[CAFÉ Cuối tuần] Khi tiến sĩ xịn thấy nhục!

Nhàđầutư
Tôi có mấy ông bạn tiến sĩ xịn, kiến thức uyên thâm, ngoại ngữ làu làu... Bây giờ đi đến đâu hoặc xuất hiện chỗ nào, thậm chí còn yêu cầu không được giới thiệu học hàm học vị ra. Các ông ấy thấy nhục. Lạ!
TRẦN THANH CẢNH
10, Tháng 02, 2018 | 11:39

Nhàđầutư
Tôi có mấy ông bạn tiến sĩ xịn, kiến thức uyên thâm, ngoại ngữ làu làu... Bây giờ đi đến đâu hoặc xuất hiện chỗ nào, thậm chí còn yêu cầu không được giới thiệu học hàm học vị ra. Các ông ấy thấy nhục. Lạ!

tien-si-dom-nha-dau-tu

Người học đểu, danh hư danh hão thì chả thấy nhục, cứ nhơn nhơn ra; còn người học thật thì lại thấy nhục! (Ảnh minh hoạ Tuoitre.vn)

Ngày còn đi học phổ thông, tôi rất thích thơ Nguyễn Công Trứ. Đọc thơ ông và nghe thầy giáo kể chuyện về tiểu sử đời ông, tôi mê mẩn! Ôi, đấy mới là cuộc đời của một đấng anh hùng đầu đội trời chân đạp đất chứ. Tôi dám chắc không ít kẻ nam nhi đất Việt cũng đã từng ngâm nga câu thơ: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”.

Danh, hiểu theo một nghĩa đúng đắn và trong sáng nhất, chính là cái mà một con người ta khi sinh ra, lớn lên, trở thành một thành viên chính thức trong xã hội cần phải có. Cần phải được định danh. Như con người sinh học, sinh ra bây giờ là lập tức được thiết lập mã số định danh - Danh sinh học.

Cái danh của xã hội lớn hơn nhiều. Có người danh lớn trùm thiên hạ. Cũng có kẻ, đến trong thôn làng, cũng chả ai biết là ai, có thể gọi là vô danh. Phàm đã làm người, nhất là bậc trí giả, chẳng phải ai cũng đau đáu về cái sự lập “danh” đó sao?

Triết gia Khổng Tử xưa từng nói: “Danh chính ngôn thuận sự mới thành”. Cho nên con người ta muốn thành nghiệp lớn, cần phải lập danh. Chúng ta học hành, phấn đấu, làm việc rồi được định danh nào đó do xã hội công nhận dựa trên cái sự đóng góp vào đời sống chung của mỗi người: Nhà văn - người viết văn. Doanh nhân - làm kinh tế. Thày thuốc - chữa bệnh cho người. Thày giáo - dạy học trò. Nông dân - sản xuất ra nông sản. Công nhân - làm ra máy móc, hàng tiêu dùng. Chính khách - cầm quyền chèo lái con thuyền đất nước... Tất cả, đó là những cái danh chính thức. Hay còn gọi là danh phận. Người nào việc nào chỗ ấy. Ấy là chính danh.

Chính danh khác với hư danh, hão danh. Hư danh, hão danh là cái danh không thực. Hư danh, hão danh do cái thói háo danh của con người ta mà ra. Thực tài, thực học chả có gì, nhưng cứ thích vài cái danh hư hão đắp điếm lên. Rất buồn là hư danh, hão danh dường như đang nhiều phổ biến. Đến nỗi bây giờ, cứ nghe giới thiệu một ông quan chức nào đó kèm theo cái danh như giáo sư, tiến sĩ, là tra xét ra, y như rằng không bằng mua thì cũng là bằng thật nhưng học giả.

Tôi có mấy ông bạn tiến sĩ xịn, kiến thức uyên thâm, ngoại ngữ làu làu... Bây giờ đi đến đâu hoặc xuất hiện chỗ nào, thậm chí còn yêu cầu không được giới thiệu học hàm học vị ra. Các ông ấy thấy nhục. Lạ! Cái thằng học đểu, danh hư danh hão thì chả thấy nhục, cứ nhơn nhơn ra. Các ông học thật thì lại thấy nhục! Thật đúng là nhiễu nhương hỗn loạn.

Tôi vốn tốt nghiệp đại học Dược, hơn ba mươi năm theo nghề, làm khá nhiều việc: Nhân viên bán thuốc, thủ kho dược, trưởng phòng pha chế, giám đốc doanh nghiệp... Bỗng một ngày kia tôi quay sang viết văn! Bạn bè, người thân bàng hoàng hỏi: “Sao tự dưng lại đi viết văn?”. Bởi trong mắt họ, tôi là người đang có cả danh và lợi!

Xưa nay, vốn danh luôn đi kèm theo lợi. Cái chuyện cụ Đầu xứ Tố (nhà văn Ngô Tất Tố) ngày xưa viết về mấy ông nhà quê, bỏ tiền mua vài cái danh hão như “lý cựu”, “chánh cựu”... để rồi sạt nghiệp, chắc nay không có nhiều.

Nay danh là kèm theo lợi. Kể cả danh hư, danh hão cũng sinh ra lợi. Mà là lợi nhiều, lợi lớn, nên mới sinh ra cái thói háo danh khủng khiếp. Kiếm được cái bằng tiến sĩ “đểu”, là rồi thăng quan tiến chức, là rồi moi móc lợi lộc. Nhưng mà cũng chả trách được người nay. Xưa ở đã thế rồi.

Có lẽ trên thế giới này chỉ có mỗi nước ta là đi lập bia khắc tên thờ mấy ông đỗ tiến sĩ hay trạng nguyên. Việc thi đỗ tiến sĩ hay trạng nguyên cũng là đáng khen, là giỏi. Thế nhưng cho dù có đỗ trạng nguyên mấy lần đi chăng nữa, nhưng chả làm được công ích gì cho đời, thì rốt cuộc cũng chỉ là cái danh hão!

Đáng ra, chúng ta chỉ khắc bia, thờ những người có đóng góp thật sự vào cuộc sống và sự tiến lên của đất nước, của dân tộc bằng sự nghiệp kinh bang tế thế. Những người để lại những tác phẩm văn hóa khoa học cho đời. Chả trách sao nước mình cứ lẹt đẹt đi sau! Số tiến sĩ ở ta nhiều hơn hết thảy các nước láng giềng. Nhưng lợi ích cho đất nước từ những cái luận văn tiến sĩ ấy thì ít, rất ít.

Quay lại chuyện tôi bỗng dưng “đổ đốn” ra đi viết văn. Có phải là cái câu chuyện bỏ danh thực đi mua danh hão hay không? Thực lòng thế này. Tôi không dám so mình với đại văn hào Lỗ Tấn. Cụ ấy bỏ nghề thuốc đi viết văn, vì cụ cho rằng, làm nghề thuốc chỉ cứu được vài người, còn nghề văn có thể cứu được cả dân tộc Trung Hoa lúc đó đang chìm trong u mê, tăm tối, nô lệ…

Tôi tuyệt đối không có ý nghĩ gì dám sánh cái sự “đổ đốn” của mình với tâm vọng cao đẹp của bậc đại văn nhân. Thế nhưng cũng khó mà lý giải được cho hết ngọn ngành. Tôi là chủ doanh nghiệp, là doanh nhân cũng có tiếng tăm. Cuộc sống doanh nhân vất vả nhưng cũng có những niềm vui và khá là thư thái. Tự lo được cho cuộc sống của bản thân và gia đình, cùng cán bộ công nhân viên, và có đóng góp cho xã hội. Có thể tiêu tiền kiếm được tùy theo sở thích. Thế chẳng phải vui sao? Bởi khi đã đạt đến một cái tầm nào đó rồi, doanh nhân sẽ không còn bị câu thúc bởi miếng cơm manh áo nữa, mà nó sẽ là những câu chuyện khác.

Đi viết văn là tự dưng ôm cái khổ vào thân. Đêm đêm khi mọi người chăn ấm nệm êm, thì mình lại vật vã với trang sách. Danh thì mù mịt mà lợi cũng không. Tôi quan sát mấy ông nhà văn đích thực mà mình quen biết, thấy chả có ai quan tâm đến danh lợi từ cái trò viết lách này. Có lẽ người ta nói đúng, viết văn như là cái công việc riêng tư của nhà văn, chả liên quan đến ai.

Viết văn hình như chỉ còn là một sự thỏa mãn cái tôi cần phải giãi bày lòng mình ra con chữ mà thôi. Nó đơn thuần chỉ là một thú chơi chữ, kiểu như người ta chơi chim hoa cá thú chi đó. Tôi đã khá an tâm với những luận giải của riêng mình. Thế nhưng không ít lúc, tôi đã tự vấn, liệu mình có đang nhầm vai ở cuộc đời này không? Mình có đang đi tìm một cái danh hão không? Còn lợi, chắc chắn viết văn chả đem lại lợi lộc gì đáng kể so với cái công việc mình đang làm. Vậy thì mình có mắc vào cái thói háo danh tầm thường, để rồi “mua danh ba vạn bán danh ba đồng” không?

Thế rồi tôi cũng được xã hội định danh cho là nhà văn. Tôi vẫn cứ phải phân thân mình ra, ngày làm doanh nhân, đêm lại ngồi trước máy tính, làm nhà văn. Làm doanh nhân thì luôn gắn mình với các con số, tiền hàng, lỗ lãi... Làm nhà văn thì là một trải nghiệm kỳ lạ nhất mà tôi từng qua. Lúc đó mọi tính toán danh lợi, tiền bạc... bỗng bay đi hết. Chỉ còn có khóc cười, yêu thương, căm ghét... Chỉ còn có cuộc đời nhân vật của mình mà thôi.

Danh và lợi là cái vòng kim cô trói chặt con người xã hội của chúng ta, không thoát ra được. Xưa, cụ Nguyễn Công Trứ viết: “Chẳng lợi danh chi lại hóa hay/Chẳng ai phiền lụy chẳng ai rầy”. Nhưng cái niềm khao khát danh - lợi: Danh chính danh và lợi chính đáng, lại là động lực cho con người ta học hành, làm việc, cống hiến cho xã hội, được xã hội công nhận. Và qua đó nó thúc đẩy xã hội tiến lên. Cho đến khi thành ra như cụ: “Ai say, ai tỉnh, ai thua được/Ta mặc ta mà ai mặc ai”. Thì ấy là lúc chúng ta đã già!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24625.00 24945.00
EUR 26301.00 26407.00 27573.00
GBP 30639.00 30824.00 31774.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26849.00 26957.00 27794.00
JPY 159.52 160.16 167.58
AUD 15876.00 15940.00 16426
SGD 18054.00 18127.00 18664.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17893.00 17965.00 18495.00
NZD 0000000 14638.00 15128.00
KRW 0000000 17.58 19.18
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ