất khẩu trên 80%. Đây là một thắng lợi quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam.

So sánh với ngành trồng cà phê - lĩnh vực xuất khẩu chiếm vị trí thứ hai thế giới của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, mắc ca “đi sau, về trước”, phát triển bước đầu ở Việt Nam đã thành công. Mắc ca cần 10 năm hay 20 năm để phát triển thành loại cây trồng xuất khẩu đứng đầu thế giới của Việt Nam? Bởi đây là lợi thế so sánh quan trọng của Việt Nam. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp, các nhà khoa học và doanh nghiệp, người nông dân cần trả lời cho được những câu hỏi để mắc ca phát triển xứng tầm với điều kiện của Việt Nam. 

Từ chỉ số đem lại thu nhập từ mắc ca gấp 3 lần so với cây cà phê, Thủ tướng đề nghị cần có quy hoạch tiểu vùng, cùng với chế biến sâu và đi đôi với quản lý vốn để phát triển lâu dài.

Thủ tướng cho biết, mắc ca là sản phẩm tốt, giàu dinh dưỡng, chứa 70 - 80% dầu, hàm lượng protein cao với nhiều loại axit amin, là nguồn nguyên liệu tốt cho chế biến sâu các loại hình sản phẩm khác như: Sữa hạt bổ dưỡng cho mọi lứa tuổi, nguyên liệu mỹ phẩm cao cấp, sô cô la…

Cho rằng mặc dù thời gian gần đây, mắc ca phát triển nhanh nhưng chỉ trên diện tích và sản lượng nhỏ, so với hạt có dầu là rất nhỏ. Do đó, Thủ tướng đặt yêu cầu cần tăng cao hơn nữa thu nhập từ 1ha mắc ca và đặc biệt là cần phát triển nhanh hơn nữa diện tích trồng mắc ca trong thời gian tới căn cứ vào các yếu tố độ cao, điều kiện thời tiết, khí hậu… để xây dựng quy hoạch cụ thể trồng mắc ca ở từng vùng.

Thủ tướng nhất trí cho rằng, phải tập trung quy hoạch phát triển cây mắc ca cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, còn các nơi khác xem xét cho thí điểm trước khi kết luận trồng đại trà.

Thủ tướng nhấn mạnh, dứt khoát phải phát triển công nghiệp chế biến, “càng sâu càng tốt”. Các ngành ngân hàng, tài chính cần dành nguồn vốn hỗ trợ trồng mắc ca cho người dân với những chính sách cụ thể về lãi suất và những ưu đãi cần thiết khác.

Phải quản lý đồng bộ về vấn đề phát triển cây mắc ca khi công bố quy hoạch, Thủ tướng nhất trí, có thể thành lập hợp tác xã phát triển cây mắc ca từ sản xuất cho đến chế biến.

Tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Mắc ca xây dựng chiến lược phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Nghị định về phát triển cây mắc ca, tránh tình trạng phân mảnh trong sản xuất như hiện nay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24550.00 24560.00 24880.00
EUR 26323.00 26429.00 27594.00
GBP 30788.00 30974.00 31925.00
HKD 3099.00 3111.00 3212.00
CHF 27288.00 27398.00 28260.00
JPY 161.63 162.28 169.90
AUD 15895.00 15959.00 16446.00
SGD 18115.00 18188.00 18730.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17917.00 17989.00 18522.00
NZD   14768.00 15259.00
KRW   17.70 19.32
DKK   3538.00 3670.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2274.00 2365.00
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ