Giả thiết 60 tỉ đô la Mỹ và thu nhập của người dân

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, chuyên đề Thị trường vốn - tài chính, ông Alatabani - Chuyên gia trưởng thị trường tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, cho biết nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỉ đô la Mỹ, mà chưa được huy động hết, đây là tiềm năng lớn.
BÙI TRINH
04, Tháng 09, 2018 | 14:06

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, chuyên đề Thị trường vốn - tài chính, ông Alatabani - Chuyên gia trưởng thị trường tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, cho biết nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỉ đô la Mỹ, mà chưa được huy động hết, đây là tiềm năng lớn.

7d99e_lao_dong

 

Không rõ vị chuyên gia này tính toán theo phương pháp nào, từ nguồn số liệu nào để đưa ra con số này. Công bố của ông khiến tôi nhớ lại cách đây vài năm, cũng có người cho rằng đang có 500 tấn vàng trong dân. Như vậy thì số tiền trong dân còn cao hơn tổng tích lũy tài sản (60 tỉ đô la Mỹ so với 58 tỉ đô la Mỹ năm 2017 - theo số liệu của Tổng cục Thống kê - TCTK) và cao gấp 2,3 lần lượng đầu tư của cả khối kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể).

Theo Hệ thống các tài khoản quốc gia (System of National Accounts - SNA) của Liên hiệp quốc, để dành (saving) của một khu vực thể chế (chẳng hạn hộ gia đình) = Tổng thu nhập (bao gồm thu nhập từ sản xuất, thu nhập từ sở hữu, thu nhập từ chuyển nhượng) - chi trả sở hữu, chi chuyển nhượng - tiêu dùng cuối cùng - thuế trực thu. Như vậy, lượng tiền vị chuyên gia nói đến là lượng để dành chăng.

Cũng theo SNA, để dành là nguồn cho đầu tư. Đầu tư = để dành + chuyển nhượng vốn thuần + đi vay - cho vay

Theo số liệu của TCTK, những năm trước đây lượng để dành nhỏ hơn lượng đầu tư nhưng một vài năm gần đây lượng để dành gần tiệm cận với đầu tư. Theo vị chuyên gia nói trên thì lượng tiền khổng lồ được quy ra cái gì đó và được “chôn ở dưới đất” chăng?

Đến nay, theo tôi biết, hiện Việt Nam chưa lập các tài khoản này theo khu vực thể chế, như vậy nguồn số liệu nào làm bằng chứng cho công bố của vị chuyên gia?

Thu nhập của người lao động từ sản xuất (một nhân tố của GDP) được hiểu bao gồm thu nhập bằng tiền và hiện vật của người lao động trong quá trình sản xuất. Hiện nay, hàng năm TCTK không công bố chỉ tiêu này, nhưng dựa vào bảng cân đối liên ngành (input-output table) thì có thể ước tính. Theo đó, nếu tỷ lệ giữa thu nhập từ sản xuất so với tổng thu nhập năm 2012 khoảng 74-75% thì đến năm 2016, tỷ lệ này giảm xuống 53%, phần còn lại là thu nhập kiếm được từ ngoài quá trình sản xuất (47%).

Theo số liệu của TCTK, GDP bình quân đầu người năm 2016 khoảng 2.188 đô la Mỹ, tăng 25% so với năm 2012 (1.755 đô la Mỹ).

Cũng theo số liệu của TCTK, tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2016 khoảng 1.648 đô la Mỹ. Chiếu theo tỷ lệ ước tính trên, có nghĩa là khoản thu nhập bình quân đầu người từ sản xuất là 870 đô la Mỹ, còn khoản thu nhập bình quân đầu người từ ngoài sản xuất (từ sở hữu và từ chuyển nhượng) là 778 đô la Mỹ.

Một điều trớ trêu là trong khi GDP bình quân đầu người năm 2016 tăng 25% so với năm 2012 thì thu nhập từ sản xuất bình quân của người lao động chỉ tăng 1,2% (khoảng 870 đô la Mỹ năm 2016 so với 860 đô la Mỹ năm 2012).

Như vậy, phần thặng dư bình quân tăng rất cao là do nền kinh tế phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), từ khâu sản xuất, lưu thông và phân phối lại. Do đó, việc thặng dư tăng cao về thực chất không có ích gì nhiều cho Việt Nam mà chỉ có lợi cho nước ngoài.

Như vậy, cũng có thể thấy GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người là hoàn toàn khác nhau. Nếu có thành phần kinh tế nào có thặng dư và để dành thì chắc đó chỉ là khu vực FDI mà thôi.

Ngoài ra, số liệu từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy thu nhập từ sản xuất bình quân toàn nền kinh tế chỉ bằng khoảng 94% tiêu dùng cuối cùng. Nếu trừ đi chi phí bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn, tỷ lệ này xuống dưới 90% tiêu dùng cuối cùng. Như vậy, về bình quân, người dân Việt Nam làm không đủ tiêu dùng.

Số liệu của TCTK cũng cho thấy khoảng cách giữa thu nhập bình quân đầu người từ sản xuất và tổng thu nhập bình quân đầu người ngày càng bị nới rộng. Điều này phần nào do lượng kiều hối những năm gần đây chuyển về Việt Nam khá lớn.

Với số liệu của TCTK năm 2012 về tổng thu nhập bình quân đầu người khoảng 2 triệu đồng/tháng thì tổng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2016 khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khiêm tốn, rất khó khăn cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn - nơi tổng thu nhập bình quân đầu người/tháng trong năm 2016 chỉ là 2,4 triệu đồng - thấp hơn mức bình quân cả nước, trong khi 66% dân số là ở nông thôn. Đó là chưa kể đến tình trạng phân hóa giàu nghèo, làm cho khoảng cách thu nhập giữa 20% người nghèo nhất và 20% người giàu nhất lên tới gần 10 lần và đang tăng lên.

Tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình từ năm 2010-2017 và sáu tháng đầu năm 2018 luôn ổn định ở mức 70-72% GDP. Như vậy có thể thấy mức tiêu dùng bình quân đầu người/ tháng cao hơn mức thu nhập từ sản xuất trên 7%. 

Từ những con số này, có thể thấy đa số người dân không những không có để dành mà còn phải đi vay một phần để tiêu dùng. Đây là tín hiệu khá nguy hiểm! Không những thế, nó còn cho thấy việc GDP tăng cao hầu như không có ý nghĩa với người dân. Tuy mức tổng thu nhập của dân cư (bao gồm từ sở hữu và chuyển nhượng) hàng tháng vẫn cao hơn mức chi tiêu khoảng 500.000 đồng nhưng lại chưa bao gồm rất nhiều khoản lạm thu của chính quyền địa phương từ những khoản “đóng góp” gần như bắt buộc, nên phần còn lại (để dành) của khu vực hộ gia đình chỉ còn khoảng 30.000 tỉ đồng, tương đương 1,2-1,5 tỉ đô la Mỹ (tính theo năm 2016). Như vậy, tuy lượng kiều hối đổ vào Việt Nam mấy năm gần đây trên dưới 10 tỉ đô la Mỹ nhưng lượng tiền có thể đưa vào đầu tư chỉ khoảng 1,2-1,5 tỉ đô la Mỹ/giai đoạn 2016-2018.

Hiện nay, ở Việt Nam, số liệu về vốn (capital stock, cộng dồn các khoản đầu tư trừ phần khấu hao) cũng chưa tính (thống kê) được. Nếu con số 60 tỉ đô la Mỹ tiền trong dân mà vị chuyên gia nói trên đề cập là số cộng dồn thì thời điểm hình thành nên 60 tỉ đô la Mỹ này là thời điểm nào, việc cộng dồn tiền để dành bắt đầu từ khi nào? Thật ra, con số 60 tỉ đô la Mỹ tiền trong dân nói trên dù là cộng dồn hay trong năm (chuyên gia không nói) thì đều là võ đoán. Ở Việt Nam, đưa ra con số kiểu này là nhạy cảm không chỉ với các nhà làm chính sách mà cả với người dân. Khi đưa ra con số kiểu này cần đi kèm phương pháp tính toán và nguồn số liệu tường minh.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ