[CAFÉ cuối tuần] Lạm bàn về ‘tín’ và ‘mê’

Nhàđầutư
Tôi phải dùng từ “Lạm bàn” vì xét theo tiêu chí học hàm, học vị của xã hội, tôi chưa “đủ tuổi” để có thể bàn luận ngang hàng với các giáo sư, tiến sỹ chuyên nghiên cứu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh.
PHÚ ĐỨC PHƯƠNG
30, Tháng 03, 2019 | 09:08

Nhàđầutư
Tôi phải dùng từ “Lạm bàn” vì xét theo tiêu chí học hàm, học vị của xã hội, tôi chưa “đủ tuổi” để có thể bàn luận ngang hàng với các giáo sư, tiến sỹ chuyên nghiên cứu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh.

FF55A900-7969-4153-869C-FEADDA3F3CD5

 

Thế nhưng, tôi biết, thời gian gần đây, dư luận xã hội đang đặt ra cho những “lâu đài” văn hóa, các chức sắc tôn giáo và các nhà quản lý nhà nước về tôn giáo Việt Nam các tình thế nhạy cảm, khó xử.

Trong bài viết này, tôi chỉ xin kể lại quá trình “tự chuyển hóa” của bản thân, làm cơ sở thực tiển cho những đề xuất mang tính cá nhân của một người hưu trí, trước vấn đề dư luận đang quan tâm. Hoàn toàn không có âm mưu ý đồ gì. Mong các anh hùng bàn phím, các dư luân viên, các nhà chức trách nể tình mà trao đổi nhẹ nhàng có văn hóa. Đừng vội ném đá, vùi dập như những gì tôi chứng kiến với một số bài viết trên mạng xã hội.

Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong môi trường “vô thần” rõ ràng nhất của chủ nghĩa cộng sản. Tôi được giáo dục từ bé rằng, Tôn giáo là ma túy của nhân loại. Bé quá, tôi không được chứng kiến cảnh các đoàn giáo dân  xuống tàu vào Nam theo Chúa, cũng không tận mắt chứng kiến phong trào đập phá các chùa chiền, miếu mạo ở khắp nơi. Chỉ biết ở quê tôi lúc trước có một ngôi đền to, đẹp, nổi tiếng linh thiêng, tên là Đền Đông Hải, thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cách mạng thành công, Đền bị đập phá, tháo dỡ chuyển về xây dựng trường cấp 1 của xã. Tuổi thơ của tôi lớn lên, gắn bó với ngôi trường, tiền thân là đền Đông Hải ấy.

Cho đến khi tốt nghiệp phổ thông, đi học đại học, tư tưởng vô thần vẫn ngự trị trong tôi. Một trận đòn đau từ bác Vinh, bác cả, với chức năng “quyền huynh thế phụ” làm tôi nhớ đời. Lần ấy, đêm Nô en, năm 1969, tôi và mấy đứa trẻ cùng làng rủ nhau đi xem giáng sinh ở Nhà Thờ xứ công giáo xã Nghi Xuân. Thời đó, ở quê tôi, mọi người gọi ngày chúa giáng sinh là ngày Chúa đẻ. Vì lỡ miệng nói lời xúc phạm mà tôi bị thầy Vinh thưởng một bạt tai trời giáng kèm tiếng quát: Không đi đâu cả, vào giường nằm sấp xuống. Và… cứ một roi quất vào mông là một lời gay gắt: Không bao giờ được xúc phạm tôn giáo, nhớ chưa!

Sau khi thống nhất đất nước, không biết tự bao giờ, làn sóng mê tín dị đoan lan nhanh miền Bắc. Những câu chuyện sống khôn chết thiêng của những anh hùng liệt sỹ, những giấc mộng ly kỳ, những khát vọng gặp lại người thân qua thế giới tâm linh được lan truyền từ thành phố đến nông thôn, tận các hang cùng ngõ hẻm. Tất nhiên vẫn mang tính kín đáo, vụng trộm. Công an bắt được là liệu hồn. Đến thời điểm ấy, tôi vẫn vững vàng, kiên định với lập trường coi đấy là những chuyện tầm phào, vớ vẩn, không thèm quan tâm. Cho đến một lần…

Lần ấy, sau khi ra trường, ở lại trường làm cán bộ giảng dạy, tôi có dịp theo ông chú “làm to” tại Văn phòng Phủ Thủ tướng vào Sài gòn. Vào đấy, hai chú cháu được một người quen đưa đi gặp một người chuyên xem tướng và đoán tiền vận, hậu vận nổi tiếng.

Tò mò và muốn thử là chính, tôi đi theo. Sau hơn hai giờ đàm đạo, hai chú cháu gần như bị ông già kia hớp mất hồn. Bởi, không cần xem chỉ tay, không thèm mở sách, chỉ nhìn mặt mà ông già mô tả gần như chính xác vị trí nhà thờ, mộ tổ, bố mẹ, anh chị em… như đã đọc trước gia phả và hồ sơ cá nhân. Ra về ông già nắm tay ông chú: Tổ tiên ông linh thiêng lắm, chú cháu ông nên lo thờ cúng chu đáo, các cụ sẽ phù hộ cho. Trên tàu trở ra bắc, hai chú cháu “tự kiểm điểm” sâu sắc những thiếu sót, sơ sài trong việc thờ cúng tổ tiên và tư duy mê tín, có lẽ bắt đầu trong tôi từ đấy.

Thời ấy nghèo lắm, ăn còn chưa đủ, nói gì đến tu sửa, tôn tạo mồ mả và nơi thờ cúng tổ tiên. Thế nhưng sau khi được “đổi mới tư duy”, tôi đã thuyết phục được bác Vinh và các anh chị em trong họ, góp công, góp sức, bớt ăn, từng bước tôn tạo lại ngôi mộ tổ và các phần mộ của dòng họ.

Sau cải cách ruộng đất và chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhiều ngôi mộ bị thất lạc. Tuy vậy, đến thời điểm anh em, chú cháu chúng tôi xây dựng kế hoạch tôn tạo, nâng cấp nơi an nghỉ của các cụ từ “nhà tranh vách đất” lên nhà xây, con số các “mộ tổ” đã lên gần năm chục. Đành phải khất lần các cụ, chia kế hoạc xây mộ theo nhiều năm, theo hướng “đầu tư cuốn chiếu” từ xa đến gần, với quan điểm xây để tránh thất lạc là chính. Việc tôn trọng phần âm đã mang lại kết quả đáng mừng. Từ ngày ấy, gia tộc, gia đình anh em chúng tôi gặp rất nhiều điều may mắn, thuận lợi.

Sau này, về quê nhìn thấy cảnh các dòng họ khác, có nhiều nhân vật “làm to” ngoài Hà Nội, đầu tư về quê xây nhà thờ và mộ tổ theo xu hướng “con gà tức nhau tiếng gáy” tôi mới hiểu ra rằng, không phải chỉ riêng tôi mà còn có rất nhiều người đang bị thế giới tâm linh dẫn dụ và điều hành.

Rồi đất nước mở cửa hội nhập, vận hành theo các quy luật của nền kinh tế thị trường. Người ta không còn phải lo cái ăn, cái mặc thông thường mà tập trung làm giàu. Làm giàu bằng mọi cách. Các phi vụ làm ăn buôn bán, kể cả “buôn ghế” đều rất cần sự may mắn. Vì vậy số người tìm đến sự “phù hộ độ trì” của sức mạnh thần linh ngày càng nhiều. Tôi cũng vậy.

Tôi có nhiều kỷ niệm về đi chùa, gọi vong và tin lời thầy phong thủy. Trong khuôn khổ bài viết tôi chỉ dẫn ra ba chuyện điển hình cho ba thể loại nói trên.

Chuyện thứ nhất xẩy ra vào năm 1994 tại Hà Tĩnh. Lần ấy có năm gia đình, giáo viên và học viên lớp cử nhân tiếng Anh sau C của Đại học Vinh rủ nhau đi chùa Hương. Trong đó có gia đình tôi và gia đình chú em kết nghĩa tên là Nguyễn Châu Nam (sau này là Phó Tổng Giám đốc một công ty nhà nước lớn). Đoàn lên đường sớm, nhận định là thời tiết đẹp nên chỉ chuẩn bị đồ lễ, đồ ăn thức uống mà không chuẩn bị các trang thiết bị chống mưa.

Khoảng 9h, đoàn đến khu rừng gần đền Cậu thì trời đổ mưa, mọi người trú tạm vào một căn lều, hình như là chuồng dê, chờ tạnh để đi tiếp. Chờ, chờ mãi mấy tiếng đồng hồ. Quá giờ ngọ rồi mà mưa vẫn không ngớt. Đã có ý kiến đội mưa trở về. Lúc này, với vai trò trưởng đoàn “tự xưng” tôi quyết định: Các gia đình ngồi lại đây, chờ tạnh mưa hãy về. Tôi và chú Nam sẽ lên chùa thắp hương.

Nói rồi tôi và chú Nam cởi quần áo dài, cho vào túi ni lông, mặc quần đùi, xách túi đồ lễ chống gậy đội mưa leo núi. Phải nói là leo núi dưới trời mưa rất chóng mệt. Có lúc như muốn đứt hơi, muốn quay về nhưng không hiểu sao hai anh em vẫn động viên nhau leo được đến chùa, trước sự ngỡ ngàng của vị sư trẻ trụ trì.

Lần ấy, lễ xong vừa xuống núi thì trời tạnh, hửng nắng. Các gia đình khác đã về trước. Hai gia đình hoan hỉ ra về. Dầm mưa, dãi nắng thế mà cả hai “tín chủ” không ốm đau gì. Sau chuyến đi ấy, tôi chuyển công tác từ Ban Quản lý Dự án xi măng Hoàng Mai về Văn phòng UBND tỉnh. Một công việc quá nhiều người mơ ước.

Phát huy “thành tích may mắn”, vợ chồng tôi thường xuyên lui tới, hành hương đến cửa Phật, đền thánh, đang được tu bổ ngày càng hoành tráng và nổi tiếng linh thiêng trong và ngoại tỉnh. Tại đấy tôi đã tận mắt nhìn thấy nhiều “đồng chí” lãnh đạo, sếp các cấp, đầu đội các mâm lễ tú ụ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chen lấn, xô đẩy trong đám đông, mong tìm được một nơi đặt lễ tốt nhất.

Một số quan to, lãnh đạo tỉnh hoặc thứ trưởng trở lên, được nhà chùa đặc ân cho vào cung cấm, “gặp riêng” các thần linh. Họ đến đây nhờ các thầy tấu xin thần linh các nguyện vọng thầm kín của mình. Nhiều nhất là mơ ước làm giàu và thăng quan tiến chức. Thực tế tôi đã thấy, có nhiều người gặp nhiều may mắn đột xuất, sau các chuyến lễ phật, lễ thánh như thế. Quan niệm thế giới tâm linh là có thật hình thành và phát triển trong tôi ngày càng vững chắc.

Chuyện thứ hai, vào năm 2001, khi tôi đang là Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Công ty liên doanh mía đường Nghệ An Tate & Lyle. Nhờ bạn bè giúp, tôi đã mua và chuyển một ngôi nhà sàn to đẹp từ huyện Quỳ Hợp về dựng tại khối 18 Hưng Bình, Thành phố Vinh, thay thế cho ngôi nhà cấp 4, có từ khi còn làm Thư ký UBND tỉnh.

Hôm ấy là chủ nhật. Tôi đang cùng thợ dựng nhà thì thấy một người đàn ông đứng tuổi, ăn mặc tềnh toàng, đi một chiếc xe máy cà khổ đến. Không chào hỏi ai, ông cứ đi đi, lại lại, nghiêng nghó  quanh vườn và nhà, dấu hiệu rất khả nghi. Hình như thấu hiểu nỗi bất an của tôi, sau một hồi đi lại, nhòm ngó, ông tiến lại gần tôi và nhỏ nhẹ: Chú yên tâm, anh không phải thần kinh hay tâm thần gì đâu. Chẳng qua là anh có việc đi qua đây, thấy mảnh đất nhà chú phong thủy hay qua, ghé vào xem lại cho kỹ.

Nói rồi ông xin một tờ giấy, vừa vẽ, vừa giảng cho tôi về những cái được và chưa được của ngôi nhà sắp dựng. Tôi nghe, gật gù nhưng thật sự là không hiểu gì. May nhờ trí nhớ tốt nên đã tiếp thu được một vài câu cơ bản, đại loại như: xung quanh nhà chú đầy long mạch, các nhà hàng xóm rất hay gặp điều xui xéo bất an. Nhà chú đang nằm trên lưng một con rùa, hướng về một ngôi đền rất thiêng. Biết vận dụng phong thủy một tý, chú sẽ được an lành suốt đời.

Tôi thú thật: em có biết gì về phong thủy đâu. Ông cười, chú cứ tin anh, từ nay anh sẽ qua đây thường xuyên để giúp chú. Chú nhắc các ông thợ, tôn trọng các ý kiến góp ý của anh là được. Vui chuyện, ông kể cho tôi nghe một vài ví dụ về việc đã giúp ông lớn này, bà lớn kia chỉnh sửa lại hướng nhà, hướng bếp. Nhờ vậy mà những ông bà ấy ngày càng thăng tiến, giàu sang phú quý hơn người.

Sau này, chứng kiến vài lần các sếp “rất to” nhờ thầy phong thủy đến xem hướng đặt bàn làm việc, đập phá làm lại cổng cơ quan, xây mới trụ sở làm việc, tôi càng khẳng định: Phong thủy là một môn khoa học, không nên cấm đoán, coi thường.

Về việc áp vong và gọi hồn. Từ xưa tôi vốn không tin. Còn nhớ, năm 1996, khi được một sếp lãnh đạo cấp tỉnh, cho nghe đoạn băng ghi âm những phán quyết, căn dặn của ông nội qua mồm cô Phương, Hàm Rồng - Thanh Hóa, tôi đã đặt ra với sếp rất nhiều nghi vấn. Sếp bực lắm, mắng tôi là đồ này đồ nọ. Chả trách thánh thần không phù hộ. Tôi bị thất sủng. Nhưng cũng không lấy thế làm buồn.

Thế rồi, tôi phải công nhận, vong hồn là có thật, sau một lần xin áp vong tại điện cô Thiêm ở Lương Sơn - Hòa Bình, năm 2009. Lần ấy nghe một người bạn thân, đã đi về thuyết phục, tôi làm thủ tục để xin được gặp bà cô ruột, chết khi mới 17 tuổi, bị thất lạc mộ nhiều năm nay.

Theo hướng dẫn, sau khi viết đơn, thắp hương bàn thờ chính và nạp lệ phí 100k đoàn 5 người nội tộc chúng tôi ngồi vây quanh lá đơn, trong tư thế thiền, trên một chiếc chiếu, cùng với khoảng 20 mâm chiếu khác. Đến giờ, cô Thiêm xuất hiện, nói ngắn gọn: Tôi chỉ là một người bình thường. Chỉ khác là tôi có khả năng kết nối, mời các vong hồn về gặp mặt con cháu. Hiện giờ các vong đang trên đường về. Con cháu cứ thành tâm chờ đợi.

Lát sau, xung quanh náo loạn về những tiếng khóc, tiếng cười, tiếng la hét của các mâm chiếu được vong nhập. Chúng tôi vẫn kiên nhẫn chờ. Bổng nhiên tôi thấy đứa cháu ngoại của bà chị gái, gọi tôi bằng ông có những biểu hiện khác thường, đúng triệu chứng của “ma nhập”. Chuyển trạng thái từ khóc, la hét giận hờn, tủi hổ của một bà cô lâu ngày gặp con cháu, “bà” bắt đầu trả lời các câu hỏi của tôi và các cháu đi cùng một cách rõ ràng rành mạch không ngờ.

Tôi không quên mở điện thoại ghi âm cuộc nói chuyện. Sau này mở ra nghe lại, tôi không thể giải thích được, tại sao những lời tâm sự, đay nghiến, trách móc, mắng mỏ mình như thế lại có thể phát ra được từ mồm một cháu gái ngoan hiền, ngày thường sợ ông một phép. Tôi chỉ có thể trả lời thắc mắc trên bằng một sự thật mà bây giờ mới nhận ra: Vong hồn là có thật.

Từ trước ngày về hưu vài năm, dường như cảm thấy mình đã cầu đủ, xin đủ, vợ chồng tôi không còn đi đến các chùa chiền với nghi thức “xin” như trước nữa mà chuyển sang trạng thái vãn cảnh và tìm hiểu, nghiền ngẫm những lời răn dạy của Phật. Đứng trước thực trạng Phật giáo đang bị một nhóm lợi ích lũng đoạn, làm giàu bất chính, lòng dân oán hận, nguy cơ bất an trong xã hội tăng cao, sau nhiều lần trăn trở tôi xin gửi đến các nhà nghiên cứu văn hóa, giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo mấy ý kiến đề xuất như sau:

Trước hết tôi đề nghị Giáo hội phật giáo Việt Nam, phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương phát động một chương trình tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả trên mạng xã hội, để cung cấp cho tín đồ Phật giáo và nhân dân cả nước những kiến thức cơ bản về đạo Phật. Có như vậy, Phật tử và nhân dân, như tôi, mới hiểu được, đạo Phật cũng như các đạo giáo khác trên thế giới chỉ là những học thuyết, được ai đó lập ra, tồn tại và phát triển được nhờ vào lòng tin của con người.

Từ đó giúp mọi người phân biệt được đâu là đạo Phật chính thống, đâu là những đạo Phật ăn theo, giả mạo. Có kiến thức, mọi người sẽ phân biệt được đâu là chính đạo, đâu là tà đạo, đâu là tín ngưỡng, đâu là dị đoan, đâu là truyền thống văn hóa của dân tộc. Không có kiến thức, nhiều người bị dẫn vào cõi u mê một cách tự nhiên là điều dễ hiểu.

Đề xuất thứ hai của tôi là, trong nền kinh tế thị trường này, không nên cấm các hoạt động bói toán, xem phong thủy, áp vong, gọi hồn theo tư duy cũ. Thực tế, các hoạt động này càng cấm càng phát triển, càng gây nhiều bức xúc cho xã hội. Tôi đề nghị nên coi đấy là một nghề, tạm gọi là nghề Tâm linh. Ai muốn hành nghề phải đăng ký kinh doanh, chịu sự quản lý nhà nước theo luật doanh nghiệp. Ai vi phạm hoặc gian lận sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đề xuất thứ ba của tôi dành cho các dự án đầu tư xây dựng các chùa mới và tu tạo các chùa cũ. Tôi đề nghị Đảng, Nhà nước coi các dự án này là các Dự án đầu tư, dù chủ đầu tư của Dự án là ai, nguồn vốn từ đâu và đầu tư vì mục đích gì. Đã coi là Dự án đầu tư thì chủ dự án phải tuân thủ đầy đủ các quy định trong luật đầu tư. Đồng thời đề nghị rà soát, kiểm toán lại tất cả các dự án đầu tư xây chùa lớn từ trước tới nay, kể cả chùa Ba Vàng, công bố rộng rãi kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xây một cái cầu dân sinh, một trường học cho người nghèo vẫn phải lập Dự án đầu tư. Vậy tại sao một dự án xây chùa trị giá hàng nghìn tỷ lại được bỏ qua vì những lý do “tế nhị”. Ai sẽ trả lời tôi và dư luận câu hỏi này?

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25180.00 25185.00 25485.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30846.00 31032.00 32001.00
HKD 3185.00 3198.00 3302.00
CHF 27415.00 27525.00 28378.00
JPY 160.64 161.29 168.67
AUD 16085.00 16150.00 16648.00
SGD 18346.00 18420.00 18964.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18198.00 18271.00 18809.00
NZD   14807.00 15308.00
KRW   17.63 19.26
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2290.00 2378.00
NOK   2269.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ