[Gặp gỡ thứ Tư] 'TP.HCM cần gói hỗ trợ gần 22.300 tỷ đồng để phục hồi lại kinh tế'

Nhàđầutư
Song song với các chính sách từ Trung ương, để phục hồi lại kinh tế, TP.HCM cần các gói hỗ trợ đủ lớn, nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM đề xuất gói hỗ trợ khoảng 22.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,7% GRDP.
NGUYÊN VŨ
08, Tháng 09, 2021 | 06:39

Nhàđầutư
Song song với các chính sách từ Trung ương, để phục hồi lại kinh tế, TP.HCM cần các gói hỗ trợ đủ lớn, nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM đề xuất gói hỗ trợ khoảng 22.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,7% GRDP.

Theo nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, tình hình kinh tế thành phố xấu đi rất nhiều trong tháng 8, doanh số thương mại dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp giảm sâu 22,4% so với tháng 7, đặc biệt là ở sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, dệt, sản xuất da. 

Trong khi đó, xuất nhập khẩu của thành phố giảm mạnh từng ngày. Chỉ sau 2 tuần đầu tháng 8, doanh số xuất  khẩu đã giảm đến 24,2%, nhập khẩu giảm 11,7%, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm 3.860 tỷ đồng, chỉ còn bằng với 2/3 so với 2 tuần cuối tháng 7.

Vì vậy, nếu không có sự can thiệp kịp thời của Nhà nước, tỷ lệ thất nghiệp của TP.HCM và khu vực phía Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đồng thời, tốc độ phục hồi kinh tế của thành phố sẽ phụ thuộc lớn vào tốc độ, quy mô của động lực hỗ trợ từ Chính phủ.

Xoay quanh vấn đề này, Nhadautu.vn có cuộc trao đổi với TS. Phạm Thị Thanh Xuân, Trung tâm nghiên cứu Kinh tế tài chính CEFR Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc Gia TP.HCM thành viên trong nhóm nghiên cứu "Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn COVID-19 lần 4" để hiểu rõ về những chính sách cụ thể mà các chuyên gia đã đề xuất.

Ts-pham-thi-thanh-xuan

TS. Phạm Thị Thanh Xuân thành viên trong nhóm nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn COVID-19 lần 4”. Ảnh: NVCC

Đợt dịch thứ 4 kéo dài khiến nền kinh tế lớn nhất cả nước rơi vào trạng thái ngưng trệ. Trung ương, TP.HCM đã có nhiều quyết sách để vừa hoạt động sản xuất kinh doanh vừa chống dịch thế nhưng người dân, doanh nghiệp dường như đã quá sức chịu đựng và gặp "khó" khi giãn cách xã hội. Vậy theo bà để kinh tế TP.HCM dần mở cửa trở lại cần những yếu tố cụ thể như thế nào?

TS Phạm Thị Thanh Xuân: Trong nghiên cứu "Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn COVID-19 lần 4", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh đến các gói hỗ trợ cần thực hiện nhằm kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM.

Hiện nay, nền kinh tế TP.HCM chịu tổn thất lớn từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Tuy vậy, nội lực của nền kinh tế thành phố là rất tốt, nên khả năng phục hồi sẽ rất nhanh nếu có đủ sự hỗ trợ.

Sự năng động của nền kinh tế đang bị nén lại trong thời gian qua, nếu được hỗ trợ, tháo gỡ, sẽ bật trở lại mạnh mẽ. Ngược lại, nếu không hỗ trợ kịp thời thì nguy cơ thành phố rơi vào vòng xoáy của thất nghiệp gia tăng, lạm phát leo thang và lún vào bẫy suy thoái.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã nêu ra các yếu tố cần nhằm kiến tạo động lực phục hồi kinh tế thành phố, có ưu tiên theo từng giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn đầu, để hỗ trợ ổn định và tái thiết kinh tế, cần ưu tiên đảm bảo an sinh và sinh kế, đây là giai đoạn quan trọng tạo bước đệm cho giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn phục hồi nền kinh tế, cần tác động mạnh mẽ lên 3 yếu tố: Kích cầu tiêu dùng, lao động và vốn. Giai đoạn tạo sự đột phá cần tập trung vào yếu tố công nghệ.

Trung ương và TP.HCM cần có những chính sách hỗ trợ về kinh tế, an sinh xã hội ra sao để nền kinh tế phục hồi trở lại trạng thái bình thường mới?

TS Phạm Thị Thanh Xuân: Trên cơ sở nghiên cứu, tôi và các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu ước tính và đề xuất các gói hỗ trợ tương ứng đối với thành phố như: Gói hỗ trợ an sinh cho người dân; gói hỗ trợ giáo dục cho học sinh sinh viên; gói hỗ trợ tiểu thương và hộ kinh doanh; gói hỗ trợ doanh nghiệp và một số gói kích cầu đầu tư theo từng đề án cụ thể.

Trong đó, gói hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể là chuyển đổi việc làm cho người lao động và gói hỗ trợ doanh nghiệp tái tạo việc làm cho người lao động. Các gói này hướng đến mục tiêu giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc/nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại TP.HCM sau khi đã về quê trong giai đoạn giãn cách.

Gói kích thích số giúp mọi thành viên trong nền kinh tế bắt kịp tốc độ phát triển theo cấp số nhân của công nghệ, đang diễn ra mạnh mẽ và cấp thiết trên toàn thế giới.

Ngoài các gói nêu trên, còn có các kiến nghị ở phạm vi quốc gia do Chính phủ và Quốc hội xem xét. Đặc biệt là gói kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ vốn ngắn hạn thông qua giảm thuế suất thuế VAT cho người tiêu dùng và gia hạn thời gian nộp thuế VAT cho doanh nghiệp.

Đề đạt được kết quả như dự kiến thì quy mô hỗ trợ phải đủ lớn, cơ chế thực thi thống nhất và ổn định. Cụ thể, TP.HCM cần phải kiến tạo thêm gói hỗ trợ riêng từ 22.291 tỷ đồng tỷ đồng tương đương 1,7% GRDP.

Đối với cả nước, nhóm nghiên cứu ước tính và đề xuất gói hỗ trợ của Chính phủ tối đa 250.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4% GDP. Đây là mức khả thi với quy mô, nội lực của kinh tế Việt Nam.

Các chính sách hỗ trợ cần hướng đến mục tiêu cụ thể ra sao?

Phạm Thị Thanh Xuân: Nghiên cứu của nhóm nhận định, các chính sách hỗ trợ cần hướng đến các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp gặp tổn thương nghiêm trọng; hỗ trợ dài hạn cho hộ gia đình có trẻ em trong độ tuổi đi học gặp tổn thương đặc biệt nghiêm trọng; gia tăng khả năng có việc làm, tự ổn định thu nhập của đối tượng yếu thế.

Về sản xuất kinh doanh, chính sách hỗ trợ cần khắc phục hậu quả đứt gãy sản xuất, ổn định chuỗi cung ứng, tăng tính liên kết vùng; hỗ trợ thanh khoản, nợ vay có chi phí thấp; chia sẻ gánh nặng chi phí của doanh nghiệp; hạn chế sa thải lao động; kích cầu, kích đầu tư, ổn định và phát triển thị trường; gia tăng khả năng tự phục hồi của tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp.

Còn về ngân sách nhà nước, các chính sách cần kiến tạo nguồn ngân sách kịp thời để đẩy nhanh đầu tư công và triển khai kịp thời các gói hỗ trợ có quy mô đủ lớn; giữ ổn định nhịp tăng trưởng, góp phần cân đối ngân sách theo hướng tích cực trong năm 2022.

TP.HCM có vai trò và vị trí quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước. Vì vậy, sự hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách Trung ương đóng vai trò then chốt, bao gồm cả các hỗ trợ tức thời trong ngắn hạn và các hỗ trợ mang tính cấu trúc khi kết thúc giãn cách và tiếp tục kéo dài trong trung hạn.

Từ nay đến cuối năm, TP.HCM cần có những kịch bản hồi phục kinh tế như thế nào trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, thưa bà?

TS Phạm Thị Thanh Xuân: Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM đưa ra 3 kịch bản ước tính triển vọng kinh tế thành phố.

Kịch bản 1 là kịch bản được các chuyên gia kỳ vọng, thành phố cơ bản kiểm soát dịch bệnh đến 15/9 và có 2 tuần đệm trước khi thiết lập trạng thái "bình thường mới" kể từ tháng 10/2021. Theo đó, uớc tính GRDP 2021 theo giá hiện hành năm 2021 giảm khoảng 1,74% so với năm 2020.

Kịch bản 2 sẽ xấu hơn khi dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 9/2021, trạng thái "bình  thường mới" được thiết lập trong khoảng cuối tháng 10. Các tổn thương kinh tế hết sức nghiêm trọng, lúc này, ước tính GRDP 2021 của thành phố giảm sâu khoảng 13,48% so với năm 2020. Nền kinh tế thành phố rất dễ rơi vào vòng xoáy suy thoái.

Cuối cùng là kịch bản tốt khi diễn biến dịch bệnh tại thành phố được kiểm soát tốt hơn giả thuyết ở kịch bản 1, đi kèm với sự chuẩn bị đầy đủ và chu đáo cho việc kết thúc giãn cách, tái khởi động các hoạt động ngay từ 15/9. Ước tính GRDP thành phố sẽ suy giảm khoảng 0,85% so với năm 2020.

Nhóm nghiên cứu nhận định rằng, kịch bản kỳ vọng ở TP.HCM chỉ có thể đạt được với điều kiện thực hiện đồng bộ và nhất quán các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế mà nhóm đã đề xuất, gồm đảm bảo an sinh, giáo dục, tái tạo việc làm, kích cầu tiêu dùng và kích thích đầu tư trở lại từ khu vực tư nhân. đồng thời các giả pháp kinh tế phải gắn đồng bộ với các chính sách khác như y tế, phòng chống dịch, tiêm vaccine … để đạt được sự hiệu quả thống nhất xuyên suốt.

Xin cảm ơn bà!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ