Ai được lợi đầu tiên?

Quyết định giảm các lãi suất điều hành từ ngày 16-9 của Ngân hàng Nhà nước. Tuy trước mắt chỉ giúp một số ngân hàng giảm chi phí nhờ tận dụng được nguồn vốn có giá rẻ hơn, nhưng về lâu dài lợi ích đó sẽ lan tỏa đến doanh nghiệp.
THỤY LÊ
23, Tháng 09, 2019 | 13:20

Quyết định giảm các lãi suất điều hành từ ngày 16-9 của Ngân hàng Nhà nước. Tuy trước mắt chỉ giúp một số ngân hàng giảm chi phí nhờ tận dụng được nguồn vốn có giá rẻ hơn, nhưng về lâu dài lợi ích đó sẽ lan tỏa đến doanh nghiệp.

e9421_giamlaisuatdieuhanhaiduocloi

Quyết định hạ lãi suất trước mắt của Ngân hàng Nhà nước vẫn mang lại lợi ích cho một số ngân hàng và có thể lan tỏa rộng hơn trong thời gian tới. Ảnh: ĐẶNG THỰC

Bài viết Những tín hiệu cho nới lỏng chính sách tiền tệ (/td/292802/nhung-tin-hieu-cho-noi-long-chinh-sach-tien-te.html) trên TBKTSG, số ra ngày 15-8-2019, đã đề cập đến khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể quyết định giảm các lãi suất điều hành chủ chốt như tái cấp vốn và tái chiết khấu. Ngày 13-9-2019, dự báo này đã thành hiện thực. Nhưng ai sẽ được hưởng lợi từ quyết sách này?

Nỗ lực co kéo

Như vậy, sau hơn hai năm kể từ lần giảm 0,25 điểm phần trăm các mức lãi suất điều hành kể trên vào tháng 7-2017, NHNN mới quyết định điều chỉnh giảm lãi suất thêm lần nữa, trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương khắp thế giới đã liên tiếp giảm lãi suất kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt tần suất gia tăng trong hai tháng trở lại đây sau khi Trung Quốc phá giá mạnh nhân dân tệ vào đầu tháng 8-2019.

Đây cũng đánh dấu lần thứ 11 giảm lãi suất điều hành liên tiếp của NHNN tính từ tháng 10-2011 đến nay, thời điểm mà lãi suất tái cấp vốn đang ở mức cao kỷ lục 15%, còn lãi suất tái chiết khấu 13%. Điểm lại như thế để thấy nỗ lực của nhà điều hành trong việc điều tiết vĩ mô, kéo mặt bằng lãi suất đi xuống và giữ ổn định trong suốt tám năm qua lớn như thế nào.

Một số ý kiến cho rằng động thái giảm lãi suất mới đây chủ yếu chỉ mang tính định hướng và đơn thuần là “liều thuốc” tâm lý cho thị trường, trong bối cảnh nhiều ngân hàng thời gian qua đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi mà điều này có thể gây ra một số bất ổn, chứ khó có thể tác động lên mặt bằng lãi suất hiện nay.

Dù vậy, quyết định hạ lãi suất trước mắt của NHNN vẫn mang lại lợi ích cho một số ngân hàng và có thể lan tỏa rộng hơn trong thời gian tới. Điều quan trọng hơn là hành động này cho thấy nhà điều hành còn khá nhiều dư địa trong việc điều hành chính sách tiền tệ, cũng như giải pháp để gián tiếp tác động lên tỷ giá theo mục tiêu đề ra.

Những ai được lợi?

d8724_3_405

 

Nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước có lẽ là đối tượng được lợi đầu tiên, khi các ngân hàng này thường xuyên sử dụng nghiệp vụ vay tái cấp vốn và vay tái chiết khấu, do đó cũng có số dư nợ vay NHNN lớn nhất hiện nay và phần lớn trong khoản này là vay tái cấp vốn theo hồ sơ tín dụng và vay chiết khấu giấy tờ có giá (GTCG).

Đứng đầu phải kể đến BIDV. Theo báo cáo tài chính bán niên 2019 soát xét của BIDV, số dư vay NHNN đến cuối tháng 6-2019 của ngân hàng này là 10.084 tỉ đồng, giảm 617 tỉ đồng so với đầu năm. Với mức giảm lãi suất 0,25% vừa qua, BIDV có thể tiết kiệm được bình quân 26 tỉ đồng/năm tiền lãi vay trả cho NHNN.

Kế tiếp là Vietcombank với 5.748 tỉ đồng, tăng 2.167 tỉ đồng so với đầu năm, trong đó vay theo hồ sơ tín dụng cuối tháng 6-2019 là 2.510 tỉ đồng, vay cầm cố GTCG là 2.522 tỉ đồng và vay khác là 715 tỉ đồng. Tương tự, Vietcombank có thể tiết kiệm được 12 tỉ đồng/năm.

Trong khi đó, số dư của VietinBank là 3.022 tỉ đồng, giảm 372 tỉ đồng so đầu năm, với 3.015 tỉ đồng vay tái cấp vốn và gần 7 tỉ đồng vay tái chiết khấu, theo đó giúp giảm lãi phải trả NHNN ước bình quân mỗi năm là hơn 8 tỉ đồng.

Còn tại Agribank, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, số dư nợ vay NHNN cuối năm 2018 là 1.783 tỉ đồng, giảm mạnh 5.643 tỉ đồng so với năm 2017, gồm 1.770 tỉ đồng vay tái cấp vốn và gần 13 tỉ đồng vay tái chiết khấu. Nếu tính theo số dư bình quân thì Agribank tiết kiệm được hơn 11,5 tỉ đồng.

Mặc dù chi phí lãi vay tiết kiệm được theo ước tính kể trên của các ngân hàng này là rất khiêm tốn so với con số lợi nhuận lên đến hàng ngàn hay hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm, nhưng những lợi ích tiềm tàng sau đó có thể còn lớn hơn rất nhiều. Cụ thể, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn thấp nhất hiện nay của bốn ngân hàng này đang ở mức 4,5% cho kỳ hạn một tháng, vẫn đang cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với lãi suất tái chiết khấu mới được điều chỉnh, nên các ngân hàng có thể tìm kiếm các khoản vay tái chiết khấu để có thêm nguồn vốn phát triển kinh doanh thay vì tăng cường huy động từ dân cư.

Hay nói cách khác, giả sử với 10.000 tỉ đồng phải chịu lãi suất huy động thấp nhất là 4,5%/năm cho kỳ hạn một tháng và cao nhất là 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, mỗi năm phải chi trả tiền lãi từ 450-700 tỉ đồng, thì các ngân hàng nếu sở hữu các GTCG có thể vay chiết khấu tại NHNN chỉ với lãi suất 4%/năm, tức tiền lãi phải trả NHNN là 400 tỉ đồng cho khoản vay 10.000 tỉ đồng, theo đó có thể giảm chi phí huy động từ 50-300 tỉ đồng, miễn là vẫn đảm bảo được các tỷ lệ an toàn thanh khoản theo quy định của NHNN.

Nếu chi phí vốn đầu vào tối ưu hơn, các ngân hàng có thể cân nhắc đến việc giảm lãi suất cho vay đầu ra hoặc ít nhất là không tăng, đặc biệt khi động thái giảm lãi suất vừa qua của nhà điều hành đã thể hiện rõ định hướng muốn kéo lãi suất giảm thì có lẽ không ngân hàng nào muốn đi ngược với định hướng. Đến lúc này thì nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng sẽ được lợi từ việc giảm lãi suất.

Cũng cần nhớ lại rằng chỉ mới cách đây một tháng rưỡi, thời điểm đầu tháng 8, nhóm bốn NHTM nhà nước đã đồng loạt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, về chỉ còn 6%. Dù không chính thức nói ra, nhưng có thể thấy việc giảm lãi suất điều hành lần này cũng có thể hiểu như một “món quà” đền đáp cho nỗ lực chia sẻ và hỗ trợ lãi suất cho nền kinh tế của nhóm Big 4 theo mục tiêu của Chính phủ và NHNN.

Về lâu dài, nhóm các NHTM cổ phần cũng có thể lựa chọn giải pháp vay tái chiết khấu nhiều hơn do lãi suất đã giảm về mức hấp dẫn, nhất là thời gian qua nhiều ngân hàng ngày càng tích lũy thêm được một lượng lớn GTCG là các trái phiếu, tín phiếu NHNN. Và biết đâu mọi thứ sẽ chưa dừng lại, với những đợt giảm lãi suất khác sẽ đến trong tương lai, khi mà công cụ chính sách này vốn đã nằm im suốt hai năm qua nay đã bắt đầu được sử dụng trở lại.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24625.00 24945.00
EUR 26301.00 26407.00 27573.00
GBP 30639.00 30824.00 31774.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26849.00 26957.00 27794.00
JPY 159.52 160.16 167.58
AUD 15876.00 15940.00 16426
SGD 18054.00 18127.00 18664.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17893.00 17965.00 18495.00
NZD 0000000 14638.00 15128.00
KRW 0000000 17.58 19.18
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ