[CAFÉ CUỐI TUẦN] Khi giám đốc sở đi thi... sợ trượt!

Nhàđầutư
Trên diễn đàn Quốc hội, khi phát biểu tại tổ về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có đại biểu đề nghị nên quy định để cán bộ ở vị trí chủ chốt được xét nâng ngạch công chức, chứ "phải đi thi nâng ngạch người ta rất ngại vì sợ trượt".
PHONG CẦM
25, Tháng 05, 2019 | 07:34

Nhàđầutư
Trên diễn đàn Quốc hội, khi phát biểu tại tổ về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có đại biểu đề nghị nên quy định để cán bộ ở vị trí chủ chốt được xét nâng ngạch công chức, chứ "phải đi thi nâng ngạch người ta rất ngại vì sợ trượt".

dai-bieu-Y-khut-nie

Đại biểu Y Khút Niê thảo luận tại tổ chiều 24/5 (Ảnh: V.H)

Chiều 24/5, phát biểu tại thảo luận tổ về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đại biểu Y Khút Niê (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, điều khoản về xét nâng ngạch của dự thảo là chưa rõ. Đại biểu đề nghị nên quy định để cán bộ ở vị trí chủ chốt, ví dụ từ phó giám đốc sở trở lên, được xét nâng ngạch công chức, chứ "phải đi thi nâng ngạch người ta rất ngại vì sợ trượt"!

Thực tế, hiện, Điều 44 về nâng ngạch công chức được quy định có 4 điểm.

Một là, việc nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch.

Hai là, công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn thì được đăng ký dự thi hoặc xét nâng ngạch.

Ba là, việc tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch được tổ chức theo nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Bốn là, công chức trúng tuyển kỳ thi hoặc xét nâng ngạch công chức được bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn và bố trí vào vị trí việc làm tương ứng.

Cùng đó, Chính phủ được giao quy định chi tiết về thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch công chức phù hợp với phân cấp quản lý công chức trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và Tổ chức chính trị - xã hội.

Theo đại biểu Y Khút Niê, quy định cần làm rõ đối tượng thành phần nào, cán bộ nào được xét nâng ngạch mà không cần phải thi, ví dụ như cán bộ, công chức ở vị trí chủ chốt, từ phó giám đốc sở trở lên. “Trước đây có quy định xét nâng ngạch, sau này chuyển sang thi hết, có giám đốc sở còn chưa phải chuyên viên chính. Ở một vị trí nào đó nên xét ngạch chuyên viên cao cấp cho dễ, cho rõ luôn. Giám đốc sở cho đi thi người ta rất ngại đi thi là... rớt”, đại biểu Y Khút Niê bày tỏ.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị làm rõ tiêu chí về tuyển dụng nhân tài, bởi yếu tố bằng cấp là không có giá trị. “Khi tôi làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, có ông vừa học xong tiến sĩ, xin việc khắp nơi không được đến gặp. Tôi thấy ông này không đâu vào đâu cả, chỉ bằng cấp thôi là không đánh giá được. Mấy tháng sau thấy ông ấy được đặc cách vào Tỉnh ủy. Làm vài tháng cũng không đâu vào đâu, được chuyển về làm nhà khách tỉnh mà ông giám đốc nhà khách ông cũng kêu quá trời”, đại biểu lấy ví dụ.

Do đó, nếu chỉ xét yếu tố bằng cấp sẽ không tuyển dụng được đúng người tài, sẽ ưu đãi nhầm cho những người không xứng đáng. Một vấn đề nữa cũng được đại biểu yêu cầu làm rõ là những người không phải công chức có được làm cán bộ hay không? Đại biểu đơn cử một trường hợp ở Đắk Lắk đã làm cán bộ xã mười mấy năm, làm rất tốt, nhưng không phải công chức.

“Vị này thi công chức rớt, thế là xã không biết bố trí vào chỗ nào cả, bố trí làm chủ tịch mặt trận liền bị khiếu kiện: sao ông này thi rớt công chức mà làm chủ tịch mặt trận? Cần có quy định không phải công chức có được bố trí vị trí cán bộ chủ chốt ở cấp xã trở lên không, vì trường hợp này là nhiều đấy”, đại biểu đề nghị.

Phát biểu của đại biểu Y Khút Niê nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Sau khi đọc ý kiến này, có người bày tỏ: "Đại biểu mà phát biểu lạ. Vốn dĩ phải tổ chức thi để tạo công bằng. Thay vì đề nghị xét thì đề nghị nội dung thi phải sát thực tế, không được lý thuyết. Người bản lĩnh sẽ không sợ rớt!".

Người khác bình luận: "Bó tay tư duy này thì bao giờ mới phát triển được!". 

Nhiều người thì đề nghị: "Nên bỏ luôn công chức. Cứ thi tuyển chức danh, đậu thì làm".

Thậm chí có người mạnh dạn góp ý: "Quốc Hội nên xem xét lại quy định về nâng ngạch công chức: chuyển ngạch tối đa chỉ chênh lệch 1 bậc (3 năm). Ví dụ: 3,66 (01003) chuyển sang 4,4 (01002) là chênh lệch gần 10 năm (ngân sách nhà nước chi lương cho đối tượng này rất lớn), nên quy định bậc 5/9 mới đủ điều kiện dự thi. Vậy, các giám đốc sở lúc còn là chuyên viên sao không đi học và dự thi nâng ngạch, giờ lại sợ thi trượt? Nên có quy định, bổ nhiệm cán bộ quản lý (theo chức vụ quy định phải là chuyên viên chính hoặc chuyên viên cao cấp)”.

Phát biểu của đại biểu Y Khút Niê thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận. Nhiều người băn khoăn, nếu thực trạng đúng như ý kiến của đại biểu nêu, thì sẽ có bao nhiêu cán bộ chủ chốt từ cấp phó giám đốc sở trở lên "sợ trượt khi phải đi thi nâng ngạch công chức"? Nếu sợ trượt khi đi thi thì có đủ bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đạo đức, trí tuệ để làm lãnh đạo hay không? Hiện, có bao nhiêu cán bộ chủ chốt "sợ" và có nên làm một cuộc điều tra về hiện tượng cán bộ chủ chốt sợ đi thi hay không?...

Sinh thời Bác Hồ từng nói: “Cán bộ nào, phong trào ấy”; “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Khổng Tử cũng cho rằng: “Người cầm quyền, bậc quân vương phải chính. Lấy chính dẫn dắt người, ai dám không chính”? V.I. Lênin - lãnh tụ, người thầy của cách mạng vô sản thế giới - nhấn mạnh: “Tìm ra những cán bộ có bản lĩnh… đó là then chốt nếu không thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn”! 

Ngày 12/5/2018, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Phải coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”.

Thực tế hiện nay, nhân dân luôn đòi hỏi cán bộ lãnh đạo từ Trung ương tới cơ sở phải thực sự là tấm gương ngời sáng về phẩm chất, năng lực và uy tín. Nhân dân cũng mong bộ máy lãnh đạo cần phải được tinh gọn. Đường hướng xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược đã được Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đề ra. Thiết nghĩ, việc triển khai thực hiện phải thực sự là một cuộc cách mạng về tư duy của cán bộ, đặc biệt những người đứng đầu các cấp, các ngành, tỉnh, thành phố,... trong cả nước.

Thế nên, những cán bộ chủ chốt nào "đi thi thấy sợ" thì nên rút lui để nhường chỗ cho những người đủ phẩm chất chính trị, đạo đức , trí tuệ và tài năng hơn mình lên thay!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ