CEO Saigon Food: “Tôi làm đúng, làm sạch và bán đúng giá”

"Tôi vui vì nhiều người tưởng Saigon Food là của tôi, dù cổ phiếu của mình rất ít. Làm thuê với tinh thần làm chủ, nên thương hiệu cá nhân đã gắn liền với thương hiệu doanh nghiệp", bà Lê Thị Thanh Lâm - CEO Saigon Food chia sẻ.
KIM TUYẾN
17, Tháng 06, 2017 | 14:53

"Tôi vui vì nhiều người tưởng Saigon Food là của tôi, dù cổ phiếu của mình rất ít. Làm thuê với tinh thần làm chủ, nên thương hiệu cá nhân đã gắn liền với thương hiệu doanh nghiệp", bà Lê Thị Thanh Lâm - CEO Saigon Food chia sẻ.

thanh lam

Bà Lê Thị Thanh Lâm - CEO Saigon Food. 

Sau một thời gian dài chuẩn bị, cửa hàng 7-Eleven đầu tiên đã xuất hiện tại Việt Nam vào ngày 15/6/2017.

Theo kế hoạch, nhà bán lẻ Nhật Bản với tiềm lực mạnh này đặt mục tiêu 100 cửa hàng cho 3 năm, và đánh dấu 10 năm hoạt động với 1.000 của hàng trên toàn quốc.

Vượt qua nhiều đố thủ nặng ký, Saigon Food đã lọt vào “mắt xanh” của 7-Eleven, và trở thành nhà cung cấp thức ăn nhanh đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất về giá và chất lượng sản phẩm.

Bà có thể cho biết những điểm mạnh cốt lõi nào của Saigon Food đã chinh phục được nhà bán lẻ hàng đầu thế giới 7-Eleven?

Thực ra câu chuyện này đã kéo dài cả năm nay rồi. Để lọt vào tầm ngắm của họ rất khó, nhiều doanh nghiệp được tiến cử, nhưng sau đó họ quyết định chọn Saigon Food vì chúng tôi có lợi thế xuất khẩu 100% đi thị trường Nhật. 7-Eleven cũng là một doanh nghiệp Nhật, mình rất hiểu cách kinh doanh và nhu cầu của họ.

Hơn nữa, Saigon Food cũng đang xây dựng nhà máy mới, tháng 8 này sẽ đi vào hoạt động, nên mọi thứ đều sẵn sàng cho một cung cách sản xuất mới. Bên cạnh đó, Saigon Food có thế mạnh là đầu tư A&D chuyên nghiệp và dài hơi từ nhiều năm nay, để phát triển sản phẩm mới liên tục phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Thực sự đáp ứng yêu cầu chất lượng khắt khe của 7-Eleven trong quá trình bảo quản từ 48-60 giờ với nhiều chủng loại mới, nếu không có đội ngũ A&D mạnh thì không thể hoàn thiện được đợt giao hàng đầu tiên với 50 sản phẩm. Tiếp theo đó, phải có một ngân hàng sản phẩm để cung cấp mới liên tục.

Để đáp ứng kế hoạch của 7-Eleven từ nay đến cuối năm là 20 cửa hàng, làm thế nào Saigon Food bảo đảm được nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định?

Để cung cấp sản phẩm tươi, hạn sử dụng ngắn như vậy, bên cạnh nghiên cứu sản phẩm mới, phải truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, trong đó có nông sản là thách thức lớn nhất.

Thực sự lâu nay sản phẩm đông lạnh của Saigon Food chủ yếu là hải sản, sau này làm thêm súc sản. Tuy nhiên đối với nguyên liệu hải sản, việc truy xuất nguồn gốc đơn giản hơn là nông sản.

Hiện Việt Nam không có nông trại đủ lớn để cung cấp cho thị trường hàng ngày, chỉ là những cơ sở sản xuất nhỏ nở ra rất nhiều, chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Chỉ có Vineco có đầu tư khá mạnh cho chuỗi siêu thị Vinmart.

Chỉ tính riêng 20 cửa hàng của 7-Eleven cũng đã tiêu thụ lượng sản phẩm rất khủng, các hệ thống bán lẻ khác cũng phải…giật mình đó. Họ có hệ thống toàn cầu mạnh nhất, đẳng cấp nhất, chú trọng đến chất lượng.

Một điểm khác biệt là họ muốn thu hút khách hàng chính là thức ăn chế biến không bột ngọt, không bột nêm! Vì đã quen làm sushi xuất đi Nhật rồi, nên đối với Saigon Food cũng không quá khó.

Ban đầu họ không đưa ra tiêu chuẩn không bột ngọt, không bột nêm. Nhưng sau đó họ nghiên cứu thị trường, thấy cần bổ sung điều đó, khiến mình phải thay đổi hết công thức nghiên cứu để phù hợp.

Trong cùng một thời gian vừa phải làm rất nhiều sản phẩm mới, áp lực rất lớn, phải huy động nguồn lực rất lớn đế đáp ứng được 50 sản phẩm đợt đầu tiên.

Thực sự chưa có lời đâu, nhưng sản phẩm vào được hệ thống của họ sẽ nâng tầm mình lên rất nhiều, mở ra nhiều cơ hội hơn.

thanh lam 2

Bà Lê Thị Thanh Lâm (ngoài cùng bên phải) tại lễ khai trương 7-Eleven  

Khó khăn nữa là kiểm soát được chất lượng trong suốt quy trình chế biến, 7-Eleven đã đồng hành cùng Saigon Food như thế nào? Từ đây có mở ra cơ hội cho Saigon Food bước vào thị trường thế giới thông qua hệ thống bán lẻ này?

Trước mắt 7-Eleven đang nhắm tới thị trường Việt Nam, nếu họ phát triển thị trường Việt Nam tốt, để đáp ứng cho họ cũng mệt lắm rồi. Tháng 12 năm 2016 cả ban lãnh đạo của Saigon Food phải qua thăm nhà máy sản xuất cho 7-Eleven, thấy… bần thần luôn. Mỗi ngày nhà máy tiêu thụ hết 35 tấn gạo để làm cơm chỉ để cung cấp cho 7-Eleven thôi! Nội con số đó đã thấy sức tiêu thụ của 7-Eleven khủng khiếp cỡ nào.

Trong quá trình sản xuất, hai chuyên gia của họ thường xuyên có mặt ở nhà máy của Saigon Food để hướng dẫn 50 sản phẩm sắp ra. Bên cạnh sản phẩm truyền thống của Việt Nam còn có nhiều sản phẩm truyền thống của Nhật, họ phải nhập máy móc thiết bị và quy trình công thức cho mình làm. Gạo phải là gạo Nhật, mắc hơn gạo Việt Nam nhiều, nhưng họ muốn làm khác biệt.

Theo bà, xu hướng thức ăn nhanh theo cung cách phục vụ của 7-Eleven có nở rộ trong tương lai?

Nếu mở rộng, xu thế phát triển hàng ăn liền là rất lớn. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, bữa ăn sáng, bữa ăn trưa của người Việt Nam hầu hết là ăn ở ngoài, nên hình thức cơm văn phòng, cơm hộp rất phát triển… Nếu cửa hàng tiện lợi 7-Eleven cung cấp bữa ăn sáng và bữa ăn trưa luôn, sẽ tạo ra nhu cầu cực kỳ lớn, kéo theo rất nhiều cửa hàng tiện lợi khác, rất tiện lợi cho ăn tại chỗ, đóng gói sẵn mang về ăn tối ở gia đình, chỉ cần hâm nóng lại thôi.

Thực sự tôi đã ấp ủ làm sản phẩm ăn liền này từ 7 năm trước, và lập phòng A&D để nghiên cứu nhiều sản phẩm rồi, nhưng chưa tới thời điểm nên vẫn để đó. Năm 2014 lúc đó cửa hàng tiện lợi cũng nhiều, lại dấy lên chuyện làm hoàn chỉnh để đưa ra thị trường, nhưng vẫn thấy chưa yên tâm. Tôi đề xuất công ty cử một đoàn qua Thái Lan nghiên cứu lại, và thấy Việt Nam chưa có hệ thống phân phối nào đáp ứng được điều đó cho mình, nên gác lại. Có cái mình nên đi sau, đợi thời điểm chín mùi, chứ không phải cái nào cũng làm người đi đầu.

Khi 7-Eleven bàn với mình, giống như nắng hạn gặp mưa rào, tôi quyết tâm làm cho bằng được. Dĩ nhiên dây chuyền này không chỉ phục vụ 7-Eleven,vì năng suất của mình còn lớn lắm, phải nghiên cứu sản phẩm khác không trùng với họ. Thế giới ẩm thực còn mênh mông lắm, cần có sản phẩm mới nữa để cung cấp cho chuỗi phân phối khác, góp phần tạo xu thế tiêu dùng mới cho người Việt Nam. Tuy nhiên do mình chắt lọc đầu vào rất khắt khe, nên giá thành không cạnh tranh. Trong giai đoạn đầu giá hơi cao, từ 25 ngàn trở lên/bữa ăn, thấp hơn thì không thể.

Theo bà, hệ thống bán lẻ của Việt Nam sẽ chịu thách thức như thế nào trước làn sóng các cửa hàng tiện lợi của nước ngoài đang ồ ạt đổ bộ với cách quản trị và kinh doanh vô cùng linh hoạt, ít tốn kém?.

Theo quan niệm của tôi, mình cũng có ông Vinmart đối trọng, không chỉ có Saigon Co.op, tuy nhiên Saigon Co.op thời gian qua đầu tư chưa tốt, dù có ưu thế, nên nguy cơ rất lớn. Lúc đầu người Việt Nam chưa có thói quen sử dụng của hàng tiện lợi, nhưng khi nó mọc ra như nấm thì người tiêu dùng bắt đầu thay đổi thói quen, vì không phải gửi xe, thanh toán nhanh chóng.

Tôi đi siêu thị bây giờ không để mua hàng, mà chỉ để… ngắm hàng của mình thôi! Còn cửa hàng tiện lợi giới trẻ rất thích, có thể thay quán cà phê luôn, nhiều thứ trong một. Xu thế cửa hàng tiện lợi đang phát triển, có thể thấy rõ qua doanh thu của Saigon Food. Mấy năm trước doanh thu qua hệ thống của hàng tiện lợi không cao, họ lấy đơn hàng rất ít, Saigon Food vẫn chấp nhận giao cho từng của hàng để người ta biết đến mình, nhưng đến 2016 doanh thu từ cửa hàng tiện lợi đã giúp cho Saigon Food nhảy vọt. Đây là xu thế khiến những ông lớn bán lẻ khác phải chấp nhận cạnh tranh.

Trước đây các hệ thống siêu thị gần như độc quyền, doanh nghiệp phải xếp hàng để được vào siêu thị, thậm chí phải “lót tay” vì cung không đủ cầu. Giờ có thêm hệ thống các cửa hàng tiện lợi mở ra, tạo kênh phân phối tốt cho doanh nghiệp hơn, buộc các siêu thị phải cạnh tranh nhau để giữ nhà cung cấp.

Chỉ tính riêng trên cùng một con đường trước cửa nhà tôi đã có 5 hệ thống phân phối có hàng của Saigon Food, họ phải cạnh tranh nhau thôi để giữ doanh nghiệp. Có thể thấy rõ về thiết bị, trưng bày siêu thị của mình cũng không bằng người ta.

Trong cuộc đua quyết liệt sống còn này, nhiều hệ thống siêu thị đã chạy theo giá rẻ để lôi kéo khách hàng, khiến cho việc truy suất nguồn gốc sản phẩm rất mập mờ, ấy là chưa kể hàng kém chất lượng tuồn vào ồ ạt, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng?.

Các hệ thống siêu thị đang cạnh tranh quyết liệt để kéo khách, nếu cạnh tranh bằng dịch vụ thì tốt, nhưng cạnh tranh bằng giá rẻ thì cực kỳ nguy hiểm. Vì người tiêu dùng tạm tin sản phẩm siêu thị là an toàn, có kiểm tra. Nếu bán hàng không chất lượng, không kiểm soát tốt sẽ ảnh hướng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hàng siêu thị của Saigon Food giá cao hơn thị trường, nhưng bán lúc nào cũng tốt hơn. Ngon, bổ, giá phù hợp, chứ không thể rẻ được. Cùng cái lẩu đông lạnh, mình không có đối thủ. Chất lượng là không có đối thủ. “Tôi làm đúng, làm sạch, và bán đúng giá”.

Như sản phẩm cháo tươi cách đây 4 năm, giá thị trường 2-3 ngàn/gói, Saigon Food bán 17-25 ngàn/gói, chuyện gần như không tưởng, giờ cháo tươi Saigon Food bán đại trà.

Chúng tôi luôn làm cái gì mới để phát triển thị trường.

Nhắc đến Saigon Food là nhắc đến Lê Thị Thanh Lâm, hình ảnh bà đã gắn liền với hình ảnh Saigon Food “ngọn hải đăng” trên thị trường đông lạnh, với slogan ấn tượng “ Giải phóng phụ nữ ra khỏi gian bếp”… bà có tốn nhiều tiền để làm truyền thông?.

Tôi không bỏ đồng nào cả, chỉ cần cù, chăm chỉ, chăm chút, thứ hai là phải có cái duyên để làm truyền thông. Tôi nói những điều mà báo chí muốn nghe, khách hàng muốn nghe, không phải nói cái gì mình muốn. Tôi nói những gì khác biệt.

Có rất nhiều hội thảo mời doanh nghiệp nhưng ít khi các ông chủ đến tham dự, hầu hết đều cử các trưởng bộ phận đi thay. Riêng tôi rất chăm chút cần cù, đích thân tham dự, đi để nói, thì người ta đăng tin thôi.

Công ty tôi không có nhân viên truyền thông, tôi làm lãnh đạo kiêm truyền thông luôn, nên không chờ ai duyệt, không có ai độc quyền, làm rất nhiều vai trong một. Chuyện gì quan trọng thì mình phải làm, truyền thông là việc rất quan trọng thì mình phải làm thôi.

Là giám khảo nhiều cuộc thi khởi nghiệp, bà có lo ngại nhiều không về phong trào khởi nghiệp hiện nay, khi con số thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay?.

Điều tôi lo lắng nhất là các bạn trẻ vừa ra trường đã muốn khởi nghiệp ngay, nhưng khâu chuẩn bị, đầu tư chưa chín mùi.

Các bạn nghĩ quá màu hồng, chỉ cần có ý tưởng là khởi nghiệp được. Rủi ro quá lớn khi đã đầu tư tiền tỷ rồi, nhưng khả năng thu hồi vốn không có.

Theo tôi đừng quá quan trọng làm chủ hay làm thuê, hãy lập nghiệp trước khi khởi nghiệp. Nói cách nào đó tôi cũng là người làm thuê, nhưng quan trọng là làm chủ cuộc đời mình.

Nếu mục tiêu là kiếm nhiều tiền, có cuộc sống hạnh phúc, có lợi ích cho gia đình, xã hội… thì làm chủ hay làm thuê cũng được mà.

Để khởi nghiệp phải có sáng tạo đột phá, có công nghệ mới thành công. Quay lại với Saigon Food, nếu năm 2003 ra đời cũng làm chả giò, há cảo như Cầu Tre đã làm thì sao có ngày hôm nay?

Chính cháo, lẩu ăn liền, những sản phẩm thị trường không có mới làm nên hôm nay. Nhiều em khởi nghiệp khi tôi hỏi điểm khác biệt của em là gì? Các em không trả lời được.

Nếu không khác biệt thì chắc gì sống nổi thị trường trong nước, chứ đừng nói cạnh tranh thị trường khác.

Quan trọng nữa không phải ai cũng làm doanh nhân được, có người sinh ra chỉ để làm thuê, nhưng rất giàu có, như mấy anh CEO, giám đốc marketing chẳng hạn. Tại sao họ giỏi thế không lập doanh nghiệp mới?.

Đừng nghĩ “Tôi còn trẻ, sai làm lại”, nhìn trên bình diện rộng, mình đã làm thiệt hại tiền của gia đình, lính theo mình cũng điêu đứng…

Trong hội đồng tư vấn khởi nghiệp, tôi luôn là người phản biện để các bạn đừng nôn nóng rồi thất bại, đâu phải ai thất bại cũng đủ ý chí làm lại đâu. Thay vì nóng vội hãy bình tĩnh tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, 510 năm sau khởi nghiệp cũng chưa muộn.

Xuất thân là một kỹ sư thủy sản, tố chất nào đã giúp bà có được sự nhạy cảm trong kinh doanh?

Niềm đam mê, thậm chí ở tuổi này tôi vẫn còn rất mê cái gì mới. Hôm rồi tôi có mời chuyên gia người Israel về nói chuyện đổi mới sáng tạo cho nhân viên. Anh ấy ví von tư duy sáng tạo của con người giống như bầu sữa của mẹ, con còn bú thì còn ra sữa, sáng tạo này kéo theo sáng tạo khác.

Nhiều khi chúng ta quên vắt sữa cho não, não sẽ tắc, vì người ta chỉ sử dụng 3% tiềm năng của bộ não. Tôi dù quá độ tuổi sinh sản nhưng vẫn sáng tạo, đổi mới. Tôi muốn lớp học này sẽ khui lại cho các bạn hết tắc sữa!

Thứ hai mình may mắn có được người dẫn dắt tốt, đó là chị Cao Ngọc Dung, thành viên HĐQT của Saigon Food. Hồi xưa mình cũng ấp ủ làm nội địa, nhưng nếu không có chị Dung khuyến khích thì đâu có Saigon Food hôm nay. Thứ nữa là có đội ngũ tốt, mình phải gầy dựng được đội ngũ tốt mới có thể đi dài, đi xa được.

Làm thế nào để bà luôn giữ được niềm đam mê và hứng khởi trong kinh doanh và cuộc sống?

Tôi hay nói với mấy nhân viên trong công ty, mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn tới chọn lui cũng chọn việc làm. Được đi làm rất vui, không làm nữa chắc chết.

Bây giờ, làm cho bản thân không còn quan trọng nữa mà làm cho cái chung, cho công ty, cho xã hội.

Đi dạy, đi làm chuyên gia… có giá trị bổ sung nhau, đầu tư cho tương lai, vì mục tiêu của Saigon Food là những người đi làm bận rộn, không có thời gian chăm sóc cho bản thân và gia đình. Đối tượng sinh viên chính là khách hàng tương lai của Saigon Food.

Hơn nữa hồi nhỏ tôi mê làm cô giáo, nên giờ thích đi dạy cho các bạn doanh nhân trẻ. Tôi vui vì nhiều người tưởng Saigon Food là của tôi, dù cổ phiếu của mình rất ít.

Làm thuê với tinh thần làm chủ, nên thương hiệu cá nhân đã gắn liền với thương hiệu doanh nghiệp, giờ lại được các trường đại học mời mình đi dạy, mình vui thêm vì làm được gì đó cho mọi người.

(Theo Bizlive)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ