Len lỏi làm ăn ở xứ người

Nếu trước đây các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng... và tập trung vào những nước láng giềng hoặc kém phát triển hơn thì những năm gần đây có cả lĩnh vực khoa học công nghệ, dịch vụ, sản xuất tại cả những thị trường phát triển, khó tính hơn.
QUỐC HÙNG
16, Tháng 07, 2019 | 12:33

Nếu trước đây các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng... và tập trung vào những nước láng giềng hoặc kém phát triển hơn thì những năm gần đây có cả lĩnh vực khoa học công nghệ, dịch vụ, sản xuất tại cả những thị trường phát triển, khó tính hơn.

a78b6_lenloilamanxunguoi_copy

Nhà máy sản xuất của NutiFood Sweden AB tại Thụy Điển.

Thâm nhập vào các thị trường khó tính

Hồi cuối tháng 5 rồi, NutiFood Sweden AB, nhà máy chế biến sữa với 50% vốn góp của NutiFood đã được đưa vào vận hành tại Bjuv ở miền Nam Thụy Điển. Nhà máy ở giai đoạn 1 có giá trị đầu tư gần 20 triệu đô la Mỹ, với tổng công suất 15.000 tấn mỗi năm. Theo chủ đầu tư, khi hoàn thiện, giai đoạn 2 sẽ sản xuất sữa tươi tiệt trùng organic và sữa bột organic cao cấp đóng lon, hướng đến phân phối không chỉ tại châu Âu, châu Á, mà còn vươn ra thị trường toàn cầu.

NutiFood Sweden AB đã tiếp tục nối dài danh sách các dự án đầu tư của ngành sữa Việt Nam ra nước ngoài sau các dự án của Vinamilk và tập đoàn TH tại Nga, Mỹ, New Zealand, Campuchia... Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood, chia sẻ trong chiến lược vươn ra thế giới của công ty, hãng đã “chinh phục” được thị trường Mỹ, và đầu tư vào Thụy Điển là bước tiếp theo để công ty chinh phục thị trường châu Âu.

Ngoài ngành sữa, hàng trăm doanh nghiệp tư nhân, cá nhân trong các lĩnh vực khác trong thời gian qua cũng tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Mới đây, tập đoàn An Phát đã công bố góp 51% vốn vào Công ty TLC Hàn Quốc để thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hàn Quốc và đầu tư nhà máy trị giá 100 triệu đô la Mỹ tại Việt Nam, chuyên sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn. Đây sẽ là dự án thứ hai đầu tư ra nước ngoài của An Phát bên cạnh dự án nhà máy sản xuất bao bì thân thiện môi trường tại Mỹ nhằm cung cấp sản phẩm cho thị trường Bắc Mỹ được công bố hồi đầu năm nay.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), riêng năm tháng đầu năm nay, tổng vốn cam kết đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đạt 183 triệu đô la. Trong đó có 55 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư phía Việt Nam đạt gần 100 triệu đô la và 14 lượt dự án điều chỉnh tăng thêm vốn là 84,8 triệu đô la.

So với những dự án có vốn đăng ký lên đến hàng trăm triệu đô la của các tập đoàn và tổng công ty có vốn nhà nước trước đây, những dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp tư nhân, gần đây dù quy mô vốn nhỏ hơn nhiều, nhưng đã mở rộng sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thay vì chỉ quanh quẩn các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar hoặc các nước kém phát triển hơn thuộc khu vực châu Phi.

Cụ thể trong năm tháng đầu năm nay, Việt Nam đã đầu tư sang 25 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Tây Ban Nha dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư); Mỹ xếp thứ hai (chiếm 24,2%)... Về lĩnh vực, trong năm tháng qua vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực khoa học công nghệ (chiếm 44,7% tổng vốn đầu tư); ngân hàng (chiếm 20,3%); thông tin và truyền thông (chiếm 16,9%)...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2006 đến nay là giai đoạn “bùng nổ” đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2016 của Vietnam Report, có đến khoảng 45% doanh nghiệp “khát khao” đầu tư ra nước ngoài trong năm năm tới. Các thị trường mà doanh nghiệp đưa vào tầm ngắm là Canada, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia...

Pháp lý cởi mở hơn

Việc khởi sắc của hoạt động đầu tư ra nước ngoài được giới đầu tư đánh giá là từ sự cởi mở của pháp lý đầu tư. Cụ thể Nghị định 83/2015 cho phép các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài không cần phải xin giấy chứng nhận đầu tư mà chỉ cần hoàn thiện giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là có thể bắt đầu dự án.

Hay việc chuyển tiền ra nước ngoài cũng thoáng hơn; trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, doanh nghiệp được phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài (không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la) để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 36/2018/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, nhà đầu tư bất kể là pháp nhân hay cá nhân đều có thể vay vốn theo hình thức này để thực hiện đầu tư ra nước ngoài. Mức cho vay do nhà đầu tư và tổ chức tín dụng thỏa thuận nhưng không vượt quá 70% vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng. Đây là quy định mới so với quy định cũ, giới hạn mức trần cho vay của các tổ chức tín dụng.

Còn nhiều rủi ro

Tính lũy kế đến nay, Việt Nam có hơn 1.200 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài với tổng số vốn đăng ký trên 22 tỉ đô la.

Dù đầu tư ra nước ngoài đã bắt đầu thu “trái ngọt” khi một số doanh nghiệp đã chuyển lợi nhuận về nước, song số dự án hiệu quả chưa nhiều, thậm chí có doanh nghiệp phải trắng tay về nước và đa số gặp nhiều rủi ro. Theo các chuyên gia, ngoài những nguyên nhân khách quan do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, chính sách pháp luật nước sở tại..., các doanh nghiệp còn gặp rủi ro do chưa thực hiện hết, chưa quan tâm đúng mức trách nhiệm, nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư, thiếu tầm nhìn trung và dài hạn.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp ra nước ngoài kinh doanh nhưng hoạt động còn mang tính tự phát, rất dễ xảy ra tranh chấp. Khi đó, việc xử lý rất khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Trong khi đó, về quản lý nhà nước, hiện chưa có cơ quan có đủ thẩm quyền, điều kiện và năng lực triển khai quản lý, theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài.

Một số doanh nghiệp cho rằng sự tham gia của các cơ quan đại diện nhà nước ở nước ngoài như cơ quan thương vụ chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trong việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư dự án. Có thể nói đây là nguyên nhân căn bản khiến các nhà đầu tư thấy mình lâm vào tình cảnh lạc lõng, đơn lẻ khi phải giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai dự án nơi xứ người.

Vì thế, khi đầu tư ra nước ngoài, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp không chỉ cần nguồn lực, kinh nghiệm mà phải có sự hiểu biết nhất định về pháp luật, văn hóa - xã hội của nước sở tại. Bản thân các doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài cần chủ động tìm hiểu, cập nhật những thay đổi về chính sách đầu tư của các nước, có thái độ hợp tác với nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Ðồng thời, doanh nghiệp cần chủ động nhận diện rõ rủi ro mà mình sẽ phải đối mặt, qua đó có phương án phòng ngừa cụ thể.

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ