[CAFÉ CUỐI TUẦN] Kẻ buông, người hứng

Nhàđầutư
Trong khi Đồng Nai từ chối cấp phép đầu tư thì việc tỉnh Tiền Giang chấp thuận dự án thép không gỉ cán nguội của nhà đầu tư Yong Jin Mental (Trung Quốc) cho thấy việc cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành hệ thống thông tin về đầu tư nước ngoài là cần thiết và quan trọng.
PHONG CẦM
08, Tháng 06, 2019 | 07:34

Nhàđầutư
Trong khi Đồng Nai từ chối cấp phép đầu tư thì việc tỉnh Tiền Giang chấp thuận dự án thép không gỉ cán nguội của nhà đầu tư Yong Jin Mental (Trung Quốc) cho thấy việc cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành hệ thống thông tin về đầu tư nước ngoài là cần thiết và quan trọng.

D1F8E079-819D-4F5C-B48C-AE286833A7C2

Hoạt động sản xuất thép cuộn tại Công ty Formosa Hà Tĩnh (Ảnh minh hoạ)

Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của dư luận khi tỉnh Đồng Nai kiên quyết không cấp phép đầu tư cho dự án thép không gỉ cán nguội của nhà đầu tư Yong Jin Mental (Trung Quốc) thì tỉnh Tiền Giang lại chấp thuận để nhà đầu tư này đến với mình với nhiều ưu đãi đặc biệt.

Hiện, năng lực sản xuất thép không gỉ trong nước đang dư thừa, nên việc Tiền Giang chấp thuận dự án thép không gỉ cán nguội của nhà đầu tư Yong Jin Mental (Trung Quốc) càng khiến nguồn cung tăng thêm, khiến các nhà sản xuất thép quan ngại.

Trước đó, Công ty Yong Jin Metal đã hai lần tiến hành các thủ tục đăng ký giấy phép đầu tư tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (Đồng Nai) vào tháng 4/2017 và tháng 8/2018. Tỉnh Đồng Nai đã từ chối đơn xin cấp phép đầu tư cho dự án này trong cả hai lần sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan Trung ương về tình hình dư thừa cung - cầu sản phẩm thép trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ trong 8 tháng, công ty này đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư tại Khu công nghiệp Long Giang (tỉnh Tiền Giang).

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đánh giá, đây là hiện tượng lẩn tránh đầu tư của Công ty Yong Jin Mental trong việc xin cấp giấy phép đầu tư dự án tại Việt Nam.

Điều đáng nói là khi dự án này được đầu tư vào Khu công nghiệp Long Giang (một trong những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), nên được hưởng các ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Đó là thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm là 10% trong thời gian 15 năm (áp dụng từ năm đầu tiên có doanh thu), doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Đồng thời, dự án cũng được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong quá trình sản xuất hoặc hàng hóa làm mẫu theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu...

Tình trạng "kẻ buông, người hứng" trong thu hút vốn FDI đã xảy ra nhiều. Thực tế, cho thấy, tình trạng chạy dự án trong việc cấp giấy phép đầu tư nước ngoài đã và đang xảy ra. Nguyên nhân là do việc liên kết thông tin giữa các địa phương chưa thông suốt.

Vì các tỉnh, thành phố chưa thực sự thận trọng, xem xét thấu đáo trước khi cấp phép dự án đầu tư nước ngoài nên đây là kẽ hở để các nhà đầu tư lợi dụng. Và việc tỉnh này từ chối, tỉnh kia chấp thuận đầu tư như câu chuyện đang xảy ra tại Đồng Nai và Tiền Giang cũng là điều dễ hiểu.

Nước ta bắt đầu thu hút FDI từ năm 1988, giai đoạn từ 1996 đến quý III/2006, Chính phủ phân cấp cho chính quyền tỉnh, thành phố thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án FDI được giới hạn bởi quy mô vốn và lĩnh vực đầu tư. Trừ một số dự án FDI về dầu khí, bảo hiểm, ngân hàng, kiểm toán do các Bộ cấp phép, UBND TP. Hà Nội và TP.HCM được cấp phép các dự án FDI có vốn đăng ký đến 10 triệu USD; các địa phương khác đến 5 triệu USD; Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ được được cấp phép các dự án FDI có vốn đăng ký đến 30 triệu USD.

Từ quý IV/2006 đến nay, trừ một số dự án chuyên ngành vẫn quy định như cũ, Chính phủ đã giao cho chính quyền địa phương và Ban quản lý cấp phép các dự án FDI. Đối với các dự án có tầm quan trọng quốc gia thì phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở ý kiến của các Bộ liên quan.

Việc phân cấp cho các địa phương thẩm định, cấp phép các dự án FDI là cần thiết, tuy nhiên trong giai đoạn đầu không ít câu chuyện “cười ra nước mắt”.

Sau khi được phân cấp, các địa phương đua nhau thu hút vốn FDI để phát triển kinh tế xã hội. Nhiều nơi còn "trải thảm đỏ" để kêu gọi các nhà đầu tư với nhiều ưu đãi “khủng”. Chính sách thu hút đầu tư “trăm hoa đua nở”, ai cũng muốn kêu được thật nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến với mình.

Thiếu thông tin về nhà đầu tư, năng lực tài chính nhà đầu tư thế nào cũng không biết, nhưng cứ thấy nhà đầu tư đến đề nghị triển khai dự án là lãnh đạo tỉnh tiếp đón nồng nhiệt. 

Năm 2007, xuất hiện thông tin Tập đoàn Eminence (Hoa Kỳ) dự định đầu tư xây dựng nhà máy gang thép và các công trình phụ trợ tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với tổng vốn đăng ký 30 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư khổng lồ cũng như tính khả thi của dự án tạo sự quan tâm đặc biệt xen lẫn hồ nghi của dư luận, của những nhà quản lý thời điểm đó. Đến khi báo chí vào cuộc điều tra, hoá ra đây là nhà đầu tư "ảo". Tên công ty, địa chỉ và số điện thoại tại Mỹ đều là giả.

Trước đó, Tập đoàn Eminence cũng đã đến một tỉnh miền Trung khác. Họ được lãnh đạo tỉnh tiếp đón trọng thị vì nhu cầu thu hút vốn FDI phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà lúc này được cho là tiên quyết khi vốn đầu tư trong nước quá eo hẹp. Vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh tiết lộ với tác giải bài viết rằng đã “hầu hạ” nhà đầu tư này ròng rã mấy tháng trời. “Anh nói thật, chúng nó ăn mặc lịch sự, xe đẹp, giới thiệu giám đốc tài chính này, tài chính kia. Hoa hết cả mắt. Anh mất mấy trăm triệu, rồi đưa ra Hà Nội... để chăm bẵm chúng nó. Hoá ra chúng là bọn lừa đảo!”, vị lãnh đạo tỉnh chua chát.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, cần phải chặn được tình trạng chạy dự án trong việc cấp giấy phép đầu tư nước ngoài. Muốn vậy, cơ quan quản lý cần sớm ban hành hệ thống thông tin về đầu tư nước ngoài để các tỉnh, thành phố trong cả nước liên kết thông tin với nhau. Các tỉnh, thành phố cần phải thận trọng, xem xét kỹ hơn trước khi cấp phép dự án đầu tư nước ngoài. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng tỉnh này từ chối, tỉnh kia lại cấp phép. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ