Đại bàng không chỉ cần... cái ổ

Câu chuyện nhiều tỉnh thành quy hoạch mở rộng và lập thêm khu công nghiệp mới để đón làn sóng ĐTNN chảy vào Việt Nam trong giai đoạn tới là cần thiết. Tuy nhiên, việc chỉ lo "lót ổ" không là chưa đủ mà các "đại bàng" cần nhiều yếu tố khác mà lâu nay họ đã đặt ra nhưng vẫn chưa được giải quyết.
HÙNG LÊ
16, Tháng 03, 2021 | 14:26

Câu chuyện nhiều tỉnh thành quy hoạch mở rộng và lập thêm khu công nghiệp mới để đón làn sóng ĐTNN chảy vào Việt Nam trong giai đoạn tới là cần thiết. Tuy nhiên, việc chỉ lo "lót ổ" không là chưa đủ mà các "đại bàng" cần nhiều yếu tố khác mà lâu nay họ đã đặt ra nhưng vẫn chưa được giải quyết.

5453e_kcn_vinh_phuc

Một góc khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: Mạnh Cường.

"Đại bàng" đang đến?

Thời gian qua, giới quan sát đã chú ý với nhiều đồn đoán quanh thông tin Foxconn – một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại lớn hàng đầu thế giới, chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple - chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính đến Việt Nam.

Và điều này đã trở thành hiện thực với sự kiện ngày 18/1 vừa qua, Foxconn đã đón giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất máy tính trị giá 270 triệu đô la Mỹ tại tỉnh Bắc Giang. Dự án sẽ được thực hiện trên khu đất rộng 22 ha tại khu công nghiệp Quang Châu với quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm.

Số vốn đăng ký và công suất sản xuất nói trên không phải là quá lớn nhưng nếu xét tới việc lâu nay toàn bộ dòng sản phẩm máy tính bảng iPad của Apple chỉ được lắp ráp tại Trung Quốc thì dự án này đã mang lại kỳ vọng về việc Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn.

Việc Foxconn chuyển hoạt động lắp ráp iPad sang Việt Nam (nếu có) sẽ là một cột mốc đáng nhớ của Việt Nam khi trở thành nước thứ hai lắp ráp iPad. Điều này khá trùng hợp khi mà truyền thông thế giới liên tục đưa tin rằng Chính phủ Mỹ thường khuyến khích doanh nghiệp xứ cờ hoa chuyển bớt cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Và không ngẫu nhiên mà vào cuối tháng 1 vừa qua, Tập đoàn Intel của Mỹ cũng đón giấy chứng nhận điều chỉnh bổ sung thêm 475 triệu đô la vào Intel Products Việt Nam (IPV), nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu.

Khoản đầu tư bổ sung trị giá 475 triệu đô la Mỹ từ Intel giúp tăng cường sản xuất các sản phẩm 5G của Intel, bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10, nâng tổng vốn đầu tư Intel ở Việt Nam lên hơn 1,5 tỉ đô la.

Hay nhà sản xuất thiết bị điện không dây dùng ngoài trời Techtronic Industries Co. Ltd. (TTI), đang phát triển dự án nhà máy 650 triệu đô la Mỹ ở Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP). Dự án sản xuất phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng này khi đi vào hoạt động sẽ mang về doanh thu hàng tỉ đô la xuất khẩu.

Một cường quốc về công nghệ khác là Nhật Bản với hàng loạt thương hiệu lớn cũng đã và đang tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam. Chẳng hạn, năm 2020 Panasonic đã chấm dứt sản xuất máy giặt và tủ lạnh ở Thái Lan để hợp nhất lắp ráp thiết bị tại Việt Nam. Một trong các lý do là nguồn lao động giá rẻ và tiềm năng tăng trưởng vẫn còn lớn. Đáng chú ý, theo giới phân tích, Việt Nam được coi là một lựa chọn khả thi sau Trung Quốc kể từ khi mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung bắt đầu leo thang và dịch COVID-19 lan rộng. Ngày càng có nhiều công ty quốc tế cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư.

Xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các "đại bàng" công nghệ đến đầu tư, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao từ các nước trong khu vực tới Việt Nam ngày càng rõ hơn.

Cần phát triển đồng bộ và bền vững!

Sự xuất hiện của các tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam cũng cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đang tốt lên.

Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút các dự án FDI có chất lượng vào Việt Nam khi Bộ Chính trị năm 2019 đã ban hành Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó xác định chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Cùng với mục tiêu đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp thu hút FDI từ châu Âu (EU), Mỹ... với chất lượng dòng vốn cao hơn, bảo vệ và thân thiện hơn với môi trường.

Và việc các địa phương đang mở rộng và thành lập mới KCN để đón đầu cơ hội này được xem là phù hợp và dễ hiểu. Mở rộng quỹ đất bất động sản công nghiệp là yếu tố cần để đón làn sóng FDI đổ bộ vào Việt Nam trong giai đoạn tới, tuy nhiên, theo giới phân tích chỉ bao nhiêu đó là chưa đủ, vẫn còn nhiều điều mà đất nước, các địa phương cũng như các nhà phát triển hạ tầng cần phải lưu ý và tiếp tục cải thiện hơn nữa.

Ví dụ lĩnh vực bất động sản công nghiệp trong nước trong con mắt giới đầu tư quốc tế vẫn còn nhiều điểm trừ và chưa đáp ứng điều kiện với họ đặt ra. Bởi lẽ bất động sản công nghiệp Việt Nam còn thiếu sự đồng bộ giữa nơi sản xuất, nơi ở, nơi vui chơi giải trí, giáo dục… Đa số các chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN chỉ đơn thuần tạo ra nơi sản xuất, còn công nhân và chuyên gia ở đâu, chơi đâu… chưa được quan tâm.

Theo giới phân tích và đại diện những doanh nghiệp hoạt động trong ngành, cần sớm có quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp hạ tầng. Tức là, cần đặt ra tiêu chuẩn cao cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN, rồi mới xem xét, cấp phép cho dự án.

Bên cạnh đó, trong xu thế phát triển bền vững, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia khi đưa ra quyết định đầu tư thì luôn ưu tiên chọn lựa những địa điểm có KCN sinh thái để xây dựng nhà xưởng sản xuất. Điểm đến không chỉ có cơ sở hạ tầng đạt yêu cầu mà còn phải đáp ứng việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, năng lượng xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.Trên thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển hạ tầng KCN có năng lực tài chính hạn chế, nên khó có thể đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu như cấp nước, xử lý chất thải, giao thông, nhà ở, khu vui chơi giải trí cho người lao động…

Trong một hội thảo liên quan đến vấn đề này vào tháng 11 năm ngoái, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc các khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng), cho rằng việc phát triển theo mô hình KCN sinh thái không còn mang tính chất khuyến khích mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các công ty phát triển hạ tầng, nếu họ muốn thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng, và có thương hiệu tốt.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện vẫn chưa có KCN nào đạt tiêu chí mô hình KCN sinh thái mà chỉ có một vài KCN đang trong giai đoạn xây dựng theo tiêu chí này, nhưng thời gian đạt được còn khá dài và đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ cấp Trung ương đến địa phương và đặc biệt là sự tham gia, phối hợp hơn nữa của các doanh nghiệp.

Khóc mãi với công nghiệp hỗ trợ!

Một vấn đề hạn chế khác mà theo Economist Intelligence Unit (EIU) đây là bất lợi lớn nhất của Việt Nam đó là thiếu liên kết trong chuỗi cung ứng địa phương và lao động có trình độ cao cho các ngành sản xuất tiên tiến.

Trên thực tế, dù nguồn vốn FDI có đang dịch chuyển từ Trung Quốc đến Việt Nam thì khả năng tiếp nhận của Việt Nam được cho là cũng không nhiều bởi lẽ ngành công nghiệp hỗ trợ còn yếu. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa cho thấy cơ hội trên thực tế là rất ít so với kỳ vọng hay dự báo.

Việc chuyển sản xuất hay mua hàng sang quốc gia thứ 3 ngoài Trung Quốc đã được các công ty trong mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm từ vài năm qua. Tuy nhiên những người đứng đầu trong các hiệp hội, hội ngành nghề cũng thừa nhận là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu và gần như không đáp ứng được các yêu cầu để đáp ứng việc chuyển giao.

Quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ (trung bình là dưới 200 người lao động, máy móc ít, có vài dây chuyền, trình độ quản lý dừng ở mức này), nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Chưa kể việc số doanh nghiệp Việt Nam đạt chất lượng rất ít, ngay cả bài toán giá cũng là điều không thể cạnh tranh nếu dựa trên quy mô doanh nghiệp.

Một khảo sát về thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2020 vừa được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố vào tháng 2 vừa qua cũng cho thấy rằng doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn mở rộng thu mua linh kiện, vật liệu tại chỗ. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ thu mua tại chỗ tại Việt Nam đối với doanh nghiệp xứ hoa anh đào là 37%. “Tỷ lệ thu mua tại chỗ của Việt Nam tăng dần từ năm 2010, nhưng sự tăng trưởng đó còn chậm. Những năm gần đây mặc dù ngang hàng với Malaysia, nhưng so sánh với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì vẫn ở mức thấp”, đại diện JETRO ở TPHCM cho biết.

Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, phần lớn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước có quy mô nhỏ, khả năng cung ứng hàng loạt thấp, việc kiểm soát chi phí sản xuất chưa cao... Dẫn đến việc nắm bắt ngay cơ hội chuyển dịch đơn hàng đối với các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng không phải dễ dàng.

Theo đó, để thu hút các nhà đầu tư mới và doanh nghiệp cũ mở rộng đầu tư, Việt Nam cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện nhanh khả năng cung ứng nội địa. Để cải thiện việc này, theo giới phân tích, chính bản thân doanh nghiệp phải quyết tâm nỗ lực và cần thay đổi tư duy quản trị, cộng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng và sự đồng hành hỗ trợ của nhà sản xuất (đơn vị mua hàng) thì mới có khả năng cải thiện được phần nào.

Mặt khác, thời gian qua cho thấy một số các tỉnh, thành, địa phương có tình trạng nhà đầu tư “xí phần” rồi bỏ hoang, gây lãng phí đất đai sản xuất nông nghiệp.

Các chuyên gia của Savills cũng lưu ý để thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp, hỗ trợ các dự án ngách, ví dụ: khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp.

Tại Hội thảo báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất, KCN và khu kinh tế diễn ra vào tháng 11/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, cũng cho rằng việc phát triển KCN, khu kinh tế thời gian vừa qua cũng bộc lộ một số hạn chế.

Tại một số nơi quy hoạch và phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường; việc tập trung các KCN tại một số địa phương, tuyến quốc lộ gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực xung quanh KCN; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất tại KCN, khu kinh tế còn chưa cao.

Bên cạnh đó, KCN và khu kinh tế phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài KCN, khu kinh tế còn thấp so với nhu cầu.

(Theo Saigontimes)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ