Chuyên gia, người dân phản ứng với đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước ở TP.HCM

Nhàđầutư
Việc đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước của Sở Xây dựng TP.HCM vấp phải sự phản ứng của các chuyên gia, người dân. Trong đó, đa số đều không đồng tình với đề xuất này, do vẫn còn tồn tại nhiều bất cập chưa phù hợp với thực tế.
LÝ TUẤN
27, Tháng 08, 2020 | 13:58

Nhàđầutư
Việc đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước của Sở Xây dựng TP.HCM vấp phải sự phản ứng của các chuyên gia, người dân. Trong đó, đa số đều không đồng tình với đề xuất này, do vẫn còn tồn tại nhiều bất cập chưa phù hợp với thực tế.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP.HCM nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các tác động và tính khả thi của đề xuất thu phí thoát nước. Đồng thời có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án chống ngập của thành phố sau khi báo chí phản ánh giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đầu tư hơn 1 tỷ USD cho chống ngập nhưng đến nay hiệu quả các dự án vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Cùng với đó, việc TP.HCM đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước 1.430 đồng/m3 từ nay đến năm 2024, tăng trung bình 5%/năm gây nhiều tranh cãi về cơ sở pháp lý, tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm triển khai.

Đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước lấy cơ sở nào?

Trao đổi với Nhadautu.vn về vấn đề này, TS. Lê Bá Chí Nhân (chuyên gia kinh tế) đặt vấn đề, việc đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước được lấy từ cơ sở, yếu tố nào?. Về nguyên tắc, người dân đã đóng thuế rất rõ ràng, điển hình là thuế môi trường.

"Tôi lấy một ví dụ ở việc đổ xăng xe, thì trong đó sẽ có phí độc hại, phí sửa chửa cầu đường, theo đó, những phí này sẽ được cộng thêm vào số tiền đổ xăng. Từ đó, phí này dùng vào việc làm đường xá, tu sửa…", vị chuyên gia phân tích.

1_31706-1653-0341

Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Bá Chí Nhân 

Theo TS. Lê Bá Chí Nhân, trường hợp để thu phí thoát nước, phải giải quyết được các nguyên nhân: Thứ nhất là việc xả rác, bởi vì xả rác ảnh hưởng đến việc ngập nước (do rác thải nhiều che lấp các cống thoát nước), về vấn đề này cơ bản nhà nước, chính quyền đã có chỉ thị, vứt rác thế nào là đúng quy định và không đúng quy định. Tuy nhiên, xử phạt như thế nào, xử phạt ai thì vẫn chưa được làm rõ.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng hiện chưa được đồng bộ, bởi việc quy hoạch các khu vực xây dựng căn hộ, khu dân cư không tương đồng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Ví dụ, uớc lượng với 1.000 căn hộ thì sẽ có 4.000 hộ dân sinh sống, vậy việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cụ thể là hệ thống thoát nước thì khi số người dân này xả nước, xả thải có được tính toán đồng bộ với việc số lượng nước này sẽ rút ở đâu và xử lý như thế nào?. Vậy, trách nhiệm này thuộc về chính quyền, chủ đầu tư.

“Do đó, TP.HCM cần có sự tính toán hợp lý, bởi nhiều công trình xử lý nước thải, chống ngập… đã được đầu tư như đến nay vẫn chưa hoàn thành. Những vấn đề từ việc quy hoạch kiến trúc đến các cơ sở hạ tầng… cần phải được xem xét lại, đặc biệt là từ khâu cấp phép, liệu Sở Xây dựng đã cấp phép cho các công trình này đúng hay chưa?”, TS. Lê Bá Chí Nhân nêu.

Mặt khác, vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần xác định được nguyên nhân vì sao ngập nước, hiện nay nước không thoát được là vì hầu hết các kênh rạch đều được lắp đặt nhưng việc khơi thông dòng nước hay chứa nước đều không hiệu quả. Qua đó, việc đề xuất thu phí dịch thoát nước cần phải cẩn trọng nghiên cứu, nên lấy ý kiến của người dân, ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành, có cơ sở khoa học thì việc áp dụng mới có tính thực tiển, phù hợp với người dân, doang nghiệp...

“Trên quan điểm của một chuyên gia kinh tế, tôi không đồng tình trước đề xuất này của Sở Xây dựng. Bởi, những đề xuất phải dựa trên cơ sở khoa học, dựa vào các nghiên cứu báo cáo khả thi cũng như sự đồng thuận của dân thì lúc đó mới được áp dụng”, TS. Lê Bá Chí Nhân nói.

Chưa nên áp dụng việc thu phí

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) nhìn nhận, trong hơn 20 năm qua, các dự án nhà ở thương mại, cả nhà thấp tầng và nhà chung cư đều phải xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định và bàn giao tài sản này cho cơ quan chuyên ngành quản lý vận hành.

“Nhưng hiện nay, có một số dự án chưa bàn giao được công trình xử lý nước thải sinh hoạt cho cơ quan chuyên ngành, nên người dân trong các dự án này đã phải trả chi phí xử lý nước thải đến hai lần. Trong đó, một lần, trả chi phí cho chủ đầu tư để vận hành trạm xử lý nước thải; một lần, đóng phí bảo vệ môi trường thông qua trả tiền nước sạch”, ông Châu phân tích.

Theo ông Châu, tại TP.HCM, kể từ năm 2016, người sử dụng nước sạch cũng đã nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tính bằng 10% trên giá nước sạch, theo quyết định số 24/2016/QĐ-UBND của UBND TP.HCM, thể hiện trách nhiệm của người sử dụng nước sạch, khi xả nước thải thì phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo vệ môi trường, góp phần bổ sung nguồn ngân sách nhà nước về xử lý nước thải.

“Mặt khác, trong tình hình đại dịch COVID-19 còn đang diễn biến khó lường, đa số người dân bị tác động rất lớn, một bộ phận bị thiếu việc làm, bị thất nghiệp, bị giảm thu nhập, thậm chí bị mất thu nhập, phải chi tiêu dè sẻn, nên việc đề xuất tăng thu phí xử lý nước thải trong năm nay chưa thật phù hợp”, Chủ tịch HoREA nhận định.

Qua đó, người đứng đầu HoREA đề nghị UBND TP.HCM cần xem xét, chưa nên áp dụng giá dịch vụ thoát nước, bao gồm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong năm 2020 theo đề xuất của Sở Xây dựng, mà nên giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019, để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình trong tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay. 

img-1488-1431528698988

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA).

Đồng thời, Sở Xây dựng TP.HCM, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố, hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở hoàn thành các thủ tục kiểm tra nghiệm thu đạt chuẩn, để được bàn giao công trình xử lý nước thải của dự án, để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình trong các dự án này.

Liên quan đến vấn đề này, Nhadautu.vn cũng đã lấy ý kiến nhận định của nhiều hộ dân trên địa bàn TP.HCM trước đề xuất thu phí thoát nước của Sở Xây dựng thì đa số đều không đồng tình.

Ông N.V.D ngụ phường 22, quận Bình Thạnh (một người dân sống tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những khu vực được xem là "rốn ngập" ở TP.HCM) bày tỏ, đề xuất này nếu được đưa ra là không hợp lý, bởi trách nhiệm của chính quyền thành phố đối với các công trình phục vụ dân sinh như các dự án kênh rạch, cống thoát nước, xử lý rác thải đến nay vẫn chưa hoàn thành, trước sự kỳ vọng của người dân. Trong khi, thời gian qua người dân, doanh nghiệp đóng đủ bao nhiêu thứ thuế để phục vụ cho việc xây dựng các công trình này.

Ông N.V.D dẫn chứng, tại đường Nguyễn Hữu Cảnh cứ mỗi khi trời mưa xuống là ngập dù mưa lớn hay mưa nhỏ, thậm chí có chổ còn ngập đến ngực, đến cổ, lý do là vì hạ tầng ở đây chưa đảm bảo, nhiều đoạn đường sau khi thi công đưa vào sử dụng không lâu lại bị sụt lún rồi lại ngập, vậy trách nhiệm này thuộc về ai?

"Chưa kể, thông tin về việc đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước chỉ được chúng tôi biết thông qua tin tức báo chí, truyền thông chứ chính quyền địa phương đến nay vẫn chưa có thông báo hay lấy ý kiến gì từ người dân về việc này", ông N.V.D nói.

Tương tự, ông Hoàng Thông, ngụ tại đường Hoàng Ngân, phường 16, quận 8 (khu vực vừa ngập do mưa lớn và triều cường dâng) cũng không đồng tình với việc thu phí dịch vụ thoát nước.

Theo ông Thông, việc phải đóng một khoản chi phí phát sinh, cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những đối tượng là hộ nghèo, người lao động có thu nhập thấp... nhất là thời điểm hiện tại trước tác động của dịch COVID-19, nhiều người dân đã bị thất nghiệp, đang phải gồng mình để chi trả những chi phí khác như điện, nước.... Do đó, các cơ quan chức năng cần cân nhắc và đưa ra những đề xuất phù hợp cho những đối tượng này trước khi áp dụng.

Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM đã có đề xuất trong tờ trình về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước ở TP.HCM giai đoạn 2020-2024 sau khi lấy ý kiến nhiều sở ngành liên quan và gửi UBND thành phố.

Tại đề xuất, Sở Xây dựng, so sánh mức giá thu dịch vụ thoát nước của Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội... (đang đề xuất thu trong năm 2020 với mức 1.895-2.645 đồng mỗi m3 )..., Sở Xây dựng cho rằng mức thu của thành phố tương đối thấp so với các tỉnh thành trực thuộc Trung ương.

Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Sở Tài chính, Sở Xây dựng đã dự thảo quyết định ban hành giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2024 với các nội dung chính.

Quyết định ban hành giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2024.

Dự thảo áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước, có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan).

Hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

Theo đó, nếu đề xuất này được chấp thuận, giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả cho mỗi m3 trong năm 2020 là 11.029 đồng; năm 2021 là 12.198 đồng và năm 2024 là 16.344 đồng (chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng).

Đồng thời, nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại 1% trên tổng số thu thực tế để chi trả chi phí dịch vụ đi thu; thực hiện các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có), phần còn lại nộp vào ngân sách Nhà nước để sử dụng cho các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí hợp lệ khác theo quy định hiện hành.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ