[CAFÉ cuối tuần] Đại biểu phải tập nói!

Nhàđầutư
Tuần qua, Quốc hội có phiên chất vấn. Việc này không mới. Ngay khóa Quốc hội đầu tiên đã có chất vấn rất căng thẳng, sòng phẳng và dân chủ. Đó là vào ngày 31/10/1946, với 88 câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ đã phải trả lời đến tận đêm khuya.
NNGUYỄN THÀNH PHONG
09, Tháng 06, 2018 | 07:30

Nhàđầutư
Tuần qua, Quốc hội có phiên chất vấn. Việc này không mới. Ngay khóa Quốc hội đầu tiên đã có chất vấn rất căng thẳng, sòng phẳng và dân chủ. Đó là vào ngày 31/10/1946, với 88 câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ đã phải trả lời đến tận đêm khuya.

phung-xuan-nha

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV. Ảnh: VPQH

Từ buổi sáng, người dân đã đến nghe chất vấn càng lúc càng đông, đứng ngồi kín trong và ngoài Nhà hát Lớn. Họ được vào dự thính kỳ họp, có quyền khen chê Chính phủ. Đại diện các lãnh sự quán Anh, Mỹ, Trung Quốc, Thụy Sĩ, các phóng viên nước ngoài như Mỹ, Pháp, Hoa và nhiều phóng viên Việt Nam có mặt để đưa tin.

Đã gần nửa đêm mà giọng Hồ Chủ tịch vẫn âm vang để nhận xét về các chất vấn của đại biểu: "Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, thắc mắc khó trả lời, đề cập đến tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mạng của nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập".

Bắt đầu từ tháng 12/1985, tại một kỳ họp Quốc hội khóa VII, đã nổ ra chất vấn căng thẳng về chính sách giá, lương, tiền bất cập mới thực hiện hồi giữa năm ấy. Khóa VIII tiếp đó thì hoạt động chất vấn đã thành nội dung theo kế hoạch. Đến khóa IX, năm 1994, hoạt động chất vấn bắt đầu được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình và phát thanh.        

Ngày nay, mỗi bộ trưởng phải đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội là nhận một sức ép ghê gớm, như phải trải qua một kỳ thi vấn đáp sống chết ấy. Tôi biết có bộ trưởng đã mở tiệc chiêu đãi đồng sự, thở phào khoan khoái: “May quá, xin mãi, kỳ này thoát chất vấn rồi!”. Còn không xin được thì căng thẳng vô cùng.

Có bộ trưởng ra lệnh cấm tất cả các vụ trưởng, cục trưởng giúp việc không được đi đâu trong thời gian chuẩn bị và trả lời chất vấn, sẵn sàng họp đêm ngày để “giải cứu”. Cũng đủ các kiểu chuẩn bị như trò đi thi: Tìm cách tiếp cận, dò xem đại biểu “loại gai góc” sẽ chất vấn gì để “đối phó”; Lobby đại biểu thân thiết, gợi ý họ chất vấn mình để giải tỏa, kéo dài thời gian cho… chủ động. Nhưng sau hết vẫn phải chuẩn bị kỹ càng, thực chất, nắm chắc vấn đề để… đối mặt.

Còn các đại biểu thì sao? Chất vấn trước hết là để thể hiện mình trước cử tri, tạo ấn tượng, có cơ thăng tiến tiếp; Hỏi vấn đề này là để chuẩn bị cho sắp tới mình sẽ trình Quốc hội và Chính phủ xin cho địa phương cái này, việc kia; Chất vấn là nhằm để phối hợp với đồng sự thực hiện kế hoạch, phương hướng đã bàn định với nhau… Nói chung, chất vấn tại Quốc hội là thực chất, là “nóng”, và cũng có cả việc sắp xếp, bố trí, trình diễn... Tất nhiên, điều đó là cần thiết và hợp lý.

Lịch sử và vấn đề thì như thế. Nhưng các phiên chất vấn hiện nay vẫn có những điều… buồn cười, như là lần đầu tiên được biết đến vậy. Lạ quá! Như kỳ chất vấn vừa rồi, việc các bộ trưởng đăng đàn thì thôi, không bình luận nữa, nói chung là có tiến bộ, người nhiều, người ít… Nhưng khi có sức ép thời gian để hỏi, lại lộ ra chất lượng đại biểu hơi bị… kém.

Đã quy định thời gian hỏi ngắn, mà cứ cà kê dê ngỗng, cuối cùng chả hỏi được. “Kính thưa Quốc hội! Kính thưa bộ trưởng kính mến! Tôi đã… (khoe mình đã xem, đã đọc, đã làm…). Tôi rất… (quan tâm, chia sẻ, tâm huyết). Tôi còn băn khoăn… (ý là sâu sát, hiểu biết, có trách nhiệm). Tôi xin hỏi bộ trưởng…”. Ting ting… Chuông báo hết giờ. Đành ngượng nghịu cười trừ, ngồi xuống. Có mấy vị cầm cả giấy viết sẵn, đang hỏi dở, cố hỏi nốt rồi cũng cười trừ ngồi xuống. Nói như lần đầu tiên là vì vậy. 

Kỳ chất vấn vừa rồi có đổi mới quy định. Hỏi một phút, trả lời ba phút. Một phút là 60 giây. Người ta đã tính, một giây nói được 3 từ, lên bổng xuống trầm như đọc bút ký trên đài ấy. Hỏi có mấy câu, 60x3=180 từ, tha hồ rồi. Trả lời 3 phút, 3x60x3=540 từ, bằng một bài báo ngắn tôi viết, được trả 500 ngàn đồng nhuận bút, đã quá, còn gì! Đấy là quy định rất hợp lý.

Nói thêm, một sét quảng cáo bây giờ trên sóng truyền hình, người ta tính có 15 giây, hai set 30 giây, tiền có khi phải trả cả mấy ngàn đô. Cái câu: “Việc này tôi giải quyết trong 30 giây” là từ đấy mà ra. 3 từ/giây là nói thong thả, tình cảm. Còn trốn để phù hợp quy định bắt buộc khi quảng cáo về thuốc, về sữa, nói như chạy: “Đọc.kỹ.hướng.dẫn.sử.dụng.trước.khi.dùng”, “Sữa.mẹ.là.tốt.nhất.cho.trẻ.sơ.sinh” thì có khi đến 5 hoặc 6 từ/giây.

Lại nhớ ngày xưa, khi mới có điện thoại di động, nghe bảo cuộc gọi chỉ tính cước từ giây thứ 2, thứ 3 gì đó sau khi thiết lập. Để trốn cước, vợ chồng gọi cho nhau. Vợ: “Đên.đeo.em.đi”/Ngắt máy. Chồng: “Đeo.chô.nao”/Ngắt máy. Vợ: “Ơ.cho.lon”/Ngắt. Hay chưa, 10 từ, 3 cuộc gọi, mỗi cuộc dưới một giây. “Đến đèo em đi!”, “Đèo chỗ nào?”, “Ở Chợ Lớn!”. Vẫn đầy đủ sắc thái tình cảm, lại giàu liên tưởng mà không tốn tiền nhé. Thế mà đây những 60 giây trên sóng truyền hình mà nói không nên đọi. Khổ!

Ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy. Nói tốt, trình bày tốt tức là ruột tư duy tốt. Tất nhiên, có khi ruột tốt rồi mà vỏ chưa tốt theo. Vì thế mà phải học nói.

Tôi có câu chuyện muốn chia sẻ với các đại biểu nói chưa được. Hồi trước, tôi làm thư ký tòa soạn báo. Tổng biên tập là nhà thơ, phó chủ tịch hội, đại biểu Quốc hội. Tôi đưa bài duyệt tối hôm trước, sếp hẹn trưa hôm sau trả tôi để trình bày. Dịp ấy Quốc hội đang chất vấn. Trưa, tôi cơm rượu xong, về báo, đến phòng sếp. Cửa khóa. Bỗng từ trong vang ra, như ti vi đang mở, tiếng sếp vang vang: “Kính thưa Quốc hội. Đây là vấn đề rất lớn, rất bức thiết. Trong tình cảm và trái tim, chúng ta đều rất sốt ruột. Nhưng giải quyết, cần trí tuệ, căn cơ, bình tĩnh… Chúng ta phải sốt ruột một cách bình tĩnh!”.

Chết tôi rồi, mình say sưa rượu chè, về muộn, sếp đã đi họp, đang phát biểu trên ti vi tường thuật rồi. Tôi ngao ngán tự trách mình, quay lưng bước đi… Bỗng cửa phòng mở, sếp đưa tôi tập bài đã duyệt, rồi đi vội. Tôi đứng như trời trồng, chả hiểu làm sao, hay mình đang mơ? Đến tối, xem lại ti vi, thấy có đoạn sếp nói đúng như mình nghe buổi trưa vang ra sau cánh cửa khóa trái. Các đại biểu cười, khoái chí, vỗ tay rào rào sau phát biểu của sếp. Từ đó cụm từ “sốt ruột một cách bình tĩnh” trở nên thông dụng. Hóa ra, trưa hôm ấy, sếp khóa cửa, tập phát biểu, tập chém tay, tập nhíu mày biểu cảm…

Thế đấy, nói chưa quen, nói lần đầu thì phải tập. Tập chay cũng được, hay tốt nhất là “biến” cha mẹ, con cái mình thành đại biểu Quốc hội mà tập thử, xem có ổn không, chả hơn vạn lần phơi mặt ngượng nghịu để ti vi quay à?

Tất nhiên, chỉ tập khi mình đã nắm chắc vấn đề, để rồi mà tự tin nói tiếp, chứ lơ ngơ, chả hiểu biết đến đầu đến đũa, thì tập mãi cũng hỏng…

Nhân đây, xin đề nghị, chuẩn bị nhân sự cho Quốc hội khóa tới, ngoài các tiêu chuẩn đã có, còn cần xem xét cả khoa nói của các ứng viên, thậm chí cho họ sát hạch trước cử tri nhiều lần, thấy nói đạt rồi thì hãy “chấm” họ vào danh sách…    

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ